Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Chúng ta cần hòa giải dân tộc như thế nào?

Chúng ta cần hòa giải dân tộc như thế nào?
Cuộc chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, Tổ quốc, giang sơn đã liền một dải. Nhưng vẫn còn một bộ phận người Việt Nam vẫn còn ngăn cách về tình cảm, suy nghĩ … thậm chí vẫn còn lưu giữ hận thù … người Việt vẫn chưa thể thực hiện được việc hòa hợp và hòa giải dân tộc, điều mà nhiều dân tộc đã làm rất tốt công việc này mặc dù đất nước họ cũng đã có thời kỳ chiến tranh và chia rẽ. Đó là nỗi đau lớn của Dân tộc Việt Nam. 
Hòa hợp dân tộc: Không thể chờ nước chảy đá mòn. 
Trong ảnh: Kiều bào dự hội nghị người Việt trên toàn thế giới, 
Hà Nội 2009. Ảnh: Lê Anh Dũng
Khi tiếng súng tắt trên chiến trường, lòng người lại ngổn ngang trận mạc. Máu ngừng đổ nhưng hòa hợp vẫn chưa tới. Hòa giải dân tộc được đề ra để người Việt Nam trong một nước có thể đến gần nhau, hiểu về nhau và tìm về một sự tồn tại mới cùng nhau.

Đứng trước một thời kỳ mới, hội nhập và phát triển với kỳ vọng sẽ có sự thay đổi lớn về tư duy, cải cách thể chế thì vấn đề hòa hợp, hòa giải càng cần thiết phải đặt ra để đưa đất nước Việt Nam đi lên.

Sự cần thiết của việc hòa hợp hòa giải

Trong giai đoạn hiện nay, cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng khốc liệt, khi an ninh, chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc đang bị đe dọa, … Việc thống nhất lòng người, tạo thành một khối sức mạnh thống nhất để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đưa đất nước và dân tộc Việt lớn mạnh lại càng trở nên cấp thiết.

Khi đã sống trong một xã hội pháp quyền, dân chủ tiến bộ thì chúng ta phải bỏ qua hận thù, khép lại quá khứ, cùng nhau xây dựng đất nước. Mọi người phải biết tôn trọng nhau, tìm ra điểm chung để đoàn kết. Và đặc biệt người Việt cũng cần phải học cách thức sống chung với những khác biệt.

Tại Mỹ trong cộng đồng người Việt có người treo ảnh Chủ tịch Hồ chí Minh và cờ đỏ sao vàng hay tại Việt Nam người dân tưởng niệm các tướng lãnh, binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống ở Hoàng Sa để giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cũng cần phải được tôn trọng.

Ngay cả trong chiến tranh, người Việt Nam vẫn luôn một lòng

Vấn đề nhạy cảm đó là sự khác biệt về quan điểm chính trị rất dễ gây ra xung đột và bất ổn nếu một dân tộc không biết cách đưa ra nhưng nguyên tắc, phương thức hòa bình để giải quyết các khác biệt đó.

Một minh chứng cho điều này là Thái Lan và gần đây nhất là Ukraina mặc dù họ đều là những quốc gia tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng nhưng do các bên đều không có phương thức xử lý khác biệt một cách hòa bình nên các xung đột diễn ra thường với thời gian dài, liên tiếp và đầy bạo lực gây bất ổn xã hội, cản trở sự phát triển đất nước.

Nhưng ở Việt Nam, cuộc chiến gần 40 năm về trước về bản chất là chiến tranh chống Mỹ xâm lược và sau này bị biến thành cái mà một bộ phận người Việt gọi là “nội chiến” do chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, hay còn gọi là “thay màu da trên xác chết”. Được lồng vào đó là sự khác biệt về tư tưởng, đường lối chính trị cùng với sự hậu thuẫn, lôi kéo của các cường quốc là Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Hiện nay, cùng với thời gian nhận thức của người dân Việt Nam đã có nhiều thay đổi tuy nhiên cũng vẫn còn những yếu tố có thể gây nên những bất ổn, nếu người này vẫn nhìn nhận người kia như những đối tượng thù địch cần bị loại bỏ.

Cần cùng tập trung vào giải quyết những vấn đề chung của đất nước: Dân tộc Việt Nam tuy hình thành từ rất lâu đời nhưng do nhiều lý do cả từ quá khứ, lẫn hiện tại mà vẫn được cho là một đất nước chậm phát triển.

Những mối lo đến từ bên ngoài về vấn đề chủ quyền, lãnh thổ vẫn đang hiện hữu. Do vậy, rất cần có sự nỗ lực đoàn kết của người Việt trong việc cùng hướng tới xây dựng một quốc gia giàu mạnh, tốc độ phát triển nhanh cũng như đối phó với những thách thức từ các quốc gia láng giềng.

Thực hiện việc hòa hợp và hòa giải phải xuất phát từ thay đổi cách nhìn nhận về nhau.

Quan hệ Việt – Mỹ đã có nhiều thay đổi sâu sắc. Nhiều cựu chiến binh Mỹ thời gian qua đã trở lại chiến trường xưa, những người từng là kẻ thù hai bên chiến tuyến đã ngồi lại được cùng nhau, cùng nhau bàn tới tương lai theo tinh thần gác lại quá khứ.

Nhưng người Việt với nhau ở hai trận tuyến năm xưa vẫn chưa dễ đồng thuận và đồng tình khi nhìn lại một thời chia cắt và hố sâu ngăn cách vẫn còn bị khơi lại lúc này lúc khác, do thiên kiến, do hẹp hòi và cả do một cái gì đó như là bản tính giống nòi. Một thái độ tỉnh táo, khách quan và nhân ái là cần thiết được nhắc lại lúc này, được nhấn mạnh hôm nay, để dân tộc sớm thoát được những ám ảnh chiến tranh làm thành trở ngại ngăn cản con đường đi tới.


Kiều bào là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam

Quan điểm

Một bộ phận người Việt đang có một số quan điểm sau về người Cộng Sản như sau:

Quan điểm thứ nhất, cho rằng người Cộng sản Việt Nam không bao giờ thay đổi: Nếu chúng ta lùi thời gian về trước năm 1986 thì cả Việt Nam và Bắc Hàn đều khá giống nhau về mô hình quản lý đất nước lẫn ý thức hệ. Việt Nam được cho là nghèo nàn và thua kém hơn Bắc Hàn vào thời điểm đó. Nhưng cũng chính vì sự thay đổi của người Cộng Sản Việt Nam mà cho tới nay Việt Nam hơn Bắc Hàn về mọi mặt cả mức độ dân chủ, mức sống người dân, sự hội nhập với thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế….

Nước được cho là bảo thủ, khép kín hơn Việt Nam rất nhiều là Miến Điện thì lãnh đạo của họ hiện tại cũng đã công bố công khai và đang tiến hành triển khai một cách có lộ trình về cải cách thể chế chính trị.

Tại Việt Nam, với những thay đổi gần đây trong xã hội cũng như từ các phát biểu của lãnh đạo hiện tại về cải cách thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền và mở rộng dân chủ thì tin răng sẽ có một tiến trình cải cách mạnh mẽ trong thời gian tới.

Quan điểm thứ hai, cho rằng tất cả người cộng sản Việt Nam đều xấu, cần lên án và loại bỏ.

Nếu chúng ta nhìn lại những sự thay đổi về thể chế chính trị của nhiều nước Đông Âu, Nga và Mông Cổ thì nhân tố chính cho sự thay đổi lại đến từ chính những đấu tranh giữa những người cộng sản cấp tiến mong muốn thay đổi với những người cộng sản bảo thủ.

Do vậy, không phải riêng người Cộng sản, trong bất cử đảng phái nào cũng đều có những nhóm người có quan điểm khác nhau, thậm chí đấu tranh với nhau.

Tại Việt Nam cũng vậy, những phản biện có tác động tích cực tới sự những thay đổi, cải cách tại Việt Nam thường đến từ những người đã và đang là những người cộng sản. Bởi chính họ chứ không ai khác mới là những người hiểu rõ người cộng sản và họ biết các thức tác động sao cho hiệu quả nhất.

Việc lên án tất cả những người cộng sản dễ dẫn tới nhiều người cộng sản muốn thay đổi, cải cách nhưng lại lo sợ là đối tượng bị trả thù nếu Việt Nam có sự thay đổi về thể chế chính trị. Nên đó cũng là yếu tố cản trở sự cải cách.

Chính quyền Việt Nam

Trong công tác đối ngoại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những thành công nhất định khi hòa giải được với tất cả những nước đã từng là thù địch như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Pháp…, phá vỡ thế bị cô lập để hội nhập với thế giới. Phương thức ngoại giao chủ yếu được dùng là đối thoại và đàm phán, tránh tối đa xung đột và tận dụng sự ủng hộ quốc tế trong các tranh chấp lãnh thổ.

Thế nhưng trong đối nội lại tỏ ra khá thận trọng khi ứng xử với sự khác biệt về quan điểm chính trị hoặc chống đối cực đoan. Hạn chế sử dụng biện pháp mạnh để đối phó với đối lập nhằm tránh các hoạt động đấu tranh, đối kháng.

Do vậy, phương pháp đàm phán và đối thoại là cách tốt nhất để giải quyết sự khác biệt để tìm ra giải pháp tốt nhất cho đất nước và người dân.

Mặc dù đã có sự thay đổi cởi mở hơn về cách ứng xử với những người từng là lính Việt Nam Cộng Hòa ví như thời gian gần đây báo chí đã có những bài ca ngợi những người lính VNCH trong trận Hải chiến Hoàng Sa, không ngăn cản người dân tưởng niệm lãnh đạo VNCH như Ngô Đình Diệm…. Tuy nhiên, trong các sách báo và tài liệu chính thống thì vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể khi mô tả về cuộc chiến tranh.

Những quan điểm và hành xử như trên đều cần phải có những điều chỉnh thì mới tạo được sự hòa hợp và hòa giải thực sự của dân tộc. Sự thay đổi của người này cũng phụ thuộc vào hành xử của người kia. Nếu người này luôn mong muốn loại bỏ, tiêu diệt đối phương thì sẽ dẫn tới những hành động phản ứng tương tự từ phía người kia.

Do vậy, mục đích cao nhất của sự đấu tranh là tác động để mọi người thay đổi cùng hướng tới những thỏa thuận, mục tiêu chung có lợi cho sự phát triển đất nước mà chấp nhận khép lại quá khứ.



Kiều bào xúc động đón Tết quê hương

Công việc hòa hợp và hòa giải phải được thực hiện chủ động chứ không chỉ hy vọng, trông chờ vào sự tự thay đổi. Khi còn mâu thuẫn với nhau thì tốt nhất công việc hòa giải thực hiện bởi một trung gian, đứng giữa có thể tin tưởng.

Điều đó có nghĩa là tại Việt Nam nên hình thành một tổ chức độc lập thực hiện công tác hòa hợp và hòa giải dân tộc.

Tổ chức hòa giải

Tổ chức này nên do những người có uy tín trong xã hội đứng ra kêu gọi thành lập. Thành phần tham gia là những người tâm huyết với công tác hòa hợp hòa giải dân tộc.

Mục đích hoạt động chỉ tập trung vào công tác hòa giải dân tộc và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Các hoạt động cụ thể trước mắt có thể bao gồm:

- Vận động hạn chế dùng các tài liệu, sách báo và đưa ra các chứng cứ lịch sử để cáo buộc, lên án nhau. Nên viết về lịch sử đã qua một cách khách quan, tránh gây thù địch. Điều mà nhiều nước họ đã làm tốt.

- Tạo điều kiện cùng phối hợp những hoạt động chung như tưởng niệm các chiến sỹ đã bảo vệ biển đảo tổ quốc, ủng hộ nạn nhân các vụ thiên tai, lũ lụt trong nước, các hoạt động chung để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

- Thiết lập các cuộc gặp mặt, đối thoại để giải quyết những bất đồng, khác biệt.

- Đề cao tinh thần dân tộc, nhấn mạnh đến những điểm chung: cùng dòng máu, cùng dân tộc, cùng đất mẹ,….

Riêng với vấn đề hòa hợp dân tộc, cơ chế nào cũng phải chứa đựng điều cốt lõi là sự bao dung, tha thứ.

Thế giới hòa giải ra sao?

Năm 1990, Tổng thống Mỹ George Bush đã xin lỗi 120 ngàn người Mỹ gốc Nhật bị giam cầm trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Cũng năm đó, Mikhail Gorbachev bày tỏ sự ân hận sâu sắc trước việc Stalin giết chết 15 ngàn viên chức người Ba Lan tại Katyn Forest vào năm 1940. Đức giáo hoàng John Paul đệ nhị xin lỗi về việc Giáo hội Công giáo đã thất bại trong việc cứu giúp người Do Thái khỏi thảm hoạ Holocaust. Nữ hoàng Elizabeth II của Anh công khai xin lỗi việc nước Anh tàn sát người Maori ở Tân Tây Lan trước đây.


Thủ tướng Đức Willy Brandt có cử chỉ hòa giải nổi tiếng ở Ba Lan năm 1970

Thủ tướng Anh Tony Blair xin lỗi về trách nhiệm của Anh trong nạn đói ở Ireland vào thế kỷ 19. Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton xin lỗi người châu Phi về vai trò của Mỹ trong việc buôn bán nô lệ thế kỷ trước. Năm 1993, Thủ tướng Nhật Morihiro Hosokawa bày tỏ sự ân hận và xin lỗi về những tội ác mà nước Nhật đã gây nên thời Chiến tranh thế giới thứ 2. Năm 1995, Thủ tướng Nhật Tomiichi Murayama lại xin lỗi lần nữa. Năm 1998, trong dịp gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung, Thủ tướng Nhật Keizo Obuchi lại xin lỗi lần nữa, nhắm chủ yếu vào những nạn nhân người Hàn Quốc.

Năm 2009, Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã chính thức xin lỗi người thổ dân tại Úc về những chính sách sai lầm của người da trắng trong quá khứ. Chỉ tiếc rằng chưa thấy lãnh đạo cao nhất của Pháp, Mỹ, Nhật và Trung Quốc xin lỗi Việt Nam khi đã gây ra bao nỗi đau cho dân tộc Việt Nam trong quá khứ.

Những lời xin lỗi công khai và chính thức như thế chứng tỏ sự thành tâm và thiện chí nhằm hàn gắn những rạn nứt trong xã hội và giữa các quốc gia để mọi người có thể thanh thản xếp chuyện quá khứ lại để hướng tới tương lai, một tương lai hoà thuận và hợp tác.

Việt Anh
(nguyentandung.org)

1 nhận xét:

  1. Ai lại không muốn hòa giải thương yêu nhau , nhưng những người có quyền đã tù đày cha mẹ tôi có lắng nghe tiếng nói chung hay không, lích lịch ba đời của chúng tôi vẩn còn đó khi mở miệng sửa đổi những cái sai của họ thì cơ hội bị đi cải tạo là nắm chắc trong tay , tôi xin người viết bài này đừng bullshit nửa , bị một lần là tởn tới già rồi.
    Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu nói một câunổi tiếng trên thế giới là :
    Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn nhửng gì Cộng Sản đang làm.

    Trả lờiXóa