Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Báo chí VN ủng hộ Nga về Ukraine?

Báo chí VN ủng hộ Nga về Ukraine?
Các báo chí chính thống ở Việt Nam do chính quyền quản lý đã có những bài bình luận và phân tích thể hiện sự ủng hộ Nga và chỉ trích người biểu tình Ukraine trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Phóng sự ảnh của Quân đội nhân dân cho
thấy người dân Crimea bảo vệ tượng Lenin
Trong lần trả lời báo chí mới nhất hôm 2/3, ông Lê Hải Bình, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam, vẫn chưa có phản ứng về việc Nga đưa quân vào Crimea mà chỉ trả lời về vụ tấn công bằng dao ở Côn Minh, Trung Quốc.

Chính giới ở Việt Nam lâu nay vẫn e ngại những cuộc biểu tình của quần chúng, nhất là khi biểu tình đưa đến kết quả là các nhân vật cao cấp bị phế truất như trường hợp Tổng thống Viktor Yanukovych ở Ukraine.

Báo chí chính thống Việt Nam cũng không nói nhấn mạnh chuyện Nga đưa quân vào Crimea thuộc Ukraine, điều mà dư luận châu Âu lo ngại sẽ tạo tiền lệ xấu cho một nước lớn nhân danh bảo vệ kiều dân của mình để hành quân sang lãnh thổ láng giềng.

Nga đã từng đồng ý năm 1994 là 'bảo toàn lãnh thổ cho Ukraine' theo một thỏa thuận để Kiev chuyển cho Moscow các đầu đạn hạt nhân.

Một số báo Việt Nam còn không nói rõ Crimea thuộc Ukraine mà chỉ gọi chung chung là 'Cộng hòa tự trị Crimea'.

‘Lý do hợp pháp’

Cho đến giờ sau khi Hội đồng Liên bang Nga đã bỏ phiếu cho phép Tổng thống Vladimir Putin đưa quân vào khu tự trị Crimea của Ukraine, các tờ báo Đảng vẫn chưa có bình luận gì về vấn đề này.

Trong khi đó, các hành động quân sự trước đây của Mỹ và đồng minh tại các nước như Iraq, Afghanistan hay Libya đều bị truyền thông chính thống Việt Nam lên án là ‘xâm lược’.


"Bài học từ các cuộc ‘cách mạng sắc màu’ cho thấy, việc lật đổ chính phủ thông qua biểu tình bạo lực thường dẫn đến hậu quả là tranh giành quyền lực và lợi ích ngay trong nội bộ phe đối lập, đẩy đất nước lún sâu vào bất ổn chính trị." - Báo Nhân dân

Còn đối với việc Nga đưa quân vào Ukraine, báo chí Việt Nam đã đưa nhiều tin tức theo các cơ quan truyền thông của Nga như Itar-Tass, RIA-Novosti, Inter-fax, Đài Tiếng nói nước Nga hay kênh truyền hình RT – tức cơ quan thể hiện quan điểm của chính quyền Nga.

Báo Công an Nhân dân hôm 3/3 chạy tựa ‘Nga nêu lý do hợp pháp đưa quân vào Crimea’.

Bài báo này dẫn lời Tổng thống Putin nói với người đồng cấp Obama của Mỹ trong cuộc điện đàm trực tiếp rằng ‘nước Nga có quyền bảo vệ lợi ích của người dân Nga và những người nói tiếng Nga’ và ‘Nga sẽ hành động trong khuôn khổ luật pháp cho phép’.

Trang mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói ‘Nga không bao giờ có ý định xâm phạm chủ quyền Ukraine’.

Trang này cũng dẫn lời Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev viết trên tài khoản Facebook của ông rằng giới lãnh đạo hiện nay ở Ukraine ‘đã tiếm quyền bất hợp pháp’.

Trong các bản tin vào thứ Hai ngày 3/3, bên cạnh đưa tin về phản ứng của Ukraine và các nước phương Tây về việc Nga đưa quân vào Crimea, Thông tấn xã Việt Nam còn chạy các tít như: ‘Hơn 3.000 binh sỹ Ukraine tuyên thệ trung thành với Ukraine’, ‘Thêm 4 quan chức quân đội, an ninh Ukraine quay giáo’, ‘Nga không muốn xảy ra chiến tranh với Ukraine’...

Trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam hôm 3/3 chạy tiêu đề ‘Hàng vạn người tuần hành ủng hộ Nga đưa quân sang Ukraine’.


Chính quyền Việt Nam nhìn cuộc biểu tình của người dân Ukraine với ánh mắt lo ngại

Bản tin này dẫn nguồn từ kênh truyền hình Russia One của Nga cho biết ‘những chiếc xe buýt chở hàng ngàn người tị nạn Ukraine đang tiến về biên giới với Nga nhằm thoát khỏi đất nước đang chìm sâu vào khủng hoảng này’.

Trang mạng của Quân đội Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng, hôm 3/3 chạy phóng sự ảnh về tình hình Crimea trước nguy cơ chiến tranh.

Những bức ảnh của tờ báo này cho thấy ‘lực lượng tự vệ Crimea’ đang sẵn sàng chiến đấu và nhận được những tình cảm của người dân Crimea trong khi nhiều người dân ở đây treo cờ Nga.

Ngoài ra còn có ảnh người dân canh gác tượng Lenin với tuyên bố ‘sẽ bảo vệ tới khi nào không thể đứng được mới thôi’.

‘Tương lai bất ổn’

Tờ Một Thế Giới hôm 3/3 chạy tiêu đề ‘Trừng phạt Nga: Sự ảo tưởng của nước Mỹ!’.

Tờ báo này dẫn lời ông Alexei Pushkov, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nga, nói rằng ‘Mỹ và phương Tây sẽ không bao giờ cô lập được Nga trên trường quốc tế’.

Ông này cũng được dẫn lời giải thích là: “Không có bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới trừ 28 thành viên Nato lên tiếng đòi cô lập nước Nga.”

Ông Pushkov nói thêm là ‘đại đa số các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm những nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc’ không có phản ứng gì trước hành động của Nga.

Riêng tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, đến nay vẫn chưa có bình luận về gì về hành động Nga đưa quân đội vào nước láng giềng.

Ông Yanukovych từng sang thăm hữu nghị Việt Nam

Tuy nhiên, trước đó họ đã có bài xã luận hôm 27/2 sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị Quốc hội Ukraine phế truất dưới tiêu đề ‘Tương lai bất ổn’.

Bài xã luận này nhận định những diễn biến vừa qua tại Kiev là ‘làn sóng biểu tình bạo lực được sự hậu thuẫn của phương Tây’.

“Nhìn lại quá khứ, kịch bản thông qua biểu tình bạo động để xóa sổ một chính phủ hợp pháp được phần lớn người dân bầu ra luôn là phương án được phương Tây hậu thuẫn khi muốn thao túng chính trường các nước trong không gian hậu Soviet,” bài xã luận viết.

Theo tờ Nhân Dân thì những biến động chính trị ở Ukraine ‘chỉ mang lại lợi ích cho các cá nhân của lực lượng đối lập, chứ không phải mang lại lợi ích cho người dân’.

“Bài học từ các cuộc ‘cách mạng sắc màu’ cho thấy, việc lật đổ chính phủ thông qua biểu tình bạo lực thường dẫn đến hậu quả là tranh giành quyền lực và lợi ích ngay trong nội bộ phe đối lập, đẩy đất nước lún sâu vào bất ổn chính trị.”

“Thêm một cuộc ‘Cách mạng Campuchia’ nữa, chưa biết khi nào Ukraine mới ổn định và trở lại quỹ đạo hòa bình, phát triển,” tờ báo này nhận định.

1 nhận xét:

  1. Mai một TQ đưa quân sang Quảng Trị để bảo vệ công dân nước mình cũng là điều bình thường thôi hà các đồng chí.

    Trả lờiXóa