Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Từ vụ án Năm Cam đến vụ án “làm lộ bí mật Nhà nước”…

Từ vụ án Năm Cam đến vụ án “làm lộ bí mật Nhà nước”…
Tử tù Năm Cam sau giờ tuyên án tử hình.
I. Vụ án Năm Cam…
Năm Cam (Trương Văn Cam) cầm đầu một băng nhóm tội phạm hoành hành: Giết người, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, cho vay nặng lãi, hối lộ… ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia và đời sống xã hội. Năm 1995 Bộ Công an đã khởi tố bắt giam Năm Cam, củng cố hồ sơ nhằm triệt phá tận gốc băng nhóm nguy hiểm này. Nhưng dùng thủ đoạn mua chuộc bằng tiền, bọn chúng móc nối với một số quan chức thoái hóa biến chất trong ngành Công an, Kiểm sát, Báo chí và cả Văn phòng Chính phủ Năm Cam được thả trước thời hạn.

Tự do, lại có lực lượng bảo kê bọn chúng càng lộng hành. Cuối năm 1999, Bộ Công an thành lập Ban chuyên án điều tra, nhưng cũng bị chúng dùng tiền mua chuộc vô hiệu hóa.

Không thể kéo dài tình trạng trên, tháng 5/2001 Bộ Công an quyết định thành lập một chuyên án mới mang Bí số Z5.01 do Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành, Tổng Cục phó Tổng cục Cảnh sát phụ trách và Thượng tướng Thứ trưởng Lê Thế Tiệm trực tiếp chỉ đạo. Đó là hai vị chỉ huy được đánh giá cao về phẩm chất đạo đức trong sạch, lập trường kiên định và trình độ nghiệp vụ giỏi. Tháng 12/2001 khởi tố vụ án. Nắm chắc pháp luật, với tinh thần mưu trí, dũng cảm, sau 10 tháng (10/2002) Ban chuyên án đã kết thúc điều tra chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân để truy tố.

Ngày 25/2/2003 Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mở phiên sơ thẩm do thẩm phán Bùi Hoàng Danh chủ tọa. Đây là vụ án công khai nổi tiếng, với 155 bị can (trong đó có một Trung tướng Thứ trưởng Bộ Công an cùng 12 cán bộ cấp dưới, một Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cùng 2 cán bộ cấp dưới, 1 nguyên Tổng Giám đốc TTXVN cùng 4 cán bộ cơ quan hành chính khác, 17 đảng viên trong đó có 2 nguyên là Ủy viên TW Đảng, ngoài ra Tòa còn quyết định triệu tập một số người liên quan trong đó có nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, nguyên Phó Giám đốc Công an và Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh), dư luận xã hội hết sức quan tâm theo dõi. 

Phiên tòa kéo dài 57 ngày (không kể ngày nghỉ). HĐXX tuyên phạt 6 án tử hình (trong đó có Năm Cam), 4 án chung thân, còn lại các mức án tù khác. Đặc biệt Phạm Sĩ Chiến, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao 6 năm tù về tội nhận hối lộ; Trần Mai Hạnh nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN 10 năm tù về tội nhận hối lộ và làm lộ bí mật Nhà nước; Trung tướng Bùi Quốc Huy, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an 4 năm tù về tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…

Do có việc chống án nên ngày 15/9/2003 Tòa án nhân dân Tối cao mở phiên tòa xét xử phúc thẩm do ông Bùi Ngọc Hòa chủ tọa. Tòa tuyên phạt 5 án tử hình (trong đó có Năm Cam), 4 án chung thân, còn lại các loại án tù khác. Trần Mai Hạnh được giảm từ 10 năm tù xuống 9 năm, Phạm Sĩ Chiến và Bùi Quốc Huy vẫn y án sơ thẩm.

Chấp hành chỉ đạo của Bộ Chính trị, các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án nhận thức đúng. Mặc dù có những cán bộ cao cấp của mình liên quan đến tổ chức tội phạm này, nhưng với tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, mọi người đều bình đẳng “không có vùng cấm”, cả ba ngành đã phối hợp chặt chẽ, tiến hành trình tự tố tụng đúng luật. Điều tra cụ thể, chính xác, khách quan, truy tố kịp thời, xét xử nghiêm minh đúng người đúng tội.

Kết quả giải quyết “Vụ án Năm Cam” đã làm hài lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân; khẳng định chủ trương của Đảng là đúng đắn; chứng minh sức mạnh của Nhà nước pháp quyền; thể hiện bản lĩnh, nghiệp vụ của cơ quan hành pháp, tư pháp; góp phần củng cố và nâng cao uy tín của Đảng. Kết quả ấy thực sự cảnh báo, răn đe các loại tội phạm trong xã hội và những phần tử thoái hóa biến chất thuộc bộ máy công quyền.

II. Vụ án “làm lộ bí mật Nhà nước”…

Tại phiên tòa, Dương Chí Dũng tố cáo ông Phạm Quý Ngọ, Ủy viên TW Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an đã “mật báo” cho Dũng bỏ trốn và nhận hối lộ từ hắn số tiền 510.000 USD và của một doanh nghiệp 1.000.000 USD. Xét thấy tính chất rất nghiêm trọng kết hợp với những chứng cứ đã có, HĐXX quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm lộ bí mật Nhà nước”. 

Sự kiện ấy rung động dư luận xã hội cả trong và ngoài nước tạo làn sóng bức xúc, từ ngay trong lực lượng ngành Công an đến tất cả những đảng viên chân chính và quần chúng nhân dân, mong muốn Đảng và Nhà nước cho tổ chức điều tra, kết luận, xét xử nghiêm minh như với “Vụ án Năm Cam”. 

Đó là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng. Bởi nếu kết quả điều tra xác minh ông Phạm Quý Ngọ vô can thì phải trả lại sự trong sạch cho ông. Điều đó rất quan trọng vì nhân cách và danh dự là thước đo khẳng định giá trị cuộc sống một đời người. Nếu sau khi điều tra kết luận ông Phạm Quý Ngọ thật sự có liên quan như lời Dương Chí Dũng tố thì mức độ sẽ nghiêm trọng hơn so với các quan chức cao cấp đã phạm trong “Vụ án Năm Cam”.

Chẳng hạn cùng hành vi Nhận hối lộ ông Trần Mai Hạnh nhận số tiền 6.000 USD nhưng ông Phạm Quý Ngọ nhận đến 1.510.000 USD. Cùng hành vi Làm lộ bí mật Nhà nước ông Trần Mai Hạnh cho đăng một số nội dung trong văn bản có chụp dấu “MT” của cơ quan công quyền. Trong khi ông Ngọ là Trưởng ban Chuyên án, Dương Chí Dũng là đối tượng bị bắt. Nhưng chính ông Ngọ lại “mật báo” cho Dũng chạy trốn, mà thông tin này ngoài Thủ tướng chỉ vài người được biết. Rõ ràng mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Hoặc cùng hành vi: Nhận hối lộ. Nhưng số tiền ông Phạm Sĩ Chiến nhận chỉ 3.000 USD, trong khi ông Ngọ nhận gấp nhiều lần. Rõ ràng mức độ cũng nghiêm trọng hơn.

Ông Bùi Quốc Huy cùng là Thứ trưởng Bộ Công an như ông Ngọ, nhưng hành vi của ông Huy chỉ là thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong khi ông Phạm Quý Ngọ lại liên can đến cả việc tham nhũng và tiết lộ bí mật Nhà nước. Rõ ràng mức độ cũng nghiêm trọng hơn.

Mặc dù thế, nhưng cho đến nay vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” mới dừng lại ở việc HĐXX quyết định khởi tố. Quá trình tố tụng tiếp theo thế nào vẫn còn là câu hỏi (?). Đặt câu hỏi là toàn thể nhân dân tin Đảng, yêu chế độ. Trả lời câu hỏi là Bộ Chính trị cơ quan lãnh đạo cao nhất và Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất.

Liệu “Vụ án làm lộ bí mật Nhà nước” có được tổ chức điều tra thật cẩn trọng, kết luận khách quan, chính xác, truy tố kịp thời, xét xử nghiêm minh như “Vụ án Năm Cam” đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân hay không?

Vụ việc vẫn đang chờ đợi sự sáng suốt công minh từ Bộ Chính trị và Quốc hội

Nhà văn Đắc Trung
(Người Cao tuổi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét