Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Việt Nam có nhiều cơ hội từ các cơ chế mới của WTO

Việt Nam có nhiều cơ hội từ các cơ chế mới của WTO
Chiến Thắng thực hiện
Đại sứ Nguyễn Trung Thành. Ảnh: Tố Uyên - TTXVN
(TBKTSG Online) - Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa đạt được thỏa thuận thương mại quan trọng tại hội nghị các bộ trưởng thương mại ở Bali, Indonesia cuối tuần trước. Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva trả lời phỏng vấn SGT Online.
Thưa ông, bộ trưởng thương mại các nước thành viên WTO vừa đạt được một thỏa thuận được ca ngợi là "cú hích" cho thương mại toàn cầu. Xin ông tóm tắt vài nét chính của thỏa thuận này.
Thế là sau nhiều năm phấn đấu, WTO đã đạt được một thỏa thuận thương mại đa phương đầu tiên cho Vòng Đàm phán phát triển Doha được khởi động từ 2001.
Ngắn gọn thì "Gói Bali" gồm 3 cấu thành chính (1) Hiệp định thuận lợi hóa thương mại (TF); (2) Gói cam kết nông nghiêp và (3) Gói cam kết phát triển; trong đó trọng tâm là Hiệp định thuận lợi hóa thương mại với mục tiêu xây dựng bộ quy tắc thống nhất, đơn giản hơn về thủ tục thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo đánh giá của WTO, Hiệp định TF sẽ tạo ra 1.250 tỉ đô la Mỹ mỗi năm nhờ giảm chi phí và tăng hiệu quả thương mại và tạo ra khoảng 21 triệu việc làm. Bên cạnh đó, Gói Bali còn mở ra các cơ hội xuất khẩu nông sản cho các nước đang và kém phát triển nhờ việc cải thiện hệ thống hạn ngạch thuế quan (TRQ). Đặc biệt, các nước kém phát triển (LDCs) sẽ có điều kiện tốt hơn để khai thác ưu đãi thuế quan theo các chương trình miễn giảm thuế và hạn ngạch (DFQF) của các nước phát triển nhờ quy tắc xuất xứ thuận lợi hơn.
Lần đầu tiên, WTO đã có một cơ chế giám sát các ưu đãi và đối xử đặc biệt cho các nước đang và kém phát triển. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp và tổng thể nền kinh tế toàn cầu đang rất cần một cú hích cho sự phục hồi bền vững hơn sau giai đoạn khủng hoảng. Dù chỉ là kết quả còn khá hạn chế, nhưng nó đủ để góp phần khôi phục niềm tin vào hệ thống thương mại toàn cầu, nhất là bối cảnh nền kinh tế thế giới mấy năm qua như ta đã biết.
Các cuộc đàm phán của WTO tưởng chừng như thất bại do gặp hàng loạt các bất đồng. Bất đồng lớn nhất giữa các nước là gì và các đòan đàm phán đã giải quyết vấn đề này thế nào? Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này ra sao?
Đàm phán thương mại luôn là những đàm phán phức tạp đòi hỏi nhiều kỹ năng, chuyên môn và quyết tâm chính trị. Đàm phán đa phương trong khuôn khổ WTO lại càng phức tạp do các lợi ích kinh tế, thương mại chồng chéo. Với 160 thành viên bao gồm các nền kinh tế có quy mô và trình độ phát triển khác nhau thì thách thức lớn nhất chính là việc các thành viên phải tìm cho được những điểm then chốt cho phép đạt đến sự cân bằng lợi toàn diện về lợi ích giữa các bên tham gia.
Bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng càng tạo ra nhiều thách thức cho tiến trình đàm phán đa phương này. Những tháng gần đây trước thềm Hội nghị Bali đã có sự gia tăng quyết tâm chính trị của tất cả các thành viên để cố đạt được một kết quả nhất định tại Bali, để rồi thế giới chứng kiến một Bali đầy kịch tính.
Chúng ta có lợi ích thiết thân trong một hệ thống thương mại toàn cầu hiệu quả vì lợi ích của hợp tác và phát triển bền vững. Phát triển của Việt Nam gắn bó hữu cơ với phát triển của thế giới. Do đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục tham gia ngày càng tích cực hơn, đóng góp thiết thực cho hệ thống thương mại toàn cầu phát triển đúng hướng và tích cực.
- Đại sứ Nguyễn Trung Thành
Có thế lúc này lúc khác ta thấy WTO hụt hơi, mất phương hướng, thiếu tầm nhìn và sự lãnh đạo cần thiết trong một hệ thống đa dạng và dân chủ hơn. Nhưng điều đáng mừng là bất đồng tuy lớn và sẽ tiếp tục nhưng lợi ích chung vì hợp tác và phát triển đã thắng thế.
Trong Gói Bali, một trong những điểm chốt là cơ chế hỗ trợ kỹ thuật dành cho các nước đang và kém phát triển để thực thi cam kết của Hiệp định TF. Ở một mức độ ít hơn, đó là vấn đề các nước đang phát triển được sử dụng nguồn lực để hỗ trợ thu mua lương thực, bảo đảm an ninh lương thực.
Quan điểm, lập trường, cách tiếp cận và nỗ lực cụ thể của Việt Nam là rõ ràng. Đó là chúng ta tích cực, chủ động và có trách nhiệm tham gia hữu hiệu từng bước đi của WTO trên đường tới Bali và tiếp tục sau này nữa.
Chúng ta có lợi ích thiết thân trong một hệ thống thương mại toàn cầu hiệu quả vì lợi ích của hợp tác và phát triển bền vững. Phát triển của Việt Nam gắn bó hữu cơ với phát triển của thế giới. Do đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục tham gia ngày càng tích cực hơn, đóng góp thiết thực cho hệ thống thương mại toàn cầu phát triển đúng hướng và tích cực.
Có quan điểm cho rằng, hệ thống thương mại đa phương toàn cầu đang dần bị các thỏa thuận mậu dịch tự do song phương và khu vực lấn át và kết quả hội nghị Bali đã gỡ thể diện cho WTO về mọi phương diện. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?.
Năm 2001, các thành viên WTO đã khởi động Vòng đàm phán phát triển (Vòng Doha) với kỳ vọng mang lại sự thay đổi về một trật tự thương mại toàn cầu mang tính cân bằng. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán sau đó của WTO liên tục gặp khó khăn. Nỗ lực hoàn tất Gói đàm phán tháng 7 năm 2008 thất bại hầu như đã đưa đàm phán WTO vào thế bế tắc.
Với gần 160 thành viên có trình độ phát triển khác nhau, lợi ích kinh tế, chính tri đa dạng và đặc biệt là những năm gần đây kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng; tương quan lực lượng của các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc, Bra-xin trong đàm phán đa phương càng khiến quá trình đàm phán trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Thực tiễn cho thấy, khi hệ thống toàn cầu không là câu trả lời cho những vấn đề của thực tiễn mới, thì cái gọi là ‘xé rào’ xuất hiện là dễ hiểu.
Tính đa dạng, phức tạp gia tăng, lợi ích chuyển dịch thì cách thức theo đuổi lợi ích cũng thay đổi. Vấn đề là làm sao có thể quản lý hữu hiệu xu hướng này để vừa đáp ứng yêu cầu của những nhóm nước chọn đường đi riêng mà vẫn đóng góp vào, hoặc chí ít là không đi ngược lại sự phát triển hệ thống toàn cầu. Dường như các thỏa thuận song phương và khu vực lại có xu hướng nở rộ vì chúng đáp ứng sự mong đợi về nhu cầu mở rộng thương mại của các nước, nhất là công đồng doanh nghiệp và mong muốn tăng cường quan hệ chính trị giữa các nước.
Tính đến tháng 7 năm 2013, có đến 575 Hiệp định khu vực đã được thông báo cho WTO, trong đó có 379 hiệp định đã có hiệu lực, chưa kể hàng chục hiệp định tương tự khác đang trong giai đoạn đàm phán như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định đối tác khu vực Đông Á (RCEP) mà Việt Nam đang tham gia. Ở một góc nhìn khác, có thể nói WTO thúc đẩy kinh tế, thương mại phát triển theo chiều rộng; trong khi các thỏa thuận FTA đi theo chiều sâu hơn.
Không khó hiểu lắm khi dường như WTO đang bị lấn lướt bởi các thỏa thuận song phương và khu vực.Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy vì chính các thỏa thuận khu vực nở rộ lại là những viên gạch góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế đa phương của WTO.Trong trật tự thương mại toàn cầu, WTO mới chính là nền tảng pháp lý quan trọng nhất mà không thể có sự lấn át hay thay thế bởi thỏa thuận khu vực.
Vì vậy, Gói Bali vừa qua chính là một kết cục dựa trên sự chín muồi trong đàm phán và thảo luận đa phương và khu vực trước đó, có ý nghĩa như một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự trở lại của WTO trong vai trò kiến tạo hệ thống pháp luật thương mại toàn cầu.
Ông có thể so sánh các thỏa thuận vừa đạt được của WTO với những thỏa thuận thương mại trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia.
Như đã trao đổi, Gói Bali vừa qua chính là một kết cục dựa trên sự chín muồi trong đàm phán và thảo luận đa phương và khu vực từ trước. Dù cùng chia sẻ mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do và bình đẳng nhưng Gói Bali là nỗ lực giúp tăng cường nền tảng pháp lý và tự do hóa thương mại chung mang tính toàn cầu còn TPP hay bất cứ thỏa thuận khu vực nào khác đều là những nỗ lực riêng của một số nước hay nền kinh tế mong muốn đi xa hơn, nhanh hơn hay tìm kiếm hướng đi mới trong cam kết về tự do hóa hay thiết lập quy tắc về hợp tác thương mại trên nguyên tắc các thỏa thuận khu vực như vậy phải phù hợp với quy định của WTO. Theo đó, việc so sánh hai loại thỏa thuận rất khác biệt này một cách “máy móc” rất dễ dẫn đến nhận thức thiếu chính xác về mức độ quan trọng của mỗi thỏa thuận với lợi ích kinh tế, thương mại và chính sách hội nhập của Việt Nam.
Mặt khác, cũng chưa có điều kiện để làm điều này vì đàm phán TPP chưa có kết quả cụ thể. Dù sao vẫn có thể thấy rằng, nếu và khi có thể tham gia tích cực và có hiệu quả trong cả WTO và TPP sẽ có lợi cho nền kinh tế của mình hơn.
Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo nhận xét lợi ích của thỏa thuận sẽ chủ yếu thuộc về các nước đang phát triển. Vậy Việt Nam sẽ được hưởng những lợi ích cụ thể nào từ thảo thuận này.
Gói Bali thực sự là một thỏa thuận có sự cân đối quyền lợi chặt chẽ giữa các nhóm thành viên phát triển, đang phát triển và kém phát triển. Theo ước tính của WTO, Hiệp định TF sẽ tạo ra 1.250 tỉ đô la Mỹ mỗi năm nhờ giảm chi phí và tăng hiệu quả thương mại và tạo ra khoảng 21 triệu việc làm, trong đó sẽ có 18 triệu việc làm ở các nền kinh tế đang phát triển. Các nước phát triển cũng cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để các nước đang và kém phát triển có đủ năng lực thực thi đầy đủ Hiệp định này.
Các nước đang phát triển cũng có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận thị trường nông sản mới ở các thị trường phát triển thông qua việc giám sát quản lý hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với một số nông sản. Các nước đang phát triển cũng được trợ cấp nhiều hơn cho nông dân nghèo trong trường hợp cần thiết phải duy trì an ninh lương thực. Đặc biệt, các nước LDCs sẽ có điều kiện tốt hơn để khai thác ưu đãi thuế quan theo các chương trình miễn giảm thuế và hạn ngạch (DFQF) của các nước phát triển nhờ quy tắc xuất xứ thuận lợi hơn.
Xin nhấn mạnh, cơ hội và lợi ích đó phụ thuộc hoàn toàn sự chủ động và nỗ lực của chính chúng ta chứ không phải những lợi ích sẵn có. Đại sứ Nguyễn Trung Thành
Là một nước đang phát triển, Việt Nam có đầy đủ quyền lợi của một thành viên WTO để tiếp cận các hỗ trợ kỹ thuật để thực thi Hiệp định TF. Đây cũng là thỏa thuận có ý nghĩa lớn nhất, có tác động lâu dài trong Gói Bali. Thực thi hiệu quả Hiệp định sẽ tạo điều kiện để Việt Nam xây dựng một hệ thống hải quan hiệu quả, giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp và nâng cao tốc độ trao đổi thương mại giữa Việt Nam và thế giới. Chúng ta cũng sẽ có cơ hội được tham gia xuất khẩu các sản phẩm nông sản trong hạn ngạch, điều mà những nước mới gia nhập luôn gặp khó khăn do các hạn ngạch này được phân bổ trước khi Việt Nam là thành viên WTO vào năm 2007.
Về mặt thể chế, Việt Nam và các nước đang phát triển khác có nhiều cơ hội bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thông qua các cơ chế mới của WTO, trong đó có cơ chế về giám sát các ưu đãi đặc biệt và khác biệt được tạo ra trong Gói Bali. Tuy vậy, xin nhấn mạnh, cơ hội và lợi ích đó phụ thuộc hoàn toàn sự chủ động và nỗ lực của chính chúng ta chứ không phải những lợi ích sẵn có.
Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc thực thi các thỏa thuận vừa đạt được ở Bali. Khả năng thực hiện của Việt Nam đối với những thỏa thuận này thế nào?
Ngay từ đầu, nguyên tắc xây dựng Gói Bali là tập trung vào những vấn đề chín muồi, có khả năng đạt được đồng thuận cao và thiết thực với các bên, nhất là doanh nghiệp. Vì vậy, việc triển khai thỏa thuận này là khá thuận lợi. Bản thân Gói Bali cũng có những linh hoạt cần thiết để những nước đang và kém phát triển có điều kiện củng cố năng lực thực hiện đầy đủ các cam kết đã đề ra.
Về phía Việt Nam, chúng ta đã có lợi thế căn bản so với phần lớn các nước đang phát triển khác đó là trên thực tế, Việt Nam đã tiến hành trước một bước nhiều cam kết trong Gói Bali, nhất là với các cấu thành của Hiệp định TF. Hệ thống hải quan Việt Nam đã được tự động hóa khá cao với thủ tục đồng bộ và tiên tiến hơn trước đây. Vì vậy, dù vẫn có những nội dung cam kết cần tập trung thực hiện hiệu quả, chúng ta hoàn toàn tự tin về khả năng triển khai của các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Xin cám ơn ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét