Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Chuyện mạng méo thời nay và máy vi tính ở VN

Kỷ niệm về dùng máy vi tính ở Việt Nam
Lại Trần Mai: Bọ Lập có giọng văn hài đọc rất vui, nhưng đôi khi tục quá nên mình không thích. Đọc truyện của Bọ dưới đây mình liên hệ tới hồi mới làm quen với máy vi tính, thấy y hệt như Bọ tả trong bài. Tuy nhiên thời điểm VN có máy vi tính thì chắc Bọ nhớ nhầm. Bọ viết "máy tính vào nước ta vào khoảng 1990-1991 gì đó, còn internet thì hình như vào năm 1998"; còn mình năm 1983 bắt đầu đi làm thì đã được làm trên máy vi tính.
Máy vi tính đầu tiên mình sử dụng năm 1983 khá giống với cái này.
Đầu tiên là đến thuê máy của Viện Khoa học tính toán và điều khiển (lúc đó anh Phan Đình Diệu làm Viện trưởng, phòng máy tính do anh Vũ Duy Mẫn phụ trách, cán bộ quản lý máy là anh Ngô Trung Việt, tên máy là VT82, do Viện tự sản xuất năm 1982); hàng ngày bọn mình đến đó xây dựng mô hình kinh tế lượng đầu tiên cho nền kinh tế VN thống nhất (số liệu thời kỳ 1975-1983), mô hình nông nghiệp và các bài toán quy hoạch phát triển; tất cả các chương trình đều do bọn mình tự viết trên ngôn ngữ BASIC. 


Năm 1984 thì chuyển sang Viện Toán học chạy trên máy Apple 2 nhập khẩu, dùng ngôn ngữ MBASIC (vì GS Hoàng Tụy vừa là Viện trưởng Viện toán, vừa là Giám đốc của bọn mình). Cũng phải tự viết tất cả các phần mềm.

Theo GS Trần Lưu Chương, nên coi hệ FT-1977 là cái mốc đầu tiên của vi tính Việt Nam, vì máy này cũng đã có một hệ điều hành đơn giản, một hệ quản lý tệp và lập trình được bằng hợp ngữ (assembler). 

Về internet, ngày 19 tháng 11 năm1997 là ngày đầu Việt Nam được hòa vào mạng Internet toàn cầu; năm 1998 thì nhiều cơ quan đã sử dụng internet. Xem thêm: Nói thêm về chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam

Về phần mềm máy tính, lần đầu tiên mình được dùng là phần mềm TSP (Time Series Processor) do TS J.P. Verbiest tặng năm 1997 nhân một chuyến công tác sang Việt Nam và đến chỗ mình chơi. Quả thật lúc xem anh biểu diễn, mình không thể tưởng tưởng nổi lại có một phần mềm tuyệt diệu như thế; mọi công đoạn của quá trình mô hình hóa kinh tế đều được tự động hóa, từ ước lượng từng phương trình, ước lượng hệ thống, tới mô phỏng rồi dự báo... đủ hết. Anh Verbiest sau này làm Trưởng đại diện ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam (1997-2000). Anh là người Bỉ, rất tốt bụng, rất lịch sự, rất giỏi và rất thông minh.

Chuyện mạng méo thời nay
Nguyễn Quang Lập

1. Máy vi tính

Chuyện ông quan Hải Phòng bảo có 5 triệu lượt người vào mạng guk gồ chấm Tiên Lãng làm dân tình bàn tán xôn xao, đúng là cười chết thôi. Từ ngày có internet, chuyện mạng méo thật lắm chuyện buồn cười. Dốt mấy chuyện mạng méo không có gì phải xấu hổ cả. Không biết gọi là dốt, thế thôi, có gì đâu mà xấu hổ. Để xóa dốt nhiều khi chỉ mất dăm bảy phút, nhưng nhiều kẻ quen thói giấu dốt không dám mở miệng hỏi người ta một câu. Thói ăn trên ngồi trốc, lên mặt dạy dỗ thỉên hạ quen rồi, chịu khó làm học trò người ta năm bảy phút để người ta bày cho là chuyện không thể, các ông xấu hổ lắm. 




Vì thế mới xảy ra lắm chuyện bi hài, để từ từ mình sẽ kể hết.


Nếu mình nhớ không nhầm, máy tính vào nước ta vào khoảng 1990-1991 gì đó, còn internet thì hình như vào năm 1998 thì phải, trước đó thì ai nấy mù tịt. Mình vốn là kĩ sư vô tuyến cũng chẳng biết cái máy vi tính méo hay tròn. Những năm bảy mươi, thời mình học Bách Khoa, cả trường chỉ có một máy tính, gọi là máy điện toán Minxco 2, choán cả một phòng thí nghiệm mấy chục mét vuông. Muốn tính toán phải số hóa, phải đục lỗ rất phức tạp, không phải dân đại học không làm được. Nghe nói cả miền Bắc khi đó chỉ có hai cái máy điện toán như thế, một của trường Bách Khoa, một của Ủy ban KHKT quốc gia.

Thời đó tụi mình vênh vang lắm, chỉ có dân Bách Khoa mới biết máy điện toán thôi nhé. Bữa nào được vào phòng thí nghiệm tiếp xúc với máy điện toán, cầm chắc mười thằng thì cả chục thằng chạy đi khoe. Vào nhà ăn, đi quán nước, ngồi với nhau giả đò to tiếng cãi nhau về cấu trúc, lập trình, rồi chạy thử loạn cả lên. Dân đại học các trường khác cứ nhìn tụi mình mắt tròn mắt dẹt. Có thằng vờ đến trễ hẹn với người yêu ( cũng là dân đại học trường khác) chạy bộ đến thở hổn hển, nói anh xin lỗi chiều, nay anh làm việc với máy điện toán, gặp mấy cái lỗi phải xử lý… Hi hi, xử lý cái mốc xơ, được các thầy cho vào sờ mó ngắm nghía đã phúc lắm rồi.

Thế mà chỉ không đầy chục năm sau, những năm tám mươi, máy tính ( cái máy điện toán ấy) đã tràn ngập thị trường,  chúng nhỏ hơn bàn tay, ai ai cũng dùng được, trẻ con học lớp một đã dùng được rồi, thật quá ngạc nhiên. Thời mình học, bóng đèn điện tử cái nào cái nấy to bằng ngón chân cái, bây giờ người ta xử lý bằng mạch vi, cả một thế giới điện tử bỗng nhiên thu nhỏ cả trăm lần, nghìn lần, trăm nghìn lần. Đến lúc này  những thứ mình được học  cách đó ít lâu bỗng quá lỗi thời. Thật không thể tin nổi.

Đến những năm 1988-1989, máy vi tính đổ bộ vào Việt Nam, lúc đầu dè dặt dăm bảy bộ, dăm bảy chục bộ, chỉ những cơ quan sang trọng, quan trọng  mới có máy vi tính, đa số dân như tụi mình thì máy vi tính như  là chuyện trên trời, ai ngó được cái máy tính thì khoe khắp làng, giống bác Lê Lựu được đi Mỹ một lần, về nước đi nói chuyện cả trăm buổi, hi hi.

Có thằng bạn học cùng k20 vô tuyến được đi tham quan máy vi tính, nó kéo mình ra quán nước, mặt mày nghiêm trọng, thì thà thì kể chuyện nó được mục sở thị giàn vi tính thế nào. Nó bảo  máy vi tính đặt một phòng riêng gạch men sáng bóng, sạch sẽ tinh tươm, có điều hòa nhiệt độ. Phòng bộ trưởng có thể không có điều hòa nhưng máy vi tính thì dứt khoát phải có. Người làm việc ở phòng vi tính phải mặc áo blu như ở phòng thí nghiệm vậy. Khách vào tham quan  phải cởi giày dép để ngoài, đi tất nilon đã diệt trùng, đi nhẹ nói khẽ, ông nào lỡ ho một tiếng ai nhìn ông này như nhìn kẻ quê mùa mọi rị. Người phụ trách phòng vi tính xuỵt khẽ, nói vào đây cấm không được ho, virus nhập vào máy thì khốn. Nó cười khoái chí, nói từ khi rời phòng vi tính, tự nhiên thấy mình sang trọng hẳn lên, tâm trạng giống như mình vừa đi Liên Xô về vậy.

Hi hi thời đó vậy đấy.  Có nơi không gọi là máy vi tính, gọi thế quê mùa chết,  người ta gọi là computer, cái biển đề: Phòng computer, không phận sự miễn vào! Có người còn kể, ở một cơ quan, ông giám đốc cấm toàn bộ nhân viên nam không được để râu, vào phòng máy vì sợ….. “vi rút”. Chả ai biết virus là con gì, chỉ biết nó là kẻ thù của máy vi tính. Có người còn bảo người sử dụng vi tính nếu không cẩn thận cũng sẻ nhiễm virus. Virus vi tính cũng nguy hiểm như virus ung thư. Kinh! He he.

Hình như các nhà văn ở Hà Nội, Bảo Ninh có máy vi tính sớm nhất, từ năm 1994 Bảo Ninh đã viết văn bằng máy vi tính. Sau đó là Trần Đăng Khoa, ông này rất thích chơi máy vi tính và mobile, cứ đời mới nhất là ông xài, tốn kém bất chấp. Hồi đó mình ngưỡng mộ hai lão này lắm. Thế mới gọi nhà văn chứ, đâu phải quê mùa như mình, đến năm 1996 vẫn viết văn bằng bút mực, bút bi, viết đau cả tay, có cục sẹo rất dày ở ngón tay trỏ.

Một hôm mình đến nhà Bảo Ninh, thấy hắn đang ngồi trước máy vi tính, một tay cầm điếu thuốc Camel, tay kia cầm chén rượu Red Label , mắt lim dim. Trời đất sao mà sang trọng thế, hi hi. Mình xin nó thử xem cái máy vi tính, nể lắm nó mới miễn cưỡng nhường chỗ, nói ông chỉ rê con chuột thôi nhé, cấm đụng vào bất kì cái gì trên bàn phím. Mình nói rồi, ông yên tâm. Nhưng chỉ cần nó quay lưng là mình bấm loạn cả lên, hết thử cái này sang thử cái khác. Bỗng máy bị treo, cứ đơ ra, rê chuột không được, bấm cái gì cũng không được. Mình loay hoay toát cả mồ hôi hột vẫn không làm sao được, thế cùng phải gọi Bảo Ninh. Nó chạy tới nhìn máy nhíu mày, nói chết mẹ virus rồi! Nghe nói virus mình giật bắn, sợ run. Hồi đó sao mà sợ virus thế không biết, đúng là đồ nhà quê, hi hi.

Ông bạn blogger  kể chuyện virus vi tính nhà ông, nói tôi có ông em, ngoài ba mươi tuổi chứ chẳng nhỏ dại gì đâu. Hồi mới tập tọe vi tính, nghe người ta nói virut vi reo, mở trang word ra thấy một thằng đạp cái xe đạp lượn vòng rồi giương mắt nhìn. Cu cậu xúc động quá, kêu toáng lên: "Anh ơi, con virut nó lườm em!"
He he

2 2.  Mobile

Vào giờ này cách đây mười năm, xem một phim Hàn Quốc ( tên gì quên mất rồi) thấy các cô gái trẻ làm PR, quảng bá  điện thoại không dây, là cái mobile bây giờ, thấy mê li. Văn hóa mạng phát triển nhanh kinh khủng, ở ta nhiều người chưa có cái điện thoại bàn, ở vùng sâu vùng xa nhiều người còn không biết điện thoại bàn là méo hay tròn thì thế giới đã có mobile.

Trông thế thôi chứ đó là cả một sự thay đổi lớn lao, một cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Từ những năm 80 thế kỉ 20 trở về trước, việc có những điện thoại di động chỉ có trong chuyện viễn tưởng. Trước đó nữa, đầu thế kỉ 20 chẳng hạn, thì ngay cả những người giỏi viết chuyện khoa học viễn tưởng cũng không thể nghĩ ra “ chiêu” điện thoại di động này.

Năm 1966, nhờ bộ đội ra đa về đóng quân ở làng Đông mình mới biêt thế nào là cái máy điện thoại. Đấy là loại điện thoại truyền dẫn trực tiếp, muốn gọi về đâu thì bấm số rồi quay, lắm khi quay mỏi tay chuông vẫn chả đổ, thế mà tụi con nít nhìn cái điện thoại cứ mắt tròn mắt dẹt. Phục lắm. Nghĩ mãi không ra tại sao tiếng nói ở đâu đó xa tít, chui theo dây điện nhỏ xíu chạy về tận đây, mà chui rất nhanh, mình vừa a lô bên kia đã có người đáp rồi, kinh. Hi hi. Đứa nào đứa nấy thèm được cầm điện thoại quay thử cái xem sao, nhưng sợ các chú bộ đội, không dám. 

Hồi đó các chú chỉ huy ở nhà mệ Vị, trước nhà mình. Trưa nào mình cũng tót sang đứng ngắm cái máy điện thoại. Các chú bộ đội mắt trợn tay chỉ, nói không được nghịch điện thoại nghe chưa, điện giật chết đó. Còn nhỏ tí nhưng mình chả tin, nhưng mệ Vị thì tin. Buổi trưa hôm đó các chú bộ đội đi vắng, có chuông điện thoại, mệ từ bếp lật đật chạy ra. Không dám sờ vào ống nói, mệ rón rén đi tới, cúi xuống chõ miệng về điện thoại, nói các chú đi khỏi cả rồi! Chuông càng réo mệ nói càng to, chuông cứ réo làm mệ tức hét rất to, nói vơ mấy chú nời, tui đã  nói các chú đi khỏi cả rồi, điếc à! Hi hi.

Mình cũng như mệ Vị, quê một cục. Năm 1982 mình đóng quân ở Phước Tường- Đà Nẵng, thỉnh thoảng vẫn đến chơi ở Hội văn nghệ  Quảng Nam- Đà Nẵng, có khi ăn dầm ở dề ở đó cả tuần lễ. Hồi đó lính tráng vẫn dùng điện thoại quay tay trong khi dân đã dùng điện thoại bấm số, gọi rất oách là điện thoại tự động. Một hôm bác Xuân Diệu bay vào Đà Nẵng, đến sân bay không thấy ai ra đón, bác gọi điện về Hội , mình cầm máy. Bác Xuân Diệu nói cho bác gặp anh Nguyễn Bá Thâm. Mình vâng rồi đặt ống nghe vào tổ hợp đi gọi anh Thâm, chẳng hề biết đặt ống nghe vào tổ hợp là ngắt máy. Anh Thâm chạy đến thấy máy bị ngắt, không biết bác Xuân Diệu gọi từ máy nào để gọi lại. Tức điên anh chửi mình, nói thằng ni ngu chi ngu tàn bạo. Mình đứng tẽn tò, thẹn đúng một buổi chiều, bây giờ nghĩ lại vẫn còn thẹn. Hi hi.

 He he dân mình cũng may, toàn được đón tắt đi đầu, chưa kịp công nghiệp hóa thì thiên hạ đã công nghiệp sạch bách, dân mình xài thoải mái các sản phẩm “ công nghiệp hóa” của thế giới, khỏe re. Đang khi chưa có xe đạp thì xe máy đổ về ầm ầm. Nhiều người xe máy chưa biết đi, đúng thời ô tô đổ về, cứ thế leo lên ô tô lái, bỏ qua giai đoạn xe máy như không. Mình có ông bạn nhát chết, không dám đi xe máy. Người ta đi xe máy ầm ầm, nó cứ đi xe đạp. Bỗng đâu trời ỉa trúng đầu,  làm đâu trúng đó, nó tậu luôn ô tô, bây giờ lái ô tô rất lụa trong khi vẫn không biết đi xe máy. Lại có ông bạn ra Hà Nội 6, 7 năm vẫn chưa mắc được điện thoại. Khi có tiền thì người ta không cho mắc vì không có hộ khẩu, khi có hộ khẩu rồi thì không sao có đủ tiền để mắc một cái điện thoại. Trời cũng ỉa trúng đầu nó, nó phất lên như diều gặp gió, bỏ qua điện thoại bàn, nhà nó năm người năm cái mobile, thiên hạ lác mắt.

Những năm 96-97 mobile chỉ dành cho con nhà giàu, chỉ vài ba triệu một cái thôi nhưng thời đó với nhiều người vài ba triệu là con số khổng lồ, thành ra mobile là vật trang sức, thứ khoe giàu. Cái mốt vừa đi đường vừa nói chuyện điện thoại rất thịnh hành, đặc biệt mấy cô cậu “con  giời”. Nhiều cô cậu hễ ra đường là bốc máy gọi người quen, có khi chẳng ma nào gọi cũng cầm máy nói chuyện say sưa. Một buổi trưa mình từ báo Văn Nghệ ra phố Huế ăn cơm bụi, thấy một cô mắt xanh mỏ đỏ đi xe máy cầm mobile nói chuyện õng ẹo với ai đó bằng tiếng Anh, nói rất to như là đang thông báo cho cả phố biết cô có mobile và biết tiếng Anh. Một thằng cu chạy vụt qua, giật cái mobile bỏ chạy. Vừa lúc taxi chạy đến, chắn ngang lối nó chạy, thằng cu vòng ra sau lại đâm sầm vào một thằng tây, ngã. Cái mobile văng ra, thằng cu vùng chạy không kịp lấy. Thằng tây chộp lấy cái mobile đưa cho cô bé, bây giờ mới nhận ra cái mobile hết pin từ tám hoánh, thế mà cô bé vẫn nói chuyện say sưa, thật quá tài. Cô bé cầm cái mobile, nói thank you. Thằng tây xổ ra một tràng tiếng Anh, cô bé mặt đực như ngỗng ỉa, nói  ai đông nâu, ai đông nâu… 

Ông bơm xe đạp  cạnh đường, thấy ngứa tai ngứa mắt mới chĩa cái bơm về phía  cô bé quát to, nói này con kia biến ngay, đông đông cái l. mẹ mầy! Hi hi một buổi trưa thật đáng nhớ.

Cho đến Mobile và tiếng Anh là hai món mà dân “Trảng Bom” vẫn dùng để hù thiên hạ, đến nay hảy còn dùng. Khi mobile đã phổ cập toàn dân, đến trẻ con tiểu học vẫn xài mobile nói tiếng Anh thì lắm vị dân “ Trảng Bom” vẫn nổ liên tục, bất biết xung quanh người ta bịt mũi cười thế nào. 

Mình có ông bạn hễ đến nơi đô hội, thế nào cũng xổ ra dăm bảy tiếng Anh bồi. Ông giả đò gọi điện cho ai đó, nói hôm qua suýt trễ máy bay ông ạ, may máy bay đì lây một tiếng. Lại gọi cho ai đó, nói nâu nâu nâu… de nâu tham tu lâu dờ( there’s no time to lose)… Một cô đang uống cà phê bỗng cười sặc, phun cả cà phê vào mặt ông. Ông vẫn như không, chỉ hơi đỏ mặt tí rồi lại tỉnh bơ. Rõ là dân “Trảng Bom”, hi hi.

 Khi có các em chân dài, thế nào ông cũng lôi mobile xịn ra trổ tài hết cỡ chụp ảnh cho các em, mồm miệng như tép nhảy hết go on lại put up. Đến khi mót tiểu ông chạy đi tìm nhà vệ sinh, đi một lúc rồi quay lại nhăn nhó chửi, nói mẹ khỉ, cái nhà hát to thế này mà không có nhà vệ sinh. Mọi người thấy lạ mới đi tìm, té ra toilet không có chữ WC thay vào đó là chữ rest room. Mọi người bịt miệng cười, ông thì đỏ mặt chửi vung lên, nói chúng nó ngu bỏ mẹ, rest là nghỉ, room là phòng, nhà vệ sinh dám gọi là phòng nghỉ! 

 Lại có ông bạn khác cũng rất thích lấy le với mấy em chân dài. Thấy các cô ở đâu là ông cầm mobile xịn hết vào mạng lại chụp ảnh, quay phim, loạn cả lên.  Mình  thấy mấy cảnh hay hay mới mượn mobile của ông để quay phim, hỏi ông bấm thế nào quay thế nào. Ông bảo tí nữa tôi bày cho. Mình nói thì ông bày ngay đi, “ tí nữa” làm cái gì. Ông vội vàng kéo mình ra xa, rỉ tai mình, nói đ. mẹ mày định bóc mẽ tao đấy à. 

Còn đây là chuyện quan Hà Nội hẳn hoi. Ông này hay lắm, lúc nào cũng có mobile xịn nhất, đời mới nhất nhưng không biết nhắn tin, đọc tin nhắn. Đến việc lưu số máy cũng không nốt, lúc nào cũng có sổ danh bạ dày cộp trong túi. Người ta gọi điện, nói đây là số máy của tôi, anh lưu vào nhé. Ông cười, nói rồi, ok ok dát rai dát rai ( that’s right) chuyện nhỏ như con thỏ, để tối về tôi lưu, đang bận.  Bây giờ ông đọc đi để tôi ghi tạm vào sổ…. Ok ok nâu pờ rô bờ lầm ( no problem)… 
He  he

3. Email và blog

Lại nói chuyện ông quan Hải Phòng bảo có 5 triệu lượt người vào mạng guk gồ chấm Tiên Lãng, thiên hạ được bữa cười no. Rõ là ông quan này chẳng biết google là cái gì, blog với trang web là cái gì lại còn tính lòe người ta. Cho nên mình đã viết bài Guck gồ chấm lòe, từ đó mới nảy ra cái ý viết loạt bài Chuyện mạng méo thời nay.

 Chuyện mạng méo lắm kẻ còn ù ù cạc cạc chứ chẳng riêng gì ông quan Hải Phòng. Nhiều người cứ động đến mạng méo là như chim chích vào rừng xanh, càng học càng mù tịt, rất lạ. Mình có ông bạn nhà văn thông thái lắm. Ông này thiên kinh vạn quyển, chuyện trên trời dưới biển, kim cổ đông tây biết hết. Nhưng động đến chuyện mạng méo là  ngu ngơ như bò đội nói. Mọi người ra sức giải thích ông càng ngu ngơ. Ông có thể nói ngay chữ IT là viết tắt của chữ Information technology nhưng ông không tài nào phân biệt được trang mạng  facebook và google khác nhau như thế nào, nói mỏi mồm cũng vậy thôi. Hầu như tư duy của ông hoàn toàn đóng kín với mọi ngôn ngữ thuộc về thế giới IT. 

Khốn nỗi mạng méo bây giờ đã phổ cập toàn dân, đến trẻ lên ba hảy còn biết, ai không biết bị coi là ấu trĩ, là lạc hậu, xấu hổ lắm. Đặc biệt cái hộp thư email, thời này được coi như chuyện đương nhiên phải biết, giống như mobile, mỗi người đều phải có một hộp thư email để liên lạc với mọi người. Nếu ai đó bảo rằng mình không có email, không biết meo méo là cái gì thì buồn cười lắm, đặc biệt đối với những người có chữ. 

Khi mình viết bài Guck gồ chấm Tiên Lãng, tung lên blog Quê choa, nhiều người góp chuyện rất vui. Người kể về bi kịch internet, nói  tôi có một anh bạn làm xếp một cơ quan (anh ta có bằng thạc sĩ, tất nhiên bằng B tin học). Một hôm tôi ghé nhà thấy hắn đang giải nghĩa từ IT cho con hắn. Hắn nói IT là viết tắt của chữ internet. I = in, T = ternet. Ua chầu chầu… ngất trên đống đất!  Người kể về bi kịch meo méo, nói mình phỏng vấn một ông anh giáo sư viện sĩ hẳn hoi. Giờ vẫn có một chức to ở một cơ quan cũng rất to. Mình xin địa chỉ email để gửi bài cho ông anh đọc lại. Ông anh bảo: Gửi về địa chỉ này… địa chỉ này nhé. Tớ đang đi công tác, mai lên cơ quan về tớ đọc.  Mình thấy toàn hộp thư email cơ quan, mới bảo cho em xin địa chỉ email của anh, em gửi luôn vào hộp thư của anh, lát nữa về nhà, anh đọc luôn cho em. Anh bảo địa chỉ tớ để ở… cơ quan, không để ở máy nhà. He he.

Chuyện người dốt hay nói chữ thì nhiều lắm. Có ông sếp  dạy dỗ cán bộ của mình, lưng ưỡn tay xòe, nói bây giờ hội nhập rồi, các bạn phải biết chịu khó học tập ngoại ngữ, không học mà đi ra thế giới là mình mù chữ luôn. Phải học không chỉ tiếng Pháp, tiếng Anh mà còn phải học cả tiếng Mỹ nữa(!). Thời trước chỉ có điện 1 pha, 2 pha, giờ đã tiến đến 3 pha rồi. Các bạn phải học thật tốt vào để còn làm chủ cả điện 4 pha, 5 pha mới kịp trào lưu thế giới. Ặc ặc!

Thì cũng giống như chuyện mình đã kể. Có ông quan đầu tỉnh nói chuyện với các nhà khoa học, ông chê các vị tiến sĩ giáo sư kém ngoại ngữ. Cũng lưng ưỡn tay xòe, ông nói có ngoại ngữ mới tiếp cận được thông tin thế giới. Bản thân tôi ngày nào cũng đọc tờ Niu oóc ti mét. Chẳng ai hiểu tờ Niu oóc ti mét là tờ nào, mãi sau mới biết ông đang nói đến tờ New Jork times. Hi hi đến phát âm còn chẳng được lại dám bảo ngày nào cũng đọc báo tây. Chết cười.

Thời buổi mạng méo, lắm kẻ đua nhau xài mobile xịn, laptop xịn mấy ngàn đô trở lên, không phải để khoe giàu, đáng gì mấy ngàn đô mà khoe, chủ yếu để các ông lòe mọi người về cái trình IT của họ. Đã dốt IT lại còn đòi lòe người ta, rõ khổ mấy ông quê mùa sĩ diện hão. Giấu gì chứ giấu dốt là rất khó, giấu dốt IT lại càng khó, trước sau cũng lộ tẩy, có mà chạy đằng giời.

Mình có quen một ông xếp tổng một công ty, tất nhiên là DNNN. Sướng thế nên ông tổng này ăn chơi nhảy múa suốt ngày, đến họp tổng kết công ty do ông chủ trì ông cũng bỏ mặc. Ngồi nhậu với tụi mình, ông  gọi điện về cơ quan, nói anh em cứ thảo luận kĩ vào, một buổi không xong thì hai buổi, cuối buổi chiều tôi về kết luận, rồi cúp máy nhậu cho tới chiều. Mình cười, nói bác chạy rông suốt ngày, biết công ty đang làm gì mà chỉ đạo với chả kết luận. Ông cười cái cái xoẹt, vỗ cái laptop xịn nhất nước Nam luôn đeo kè kè bên người, nói giám đốc thời đại mới làm việc trên mạng , cần gì phải đến văn phòng. Kinh, hi hi.

 Ông nói mà quên mất chỉ trước đó một ngày, tối chủ nhật mình có meo cho ông một tài liệu, gọi điện nói anh chéc đi, tài liệu quan trọng, có liên quan đến anh đó. Anh ok ok chéc ngay chéc ngay. Một giờ sau mình gọi điện, nói đọc chưa. Ông bảo chưa, bận quá bận quá. Mình mới dọa, nói tối chủ nhật bận cái gì, chéc ngay, đọc ngay, xử lý ngay không thì nguy đấy. Lúc này ông mới thở ra, nói khổ quá, tôi cũng sốt ruột lắm, nhưng con bé đi học tiếng Anh chưa về. Té ra email của ông ở nhà thì con gái giữ, ở cơ quan thì thư kí giữ. Làm việc trên mạng của ông là rứa đó.

Chuyện đó không hay bằng chuyện Trương Duy Nhất kể. Đà Nẵng là nơi nổi tiếng phong trào xóa mù tin học cho cán bộ công nhân viên chức. Một hôm cu Nhất xem ti vi thấy một ông quan Đà Nẵng đang khoe thành phố Đà Nẵng 100%  cán bộ công nhân viên chức biết sử dụng internet. Cu Nhất mới gọi điện cho ông quan này, nói em viết xong bài rồi, anh cho em xin địa chỉ email để em gửi cho. Ông này tỉnh bơ, nói mày cứ gửi cho anh về 57 bis Bạch Đằng*.

Trường phái guk gồ chấm lòe thì ông quan Hải Phòng còn khá hơn ông này nhiều. Ông này còn biếtguk gồ chấm Tiên Lãng chứ ông xếp tổng đúng là “mù” toàn phần. Ông kia nghe mói người kháo nhau, nói trang web Trần Nhương. Com hay lắm thì cười cái hậc, nói chấm éo gì kì quặc, nhà văn mà không biết ngữ pháp, có hai chữ chưa đủ câu cũng chấm.

Ba bốn năm nay không gặp ông, sáng nay ông gọi điện cho mình rất sớm, nói nghe chúng nó bảo mày có cái blog Quê choa hay lắm à, gửi cho anh đọc đi. Mình nói anh vào gu gồ gõ hai chữ Quê choa là ra ngay thôi. Anh nói guk gồ guk gheo làm gì cho phức tạp, dạo này anh bận lắm. Mày chịu khó ra bưu điện gửi cho anh.
He he.

http://bolapquechoa.blogspot.com/2014/01/chuyen-mang-meo-thoi-nay.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét