Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Kinh tế vĩ mô và dạy con

Kinh tế vĩ mô và dạy con
Lại Trần Mai: Dạy con quả là một vấn đề khó. Đầu tiên là lỗi do chính chúng ta gây ra: Làm sao dạy con sống thật thà được khi những người làm cha, làm mẹ chúng ta hàng ngày đều đang sống giả dối để tồn tại trong cái xã hội lộn ngược này. 
Tôi gọi là xã hội lộn ngược vì nó không tuân theo các quy tắc phát triển chung của xã hội loài người mà bị nhào nặn, sắp xếp theo ý đồ chủ quan, duy ý chí, thiếu học của một nhóm rất ít người; sống trong xã hội này có cảm tưởng như đang sống trong một nhà gương dị dạng, ở đó mỗi hành động, việc làm, mỗi chính sách phát ra, tưởng sẽ đưa đến kết quả đúng quy luật lô gíc như vẫn thấy trong các xã hội đúng nghĩa, nhưng hóa ra không phải. 
Khó khăn tiếp theo là mâu thuẫn trong cách dạy con của mỗi cặp cha mẹ. Và cuối cùng là năng lực nhận thức của chính đứa trẻ.
Hai ông con trên ghế hạng nhất trong chuyến về Việt Nam năm 2011, 
mới có 2 năm trôi qua mà nay các ông đều đã cao hơn 1.72 mét
Kinh tế vĩ mô dạy chúng ta rằng phát triển đều đều, ổn định, phù hợp với năng lực tiềm năng là hiệu quả nhất. Mục tiêu của phân tích dự báo kinh tế vĩ mô là chỉ ra được quỹ đạo phát triển tiềm năng, dài hạn của nền kinh tế, đề xuất các chính sách để điều chỉnh kinh tế hội tụ về quỹ đạo đó và sau đó duy trì nền kinh tế phát triển ổn định ở đúng quỹ đạo.
Nếu vì những lý do khách quan (biến đổi khí hậu, kinh tế thế giới khủng hoảng...) làm cho nền kinh tế đi chệch khỏi quỹ đạo tiềm năng thì cần áp dụng các chính sách điều chỉnh ngắn hạn, hoặc trung hạn (hiếm khi dùng chính sách dài hạn) để đưa nắn nó trở lại đúng quỹ đạo. Quá trình nắn này cần một khoảng thời gian nhất định, gọi là thời gian hay tốc độ điều chỉnh kinh tế...

Học kinh tế vĩ mô, tôi mới phát hiện ra rằng mỗi người đều có tiềm năng (năng lực) nhất định, không thể ép một đứa trẻ tư duy, nhận thức kém trở thành giáo sư, tiến sĩ được. Thế cho nên trong các xã hội đúng nghĩa, người ta luôn khuyến khích trẻ theo học và làm nghề phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân, không phân biệt lao động chân tay hay trí thức. Dĩ nhiên, vì có chính sách điều tiết thu nhập giầu - nghèo hợp lý nên Nhà nước đảm bảo làm nghề gì cũng có thu nhập để sống khá tốt.

Khi dạy con, phải biết tiềm năng của chúng để không đòi hỏi quá cao. Nếu con quá dốt, thì hãy tự trách mình đã lấy hết phần thông minh của con. Tôi rất tâm đắc lời các cụ dạy: "Giàu không quá ba họ, khó không quá ba đời", hay "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Có nghĩa là nếu con mình kém thông minh hay sau này con mình nghèo khó, thì là do đời mình hay đời bố mẹ mình, hay cùng lắm là đời ông bà mình, đã quá thông minh, quá giầu so với đúng tiềm năng của dòng họ mình rồi; nay đến lượt đứa con phải gánh chịu hậu quả.

Như vậy, cũng như xã hội hay nền kinh tế, các đời mình, con mình... chỉ nên phát triển đều đều, trung bình tiên tiến trong xã hội là được, có như vậy mọi thế hệ mới đều được sống hạnh phúc. Và do vậy, đừng mong con mình quá giầu, quá thông minh, quá nổi tiếng làm gì. Tất cả chỉ là hư danh, và hậu quả thì nhãn tiền: Đời con mình chúng nó sẽ lãnh đủ.

Khi đã nhận thức được như thế, chúng ta sẽ tự hài lòng với những gì chúng ta đang có, với những đứa con học dốt nhưng rất tuyệt vời của mình.

Đức Trung 2 năm trước còn bé xíu, suốt ngày dính lấy bố.

Cho nên mới có câu: Không có gì quý bằng Nguyên và Trung của tôi.

Học kinh tế vĩ mô, phân tích dự báo có lẽ cũng có ích cho việc dạy con bạn nhỉ.


***********


Không ai có thể thay cha mẹ trong việc dạy con
Dương Đình Giao: Tôi không có điều kiện tiếp cận với các công trình nghiên cứu khoa học giáo dục hiện đại, những phương pháp giáo dục tiên tiến. Nhưng trong cuộc đời “gõ đầu trẻ” (và kể cả khi mình còn bị gõ đầu), có được chút ít cái gọi là kinh nghiệm. Kinh nghiệm nhiều khi chỉ có tính chất dân gian. Nhưng trước thực trạng đau lòng hiện nay, nhiều cháu chưa được dạy dỗ cẩn thận, nhiều gia đình có đời sống khá sung túc nhưng con cháu vẫn trong tình cảnh thiếu thốn giáo dục, xin “bạo gan” chia sẻ với những người quan tâm. Cũng chỉ dám coi là để tham khảo.




Từ khi mới sinh ra, đứa trẻ sau một vài năm hoàn toàn lớn lên trong vòng tay cha mẹ sẽ tới trường, mẫu giáo, tiểu học, rồi trung học… Nhưng các thầy cô chỉ là người hỗ trợ cho mình trong việc dạy con. Nhiều người thấy các trường “VIP” xuất hiện thì như mở cờ trong bụng, nghĩ rằng con mình sẽ có nơi nuôi dạy tốt nhất. Nhưng đâu cũng vậy thôi. Một ngày, người ta chỉ tiếp cận với con mình có mấy tiếng đồng hồ, lại không chỉ có con mình mà còn hàng nhiều chục đứa trẻ khác. Sao có thể đòi hỏi hơn?

Tôi biết có nhiều cặp vợ chồng nước ngoài, chỉ sinh con sau khi có điều kiện kinh tế tương đối đầy đủ (nhất là hiện nay, do sự tiến bộ của y học, không yêu cầu người phụ nữ mang thai và sinh con trong độ tuổi sớm như trước đây). Sau khi sinh con, chỉ một người đi làm, còn một người nghỉ ở nhà chăm sóc con. Người ta chấp nhận một cuộc sống kinh tế còn eo hẹp, nhưng thời gian dành cho con không có gì thay được. Có lần tôi đã nói, hãy bớt đi một nửa số tiền nhưng tăng gấp đôi thời gian dành cho đứa con của mình.

Nhưng ở ta, nhiều người đang làm điều ngược lại. Có những gia đình, dù cho thu nhập chưa đến nỗi eo hẹp, nhưng để cho không thua kém bạn bè về căn nhà “hoành tráng”, cái xe “xịn”, cái điện thoại “sành điệu”… cha mẹ đua nhau lao vào công cuộc kiếm tiền. Để chăm sóc con cái, họ thuê ô-sin. Đứa con sống chủ yếu với ô-sin. Và khi lớn lên, nó cũng dần ăn nói theo kiểu của ô-sin, cử chỉ, điệu bộ của ô-sin, mang tính cách của ô-sin. Tôi không dám coi thường những người làm nghề giúp việc gia đình. Đó là một nghề lương thiện, rất có ích, rất cần thiết trong cuộc sống hôm nay. Nhưng liệu bạn có vừa lòng khi con bạn được sự dạy dỗ và thừa hưởng tính cách của những người ấy?

Trẻ con luôn cần những tấm gương. Không có cái gương nào gần gũi với chúng hơn cha mẹ. Làng tôi xưa có một bà chồng mất sớm từ khi bà mới ngoài hai mươi tuổi, một mình ở vậy thờ chồng, nuôi hai người con trai từ lúc còn chập chững biết đi. Bà không biết chữ, chỉ làm một công việc là đi xin nước gạo (thức ăn thừa) để nuôi lợn. Thế mà cả hai người con đều học hành thành đạt, sau khi học hết trung học đều nhận được học bổng đi học ở Pháp. Họ đều có việc làm và thu nhập khá ở Pháp. Rồi hai người con đón bà sang định cư. Chắc hai người con đã học được từ người mẹ của mình tấm gương tảo tần sớm hôm, chắt chiu từng đồng tiền bát gạo để nuôi con. Tôi nghĩ bà đã dạy con bằng tấm gương của mình. Những tấm gương như thế đâu có thiếu. Những thủ khoa trong kỳ thi đại học vừa qua cho ta thấy rõ điều này. Để con có gương tốt noi theo, cha mẹ phải tự tu thân. Và điều này cũng giúp ta lý giải tại sao, không ít con em của các đại gia (về quyền lực và tiền bạc) thường hư hỏng hoặc chẳng ra gì mặc dù được đầu tư rất lớn. Gương nhãn tiền mà!
Muốn dạy con, nhiều khi cha mẹ phải hy sinh. Nhiều người chỉ hiểu chữ hy sinh theo nghĩa cha mẹ phải vất vả kiếm tiền. Đâu phải chỉ như thế. Cha mẹ còn phải hy sinh cả những sở thích, những thói quen. Không hẳn chỉ có những sở thích, thói quen không lành mạnh. Khi con mới sinh, các ông bố tốt nhất là nên bỏ thuốc lá (nếu đang hút). Không chỉ vì sợ làm ô nhiễm bầu không khí trong lành mà còn chuẩn bị một tấm gương cho con (nhất là khi đó là đứa con trai). Khi con cần tập trung vào việc học, phải bỏ thói quen nghe nhạc, xem ti-vi, … nếu gia đình chưa có phòng riêng cho con.

Những nhu cầu quen thuộc, nhưng nếu cần cho việc giáo dục con cũng phải tạm quên đi. Mỗi khi có việc qua các hàng bia (giờ nhiều nơi gọi là “bãi bia” vì nó rộng và đông đúc quá), thấy rất nhiều người ở độ tuổi 30 – 40 ngồi “trăm phần trăm” tới 7, 8, thậm chí 9, 10 giờ tối. Thời gian đâu để dạy con, trong khi bình thường, đó là lúc các gia đình sum họp sau một ngày mỗi người một ngả vì cuộc mưu sinh, là lúc con cái phải ngồi vào bàn học, … Và đứa con sẽ có cảm giác ra sao, khi ngày nào cũng thấy ông bố về muộn với dáng điệu say lướt khướt, hay mặt đỏ tía tai, nói năng hay mọi hành động đều mất tự chủ?

Nhiều gia đình bây giờ buộc phải cho con đi học thêm, vì không thể dạy con học mặc dù cả cha mẹ đều đã có bằng đại học, thậm chí còn hơn thế. Dĩ nhiên, cha mẹ học đã lâu thì phải quên. Nhưng nếu ngay từ khi con học lớp 1, cha mẹ có ý thức học cùng với con để dạy con, chắc chắn khi con lên các lớp trên, cha mẹ vẫn có thể nhớ lại để hướng dẫn những điều cần thiết, và chắc chắn sẽ kiểm soát được việc học của con, không để chúng “qua mặt”. Đứa trẻ sẽ tiết kiệm được thời gian vì chỉ cần nghe những gì mình chưa hiểu. Tôi biết trước đây, không ít những người bố, người mẹ thâu đêm tìm cách giải một bài toán để hôm sau giảng cho con. Nay hoàn toàn không cần làm thế vì rất nhiều sách hướng dẫn giải bài tập các loại xếp đầy các giá trong các cửa hàng sách. (Chỉ có điều, nếu mua, đừng để các cháu tự do sử dụng).

Hàng ngày sau khi con đi học về, cha mẹ luôn quan tâm hỏi han, nhưng nhiều khi chỉ chú ý con được điểm mấy. Nhưng cái quan trọng cần quan tâm không phải là điểm số. Phải xem sách vở của chúng. Cô giáo vì chấm bài cho nhiều học sinh nên không thể tránh khỏi những thiếu sót (không chữa hết lỗi trong bài kiểm tra). Cha mẹ phải chỉ ra cho con mình và giúp chúng sửa chữa. Khi cần có thể phải liên hệ với cô giáo. Nếu duy trì việc này hàng ngày thì thời gian dành cho nó không nhiều. Mỗi ngày chỉ khoảng 5 – 10 phút. Vừa theo dõi sát việc học của con, vừa có thể phát hiện những thay đổi của con để uốn nắn hay khuyến khích.

Ít nhất là trước khi con đủ tuổi 18, không ai có thể thay được cha mẹ. Con cái phát triển lệch lạc, thậm chí hư hỏng, cha mẹ là những người chịu trách nhiệm và đồng thời cũng là người gánh chịu hậu quả đầu tiên. Căn nhà lộng lẫy, cái xe hiện đại và những đồ dùng đắt tiền không sắm trước thì sắm sau, và nếu không có chúng, cuộc sống của mỗi người chắc cũng không ảnh hưởng gì nhiều, nhưng khi đứa con đã ra ngoài tầm kiểm soát thì dường như không bao giờ có cơ hội để làm lại.
Và đâu mới là mục đích, tương lai của chúng ta?
(FB. Dương Đình Giao)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét