"Giấc mơ Trung Hoa" đã được nuôi dưỡng suốt 20 năm...
(PetroTimes) - Theo nhiều học giả quốc tế, một kịch bản Trung Quốc có hành động khiêu khích ở Biển Đông từng được dự báo cách đây 20 năm. Cái gọi là chủ trương “phát triển hòa bình” hiện nay của Trung Quốc chính là chiến lược sử dụng ngoại giao mềm để giành ngôi vị cường quốc. Trung Quốc đã dày công xây dựng thế cờ bá quyền từ hàng chục năm qua, bắt đầu bằng các hoạt động cải tổ hệ thống giáo dục nhằm gia tăng tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Bà Phó Oánh đại diện cho những “lý sự” của Trung Quốc đầy toan tính
“Giấc mơ Trung Hoa”Trước đây, thế giới coi các hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông là kết quả của một chính sách đối ngoại thất thường được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh, kèn cựa lẫn nhau giữa nhiều cơ quan chính phủ, trong đó có những kẻ hiếu chiến nhất thường giành được lợi thế.
Tuy nhiên, những động thái mới đây nhất của Trung Quốc, trong đó có hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, có vẻ như không phải là kết quả của sự hỗn loạn về chính sách. Đây có thể là những toan tính chi ly, cẩn thận với sự phối hợp tập trung ở cấp cao nhất nhằm thực hiện hóa tham vọng bá quyền Biển Đông. Với chính sách hung hăng, ngang ngược kiểu này, cả khu vực ngày càng khó khăn hơn trong việc né tránh những xung đột có thể xảy ra, dù là do vô tình hay cố ý từ phía Bắc Kinh.
Kịch bản Trung Quốc có hành động khiêu khích ở Biển Đông thực ra đã được giới quân sự và chính trị Mỹ dự tính từ lâu. Trong giới học thuật, Giáo sư Chính trị học trường Harvard, ông Samuel Huntington, đã đưa ra một kịch bản về sự thay đổi của cục diện địa chính trị quốc tế sẽ dồn ép tạo ra căng thẳng ở khu vực Biển Đông. Theo đó, những hành động của Trung Quốc bành trướng xuống Biển Đông thực sự không phải là quyết định nhất thời, hay các đối sách ngắn hạn vì lợi ích kinh tế.
Ngay sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra khái niệm về “giấc mơ Trung Hoa”, muốn đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ độc bá khu vực trước khi bị các đế quốc phương Tây “hạ nhục” suốt TK XIX, và một mục tiêu mà Trung Quốc đặt ra để hiện thực hóa giấc mộng bá quyền này là thu hồi cái mà họ gọi là “lãnh thổ quốc gia đã mất” vào tay Nhật Bản, đồng thời tiến xuống phía Nam để biến Biển Đông thành ao nhà.
“Giấc mơ Trung Hoa” thực chất là biến Trung Quốc thành một cường quốc biển, hất lực lượng hải quân Mỹ và ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi vùng Hoa Đông, Biển Đông đến tận Guam, chia sẻ quyền lực với Mỹ trên Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Thống trị Biển Đông hay chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông như bản đồ đường “lưỡi bò” đã đưa ra then chốt, là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của Trung Quốc và được coi như là “giấc mơ vàng”.
Cuối năm 2013, Trung Quốc đã thành lập một siêu ủy ban an ninh nhằm kiểm soát tình trạng kèn cựa lẫn nhau giữa các cơ quan chấp pháp trên biển của quân đội, công an, hải giám, hải quan và các tập đoàn năng lượng khổng lồ của nhà nước. Sau khi ủy ban này ra đời, những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông đã được nâng tầm từ cấp độ chiến thuật sang chiến lược, và câu hỏi lớn đặt ra là mục tiêu chiến lược mà Trung Quốc đang theo đuổi là gì.
Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia quan sát về Trung Quốc vẫn chưa hiểu là cách thức mà Bắc Kinh đang tiến hành để thực hiện tham vọng này, bởi Trung Quốc đang liều lĩnh đối đầu với một loạt quốc gia châu Á cùng một lúc. Giờ đây, tàu tuần tra của lực lượng hải cảnh Trung Quốc mới được thành lập từ nhiều cơ quan hành pháp trên biển đã tràn xuống vùng biển xung quanh nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, gây tâm lý bất an cho Nhật Bản và thúc đẩy Thủ tướng Shinzo Abe đẩy nhanh quá trình thay đổi hiến pháp để Tokyo có thể sử dụng lực lượng quân sự linh hoạt hơn. Sức ép từ phía Trung Quốc cũng đã buộc Phillipines phải có hành động khi nộp đơn kiện lên Tòa án Liên Hiệp Quốc về tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trước việc Trung Quốc ngang nhiên kéo dàn khoan Hải Dương 981 vào Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, một số người cho rằng, hành động này chỉ đơn thuần là vì mục đích kinh tế. Tuy nhiên, thời điểm Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam đã được tính toán kỹ lưỡng. Điều đó phản ánh niềm tin của Bắc Kinh rằng họ đang đối phó với một vị Tổng thống Mỹ “yếu đuối” không dám phản công, bất chấp những tuyên bố về xoay trục châu Á.
Tuy nhiên, thực tế những gì đã diễn ra không như Trung Quốc mong đợi. Trong Diễn đàn Đối thoại an ninh Shangri-La vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuk Hagel đã thẳng thừng “chỉ mặt điểm tên” Trung Quốc là nhân tố gây bất ổn bằng các hành động đơn phương ở Biển Đông. Sự lên án kịch liệt của cộng đồng quốc tế đã khiến Trung Quốc “tối tăm mặt mũi”, khiến Trung tướng Vương Quán Trung phải nổi đóa, đỏ mặt tía tai và lý sự cùn rằng bài phát biểu của ông Hagel “đầy những lời lẽ đe dọa và thách thức Trung Quốc”.
Tướng Vương ngông cuồng đưa ra những tuyên bố “gây sốc” nhằm dằn mặt Mỹ và Nhật Bản với một quan niệm rằng, các quốc gia láng giềng ở châu Á sẽ phải chùn bước trước “người khổng lồ” Trung Quốc, để cho Bắc Kinh mặc sức biến Biển Đông thành ao nhà. Và hợp lực với tướng Vương xảo trá, là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Phó Oánh – người nổi tiếng giỏi ngụy biện và phản bác. Với sự tham gia của bà Phó Oánh, đoàn Trung Quốc đã có những giọng điệu phản bác “đầy bế tắc” về thứ lý luận gian dối bấy lâu nay vẫn được rêu rao trong khu vực và trên các diễn đàn quốc tế. Phó Oánh đã có cuộc tranh luận ngay trước phiên khai mạc Shangri-La, trong đó cảnh báo “không có chỗ cho Mỹ” trong vấn đề Biển Đông hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng thực chất, bà Oánh chỉ hòng lòe bịp dư luận, ngăn cản sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 và ngụy biện cho Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Nhận định trên được đưa ra nhắm mục tiêu vào những chỉ trích của Thượng nghị sĩ Ben Cardin, một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và là một trong những diễn giả có tham luận trình bày tại Hội nghị Shangri-La năm nay, người đã nói rằng Mỹ quan ngại về mọi hành động khiêu khích đơn phương của Trung Quốc ngay cả khi Washington không hỗ trợ bất cứ bên nào trong vấn đề xung đột ở Biển Đông.
Bà Phó Oánh còn thách thức rằng, ông Ben sẽ không thể đến và giải quyết các vấn đề, mà thay vào đó, “Trung Quốc và Việt Nam sẽ phải tìm một lối thoát cho mình”. Ngoài ra, bà Oánh còn đưa ra cả những chỉ trích đối với Nhật Bản khi cho rằng Tokyo là một nguy cơ lớn cho an ninh khu vực khi Bắc Kinh đang đặt ra mối đe dọa cho Tokyo như một cái cớ để sửa đổi chính sách an ninh của mình.
…Sẽ sớm thành cơn ác mộng
Ông Vương Quán Trung tại diễn đàn an ninh đối thoại Shangri-La
Ngày 10-6, báo Asia Times đưa tin, thẩm phán cấp cao của Philippines, Antonio Carpio, đã sử dụng 72 bản đồ cổ - trong đó có 15 bản đồ xuất xứ từ Trung Quốc – trong một bài nói chuyện tại Đại học De La Salle (Philippines) để phủ nhận tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông của Trung Quốc. Tư liệu đầu tiên là ảnh chụp một bản đồ khắc đá vẽ lãnh thổ Trung Quốc vào thời nhà Tống năm 1136 sau Công nguyên. Bản đồ này cho thấy đảo Hải Nam là cực nam của lãnh thổ Trung Quốc.
Mười năm trước, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines trích dẫn dòng chữ trên ngôi mộ một vị tướng thời nhà Minh tại Hải Nam làm bằng chứng cho tuyên bố của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa. Nội dung trích dẫn như sau: “Quảng Đông tiếp giáp với phần lớn Biển Đông, và các vùng lãnh thổ bên ngoài vùng biển đều thuộc về nhà Minh”. Tuy nhiên, ông Carpio trình ra 5 bản đồ chính thức của triều đại nhà Minh ghi nhận: “Hải Nam là cực nam của lãnh thổ Trung Quốc”.
Chưa dừng lại ở đó, Đại sứ quán Trung Quốc từng rêu rao dưới triều đại nhà Thanh, Trung Quốc đánh dấu quần đảo Nam Sa (tên Bắc Kinh tự đặt với quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trên một bản đồ hợp pháp và đã thực thi quyền tài phán hành chính đối với các quần đảo. Nhưng ông Carpio tiếp tục viện dẫn những bản đồ chính thức của triều đại nhà Thanh để tiếp tục khẳng định chứng cứ đảo Hải Nam và lãnh thổ cực nam của Trung Quốc.
Và quan trọng hơn, Bắc Kinh luôn rêu rao về việc sở hữu bằng chứng khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nhưng chưa bao giờ dám công khai trước dư luận quốc tế. Đó là dấu hiệu của một luận điệu gian dối và trơ trẽn!
Báo Asia Times nhận định: “Đường lưỡi bò” là “trò gian lận lịch sử ngoạn mục”. Tờ báo này cho rằng, Trung Quốc đang làm tất cả để biến “giấc mơ Trung Hoa” thành hiện thực. Nhưng, vẫn không thoát khỏi nỗi sợ hãi thường trực về sự quốc tế hóa Biển Đông và sự trỗi dậy của Nhật Bản – hai vấn đề quan trọng tạo nên một cấu trúc an ninh mới trên khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo hướng có lợi cho Việt Nam, và sẽ khiến giấc mơ thành cơn ác mộng.
Khi Biển Đông được quốc tế hóa, Trung Quốc chỉ là một con rồng trong vũng nước nhỏ. Quốc tế hóa Biển Đông đã, đang diễn ra và trở thành một thực tế không thể nghi ngờ khi tại Shangri-La, tuyên bố của Mỹ: “Biển Đông là trái tim của châu Á – Thái Bình Dương và giao lộ của nền kinh tế thế giới” đã chính thức cảnh báo Trung Quốc.
Xung quanh Biển Đông chỉ có 5 quốc gia (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei). Trung Quốc nghĩ rằng với sức mạnh về quân sự, kinh tế thì việc biến Biển Đông thành ao nhà không có gì khó khăn nếu như vượt qua được cửa ải duy nhất và đầu tiên là Việt Nam. Vì thế chiến lược, đối sách trên Biển Đông hiện nay và sự căng thẳng leo thang đều được Trung Quốc nhắm tới Việt Nam.
Nếu Biển Đông rơi vào tay Trung Quốc thì các quốc gia có tuyến đường hàng hải quan trọng, sống còn như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc hay Mỹ sẽ bị Trung Quốc “bắt làm con tin”. Mỹ sẽ bị hất ra khỏi khu vực Đông Nam Á. Thế nên, các quốc gia có liên can buộc phải hành động để ngăn cản hoặc chống lại Trung Quốc. Không những thế, tuyến hàng hải trên Biển Đông còn là “đường sinh mạng” của Trung Quốc lại luôn trong tầm khống chế của Việt Nam. Nếu Trung Quốc gây xung đột thì Việt Nam chắc chắn có nhiều phương án để buộc Trung Quốc phải trả giá đắt.
Trung Quốc cũng đang vấp phải rào cản rất lớn: sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nhật Bản. Hơn ai hết, Nhật Bản đã nhận thức được sự nguy hiểm đến từ Trung Quốc nên buộc phải tìm cách đối phó. Nhật Bản không chỉ là cường quốc kinh tế mà còn là một cường quốc quân sự và chính trị - một đối thủ đáng gờm của Trung Quốc. Đến nay, hai điểm then chốt nhất là quyền phòng vệ tập thể và quyền xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản đã được phục hồi, khiến Trung Quốc như “ngồi trên đống lửa”.
Không lo lắng sao được khi thực lực quân sự Trung Quốc chỉ hơn Nhật Bản về lượng. Nhật Bản lại có một nền tảng công nghiệp hiện đại, kỹ thuật công nghệ cao thuộc diện hàng đầu thế giới, vượt xa Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc còn phải mua nhiều thiết bị quân sự vì không chế tạo được thì Nhật Bản muốn là có, và khi đã có quyền xuất khẩu vũ khí thì các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản sẽ cạnh tranh đáng gờm với cả Mỹ và Nga trên thị trường vũ khí.
Theo Anh Doãn - Việt Dũng
Cảnh sát toàn cầu
(Ảnh và tiêu đề do PetroTimes đặt lại)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét