Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Một thế giới trần truồng

Một thế giới trần truồng
Khi bạn bay nhảy trên mạng lưới thông tin toàn cầu 
thì giống như người cởi truồng chạy khắp thế giới vậy.
Trong tuần qua, người sống trên thế giới này bỗng thấy mình trần truồng: những gì mình nghĩ là che đậy thì đã bị người khác dòm ngó. Người dòm ngó không chỉ là gã hàng xóm có đôi mắt cú vọ, quân trộm cắp rình mò, bọn cầm quyền độc tài độc đảng mà là một chính phủ tự nhận là lãnh đạo thế giới tự do.
Chính phủ lãnh đạo thế giới tự do dùng cửa hậu của các công ty điện toán lớn như Facebook, Google, Microsoft, Apple, vân vân để theo dõi hành tung của người dân. Không chỉ là người dân bên trong Hoa Kỳ mà gần hết người dân trên khắp thế giới. Nhân danh cuộc chiến chống khủng bố, Hoa Kỳ theo dõi từng cú điện thoại, từng lời chít chát, từng lá email, từng ngón tay bấm trên bàn phím máy computer và máy điện thoại... của mọi người trên thế giới.

Hoa Kỳ thường la toáng mình nạn nhân của các đợt tin tặc tấn công vào hệ thống computer điều hành các sở bộ, công ty hay tổ chức tư nhân. Bên cạnh tiếng la toáng còn thêm ngón tay chỉ về hướng Trung Cộng gian manh. Tiếng la này có thể đúng nhưng ngón tay còn phải chỉ thêm về hướng khác. Cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ chính Hoa kỳ từng nhúng tay luồn lách vào hệ thống computer của Trung Cộng. Từ năm 2009 Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ (NSA) đã nhắm đến chừng 61,000 “mục tiêu” rải rác khắp thế giới. Trong số này có hàng ngàn hệ thống computer của Trung Cộng. Nực cười thay! Bí mật này bị lộ ra vài ngày sau khi đích thân Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nêu vấn đề Trung Cộng hắc vào computer của Hoa Kỳ trong buổi hội kiến với chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tại California.

Cựu nhân viên CIA Edward Snowden

Người ta có thể bênh vực cho hành động do thám của Hoa Kỳ bằng cách vin vào mục đích của việc làm mờ ám này. Đó là ngăn chận khủng bố. Chính người thổi còi Edward Snowden nhìn nhận với báo The Guadian (xuất bản tại Anh Quốc): nhờ NSA ghi âm nhiều cú điện thoại mà cơ quan công lực Hoa Kỳ đã ngăn chận được “vài chục” lần khủng bố lẽ ra đã xảy ra. Trong số này, hàng ngàn dân lành đã thoát chết khỏi âm mưu cho nổ bom đường xe lửa ngầm bên dưới thành phố New York!

Ai cũng mừng khi nghe kết quả này. Tuy nhiên, nghĩ như thế tức là vui với nguyên tắc “cứu cánh biện minh phương tiện”. Nguyên tắc này đang bị quân khủng bố, bọn người gian ác và chính phủ độc tài độc đảng sử dụng. Suy nghĩ tiếp: khi đồng ý cho chính phủ theo dõi đời tư của người dân để bảo vệ người dân thì hoá ra ta đồng tình với một chính phủ vi phạm luật pháp với ý định chống lại người phạm pháp! Khi chính phủ Mỹ theo dõi đời tư dân Mỹ tức là đã vi phạm tu chính án số bốn và số năm trong hiến pháp Mỹ. Một chính phủ vi hiến thì không còn là chính phủ tốt nữa.

Thế thì: cần bó tay chính phủ lại mặc cho khủng bố hoành hành? Xin thưa: chắc là không ai muốn điều đó xảy ra.

Vậy thì có cần bảo vệ đời tư của người dân nữa không? Hình như sống trong thời đại tin học thì chúng ta cần định nghĩa lại “thế nào là đời tư?”. Khi loài người biết mặc quần áo thì mấy chỗ kín được gọi là “đời tư”. Nhưng ngày nay, ăn vận quần áo không phải để che phần thân thể mà để phô bày mấy cái chỗ đó. Thế thì “chỗ đó” còn thuộc về đời tư nữa không? Khi loài người trò chuyện với nhau thì người ta phân biệt chuyện hở ở chốn cửa công và chuyện kín trong nhà. Đó là cái thủa người ta phải chõ mồm nói vào tai người khác. Ngày nay, ít người còn nói chuyện theo lối xưa ấy. Thử nhìn cô cậu choai choai trong sân trường: cô cậu vẫn còn nói chuyện với nhau đấy chứ. Nhưng không còn nói bằng môi miệng nữa. Mỗi cô cậu cầm trên tay chiếc điện thoại và nói với nhau bằng hai ngón tay cái.

Khi dùng phương tiện mới để nói chuyện với nhau thì không còn biên cương giữa riêng tư với công cộng nữa. Một lá email, một lời nhắn gởi cho người ngồi bên cạnh phải đi qua nhiều đoạn đường (có khi phải bắn lên tận vệ tinh) rồi mới đến tay người nhận. Người ta nói: khi bạn đọc bay nhảy trên mạng lưới thông tin toàn cầu thì như người cởi truồng chạy khắp thế giới vậy. Nói thế nghĩa là: không còn gì là riêng tư nữa.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy khó chịu khi người khác biết được điều mình che giấu. Không phải dân thường khó chịu mà ngay đến chính phủ Mỹ cũng khó chịu khi bí mật của họ bị một nhân viên tiết lộ. Vì tiết lộ, chàng Edward Snowden, 29 tuổi, phải chung số phận với người Úc Julian Assange. Nghĩa là chống chọi để khỏi bị dẫn độ về Hoa Kỳ. Nếu bị dẫn độ về Hoa Kỳ, Julian Assange và Edward Snowden có thể bị đưa ra toà như binh nhì Bradley Manning đang bị toà án Hoa Kỳ xử tội tiết lộ bí mật quốc gia. Hiện nay, Edward Snowden còn trốn tại HongKong, Nếu thấy Hongkong không an toàn nữa có thể người thổi còi này tìm đường tị nạn tại vài nước khác. Trong số này báo chí đã kể Iceland và Nga.

Xin ghi nhớ: chính Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ không giữ được đời sống riêng tư của mình thì khó có người nào trên thế giới giữ được. Trong thế giới ngày nay, chúng ta đang trần truồng.

Việt Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét