Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

7.000 tỷ USD đe dọa "nhấn chìm" châu Á

7.000 tỷ USD đe dọa "nhấn chìm" châu Á
Đã đến lúc chấm dứt việc coi dự trữ ngoại hối là một sức mạnh tài chính. Ngược lại, đó là một cái bẫy khiến việc hoạch định chính sách kinh tế trở nên rắc rối. “Đó là tiền của chúng tôi nhưng là vấn đề của bạn”. Đây là câu nói được John Connally - Bộ trưởng Tài chính Mỹ từ thời cựu Tổng thống Nixon – dùng để nói về cuộc chiến giữa Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa xung quanh vấn đề nâng trần nợ công.
Connally đã không hề biết rằng câu nói của ông là hoàn toàn chính xác ở thời điểm 42 năm sau. Châu Á đang có tổng cộng 7.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối với phần lớn trong số đó là đồng USD. Sau khủng hoảng tài chính năm 1997, các NHTW châu Á tham gia vào cuộc “chạy đua vũ trang tài chính”.
Các quốc gia này đồng loạt gom USD, coi đây là “lá chắn bảo vệ” trước các cú sốc. Điều này khiến bối cảnh thị trường tài chính thay đổi theo 2 cách. Thứ nhất, châu Á giờ đây có nhiều “vũ khí” chống lại thị trường hơn là những gì họ biết về cách sử dụng số tiền dự trữ khổng lồ này. Thứ hai, châu Á trở nên rất quan trọng đối với các ngân hàng Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản. 


Ở nước Mỹ, vấn đề sẽ ít nghiêm trọng hơn nếu như Capitol Hill không “tự bắn vào chân mình”. Cuộc tranh luận vô nghĩa về trần nợ khiến Mỹ đánh mất mức xếp hạng AAA từ Standard & Poor’s vào tháng 8/2011, khiến thị trường toàn cầu hoảng loạn.

Giờ đây, châu Á đang nín thở chờ đợi. Trong vài tháng tới, Quốc hội Mỹ sẽ quay trở lại với cuộc chiến trần nợ vốn bị đang được hoãn lại tạm thời. Lời nói từ năm 1971 của Connally trở nên xác đáng hơn bao giờ hết. Đã đến lúc chấm dứt việc coi dự trữ ngoại hối là một sức mạnh tài chính. Ngược lại, đó là một cái bẫy khiến việc hoạch định chính sách kinh tế trở nên rắc rối. Châu Á cần phải nhanh chóng tìm ra con đường tẩu thoát.

Rắc rối về tài khóa

Trung Quốc là nền kinh tế có đòn bẩy cao. Không phải là ngẫu nhiên khi chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Bộ trưởng Tài chính mới được bổ nhiệm Jacob Lew của nước Mỹ lại có điểm đến là Bắc Kinh. Cũng không phải trùng hợp khi ông Lew chính là vị khách trong cuộc gặp gỡ quốc tế chính thức đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đầu tuần, Lew đã kêu gọi Quốc hội Mỹ hành động “theo cách sao cho không tạo ra khủng hoảng” về vấn đề tài khóa.

Tuy nhiên, đòn bẩy của Trung Quốc cũng được hạn chế. Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đang thực hiện nhiều động thái đầy rủi ro với mục đích tái cân bằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc đang cố gắng thoát khỏi sự lệ thuộc vào xuất khẩu. Trận chiến trần nợ công sẽ khiến thị trường biến động mạnh, đồng USD mất giá khiến đồng nhân dân tệ mạnh lên. Kết quả là, Trung Quốc mất đi hàng chục tỷ USD trong danh mục đầu tư vào trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Còn ở Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe cũng phải đối mặt với tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Đồng yên yếu là một trụ cột quan trọng trong chiến dịch chấm dứt giảm phát và khôi phục tăng trưởng của ông Abe. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 11 năm ngoái đến nay, đồng yên Nhật đã giảm tổng cộng 17%.

Châu Á càng nắm giữ nhiều nợ của Mỹ, quá trình rút lui càng trở nên khó khăn. Nếu như các nhà giao dịch cảm nhận rằng Trung Quốc đang bán một lương lớn trong số 1.300 tỷ USD dự trữ, thị trường sẽ bừng tỉnh. Điều tương tự cũng xảy ra đối với khối 1.100 tỷ USD của Nhật Bản.

Thế giới chưa bao giờ chứng kiến các nguồn tài nguyên bị phân bổ sai lệch đén như vậy. Tăng lượng USD dự trữ có thể hữu ích cho các nhà xuất khẩu châu Á, nhưng chính sách này gây ra rắc rối trong việc quản lý nền kinh tế. Khi các NHTW mua USD, họ phải bán ra đồng nội tệ, tăng cung tiền và gây nên lạm phát. Bởi vậy, họ bán trái phiếu để hút về lượng tiền dư thừa.

Tìm lối thoát

Ít nhất thì các quốc gia châu Á cũng nên ngừng việc tăng thêm lượng USD dự trữ và mang tiền về nhà. Số tiền này có thể được dùng để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng, giáo dục, nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch… Câu hỏi ở đây là: Bằng cách nào?

Rõ ràng là lợi thế thuộc về các nền kinh tế nhỏ hơn. Hàn Quốc (hiện đang nắm giữ 53 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ). Philippines (nắm giữ 40 tỷ USD) hay Malaysia (nắm giữ 18 tỷ USD) có thể cố gắng bán tháo USD. Tuy nhiên, điều này là không thể đối với các nền kinh tế lớn hơn.

Dẫu vậy, Washington có thể giúp đỡ và không chỉ bằng cách né tránh một cuộc chiến trần nợ tiếp theo. Kho bạc Mỹ nên hợp tác với các đối tác châu Á, lập ra lộ trình giảm lượng USD dự trữ mà không khiến thị trường rung lắc. Nước Mỹ cũng hưởng lợi nhiều hơn nếu như phần lớn nợ được nắm giữ bởi các tổ chức trong nước (như mô hình của Nhật Bản).

Có lẽ đã đến lúc IMF và nhóm G20 tổ chức một cuộc hội nghị thượng đỉnh về tiền tệ. Những cuộc thảo luận ở cấp cao có thể giúp châu Á đặt ra các mục tiêu cũng như cơ chế triển khai. Chỉ khi đó những đồng USD dự trữ mới có thể trở thành giải pháp cho các thách thức của châu Á!

Theo Thu Hương
Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét