Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Putin đồng ý đối thoại về Ukraine

Putin đồng ý đối thoại về Ukraine
Ba cựu tổng thống Ukraine kêu gọi đẩy Nga khỏi Crimea
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua chấp thuận đề xuất của Thủ tướng Đức Angela Merkel để thành lập một "nhóm liên lạc", nhằm xây dựng cuộc đối thoại về khủng hoảng Ukraine.
Cờ Nga tung bay khi một nhóm vũ trang không rõ danh tính bao vây một căn cứ quân sự Ukraine ở gần thủ phủ Simferopol của Crimea hôm qua. Ảnh: AFP


AFP dẫn thông cáo từ chính phủ Đức cho hay, Thủ tướng Merkel đã đưa ra đề nghị trên trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Putin cuối ngày hôm qua.

"Tổng thống Putin đã chấp thuận đề nghị của thủ tướng Đức nhằm thành lập ngay một nhóm điều tra cũng như một nhóm liên lạc dưới sự lãnh đạo của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) gồm 57 quốc gia, trong đó có các nước thuộc Liên minh châu Âu, Nga, Ukraine và Mỹ, nhằm mở ra một cuộc đối thoại chính trị", thông cáo cho hay.

Bà Merkel cũng "cáo buộc nhà lãnh đạo Nga vi phạm luật quốc tế bằng sự can thiệp không thể chấp nhận được vào Crimea", khu vực tự trị phía nam Ukraine.

Bà chỉ trích rằng sự can thiệp của Nga vào Crimea là một sự vi phạm bản ghi nhớ Budapest năm 1994 về đảm bảo an ninh, trong đó Nga cam kết tôn trọng độc lập và chủ quyền của Ukraine ở các biên giới đang có, cũng như hiệp ước năm 1997 về Hạm đội Biển Đen của Nga, đang đóng quân tại Crimea.

Bản ghi nhớ Budapest đã được Anh, Ukraine, Nga và Mỹ ký kết với nhau. Do đó, bà Merkel yêu cầu ông Putin phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Một thông cáo từ điện Kremlin cho hay Tổng thống Putin bảo vệ hành động của Nga trong việc chống lại "lực lượng chủ nghĩa dân tộc cực đoan" ở Ukraine và khẳng định các biện pháp được thực thi cho đến này là "hoàn toàn thích hợp". Thông cáo cũng cho biết ông Putin đã hướng sự quan tâm của bà Merkel đến "mối đe dọa bạo lực không ngừng" đối với các công dân Nga và cộng đồng nói tiếng Nga ở Crimea.

Điện Kremlin không đề cập đến đề xuất của bà Merkel nhưng khẳng định cần phải tiếp tục "các cuộc tham vấn dưới cả hình thức song phương lẫn đa phương nhằm hợp tác để bình thường hóa tình hình chính trị xã hội ở Ukraine".

Ngoài Đức, các nước phương Tây cũng lên án Nga xâm lược nước láng giềng Ukraine, khi lực lượng quân sự của Moscow xuất hiện tại Crimea. Các nhà phân tích nhận định căng thẳng này có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Anh Ngọc

Ba cựu tổng thống Ukraine kêu gọi đẩy Nga khỏi Crimea
Ba cựu tổng thống Ukraine vừa đề xuất chấm dứt thỏa thuận về việc cho Nga thuê quân cảng và kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine.
Bên trong quân cảng Nga ở Crimea / Ba cựu tổng thống Ukraine ủng hộ người biểu tình



Từ trái qua, các ông Leonid Kuchma, tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych, ông Leonid Kravchuk và ông Viktor Yushchenko. Ảnh chụp tại Kiev hồi tháng 6/2012. Ảnh: Kyivpost

Các cựu tổng thống Leonid Kravchuk, Leonid Kuchma và Viktor Yushchenko đêm 1/3 công bố một tuyên bố chung trên tờ Ukrainska Pravda để kêu gọi hủy bỏ thỏa thuận cho thuê quân cảng Sevastopol. Thỏa thuận này do tổng thống Nga Dmitriy Medvedev và tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych khi đó ký năm 2010.

Ba cựu tổng thống viết rằng "người dân Ukraine và Nga đang bị một sức ép nhân tạo đẩy đến bờ vực của cuộc chiến huynh đệ tương tàn... và bên bờ vực của cuộc xung đột mang tính chất xâm lược quân sự".

Nga "đang lợi dụng những khó khăn chính trị nội bộ ở Ukraine, quyết định chơi nước cờ Crimea vì lợi ích của mình, bất chấp nghĩa vụ của mình với Ukraine. Crimea là lãnh thổ của Ukraine... Nghi ngờ điều này và cuộc tấn công trên lãnh thổ Ukraine là không thể chấp nhận được", các ông Kuchma, Kravchuk và Yushchenko viết.

Ba cựu tổng thống Ukraine kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Duma Quốc gia Nga "tôn trọng chủ quyền Ukraine" và "lùi một bước, thu hồi quyết định can thiệp vũ trang, điều sẽ khiến Ukraine và Nga trở thành kẻ thù".

Các ông cũng gửi lời nhắn nhủ đến các lãnh đạo mới của Ukraine hãy đưa ra quyết định chính xác để tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng trong xã hội, trong khi kêu gọi lực lượng an ninh và Công tố viên trưởng của nước này sẵn sàng "trước mối đe dọa chia rẽ Ukraine, để đảm bảo cân bằng và nhẫn nại trong nước". Các cựu tổng thống cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế gồm Anh, Mỹ, EU... hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Đáp lại tuyên bố của các cựu tổng thống Ukraine, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin khẳng định Sevastopol, Crimea, là nhà của Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga.

"Hạm đội Biển Đen phải có cảng nhà. Sevastopol là nhà của hạm đội. Và các bạn nên làm rõ về việc này với đời con cháu của các bạn", ông Rogozin viết trên tài khoản Twitter của mình.

Sevastopol là một thành phố cảng nằm ở phía tây nam của bán đảo Crimea bên bờ Biển Đen. Thành phố này thuộc nước cộng hòa tự trị Crimea, miền nam Ukraine. Nơi đây trước là căn cứ Hạm đội Biển Đen của Hải quân Liên Xô, ngày nay là căn cứ của Hải quân Ukraine và Nga.

Theo thỏa thuận năm 1997 giữa Kiev và Moscow, Nga được thuê quân cảng này trong vòng 20 năm, tức là đến năm 2017. Tháng 4/2010, tổng thống Ukraine Yanukovych gia hạn thời gian Nga có thể đóng quân tại đây đến năm 2042.

Sevastopol là một cứ điểm quan trọng của hải quân vì có địa thế chiến lược, là cửa ngõ cho quân đội Nga tiến vào vùng nước ấm áp ở Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương mùa đông. Cảng này và toàn bộ bán đảo Crimea đang là điểm nóng sau khi Tổng thống Nga Putin và Duma quyết định sử dụng quân lực Nga tại Ukraine.

Các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen, Nga, tại quân cảng ở Crimea hôm 27/2. Ảnh: Reuters

Vũ Hà
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/ba-cuu-tong-thong-ukraine-keu-goi-day-nga-khoi-crimea-2958310.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét