Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Hợp nhất "Chín Rồng" và tham vọng bá quyền của TQ

Hợp nhất "Chín Rồng" và tham vọng bá quyền của TQ 
Trước đây, thế giới coi các hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông là kết quả của một chính sách đối ngoại thất thường được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh, kèn cựa lẫn nhau giữa nhiều cơ quan chính phủ, trong đó những kẻ nào hiếu chiến nhất thường giành được lợi thế. Qua hành động hợp nhất "Chín Rồng", Trung Quốc muốn hiện thực hóa tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Lính hải quân Trung Quốc trên tàu chiến Zheng He
Chính sách không ai chịu nhường ai này thường được gọi bằng cái tên mỹ miều “Chín Rồng khuấy động biển xanh”, và nó thay thế cho chính sách thân thiện hơn, trật tự hơn đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thập niên 1990.

Tuy nhiên, những động thái mới đây nhất của Trung Quốc, trong đó có hành động hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, có vẻ như không phải là kết quả của sự hỗn loạn về chính sách. Trái ngược lại, các chuyên gia phân tích nước ngoài cho rằng đây là những hành động đã được tính toán chi ly, cẩn thận với sự phối hợp tập trung ở cấp cao nhất.

Nếu nhận định này là đúng, điều đó chứng tỏ rằng chính sách đối với các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc giờ đây đã được định đoạt. Và với chính sách hung hăng, ngang ngược này của Trung Quốc, cả khu vực ngày càng khó khăn hơn trong việc né tránh những xung đột có thể xảy ra, dù là do vô tình hay cố ý từ phía Bắc Kinh.

Hồi cuối năm ngoái, Trung Quốc đã thành lập một siêu ủy ban an ninh nhằm kiểm soát tình trạng kèn cựa lẫn nhau giữa chín “con rồng”, đó là các cơ quan chấp pháp trên biển của quân đội, công an, hải giám, hải quan và các tập đoàn năng lượng khổng lồ của nhà nước. Sau khi quy tụ các “con rồng” này về một mối, Trung Quốc bắt đầu đề ra chính sách đối ngoại với các mục tiêu cụ thể và dài hơi hơn.

Và trong quá trình đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cơ quan được cho là có cái nhìn bao quát hơn về lợi ích quốc gia của nước này, bị chính những “con rồng” này vượt mặt và nhiều khi bị gạt sang bên lề.

Sau khi Ủy ban An ninh Quốc gia siêu quyền lực này được thành lập, những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông đã được nâng tầm từ cấp độ chiến thuật lên chiến lược, và câu hỏi lớn đặt ra là mục tiêu chiến lược mà Trung Quốc đang theo đuổi là gì.

Trung Quốc ngày càng hung hăng, ngang ngược hơn trên Biển Đông

Từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra khái niệm về “giấc mơ Trung Hoa”, trong đó ông này muốn đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ độc bá khu vực trước khi bị các đế quốc phương Tây “hạ nhục” suốt thế kỷ 19. Và một mục tiêu mà Trung Quốc đặt ra để hiện thực hóa giấc mơ bá quyền này là thu hồi cái mà họ gọi là “lãnh thổ quốc gia đã mất” vào tay Nhật Bản, đồng thời tiến xuống phía nam để biến Biển Đông thành ao nhà của mình.

Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia quan sát về Trung Quốc vẫn chưa hiểu là cách thức mà Bắc Kinh đang tiến hành để thực hiện tham vọng này, bởi Trung Quốc đang liều lĩnh đối đầu với một loạt quốc gia châu Á cùng một lúc.

Với cách hành xử ngang ngược này của Trung Quốc, tình hình an ninh tại các vùng biển mà Trung Quốc muốn thâu tóm trong khu vực đã trở nên giông bão hơn so với thời “Chín Rồng” còn cạnh tranh, ganh đua với nhau, và triển vọng cho khu vực còn chứa đựng nhiều bất ổn hơn.

Giờ đây, tàu tuần tra của lực lượng hải cảnh Trung Quốc mới được thành lập từ nhiều cơ quan hành pháp trên biển đã tràn xuống vùng biển xung quanh nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, gây tâm lý bất an cho Nhật Bản và thúc đẩy Thủ tướng Shinzo Abe đẩy nhanh quá trình thay đổi hiến pháp để Tokyo có thể sử dụng lực lượng quân sự linh hoạt hơn. Ngoài ra, hành động này của Trung Quốc cũng khiến vị thế và ảnh hưởng của Nhật Bản tăng lên đáng kể trong khu vực.

Sức ép từ phía Trung Quốc cũng đã buộc Philippines phải có hành động khi nộp đơn kiện lên tòa án Liên Hợp Quốc về tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, và nếu vụ kiện này thành công, đó sẽ là một đòn ngoại giao rất nặng giáng vào Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam, Hà Nội cũng đang xem xét có hành động pháp lý đối với Bắc Kinh.

Một số người cho rằng hành động kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc chỉ đơn thuần là vì mục đích kinh tế. Tuy nhiên, nhiều quan chức cấp cao và chuyên gia phân tích chính sách của Mỹ và châu Á đều cho rằng thời điểm Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam đã được tính toán kỹ lưỡng.



Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã tính toán kỹ khi kéo giàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam

Điều đó phản ánh niềm tin của Bắc Kinh rằng họ đang đối phó với một vị tổng thống Mỹ “yếu đuối” không dám phản công, bất chấp những tuyên bố xoay trục châu Á của ông này. Các chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc có quan điểm này sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama không can thiệp quân sự vào Syria và Ukraine.

Từ những nhận định trên, Bắc Kinh dường như đã đưa ra kết luận rằng đây chính là thời cơ để Trung Quốc có thể “tác oai tác quái” trên Biển Đông mà không hề lo sợ bị trừng phạt.

Tuy nhiên, thực tế những gì đã diễn ra không như Trung Quốc mong đợi. Trong diễn đàn Đối thoại Shangri-La vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã thẳng thừng “chỉ mặt điểm tên” Trung Quốc là nhân tố “gây bất ổn bằng các hành động đơn phương” ở Biển Đông.

Ngoài ra, một loạt các nước khác như Nhật Bản, Úc, Philippines đều lên tiếng ủng hộ quan điểm cứng rắn này của Mỹ và lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc. Sự lên án kịch liệt của cộng đồng quốc tế đã khiến Trung Quốc “tối tăm mặt mũi” và khiến trung tướng Vương Quán Trung phải nổi đóa, đỏ mặt tía tai và lý sự cùn rằng bài phát biểu của ông Hagel “đầy những lời lẽ đe dọa và thách thức Trung Quốc”.

Cũng tại diễn đàn này, tướng Vương ngông cuồng đưa ra những tuyên bố “gây sốc” nhằm dằn mặt Mỹ và Nhật Bản với một quan niệm rằng các quốc gia láng giềng ở châu Á sẽ phải chùn bước trước người khổng lồ Trung Quốc, để cho Bắc Kinh mặc sức biến Biển Đông thành ao nhà.

Ông Richard Rigby, một cựu nhân viên ngoại giao Úc và hiện đang là giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc diễn tả chính sách của Trung Quốc bằng một câu ngắn gọn: “Làm được đến đâu thì cứ làm.”

Ông Richard D. Fisher, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế cũng nhận định: “Nếu Trung Quốc có thể hét vào mặt người khác để buộc họ phải từ bỏ lợi ích của mình, họ sẽ sẵn sàng làm vậy.”

Ông Rigby nhấn mạnh một thực tế rằng chính bản thân Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với vô số vấn đề đối nội ở trong nước như tăng trưởng kinh tế chậm lại và các bất ổn ở Tân Cương. Trong hoàn cảnh này, ông Rigby cho rằng Trung Quốc muốn “làm căng” trong các vấn đề tranh chấp biển đảo để không muốn bị coi là “yếu đuối” trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, những hành động khiêu khích, hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông từ thời “Chín Rrồng” đến nay đang có nguy cơ đẩy nước này vào con đường bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích và cô lập. Trong cuộc phiêu lưu này, Trung Quốc chỉ có thể bị thiệt mà không hề thu được một chút lợi ích nào.
Trí Dũng (Theo WSJ, Reuters)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét