Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Ba ngôi mộ đặc biệt nằm trong góc nghĩa trang...

Ba ngôi mộ đặc biệt nằm trong góc nghĩa trang...
(Dân trí) - Những ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang Chợ Nhàng, TP Thanh Hóa là nơi chôn cất hơn 2.000 xác thai nhi được đưa về từ các bệnh viện, phòng khám. Những người trong nhóm Thiện nguyện đã làm việc không nghỉ vì những sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi này.
Những ngôi mộ các xác thai nhi được chôn chung với nhau nằm 
gọn trong một góc của khu nghĩa trang chợ Nhàng, Tp Thanh Hóa.
Chiều muộn, những ánh nắng cuối cùng của một ngày mùa đông sắp tắt len lỏi qua hàng cây phi lao của khu nghĩa trang Chợ Nhàng, TP Thanh Hóa. Nhiều người dân từ khắp nơi đổ về đây, ai cũng cầm trên tay những bó hoa, nén hương để viếng mộ người thân của mình đã khuất.

Bên một góc nghĩa trang, ông Trần Văn Bình (65 tuổi), hơn 20 năm làm quản trang tại đây đang thu dọn lại những cành cây mà ông mới chặt. Phải thuyết phục mãi ông Bình mới dẫn chúng tôi đến thăm nơi chôn cất những thai nhi nằm trong khuôn viên của nghĩa trang.

Ông Bình bảo: “Số phận các cháu đã không may mắn khi được sinh ra trên cõi đời này. Chúng tôi đưa về đây để cho các cháu được yên nghỉ. Việc làm của chúng tôi xuất phát từ cái tâm, làm được đến đâu hay đến đó chứ không ai muốn kể công làm gì. Thương xót lắm, mỗi thai nhi cũng là một số phận con người cả mà”.

Đi tới một góc của nghĩa trang, ông Bình chỉ cho chúng tôi thấy ba ngôi mộ lớn nằm cạnh nhau. Hai mộ đã được xây lên hoàn chỉnh nhưng chưa kịp trát xi măng và quét sơn. Ngôi mộ còn lại được phủ lên một chiếc bạt lợp hình mái nhà. Ông Bình cho biết: “Đây đều là những ngôi mộ chôn các thai nhi bị bỏ đi. Sau hơn 5 năm tiếp nhận và chôn cất thì đến nay hai ngôi mộ đã đầy nhưng chúng tôi chưa có tiền để hoàn thiện. Mộ thứ ba này đang trong thời gian thu gom những thai nhi xấu số khác về để chôn cất vào đây tiếp. Các cháu đều nằm chung với nhau trong một ngôi mộ”.

Nhìn những ngôi mộ tập thể chôn hàng nghìn xác thai nhi bị bỏ rơi mà chúng tôi không khỏi xót lòng. Đây đều là xác của những thai nhi được ông Bình cũng những người bạn trong nhóm Thiện nguyện của mình đi thu gom, tiếp nhận từ các phòng khám, các bệnh viện rồi mang về đây chôn cất. Ông Bình nghẹn ngào nói: “Dù các cháu không phải con cháu mình, nhưng đây đều là những sinh linh bé nhỏ vô tội. Nếu không vì lí do nào đó mà người ta bỏ đi thì những thai nhi này sẽ được sinh ra và được sống cuộc đời bình thường như mỗi chúng ta”.

Công việc thu gom các bào thai, thai nhi từ các nơi về nghĩa trang này chôn cất được nhóm Thiện nguyện bắt đầu làm từ năm 2008. Đến nay, số lượng những bào thai bị bỏ đi đang được chôn cất tại đây ông Bình cũng không nhớ hết nổi. Nhiều đến nỗi, ban đầu các ông còn đặt tên cho mỗi thai nhi, giờ nhiều quá mà chỉ đặt tên theo số tứ tự, ngày tháng. Mỗi năm, có thêm hàng trăm thai nhi bị bỏ đi và lại được mang về đây “nghỉ” chung trong ngôi mộ tập thể này. Số lượng ngày càng tăng lên, nhóm Thiện nguyện của ông Bình đã lập một cuốn số rồi ghi chép từng thai nhi, thời gian tiếp nhận và từ nơi nào để về sau còn ghi nhớ.

Ông Bình chia sẻ: “Do quỹ đất của nghĩa trang có hạn, chúng tôi chỉ xin được một góc nhỏ này để làm nơi chôn cất cho các cháu. Mỗi một ngôi mộ chôn đến hàng nghìn thai nhi. Hơn nữa chúng tôi muốn để cho các cháu nằm cạnh nhau cho có anh có em, để linh hồn các cháu được an ủi, ấm áp”.

Những ngôi mộ đơn sơ này được xây dựng bởi tình thương và tấm lòng thiện nguyện của những người trong nhóm. Bên cạnh đó, là những tấm lòng hảo tâm của nhiều người khác nhau khi đến viếng người thân tại nghĩa trang này. Tùy vào tấm lòng của mỗi người, khi thấy việc làm của nhóm Thiện nguyện mà chung tay góp sức. Từ số tiền nhỏ được nhóm dồn lại sau đó mua xi măng, gạch, cát về tự tay xây mộ.

Ngôi mộ thứ 3 đang được tiến hành chôn cất xác các thai nhi.

“Số tiền hạn hẹp mà anh em trong nhóm chúng tôi quyên góp chẳng thấm là bao khi số thai nhi được gom về quá nhiều. Phải chi phí rất nhiều khoản nên mấy anh em chỉ xây được bốn hố chôn bằng xi măng kiên cố. Số tiền dư ít ỏi còn lại thì để mua tiểu sành, các hũ gốm để đựng các thai nhi rồi chôn cất. Cứ mỗi cháu được để vào một góc nhỏ trong hố chôn, sau đó lấp xi măng lên vừa kiên cố vĩnh cửu vừa không gây ô nhiễm đến môi trường”, ông Bình tâm sự.

Điều mà những người trong nhóm Thiện nguyện lo lắng nhất là số lượng thai nhi bị phá bỏ ngày càng tăng mà khả năng đáp ứng của nhóm thì có hạn. “Đến một lúc nào đó chúng tôi không thể làm “nhà” cho các cháu ở nữa thì thật đau xót cho số phận các cháu quá”, ông Bình nói.

Nhóm Thiện nguyện của ông Bình có tất cả 5 người. Họ đều là những người ở thành phố Thanh Hóa và các phường xã lân cận. Hằng ngày họ đi khắp các phòng khám, bệnh viện trong thành phố để xin xác các thai nhi xấu số về nghĩa trang Chợ Nhàng để chôn cất. Mỗi người một công việc riêng nhưng họ đều chung một tình thương dành cho những thai nhi bất hạnh này. Họ làm việc với một tấm lòng mà chưa bao giờ nghĩ đến được sự đền đáp.

Bình thường, các thành viên trong nhóm đều làm công việc mưu sinh riêng của mình. Khi có người báo tin từ các phòng khám hay bệnh viện họ lại chia nhau lên đường đến đó để tiếp nhận thai nhi mang về nghĩa trang làm lễ chôn cất. Mỗi bào thai dù nhiều tháng tuổi hay ít tháng tuổi đều được làm thủ tục chôn cất giống như nhau.

Một thành viên trong nhóm bùi ngùi kể tiếp: “Có những thai nhi đã 8, 9 tháng tuổi rồi nhưng vẫn bị bỏ đi. Khi tiếp nhận những thai nhi này chúng tôi đau xót lắm. Thai nhi đã trở thành hình hài một đứa trẻ nhưng vẫn bị những người cha người mẹ nhẫn tâm phá bỏ đi. Làm công việc tưởng dễ này nhưng rất khó, không phải dễ gì mà họ cho chúng tôi những thai nhi này để mang về chôn. Phải là chỗ quen biết, và họ biết rõ được công việc của chúng tôi là mang các cháu về chôn hẳn hoi người ta mới cho”.

Có những tháng, nhóm phải tiếp nhận hàng chục thai nhi. Ngày tiếp nhận nhiều nhất được ông Bình nhớ lại có đến gần chục thai nhi được đưa về nghĩa trang. Những người trong nhóm làm không hết việc, cứ nhận được điện thoại là lên đường đến nơi để tiếp nhận ngay. Từng người cứ thay phiên nhau đi, người khác thì ở nhà chuẩn bị mọi thủ tục để làm lễ chôn cất.

Khi trò chuyện với chúng tôi, ông Bình chỉ mong sao ngày nào mình cũng được “thất nghiệp” như hôm nay. Ông phân trần: “Hôm nay, không phải tiếp nhận thai nhi nào nên tôi nhàn rỗi chú à. Tôi mong được “thất nghiệp” như thế này mãi chứ mỗi thai nhi bị bỏ đi dù với lí do nào cũng đã là mang tội với số phận một con người. Bố mẹ của những thai nhi có những người chỉ 13 đến 14 tuổi làm sao hiểu hết được ý nghĩa của sự sống và những đau thương khi vứt bỏ con cái mình đi”.

Cuối mỗi ngay, sau khi hoàn tất công việc của mình, ông Bình lại 
đến mộ dọn dẹp, thắp nén hương cho các thai nhi đỡ lạnh lẽo.

Cứ mỗi buổi chiều, sau khi làm hết mọi công việc của mình ông Bình lại tranh thủ ra dọn dẹp lại mấy ngôi mộ thai nhi. Sau đó ông thắp cho mỗi mộ một nén hương. Ông tâm sự: “Các cháu chỉ có tôi là người thân ở đây, ngày nào mình cũng thắp một nén hương cho các cháu đỡ lạnh lẽo”.

Ông Bình cho biết: “Chúng tôi làm công việc này chẳng phải để được cảm ơn hay một điều gì khác. Chỉ cần nhiều hơn những tấm lòng để sẻ chia. Đừng còn nhiều nữa những thai nhi bị bỏ đi, mà phải được sinh ra, lớn lên trong tình thương yêu trọn vẹn của cha mẹ. Khi đó sẽ không còn những thai nhi khác phải chịu số phận lạnh lẽo như những đứa trẻ đã bị bỏ rơi trong nghĩa trang này”.

Thái Bá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét