Việt Nam công bố các số liệu về nợ công
HÀ NỘI (NV) - Tính đến hết năm 2013, Việt Nam nợ 1,913 ngàn tỷ đồng, tương đương 53.4% GDP. Trong đó nợ của chính phủ Việt Nam là 1.488 tỷ ngàn tỷ đồng, tương đương 41.5% GDP. Ðây là số liệu do Bộ Tài Chính CSVN nêu trong Báo cáo về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công của chế độ Hà Nội để trình Quốc hội. Nếu tính riêng năm 2013, các khoản do chính phủ Việt Nam vay hoặc bảo lãnh để vay là 513,720 tỷ đồng, tăng 23.4% so với năm 2012.Cũng tính đến hết năm 2013, tổng số dự án được nhà cầm quyền VN bảo lãnh để vay là 104 dự án, trong đó có 23 dự án đã trả xong nợ. Những dự án này thuộc các lĩnh vực: hàng không, điện, dầu khí, xi măng,...
Riêng năm ngoái, chế độ Hà Nội bảo lãnh cho 8 dự án vay 3,161 triệu USD từ các tổ chức tín dụng ngoại quốc hoặc phát hành trái phiếu quốc tế. Theo báo cáo này, các khoản vay do chính phủ Việt Nam bảo lãnh đang có xu hướng tăng nhanh. Mỗi năm tăng khoảng 50%.
Năm ngoái, Việt Nam trả nợ khoảng 103,700 tỷ đồng. Khoản này chưa vượt qua mức 25% tổng thu ngân sách nhà nước và được khẳng định là “vẫn trong giới hạn an toàn theo thông lệ quốc tế.” Năm nay, nhà cầm quyền Hà Nội đề nghị Quốc Hội cho vay từ các nguồn trong nước khoản 367,000 tỷ để bù đắp khoản bội chi là 197,000 tỷ, cho phát hành lượng trái phiếu trị giá 100,000 tỷ đồng.
Chế độ Hà Nội cũng dự trù vay ngoại quốc qua các hình thức ODA, vay ưu đãi, vay thương mại khoản tiền 4,520 triệu USD, tương đương 95,800 tỷ đồng Việt Nam. Theo dự kiến, năm nay, Việt Nam dự trù sẽ dùng 208,883 tỷ đồng để trả nợ. Trong đó, dùng 159,683 tỷ đồng để trả nợ trong nước và 49,200 tỷ đồng để trả nợ ngoại quốc.
Bộ trưởng Tài Chính VN xác nhận, Việt Nam đang vay nợ mới để trả các khoản nợ phải trả dứt trong năm 2014. Viên bộ trưởng này thừa nhận rằng, nợ nần của chế độ Hà Nội đang tăng nhanh. So với năm 2010, nợ của năm 2011 tăng 24.8%, năm 2012 tăng 17%, và năm 2013 tăng 17.4%.
Nguyên nhân khiến nợ nần tăng nhanh là vì việc vay và sử dụng tiền đã vay chưa hợp lý. Việc phân bổ tiền đã vay còn dàn trải, chủ yếu chỉ dùng vào việc tăng quy mô chứ chưa chú trong hiệu quả.
Dẫu việc đi vay chủ yếu là nhằm phát triển kinh tế-xã hội (chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội), song hiệu quả đầu tư lại rất thấp (ICOR năm 2013 ở mức 5.62).
Ðáng chú ý là theo viên bộ trưởng Tài Chính, gần đây, số dự án được nhà cầm quyền trung ương bảo lãnh để vay nhưng gặp khó khăn trong việc trả nợ đang tăng. Số tiền mà Hà Nội phải ứng ra để trả thay tăng dần theo thời gian.
Năm 2010 phải trả thay cho các doanh nghiệp được bảo lãnh nhưng không trả được nợ là 1,676 tỷ đồng. Năm 2011 phải trả thay 2,437 tỷ đồng. Năm 2012 phải trả thay 2,588 tỷ đồng. Năm 2013 phải trả thay 3,072 tỷ đồng.
Mặt khác, vì Việt Nam đang trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nên việc vay ODA khó hơn, thời hạn vay ngắn hơn, lãi suất cao hơn và khoản tiền phải trả đang tăng dần. (G.Ð)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=189458&zoneid=2#.U5QUWdIW0Z4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét