Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Nói thêm về chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam

Đọc bài của Bọ Lập về Chuyện mạng méo thời nay, mình vào mạng tìm thấy bài này nói về chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam. Tiếc là không thấy bài “Ngoài 70 tuổi Xuân, ai còn có thể làm CNTT?” của GS Trần Lưu Chương. Nhớ lại hồi đó đi làm sao vô tư và vui vẻ thế, cấp trên cấp dưới nói chuyện cởi mở, nghĩ gì nói đấy chứ không giả dối như bây giờ. GS Hoàng Tụy tuổi chưa cao nhưng tóc bạc trắng, mặc quần bò, nhất định bắt bọn trẻ gọi bác là anh, xưng em, gọi nhau ở cơ quan phải thế mới đúng, mới đàng hoàng, mới dám tranh luận nhau thẳng thắn...; nhưng chẳng đứa nào dám làm theo lời bác. Hồi đó cơ quan TW cấm mặc áo phông quần bò đi làm, nhưng đám làm toán kinh tế vẫn có đứa không chấp hành. Sau thấy các giáo sư và chuyên gia Nga (thời hậu Bregiơnep) sang làm việc toàn mặc áo phông quần bò nên cơ quan chán, thôi không cấm nữa.
Nói thêm về chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam
Lời TS: Sau khi mục “Còn trong ký ức...” ra mắt trong số Xuân Quý Mùi (số 28, tháng 2/2003), chúng tôi nhận được nhiều ý kiến hưởng ứng của bạn đọc. Với sự quan tâm sâu sắc đến quá trình phát triển ngành CNTT VN, nhiều bạn đã mong muốn các bài viết không chỉ là “ký ức” mà nên nâng thành “lịch sử” với tính chính xác cao. 
Chiếc máy ra đời 1977 tại Phòng Kỹ Thuật Vi Xử Lý, 
Viện KHTT&ĐK và chuyên gia Pháp Alain Teissonniere.
Bạn Phan Đặng Cường đã góp ý: 
“Theo hiểu biết của tôi thì hầu hết các thông tin ở mục “Và sự ra đời của chiếc máy vi tính VN đầu tiên” [trong bài “Ngoài 70 tuổi Xuân, ai còn có thể làm CNTT?” của GS Trần Lưu Chương, trang 21] đều chính xác trừ các điểm sau đây:
Chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam được chế tạo tại Viện Khoa Học Tính Toán và Điều Khiển mang tên là FT85 (chế tạo vào năm 1979 -1980 dựa trên bộ vi xử lý 8085), sau đó là VT81 (chế tạo vào năm 1980 dựa trên bộ vi xử lý Z80) và VT82 (chế tạo vào năm 1982). Còn ĐT-1 không phải là tên máy vi tính và là tên của trình biên dịch BASIC trên FT85. ĐT có nghĩa là Đồi Thông, địa danh nơi có trụ sở làm việc của Viện Khoa Học Tính Toán và Điều Khiển (nay là Viện CNTT); ...”

Để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi đã mời GS Trần Lưu Chương bổ sung thông tin về vấn đề trên.

Tôi xin cảm ơn các bạn đọc đã góp ý kiến về một số thông tin trong bài viết của tôi trên PC World tháng 2/2003, đặc biệt các anh Nguyễn Chí Công, Vũ Duy Mẫn, Đặng Văn Đức đã cung cấp thêm tư liệu để đính chính và bổ sung một số thông tin liên quan đến các máy vi tính đầu tiên của Việt Nam.

Hệ phát triển vi xử lý đầu tiên dựa trên bộ vi xử lý 8080 ra đời năm 1977 tại Phòng Kỹ Thuật Vi Xử Lý của Viện Khoa Học Tính Toán và Điều Khiển do anh Nguyễn Chí Công phụ trách. Chiếc máy này không có tên gọi chính thức. Ngay năm sau, 1978, cũng tại phòng này đã ra đời chiếc máy thứ hai dựa trên bộ vi xử lý 8085 mang tên FT85. FT có nghĩa là “Fát Triển” vì máy này có chức năng là “máy cái” dùng để nghiên cứu, phát triển, sản xuất các máy khác tương tự. Sau này, vào khoảng đầu những năm 80, anh Đặng Văn Đức mới cài đặt cho các máy này hệ điều hành CPM-80 phiên bản 2.2, là hệ điều hành phổ biến cho các máy 8 bít thời đó. Từ 1979 đến khoảng 1984, tập thể nghiên cứu của Viện đã cho ra đời nhiều phiên bản 8 bít và 16 bít khác như các máy VT81, VT82.

Theo một số anh đã công tác ở Viện vào thời gian đó thì máy VT81, ra đời năm 1981, mới có thể coi là chiếc máy vi tính đầu tiên của VN. Các hệ “FT” trước đó, theo đúng tên gọi, chỉ để phát triển các hệ vi xử lý, thiếu các chức năng như hệ điều hành, ngôn ngữ lập trình để có thể được gọi là máy tính. Trong bài của tôi ở số PC World B tháng 2/2003 tôi chỉ nhớ đến chiếc máy VT82 ra đời năm 1982 (mà viết nhầm là ĐT-1), có lẽ vì nó đã gây ấn tượng rất sâu sắc cho tôi lúc đó. Tuy vậy, tôi nghĩ ta vẫn nên coi hệ FT-1977 là cái mốc đầu tiên của vi tính Việt Nam, vì máy này cũng đã có một hệ điều hành đơn giản, một hệ quản lý tệp và lập trình được bằng hợp ngữ (assembler). Chiếc máy năm 1977 nay không rõ lưu lạc ở đâu, nhưng anh Công còn giữ được chiếc máy năm 1978 và tôi được biết nó vẫn còn có thể hoạt động.

Cũng khoảng thời gian đầu những năm 80, ở một phòng nghiên cứu khác cũng thuộc Viện KHTT và ĐK, nhóm anh Vũ Duy Mẫn đã xây dựng trình biên dịch BASIC cho máy FT85 mang tên ĐT-1. Tham gia làm phần mềm hệ thống cho máy vi tính của Viện từ đầu còn có chị Đỗ Việt Nga, anh Doãn Ngọc Liên, anh Giang Công Thế và nhiều anh chị em khác. Ngoài ra còn có sự đóng góp trực tiếp và gián tiếp của nhiều chuyên gia trong nước, của các bạn Việt kiều và nước ngoài khác, trong đó có anh Alain Teissonnière, một chuyên gia Pháp, đã có những đóng góp đáng kể. Về sự đóng góp của các anh này, tôi xin nói trong một bài sau.

Nhân đây, xin đề nghị hai việc:

1. Đã đến lúc chúng ta nên tổ chức thu thập tư liệu, hiện vật còn rải rác ở nhiều nơi, kể cả trong trí nhớ của mỗi người, đặc biệt của các anh đi đầu trong CNTT, để viết lại lịch sử xây dựng và phát triển CNTT ở Việt Nam từ những năm 60 đến nay.

2. Trên cơ sở những tư liệu, hiện vật thu thập được, nên thành lập “Phòng truyền thống CNTT”, đặt ở Bộ Khoa Học Công Nghệ hoặc ở Hội Tin Học Việt Nam. Một số anh chị được hỏi ý kiến rất tán thành và sẵn sàng tặng cho phòng trưng bày những hiện vật mà họ còn lưu giữ.

Trần Lưu Chương

Chủ Nhật, 11/01/2004 20:30

http://www.pcworld.com.vn/articles/quan-ly/chuyen-muc/2004/01/1185655/noi-them-ve-chiec-may-vi-tinh-dau-tien-cua-viet-nam/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét