Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Những điểm yếu của VN khi kiện TQ

Nói thật là tôi không tin VN sẽ thắng kiện. Không phải vì lý của ta yếu mà thực chất nằm ở thể chế, cách thức làm việc và trình độ cán bộ. Đặc biệt, cán bộ Bộ ngoại giao thì khỏi nói, dốt nát, tham lam, ích kỷ, vô văn hóa vào loại nhất trong hàng ngũ các quan chức chính phủ.
Những điểm yếu của VN trong vấn đề kiện tụng 
Dư luận gần đây, trên báo chí hay trên mạng internet, cho rằng cần phải kiện Trung Quốc về giàn khoan 981. Vấn đề là ta có thể kiện TQ về việc gì ? Nếu dựa vào các công bố của các học giả VN, trước hay trong những ngày gần đây, (đặc biệt là của Quĩ Nghiên cứu Biển Đông), nhắc trường hợp Phi kiện TQ để thúc đẩy VN làm tương tự. Theo tôi, nếu VN làm như vậy, xác xuất thắng kiện là vô cùng nhỏ.

Phi kiện TQ ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) gồm mười điều. Một số điểm chính : yêu sách đường 9 đoạn (là không phù hợp với luật biển), về quyền chiếm hữu các cấu trúc địa lý lúc chìm lúc nổi ở trong hải phận của Phi, về việc chiếm đóng và xây dựng trên các bãi lúc chìm lúc nổi, về hiệu lực của các bãi đá, về quyền tự do hàng hải v.v…

Nếu VN kiện, xem lại danh sách bảo lưu của TQ năm 1996 ở LHQ, nếu không lầm thì VN sẽ chỉ có thể kiện TQ (ở Tòa trọng tài theo phụ lục VII của công ước về Luật Biển 1982, hay một Tòa khác…), về việc mâu thuẩn của hai bên do cách diễn giải khác nhau về hiệu lực các đảo thuộc Hoàng Sa. Điển hình là đảo Tri Tôn mà phía VN gọi là « cấu trục địa lý » lúc chìm lúc nổi.

VN không thể kiện về hiệu lực « đường chữ U » vì vị trí giàn khoan 981 nằm trong vùng chồng lấn giữa các đảo Hoàng Sa và thềm lục địa Việt Nam (trong khi TQ chủ trương HS thuộc chủ quyền của họ). VN cũng không thể kiện về việc TQ đã chiếm hữu các cấu trúc địa lý (lúc chìm lúc nổi) nằm trong hải phận kinh tế độc quyền (ZEE) của mình. Các cấu trúc này, nếu có, cũng nằm trong vùng kinh tế độc quyền của các đảo Hoàng Sa.

VN cũng không thể kiện TQ do việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa (do TQ bảo lưu không chấp nhận giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng trọng tài quốc tế).

Nếu có thể xúc tiến việc kiện (theo kiểu của Phi), thì VN, hoặc yêu cầu Tòa tuyên bố các đảo Hoàng Sa quá nhỏ, không được hưởng qui chế đảo (theo định nghĩa của điều 121 Luật Biển 1982), chúng chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý mà thôi ; hoặc yêu cầu Tòa giải thích về hiệu lực « đảo » của các đảo Hoàng Sa.

Kiện như vậy Việt Nam có thể bị Estoppel. (Đại khái theo nguyên tắc luật học này, người ta không thể nói (hay làm) ngược lại những gì đã chủ trương trước kia.)

Theo tuyên bố của chính phủ CHXHCNVN ngày 12-5-1977, điều 5 qui định : « Các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam ở ngoài vùng lãnh hải nói ở Điều 1 có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng như đã quy định trong các điều 1, 2, 3, và 4 của Tuyên bố này ».
Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các quần đảo « ở ngoài vùng lãnh hải » theo qui định ở điều 1, nên mặc nhiên chúng có vùng (ZEE) 200 hải lý (theo điều 3).

Nội dung điều 6 của Tuyên bố 12-5-1977, cho thấy VN có ý định sẽ điều chỉnh các điều khoản trong tuyên bố này để phù hợp với luật quốc tế.

Vấn đề là VN chưa bao giờ làm việc này một cách công khai (để phù hợp với bộ Luật Biển 1982).

Trên thực tế một số đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa hội đủ các yếu tố « đảo » theo điều 121 (có người sinh sống, có nền kinh tế tự túc…) của Luật Biển 1982. Mặt khác, nhiều trường hợp phân định ranh giới biển, các quốc gia cho phép các đảo rất nhỏ, thậm chí không có người ở, vẫn được hưởng hiệu lực như trên đất liền. Một số nước như Nhật, Pháp… đều chủ trương các đảo của họ, dầu chỉ là một hòn đá nhỏ xíu nổi lên mặt nưóc, có đầy đủ hiệu lực.

Án lệ của CIJ Jan Mayen – Groenland (Đan Mạch – Na Uy) 1993 cho thấy đảo Jan Mayen rất nhỏ so (và không có người ở thường trực) so với tầm mức như là một lục địa của đảo Groenland (tương tự đảo Bạch Long Vĩ của VN và Hải Nam của TQ trong Vịnh Bắc Việt), nhưng quyết định của Tòa (dựa trên công ước về Biển 1958 vì luật Biển 1982 chưa hiệu lực), là đảo Yan Mayen có hiệu lực tương tự như đảo Groenland.

Bây giờ VN có thể yêu cầu Tòa tuyên bố ngược lại chủ trương của mình trước đó, là các đảo này quá nhỏ, không thể gọi là đảo theo định nghĩa của điều 121 ? Chỉ vì TQ đã quản lý quần đảo HS ?

Do mâu thuẫn lập trường, nguy cơ VN bị Estoppel rất lớn. Việc tòa bác đơn, đồng nghĩa với việc TQ có thể đòi hỏi hiệu lực các đảo HS thế nào cũng được. Điều quan trọng hơn, Tòa mặc nhiên nhìn nhận các đảo này không thuộc chủ quyền của VN.

Nếu VN yêu cầu Tòa giải thích hiệu lực các đảo Hoàng Sa. Hồ sơ VN cũng có thể bị bác. Hai bên VN và TQ, dầu không đồng ý với nhau mọi điểm do tranh chấp về chủ quyền HS, nhưng đã có một điểm chung về « hiệu lực các đảo » Hoàng Sa. Làm sao anh có thể yêu cầu tòa xử một vụ mà hai bên, nguyên và bị, đã đồng ý với nhau về kết quả ?

Do đó, người viết cho rằng cần phải gạt bỏ các đề nghị mang tính hấp tấp. VN cần một chiến lược pháp lý đã được kết tinh trong một quá trình nghiên cứu và suy nghĩ lâu dài. Kiện để thắng chứ không phải kiện để thua (hay có nguy cơ thua), như các đề nghị mang tính « mì ăn liền », hời hợt.
Lối thoát của VN, nếu chủ trương theo hướng « phân chia vùng biển » như hiện nay (của các học giả VN), cũng có thể thực hiện được. Chìa khóa của mọi vấn đề để VN không bị thiệt hại, là VN phải cương quyết khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa. Muốn làm được việc này, VN cần phải làm rõ lập trường về « một quốc gia Việt Nam » trong khoản thời gian 1954-1973. Tất cả để chứng minh VN có danh nghĩa chủ quyền ở HS.

Trên quan điểm đó (VN có chủ quyền ở HS không thể phản bác), VN có thể chủ trương việc phân định vùng biển « ngoài cửa vịnh Bắc Việt » (tức trong vùng có giàn khoan 981) là nối tiếp với việc « phân định trong vịnh Bắc Việt ». Hai bên có thể áp dụng công ước đã ký tháng 12 năm 2000 về hiệu lực các đảo để làm nền tảng. (Tương tự việc VN và TQ cùng đồng ý lấy các công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895 làm nền tảng để phân định lại biên giới năm 1999).

VN có thể dẫn các án lệ C.I.J tranh chấp lãnh thổ và phân định hải phận Colombie-Nicaragua 19-11-2012, cho thấy các đảo của Colombie không được tính trọn vẹn hiệu lực. VN cần nhấn mạnh về nội dung Luật Biển 1982 và các nguyên tắc « công bằng – équitabilité » cũng như « tỉ lệ – proportionnalité » đã được áp dụng rộng rãi trong các vụ phân định biên giới biển. Tức là đường biên giới biển được điều chỉnh theo tỉ lệ (chiều dài bờ biển hai bên) và sao cho diện tích hai bên được tương đồng (équitabilité). VN có thể dẫn các án lệ (về nguyên tắc công bằng và theo tỉ lệ) như các vụ C.I.J, Jamahiriya arabe libyenne/Malte 1985, Délimitation maritime en mer Noire (Roumanie c. Ukraine) C.I.J. 2009, Golfe du Bengale, TIDM, 14-3-2012…

VN đã chấp nhận phân định lại Vịnh Bắc Việt bằng luật Biển 1982 cùng với các nguyên tắc « công bằng – équitabilité » và « tỉ lệ – proportionnalité ». Việc này đã làm cho VN thiệt hại trên 11.000km² biển (so với đường phân chia theo công ước 1887).

VN chủ trương các đảo nhỏ ven bờ không có hiệu lực, (mà các đảo này hầu hết lớn hơn các đảo HS). Ngoài ra còn có đảo Bạch Long Vĩ và đảo Cồn Cỏ (các đảo này lớn hơn và đông dân hơn đảo Phú Lâm rất nhiều), các đảo này chỉ có hiệu lực rất giới hạn.

Vì vậy không thể cho các đảo Hoàng Sa có hiệu lực nhiều hơn đảo Bạch Long Vĩ (hay Cồn Cỏ) được.


Nếu phía TQ một mực không rút giàn khoan về, trong chừng mực Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ tháng 12-2000 đã bị vi phạm. VN có thể vịn vào các nguyên tắc đã qui định trong « Convention de Vienne sur les droits des Traités 1969 », cho rằng phía TQ đã vi phạm Hiệp định Phân định vịnh Bắc việt tháng 12-2000. Từ đó, theo các qui tắc hướng dẫn, để đưa TQ ra một tòa trọng tài.


Dĩ nhiên, VN còn nhiều lối thoát khác, có lợi hơn, tác giả sẽ trình bày sau. Bài này người viết chỉ đưa ra cái nhìn của mình đối với các « nghiên cứu », các « đề nghị » của các học giả VN, nhất là nhóm học giả thuộc « Quĩ Nghiên cứu Biển Đông ». Vì lo ngại rằng không khéo, VN sẽ bị sụp bẫy pháp lý. Cái bẫy do chính phe mình gài ra.

Trương Nhân Tuấn
(Blog Trương Nhân Tuấn)

http://nhantuantruong.blogspot.ch/2014/06/nhung-iem-yeu-cua-viet-nam-trong-van-e.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét