Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Bổ nhiệm lái xe để “bịt mồm”?

Bổ nhiệm lái xe để “bịt mồm”?
(Kienthuc.net.vn) - "Bổ nhiệm không dựa trên năng lực mà dựa trên quan hệ cá nhân... là sự sỉ nhục của cả tổ chức đó”, ông Trần Quốc Thuận chia sẻ. Ông Trần Quốc Thuận, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi với Kiến Thức về việc nhiều lái xe được bổ nhiệm lên các vị trí cấp cao tại các HĐND-UBND huyện, tỉnh thời gian qua.
Ông Trần Quốc Thuận, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng 
Quốc hội nói về việc bổ nhiệm lái xe làm phó chánh văn phòng. 
Đã có lái xe lôi sếp ra ánh sáng
- Mặc dù quá tuổi và không bằng cấp theo quy định song lại có thêm 2 lái xe ở Thanh Hoá được bổ nhiệm làm phó chánh văn phòng Huyện ủy và HĐND-UBND huyện do lái xe qua nhiều đời lãnh đạo rất tốt và sức khoẻ không phù hợp công việc lái xe. Lý do bổ nhiệm này theo ông có chính đáng?
- Người ta cứ nói từ “lái xe” bằng cái giọng dè bỉu, rằng lái xe thì trình độ năng lực kém, tôi nghĩ không nên hiểu như vậy. Vấn đề mấu chốt khi bổ nhiệm là phải dựa vào năng lực, cái đáng bàn là năng lực người đó có xứng đáng với cái vị trí mà người đó đảm nhận không. Chứ tôi thấy có đội trưởng đội lái xe được bầu vào những cơ quan ở cấp cao đấy (cười). Nên tôi nghĩ không nên đụng chạm đến họ theo kiểu miệt thị thế. 
- Quy định bổ nhiệm các chức vụ mới của ta hiện thế nào ạ?
- Đã có các quy định rõ ràng, khi bổ nhiệm chức vụ mới thì phải có thời gian làm việc 1 nhiệm kỳ trở lên chứ không ai đưa ngay lập tức một người lên một vị trí cao cả. Theo quy định tại điều 6, mục 1, chương II, Quyết định 27/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/2/2003 nêu rõ tuổi bổ nhiệm cán bộ, công chức lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ. Riêng các chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng các quận, huyện và tương đương, tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 45 tuổi (cả nam và nữ). Nhìn vào các quy định hiện hành thì rõ ràng họ đã vi phạm quy trình bổ nhiệm.
- Vì sao quy định đã có sẵn rồi mà họ vẫn bổ nhiệm như vậy?
- Có thể là vì lái xe biết quá nhiều bí mật của lãnh đạo. Lái xe biết mọi mối quan hệ, mọi nơi lãnh đạo đi, lãnh đạo đến, nên việc bổ nhiệm là để “bịt mồm” lái xe. Chứ tôi biết có nhiều lái xe, vì nắm giữ các bí mật nên đã hô hào lên, thế là lãnh đạo mất chức đấy. Họ la toáng lên vì có thu băng, có quay phim, có đầy đủ các bằng chứng, lôi lãnh đạo ra ánh sáng.
- Việc bổ nhiệm ở Thanh Hóa khiến dư luận đặt câu hỏi người lãnh đạo nghĩ gì vậy, người trong cơ quan đó hẳn cũng phải biết rõ chứ?
- Bổ nhiệm một người không có đủ năng lực vào những vị trí đó là sự xúc phạm, sỉ nhục của tổ chức, đơn vị đó. Người được bổ nhiệm cũng cảm thấy xấu hổ chứ không vui vẻ gì. Thế là cùng một lúc hại đến bao nhiêu người, ông thủ trưởng cũng thấy xấu hổ, cả tổ chức nhìn ông ấy chỉ bằng nửa con mắt.
- Như vậy, người ta coi việc bổ nhiệm giống như phần thưởng, ban ơn?
- Và cũng không thể lấy đó ra để bịt miệng bịt mồm lái xe vì lái xe biết nhiều quá. 
Bổ nhiệm ngầm
- Việc bổ nhiệm kiểu “vô trách nhiệm” như vậy liệu có nhiều không?
- Việc nổi cộm như thế này có nhiều hay không thì tôi không biết. Khi tôi còn làm, tôi thấy người ta không “trắng trợn” như thế. Thay vì bổ nhiệm một chức vụ có thực quyền thì người ta hay bổ nhiệm kiểu cho từ “hàm” vào trước các chức vụ đó. Có chữ đó trong chức vụ thì các chế độ lương bổng, đãi ngộ sẽ được cao hơn. Người ta làm cái đó nhiều lắm, đó như một chính sách đãi ngộ cán bộ.
- Nghĩa là những người đó không có thực quyền?
- Hàm đó sẽ khiến cho người được phong có một khoản thu nhập tốt, lương hưu có thể sẽ cao hơn. Cái đó thì nhiều lắm, nơi nào cũng có. Thực ra nó không quá xấu, nó chỉ như chính sách ưu đãi đối với cán bộ thôi. Nó là một lỗ hổng mà người ta thường áp dụng, tác hại của nó cũng có, nhưng không đến mức khủng khiếp quá. 
- Trong câu chuyện bổ nhiệm này, vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu xem ra mờ nhạt quá, dư luận bất bình là vì thế?
- Chúng ta cứ quy định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nhưng tôi không thấy người đứng đầu nào chịu trách nhiệm cả. Rồi nếu họ có phải chịu trách nhiệm thì gia đình con cháu họ cũng giàu lên rất nhanh, giàu đến khủng khiếp. Cái đó thì rõ quá rồi. Cơ chế đẻ ra những thứ đó.
- Lãnh đạo cơ quan không thể có toàn quyền quyết định việc bổ nhiệm ai, đuổi việc ai?
- Thường là họ lấy phiếu tín nhiệm để bảo là đã làm đúng quy trình rồi. Khi thủ trưởng đã đưa ra ý kiến bổ nhiệm, đố ai dám phản đối, ông ấy trừng trị ngay. Nhân viên hùa theo vì trách nhiệm cũng đâu phải của mình. Đấy, họ cứ làm tốt, đúng quy trình rồi, có vi phạm gì đâu. Thế là về bản chất, việc bổ nhiệm là ý chí chủ quan của lãnh đạo, nhưng được hợp thức hóa bằng sự đồng tình của cả tập thể.
Kiểm tra “phong bì”, ai dày thì thắng
- Theo ông thì giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?
- Giải pháp đã có rất nhiều trong các nghị quyết rồi. Nghĩa là phải công khai minh bạch các tiêu chí, có cạnh tranh, có sự kiểm tra giám sát từ chức nhỏ đến chức lớn. Vừa rồi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói bằng giả chỉ vào cơ quan nhà nước thôi, rất đáng buồn. Việc tuyển dụng các vị trí trong các cơ quan nhà nước, phải học theo các doanh nghiệp nước ngoài mà làm. Để thi tuyển được một vị trí họ kiểm tra rất gắt gao, chọn đúng được người có năng lực bằng sự cạnh tranh quyết liệt. Chứ kiểm tra bằng “phong bì”, ai dày hơn thì thắng, làm sao tìm được người giỏi?
- Trong câu chuyện này thì người bổ nhiệm hay người được bổ nhiệm sẽ bị xử lý nặng hơn?
- Từ một quy trình sai sẽ cho ra đáp án sai. Phải xử lý những người làm ra quy trình đó, từ đó mới lần theo. Thủ trưởng sẽ bảo: “Tôi không muốn ký, nhưng đọc văn bản thấy nhiều người đồng tình quá nên tôi ký thôi, tôi làm đúng quy trình rồi”. Lỗi tại cái cơ chế không giao rõ trách nhiệm cho ai, nó cứ lập lờ, lẫn lộn, không rõ trách nhiệm của ai cả. Thủ trưởng không ra thủ trưởng, tập thể không ra tập thể là cái phải sửa. 
- Tới đây hẳn là người ta sẽ lại rà soát, nhiều người cũng sẽ run?
- Đây là bài học mà những người lãnh đạo phải xem lại toàn bộ hệ thống của mình để rà soát, đặc biệt là quy trình bổ nhiệm làm sao để chọn được người tài. Cứ bảo “nhân tài là nguyên khí quốc gia”, mà dấu hiệu để nhận diện nhân tài là bằng cấp, mà bằng giả tràn lan thế, thì nguyên khí ở đâu. Nói chung, khẩu hiệu hô nhiều lắm rồi, phải làm đi. Có quy hoạch treo, luật treo, rồi có cả lời hứa treo. Cán bộ nói thì cứ nói thôi, nhưng chẳng làm.
Xin cảm ơn ông!
Ông Mai Đức Hùng, Trưởng ban Tổ chức huyện ủy Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, xác nhận tại huyện đang có 2 cán bộ lái xe được bổ nhiệm lên làm Phó chánh Văn phòng mà không bằng cấp. Theo đó, ngày 12/10/2011, ông Trương Bá Phúc, Bí thư Huyện ủy huyện Tĩnh Gia đã ký Quyết định số 216-QĐ/HU bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Hợi (SN 1959, quê quán xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia), công chức lái xe cơ quan huyện ủy giữ chức Phó chánh Văn phòng Huyện ủy. Cùng thời điểm trên, ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch UBND huyện này cũng ký quyết định bổ nhiệm ông Vũ Quang Huy (SN 1960, ngụ xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia), đang là lái xe của Ủy ban giữ chức vụ Phó chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện.
Tô Hội (Thực hiện)

3 nhận xét:

  1. Đồng ý với Bác Thuận, vấn đề là năng lực của người được bổ nhiệm như thế nào ,không kể nghề nghiệp hay nguồn gốc xuất thân của họ. Ông Đỗ Mười chỉ là thợ sơn thôi mà làm TBT cũng ngon chứ bộ.

    Trả lờiXóa
  2. Tay ấy chỉ có phá

    Trả lờiXóa
  3. Bí quyết của ông nguyên TBT Đỗ Mười làm thế nào mà ở tuổi 90 vẫn "đi tơ" đều đều? Theo ông đó là phải thường xuyên ăn thịt chó mực (mỗi tuần 1 lần)! Oao!

    Trả lờiXóa