Bát mì sân bay, thượng đế và hạ đế
Nhưng trong khi chờ đợi, thì hẳn các Thượng đế vẫn còn phải trả giá bới cái sự làm ăn ma giáo đầy kịch tính. Và vì đầy kịch tính, nên Thượng đế vẫn sẽ phải “dấn thân” vào cái sự… nửa khóc nửa cười!
Ùn tắc khi làm thủ tục tại sân bay. Ảnh: Vũ Điệp
Tuần qua, có hai vụ việc, một thuộc về bầu trời, một thuộc về mặt đất, khác biệt nhau hoàn toàn về công việc, môi trường, hoàn cảnh, nhưng giống nhau một điều khiến dư âm của cả hai vụ việc này chẳng biết nên khóc hay nên cười. Hay nửa cười nửa khóc?Bởi gánh chịu hậu quả của cả hai phía- trời và đất- lại đều thuộc về … con người. Chính xác là những người dân thường, là khách hàng- thường được gọi một cách hoa mỹ là Thượng đế.
Thượng Đế, nghĩa đen là “Vua ở trên cao” một cách tôn kính.
Còn ở đây, các Thượng đế luôn phải nằm vạ vật tại các sân bay. Bởi máy bay các hãng (hàng không VN), phương tiện chở Thượng đế đi công tác, nghỉ phép, đi chơi, 06 tháng qua, luôn bị chậm, bị hủy, mà tỷ lệ này lại tỷ lệ… thuận với thời gian. Đến 25% trên tổng số chuyến bay. Trong khi con số này cùng kỳ năm ngoái là 16%. “Đứng đầu” lại là hãng có tuổi đời non trẻ. Đứng cuối lại là hãng… già đời. Rõ là trẻ chưa chắc đã nhanh, già chưa chắc đã chậm?
Lý giải hiện tượng này, báo cáo của Cục HK nhìn nhận: Trong các nguyên nhân của việc chậm chuyến, hủy chuyến, có tới 50% xuất phát từ lý do thương mại, nói theo nghĩa đen, là tiền bạc, lờ lãi. Tiếp đến mới là tại cơ sở vật chất của cảng HK. Tính ra, cứ 04 chuyến bay có một chuyến chậm hoặc hủy.
Nhưng trước đó, tháng 06, một vụ việc xảy ra hệt tinh thần tác phẩm “Những người thích đùa” của nhà văn Aziz Nesin. Đó là việc máy bay của một hãng HK chở khách đi Đà Lạt, lại hạ cánh nhầm ở Cam Ranh. Chỉ vì tổ lái không được thông báo đầy đủ theo quy định. Cũng may mà tổ lái mới chỉ lái nhầm từ Đà Lạt thành Cam Ranh… Nhưng điều này mới đáng quan tâm, Cục HKVN đã báo cáo vụ việc muộn, có dấu hiệu bưng bít thông tin.
Còn vụ việc này, xảy ra mới đây thì khó có thể cười. Do thiếu trách nhiệm và thiếu kinh nghiệm, kiểm soát viên không lưu đã cấp lệnh cho máy bay của Jetstar Pacific cất cánh trên đường băng 17L (sân bay Đà Nẵng), trong khi một máy bay của Vietnam Airlines vừa hạ cánh, chưa kịp thoát ra khỏi đường bay. Cú thiếu “kép” của vị kiểm soát viên không lưu, khiến hai máy bay suýt va chạm ngay trên đường băng. Thử hỏi, nếu hai chiếc máy bay đụng đầu, chuyện gì sẽ xảy ra, con người sẽ làm gì, nếu không phải là khóc?
Trong khi các Thượng đế còn phải đang nằm vạ vật tại các sân bay, lại có tới gần một triệu Thượng đế ở Thủ đô Hà Nội phải chịu cảnh… ở bẩn. Chỉ vì một đường ống dẫn nước sông Đà, do Vinaconex, một DN lớn, nổi tiếng, chịu trách nhiệm thầu, và được đưa vào sử dụng từ năm 2009, bị vỡ. Vinaconex thì mạnh mẽ, hoành tráng là thế, mà cái đường ống lại hơi…ẻo lả. Tí là vỡ, tí là vỡ.
Chả thế, chỉ mới 05 năm sử dụng, đường ống này đã bị vỡ toác tới 09 lần, một con số vốn được người Việt tin là may mắn, nhưng lại khiến cho gần 70000 gia đình chả… may mắn tí nào, khi không có cả nước ăn lẫn rửa ráy, giữa mùa hè nắng nóng 38-39 độ C. Báo Xây dựng, ngày 17/7 đã phải giật một cái title không thể nản hơn: Nỗi thất vọng mang tên Vinaconex!
Cả hai vụ việc của Trời và của Đất, còn khéo giống nhau ở chỗ, các sai phạm rút cục, toàn thuộc vấn đề kỹ thuật, trừ nguyên nhân sai phạm quản lý, điều hành.
Hiện trạng chậm, hủy chuyến bay, được Cục HK tìm ra 05 nhóm nguyên nhân cũng vậy. Chỉ thấy toàn là lỗi của các hãng HK. Kết quả, các Thượng đế lang thang trong sân bay, hệt những kẻ xảy nhà ra thất nghiệp, được thưởng thức bát mì tôm giá tới 80.000-100.000 đồng cắt cổ. Chỉ vì kiểu kinh doanh độc quyền, trục lợi và vì những tính toán thương mại, cạnh tranh không lành mạnh của các hãng bay.
Liên tiếp 9 lần vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà
Còn phía Bộ Xây dựng, trong bài báo của báo Xây dựng, cũng chỉ ra nguyên nhân: Vỡ đường ống dẫn nước sông Đà do chất lượng đường ống không đảm bảo một số chỉ tiêu cơ lý, không có cuộc thí nghiệm nào chứng minh độ bền của đường ống. Đường ống kém chất lượng, xuất phát từ việc Vinaconex lựa chọn nhà thầu năng lực yếu, đơn vị giám sát thiếu năng lực và trách nhiệm. Không thấy một lời nào kết luận nào về cung cách quản lý sơ sểnh.
Chả thế, Phó GS. TS Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng bình rất tinh tế: Việc lãnh đạo Vinaconex xin lỗi, và động thái thiết lập đội xử lý khẩn cấp chứng tỏ lãnh đạo đơn vị này đã biết lỗi của mình. Nhưng trong cuộc sống, có những lỗi có thể xin được, có lỗi lại phải quy trách nhiệm để xử lý. Hay xin lỗi đã được tính là… xử lý?
Trong khi ông Bộ trưởng Đinh La Thăng, ở ngay cuộc họp tổng kết của các hãng bay, đã phải khẳng định, 90% nguyên nhân tình trạng chậm, hủy chuyến bay là do sự yếu kém trong điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước, sau đó mới là do các hãng. Và ông đã có một phát ngôn khá ấn tượng: Cục HK còn vô cảm thì máy bay còn chậm, hủy chuyến. Lỗi lớn nhất tồn tại trong ngành HK hiện nay là luôn cho rằng “tôi không có lỗi gì mà là lỗi người khác. Ông cũng đề nghị Cục này phải có một đề án đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ HK.
Cái sự vô cảm, cái sự đá bóng trách nhiệm, từ lâu đâu phải là “cốt cách” hay “bản sắc” của riêng ai, ngành nào cấp nào, thưa Bộ trưởng?
Chẳng biết Cục HK rồi đây sẽ xây dựng đề án đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ HK ra sao? Và cũng chẳng biết Vinaconex bị xử lý thế nào, chứ được biết mới đây, t/p HN lại giao cho DN này tiếp tục việc thi công ống nước số 2. Trong khi bản thân Vinaconex tự thú, chưa có kinh nghiệm làm đường ống kiểu này. Và giờ, Vinaconex lại tiếp tục vừa đá bóng vừa thổi còi ở tất cả các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, tư vấn giám sát…
Người viết bỗng nhớ một tình huống “phạm luật” khi phải thi bằng lái xe. Đầu đề, một người lái xe đâm phải một người đi đường. Hỏi xử lý thế nào? Câu trả lời: Vác người bị thương để lên xe đưa đến bệnh viện cấp cứu! Tương tự, cái việc Vinaconex tiếp tục được giao làm đường ống nước số 02, có khác gì trao vào tay lái xe gây họa quyết định lần nữa số phận của người bị thương?
Những ngày này, chuyện Biển Đông chưa bao giờ lắng dịu. Đâu đâu cũng nói đến tăng cường sức mạnh kinh tế, sức mạnh nội lực nước Việt, để tránh phụ thuộc vào “người anh em TQ”. Việc đó, đôi khi đòi hỏi bắt đầu từ những việc làm lương thiện trong các DN, bớt đi sự tham nhũng, ăn tiền bất lương.
Nhưng trong khi chờ đợi, thì hẳn các Thượng đế vẫn còn phải trả giá bới cái sự làm ăn ma giáo đầy kịch tính. Và vì đầy kịch tính, nên Thượng đế vẫn sẽ phải “dấn thân” vào cái sự nửa khóc nửa cười!
Hay gọi quách, từ nay, là các “Hạ đế” cho khỏi phải tôn kính… giả vờ?
Kỳ Duyên
(Tuần Việt Nam)
Hạ đế thì cũng vẫn là "đế" nghĩa là vẫn là vua đấy.
Trả lờiXóaBài này copy từ Tuần Việt nam- Báo xịn nhà nác- mà chữ nghĩa lởm khởm thế!