Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Giếng cổ sa mạc và ông chủ bút "Năng lượng mới"

Đọc để có kinh nghiệm khi đi du lịch:
Giếng cổ sa mạc và ông chủ bút "Năng lượng mới"
(phiếm đàm về chuyện nhiễm độc nước giếng cổ của nhà báo Nguyễn Như Phong)
Giếng cổ Messaoud. (ảnh của báo Petro Times)
Theo báo “Năng Lượng Mới” (30/6/2013), nhà báo Nguyễn Như Phong, chủ bút của báo (Petro Times), trong chuyến công tác sang Algieri đã đến thăm chiếc giếng cổ hơn 1000 năm tuổi ở thị trấn Hassi Messaoud, thuộc Algerie.
Bản tin cho biết, ông Như Phong “đã múc nước giếng từ độ sâu hơn 50 mét lên và rửa mặt, rồi nhấp thử một ngụm. Thấy mặn như nước biển, ông nhổ đi”. “Ngày hôm sau, trên đường trở về Việt Nam, mặt và đầu ông sưng vù, hai bàn tay sưng quá to, không thể cầm nắm được nữa… Và tất cả những chỗ trên người dính nước đều bị sưng rất to”.

Có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho tai nạn của ông và sự nhanh nhảu của bổn báo, nơi ông làm chủ bút.
Không hiểu tại sao báo của ông chủ bút lại “kịp thời” loang tin ngay lập tức như thế? Để nói lên cái sự xông xáo của ông chủ bút chăng? Hay họ muốn ghi công thành tích “người đầu tiên phát hiện ra… độc tính của nước giếng cổ ngàn năm”?
Theo mình, đáng lẽ ra lính của ông (mà toàn gọi ông bằng bố) phải giấu kín chuyện này đi chứ.

Bỡi vì, đây là tại nạn bất cẩn do cá nhân ông tự gây ra cho mình. Và, đây cũng là một chuyện đáng xấu hổ đối với ông. Ai lại nhanh nhảu đi “khoe” cho thiên hạ biết ngay lập tức như vậy?

Vì sao lại là chuyện đáng xấu hổ ? Hãy đặt câu chuyện của ông như một tai nạn không đáng có khi đi công tác. Một tai nạn chỉ có thể xảy ra ở người trẻ, non nớt mới vào nghề (dân gian gọi là “ngựa non háu đá”).

1) Xét về khía cạnh nghiệp vụ:

Ông Như Phong được biết đến như là một “nhà báo kỳ cựu”. Ông cũng là nhiều “nhà” khác như, “biên kịch điện ảnh tài ba”, “nhà văn chuyên về mảng phim vụ án”,… Cái vốn mà ông có được trong thời gian dài làm phóng viên và sếp phó của báo An Ninh Thế Giới.

Nghĩa là ông đã tích lũy được cả những kinh nghiệm, kỹ năngvề “nghiệp vụ điều tra” của một sỹ quan an ninh. Khi đứng trước một “giếng cổ có ngàn năm tuổi” ở một xứ sở còn bí ẩn với những truyền thuyết mang tính huyền thoại của sa mạc Sahara, ông phải coi đó là một “đối tượng” bắt buộc phải áp dụng kỹ năng… “điều tra” chứ.

Một cái giếng không cổ thông thường ở Việt Nam chỉ có sâu chục mét, lâu nay không sử dụng, cũng đã có thể gây chết người vì khí độc lưu cử rồi. Một nông dân thất học nhưng có kinh nghiệm cũng biết được điều đó.

Vậy, ông Như Phong phải hiểu “nước giếng cổ” ở độ sâu 50 mét; ở một vùng sa mạc bí ẩn; mới được phát hiện,… thì mẫu nước của nó sẽ phải được coi như là một “vật chứng”, một “tư liệu”, một “tiêu bản” đáng nghi ngờ, đối xử với nó phải cực kỳ thận trọng. Đằng này ông lại “múc uống” và “rửa mặt” tự nhiên tựa như ở cái giếng… trong sân nhà mình !? Hết biết!

2) Xét về vị trí là “một du khách”:

Dù báo không đưa chi tiết, nhưng khi đến thăm một giếng cổ có tuổi 1000 năm, nhất định ông Như Phong không đi một mình. Vậy thì ông phải hỏi người chủ, hoặc người địa phương, hoặc người dẫn đường đưa ông đến xem cái giếng cổ. Hỏi về thông tin liên quan đến cái giếng đó chứ? Như là, “hiện tại người dân (ông/bà) có dùng nước giếng trong sinh hoạt hằng ngày không?” Rằng, “tôi có thể dùng thử nước giếng được chứ?” Những câu hỏi thông thường, tối thiểu của một khách du lịch với gai-tua!

Hay tại ông Như Phong quá chủ quan hoặc quá liều mà bỏ qua những kỹ năng giao tiếp thông thường đó?

3) Xét về khía cạnh văn hóa ứng xử với di tích:

Bài báo viết: “ với bản tính thích tìm hiểu và cái gì cũng phải tới tận cùng” nên ông Như Phong đã “múc nước giếng để rửa mặt…”. Đó không phải là một tính tốt. Bản tính đó, không thể lúc nào cũng có thể áp dụng. Ít nhất là trong ngữ cảnh đứng trước một “giếng cổ”.

Đã là giếng cổ, dù mới phát hiện, thì đó là một di tích lịch sử-văn hóa. Khi mình là du khách thì cần phải hiểu biết tối thiểu cách ứng xử đúng với di tích nói chung.

Giếng cổ có 1000 năm tuổi. Một ngàn năm qua mà nước trong giếng cổ ấy vẫn còn thì nó là thành phần tạo nên sự độc đáo của di tích. Du khách không được phép và không thể sử dụng như nước của các giếng sinh hoạt thông thường, dù đang… khát.

Thử hỏi, nếu là nước giếng đó dùng được, hàng ngàn (rồi có thể hàng triệu) du khách đều ứng xử như thế thì còn gì là di tích?

Điều này, nói ra ở Việt Nam thì nhiều người cho là buồn cười. Bỡi vì ở Việt Nam, hành vi ngồi, trèo, nằm, dẫm đạp,… lên di tích và “vặt lá hái hoa” trong khu di tích là rất phổ biến. Thậm chí đã trở thành thói quen bình thường của người Việt. Điều mà các nước văn minh phát triển, là cấm kỵ và thậm chí bị phạt nặng, nếu vi phạm.

Tóm lại là vụ tai nạn vì “nước giếng cổ ngàn năm” của nhà báo Nguyễn Như Phong chẳng hay ho gì mà lại nhanh nhảu và hoan hỉ tương lên mặt báo như thế! Vụ tai nạn đó phơi bày cái thiếu và cái thừa mang tính xấu cố hữu của người Việt trong văn hóa ứng xử; sự hiểu biết tối thiểu cần thiết đối với di tích và ý thức bảo tồn di tích của người xưa để lại!

Đây là bài học chung cho tất cả người Việt khi đi ra nước ngoài cũng như đứng trước một di tích lịch sử văn hóa!
01/07/2013
Sao Hồng

P/S: Hôm nay vô lại trang “Năng Lượng Mới” đã thấy cập nhật “tiêu đề” với cái kết “… nhà báo Nguyễn Như Phong đã được đưa thẳng vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM. Các bác sỹ ở khoa cấp cứu đã ngay lập tức tiến hành “tẩy độc” và hiện sức khỏe của ông đã tạm thời ổn định.

Cha đẻ của phim “Bí mật Tam giác Vàng” lấy làm cảm kích và bày tỏ lòng biết ơn với các y bác sỹ ở khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy vì đã giúp ông vượt qua cơn đau khủng khiếp “.

Chúc cho nhà báo Nguyễn Như Phong mau chóng bình phục. Ông cũng nên tiếp tục theo dõi và kiểm tra độ phóng xạ trong người ông. Các giếng cổ ở xứ Trung Đông rất hay bị nhiễm xạ đấy!
Nhà báo Như Phong và người lính Algerie bảo vệ giàn khoan PVD-11 (ảnh của báo Petro Times)
.
Nguồn tham khảo:
- http://petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/nha-bao-nguyen-nhu-phong-bi-nhiem-doc-nang-tu-nuoc-gieng-co-o-sa-mac-sahara.html
.
- http://www.tienphong.vn/xa-hoi/634564/Nha-bao-Nguyen-Nhu-Phong-bi-nhiem-doc-nang-tpol.htmlhttp://petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/nha-bao-nguyen-nhu-phong-bi-nhiem-doc-nang-tu-nuoc-gieng-co-o-sa-mac-sahara.html
.
Nguồn: Sao Hồng | Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét