Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

“Kiều nữ Hải Dương” cần một lời xin lỗi nghiêm túc

Bà Phạm Thị Thanh Ngọc có quyền nói lời tha thứ, nhưng pháp luật có mực thước của pháp luật. Những cá nhân cố tình viết những bài xúc phạm nhân phẩm công dân phải bị xử lý thật nghiêm. Có như thế mới ngăn chặn được tình trạng đưa tin bịa đặt. Nếu không thì bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là nạn nhân kiểu như “Kiều nữ Hải Dương”.
“Kiều nữ Hải Dương” cần một lời xin lỗi nghiêm túc
Bà Phạm Thị Thanh Ngọc, người bị một số tờ báo đưa tin đã ép tài xế taxi “quan hệ” về Việt Nam ngày 12.1 để chuẩn bị các thủ tục khởi kiện yêu cầu xin lỗi, bồi thường thiệt hại.
Trả lời báo chí, bà Ngọc nói: “Tôi về nước với quyết tâm làm sáng tỏ vụ việc cho đâu đó rõ ràng. Tôi muốn bảo vệ mình, đồng thời bảo vệ dư luận, bảo vệ những chị em phụ nữ Việt Nam nói chung trước những thông tin phản cảm từ trên trời rơi xuống như tôi đã gặp”.

Bạn đọc hẳn còn nhớ những thông tin về một người đàn bà ở Hải Dương, đã dụ hàng trăm tài xế taxi vào biệt thự của mình để ép quan hệ tình dục. Người ta đã khai thác nhiều chi tiết giật gân để câu khách, giật gân đến nỗi khó tin được, nhưng nó vẫn được đưa lên mặt báo. Vấn đề ở đây là liên quan đến một con người cụ thể, có địa chỉ và tên tuổi cụ thể, không phải chuyện vu vơ không tên không tuổi, vô sư vô sách.

Nạn nhân Phạm Thị Thanh Ngọc ở Mỹ, bàng hoàng khi đọc những bài báo bịa đặt hành vi xấu xa cho mình. Sự tổn thương về tâm lý, tinh thần thật khó có thể nói hết. Không chỉ đối với cá nhân bà Ngọc, mà còn với gia đình, người thân, dòng họ.

Nếu đặt mình vào trường hợp của bà Phạm Thị Thanh Ngọc, bất cứ ai cũng sẽ cảm nhận được sự tra tấn tâm lý khủng khiếp của những thông tin đó. Không ai có thể lường hết được hậu quả của những cú sốc tinh thần ghê gớm như vậy.

Chịu nỗi đau tinh thần là một phần, bà Ngọc còn phải mất thời gian, tiền bạc để về Việt Nam đòi lại công bằng cho mình. Tuy thế, bà Ngọc vẫn có thái độ bình tĩnh, độ lượng, bà cho biết sẽ bỏ qua, sẽ tha thứ. Bà chỉ cần một lời xin lỗi, và việc đòi lại công bằng của bà còn vì mục đích ngăn chặn các loại thông tin bịa đặt có thể xảy ra cho người khác.

Nạn nhân của những thông tin “trên trời rơi xuống” không chỉ vài trường hợp cá biệt. Có người có điều kiện để khởi kiện, đấu tranh đòi lại sự thật, nhưng không ít người chịu tiếng mang lời, im lặng chấp nhận, cay đắng ôm lấy tiếng oan.

Xã hội chúng ta đang sống có quá nhiều điều chưa lành mạnh, ra đường chỉ cần va quẹt xe là gây gổ hành hung. Nơi công cộng thừa tiếng chửi thề mà thiếu lời xin lỗi, thừa sự giành giật mà thiếu tiếng “xin vui lòng” hay “cảm ơn”.

Những điều đó đã quá đủ để ảnh hưởng đến nhân cách con người. Thêm một vụ đưa tin gây sốc xúc phạm tới phẩm giá của một phụ nữ là thêm một sự tổn thương không chỉ cho nạn nhân mà cho cộng đồng.

Bà Phạm Thị Thanh Ngọc có quyền nói lời tha thứ, nhưng pháp luật có mực thước của pháp luật. Những cá nhân cố tình viết những bài xúc phạm nhân phẩm công dân phải bị xử lý thật nghiêm. Có như thế mới ngăn chặn được tình trạng đưa tin bịa đặt. Nếu không thì bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là nạn nhân kiểu như “Kiều nữ Hải Dương”.

Lê Thanh Phong
(Một thế giới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét