Vì sao Thủ tướng Nhật cứ thăm đền Yasukuni là nhiều nước phản đối?
Việc Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe đến thăm ngôi đền Yasukuni vào này 26.12 vừa qua nhân sự kiện kỷ niệm 1 năm cầm quyền đã gây lên phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và thậm chí từ trong nước. Họ coi đây là hành động gây tổn thương tâm lý người dân các nước láng giềng vì đền Yasukuni là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt và tội ác chiến tranh.
Chuyến thăm ngôi đền Yasukuni của ông Abe được phát sóng trực tiếp trên truyền hình Nhật Bản, trong bối cảnh đất nước đang đối đầu căng thẳng với Trung Quốc về tranh chấp lãnh hải ở khu vực biển đông đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng như tranh chấp với Hàn Quốc về một hòn đảo nằm ngay giữa hai nước.
Hình ảnh thủ tướng Abe cúi rạp người thể hiện lòng thành kính trước những linh hồn từng gây tội ác đã dấy lên làn sóng kích động, dù được giải thích rằng chuyến thăm này chỉ mang mục đích cá nhân.
Hình ảnh thủ tướng Abe cúi rạp người thể hiện lòng thành kính trước những linh hồn từng gây tội ác đã dấy lên làn sóng kích động, dù được giải thích rằng chuyến thăm này chỉ mang mục đích cá nhân.
Thủ tướng Abe nói rằng bản thân mình đã vô cùng hối tiếc trước đây vì đã không viếng ngôi đền này trong nhiệm kỳ đầu tiên. Sở dĩ ông chọn ngày 26.12 là để báo cáo với các linh hồn đang được thờ về những gì đã làm được trong năm và cũng để cam kết không bao giờ để cho người dân phải hứng chịu chiến tranh, chứ không hề có ý gây tổn thương tâm lý người dân các nước láng giềng và luôn coi trọng quan hệ song phương với Hàn Quốc và Trung Quốc.
Thủ tướng Abe cúi đầu cung kính.
Phía Trung Quốc cho rằng hành động của thủ tướng Abe là đang tôn vinh lịch sử xâm lược và cai trị thuộc địa của Nhật. Tần Cương, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Đây là sự thách thức kết quả của Chiến tranh thế giới thứ hai và thách thức trật tự quốc tế sau chiến tranh". Luo Zhaohui - Vụ trưởng Quan hệ châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng viết trên blog chính thức của bộ rằng: "Nhật Bản sẽ phải hứng chịu hậu quả về việc làm này".
Song song đó là Hàn Quốc cũng phản đối mạnh mẽ chuyến thăm của lãnh đạo Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hàn Quốc - Yoo Jin Ryong đã nói: "Chúng tôi không thể không lên án và bày tỏ tức giận trước việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm đền Yasukuni, bất chấp quan ngại và cảnh báo của các nước láng giềng. Một hành động đi ngược lại với lịch sử, không chỉ tổn hại cho mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, mà còn gây bất ổn cho hợp tác ở khu vực Đông Bắc Á. Nếu muốn hợp tác vì hòa bình quốc tế, Nhật cần phải xây dựng lòng tin với các nước láng giềng thay vì lật lại quá khứ".
Cùng ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo đã ra một thông báo về vấn đề trên, trong đó khẳng định rằng, "Nhật Bản là một nước đồng minh giá trị và là một quốc gia bè bạn đáng giá của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn cảm thấy thất vọng khi lãnh đạo Nhật Bản thực hiện một hành động có thể làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia láng giềng".
Thậm chí Nga cũng ăn theo phản ứng này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich đã bày tỏ lấy làm tiếc về chuyến viếng đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản Abe. Nhật Bản có đánh giá khác biệt về kết quả của Chiến tranh Thế giới thứ 2 so với nhận thức chung của thế giới.
Bình luận của ông Lukashevich cũng nhằm chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với nhóm đảo tranh chấp thuộc vùng lãnh thổ Phương Bắc mà phía Nga cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Nam Kuril.
Trong khi đó, phản ứng của các nhân vật thuộc đảng đối lập cũng khiến Thủ tướng Abe đau đầu, khiến uy tín của ông giảm sút nhanh chóng.
Natsuo Yamaguchi, lãnh đạo đảng New Komeito - liên minh chính trị với đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Abe nói rằng, đảng của ông đã nhiều lần ngăn cản chuyến thăm của Thủ tướng Abe đến khu vực tranh cãi trên, nhưng Thủ tướng Abe rất bảo thủ và hậu quả là khiến các mối quan hệ với các nước láng giềng ngày càng rạn nứt hơn và làm suy yếu vị thế của Nhật trong khu vực Đông Á.
Tổng thư ký Đảng Dân chủ Xã hội Nhật Bản, Seiji Mataichi cho rằng, hành động của ông Abe là không thể tin được và cho thấy ông Abe nghiêng về xu hướng chiến tranh.
Việc Thủ tướng Nhật quyết định thăm đền Yasukuni vào thời điểm này vì cho rằng ông đang nhận được tỉ lệ ủng hộ cao từ cử tri, nên sẽ không bị phản ứng mạnh ở trong nước.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò dư luận do hãng tin Kyodo News vừa thực hiện cho thấy, tỉ lệ những người ủng hộ Nội các của ông Abe hiện tại đã giảm còn khoảng 54,2%, trong khi tỉ lệ này ở thời điểm ông Abe mới nhậm chức hồi tháng 12.2012 là khoảng 62,0%.
Đây cũng là lần đầu tiên, một thủ tướng Nhật đương nhiệm đến thăm đền Yasukuni, kể từ sau chuyến thăm của Thủ tướng Junichiro Koizumi hồi tháng 8.2006. Tuy nhiên trong bối cảnh mối quan hệ trong khu vực đang có nhiều tranh chấp thì chuyến viếng thăm này của ông Abe có thể đẩy Nhật Bản vào tình thế bị cô lập khi làm mất lòng tin ở châu Á nói riêng cũng như cộng đồng quốc tế nói chung.
Đền Yasukuni trước đây có tên là Đông Kinh Chiêu Hồn, được xây dựng vào tháng 6 năm 1869 theo yêu cầu của hoàng đế Minh Trị để vinh danh những người lính đã chiến đấu và hi sinh cho công cuộc cải cách Duy tân và sự nghiệp lật đổ Mạc phủ. Vào năm 1879, ngôi đền được đặt lại tên Yasukuni Jinja và là một trong những nơi linh thiêng được lựa chọn cho việc thờ phụng khoảng 2,5 triệu chiến sĩ hy sinh cho nước Nhật.
Đền Yasukuni nơi thờ tự hơn 2 triệu binh lính Nhật Bản hy sinh vì đất nước
Tuy nhiên việc giới lãnh đạo Nhật Bản tới viếng thăm ngôi đền Yasukuni thường bị các nước láng giềng phản đối mạnh mẽ vì nơi đây cũng thờ tự 14 tội phạm hàng đầu trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, trong đó có Thủ tướng Hideki Tojo mà đã thực hiện nhiều tội ác ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên và Đài Loan. Do đó, đã từ lâu nhiều quốc gia đã coi đền thờ này là một biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.
Di ảnh của các binh lính Nhật trong đền.
Những tranh cãi về đền Yasukuni đã nổ ra mạnh mẽ gần như hàng năm, kể từ năm 1975 khi Thủ tướng khi đó là Miki Takeo đến viếng đền với tư cách cá nhân vào ngày 15.8 (ngày Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng quân đội Đồng Minh), vì họ xem đó là một nỗ lực để khơi gợi lại tinh thần quân phiệt Nhật Bản.
Ngay năm sau đó, người kế nhiệm ông là Thủ tướng Fukuda Takeo cũng đến thăm Yasukuni nhưng với chữ ký của một Thủ tướng đương nhiệm.
Một vài Thủ tướng khác sau đó cũng đã đến đền từ năm 1979: trong đó có Thủ tướng Masayoshi Ohira vào năm 1979; Zenko Suzuki năm 1980, 1981 và 1982; Yasuhiro Nakasone năm 1983 và 1985; Ryutaro Hashimoto năm 1996; Junichiro Koizumi, người đã viếng đền tổng cộng sáu lần (2001, 2002, 2003, 2004, 2005 và 2006) và gần đây nhất là Thủ tướng Shinzo Abe vào ngày 26.12.2013.
Thủ tướng Junichiro Koizumi, người đã viếng đền tổng cộng 6 lần (2001, 2002, 2003, 2004, 2005 và 2006).
Tuy nhiên, những người ủng hộ các chuyến viếng thăm của Thủ tướng đến đền Yasukuni cho rằng việc làm này hoàn toàn mang tính chất nội bộ của Nhật Bản, mà các quốc gia khác như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc hay bất kỳ một quốc gia khác điều không quyền để xen vào.
Việc Trung Quốc lên án gay gắt mà theo một số nhà phân tích chính trị cho rằng đó chỉ là một mánh khóe của Bắc Kinh nhằm khỏa lấp những lổ hổng đoàn kết trong chính quyền hiện tại, hơn là lo ngại về một sự trỗi dậy mới của chủ nghĩa quân phiệt tại Nhật Bản. Hơn nữa, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đang hướng ánh mắt của dư luận ra khỏi cung cách cầm quyền yếu kém hiện tại của họ.
Vũ Kiều (tổng hợp)
http://motthegioi.vn/quoc-te/vi-sao-thu-tuong-nhat-cu-tham-den-yasukuni-la-nhieu-nuoc-phan-doi-34585.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét