Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Đừng nghe những điều tiến sỹ Alan Phan nói!

Đừng nghe những điều tiến sỹ Alan Phan nói!

Ban đầu, xem bác Alan Phan “chém gió” tưng bừng trên các mặt báo cũng thấy vui vui khi có một bác “người Tây gốc Việt” định tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế bằng những lập luận ngồ ngộ kiểu như “hãy để chúng chết đi”, “nên để thị trường BĐS rơi tự do để dân có cơ hội mua nhà giá rẻ”…  Cũng chỉ nghĩ đó là bài “nổ” kiểu “sâu – bít”, thế mà cũng có người ủng hộ.
Đành xin có vài lời với bác Phan
Không biết có đúng như báo chí loan tin, bác Alan Phan định chơi bài “dìm hàng” BĐS Việt Nam rồi đưa “Tây” vào thôn tính thị trường hay không, nhưng cái cách tư vấn của bác là rất ác. Thị trường BĐS Việt Nam, cũng như kinh tế Việt Nam còn rất non trẻ. Tỷ lệ đóng góp của BĐS vào GDP mới có 10% (các nước khác khoảng 20 – 30%) và GDP của Việt Nam cũng mới chỉ có hơn 130 tỷ USD. Vậy mà bác lại đi lấy những bài học từ xứ cờ hoa, nơi có GDP gấp khoảng 120 lần nước Việt để khuyên dạy. Bác khuyên để thị trường BĐS Việt Nam tự đề kháng, chẳng khác nào xui đưa một đứa trẻ đang viêm phổi ra ngoài trời lạnh.
Đừng nghe những điều tiến sỹ Alan Phan nói !
Đừng nghe những điều tiến sỹ Alan Phan nói !
Bác bảo, các DN BĐS Việt Nam phải trả giá cho những gì họ đã làm, cho cách làm ăn chụp giật, cho những sai lầm của họ. Tôi hoàn toàn đồng ý với bác, và thực tế, họ đang phải trả giá và còn phải tiếp tục trả giá… nếu không biết “ăn năn”. Nói như ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng là “sự đóng băng của thị trường đã dạy cho doanh nghiệp, giới đầu cơ, người mua nhà và cả cơ quan quản lý một bài học” – một bài học lớn. Nhưng bác cũng nên đồng ý với tôi rằng, “trả giá” và “giải cứu” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Giống như con bác, con tôi, khi các cháu hư, đi đánh nhau, các cháu bị đau (đó đã là trả giá), về nhà, chúng ta tiếp tục phải trách phạt (đó tiếp tục là sự trả giá) nhưng không vì thế mà chúng ta không đưa chúng đi viện khâu vết thương, không cho uống thuốc, không giáo dục (đó là giải cứu). Rõ ràng, nếu ta nóng giận, bảo “nó làm, nó phải chịu” và không làm việc “giải cứu” đó, các cháu sẽ bị khuyết tật, thậm chí “bỏ” chúng ta mà. Khi đó, ai là người phải trả giá, ai phải ân hận? Thị trường BĐS lúc này cũng vậy, nó có thể đang là một “cậu ấm hư”, nhưng chúng ta không thể không giải cứu. Chắc chắn, nếu để thị trường “rơi tự do” như bác muốn thì hậu quả,  mất mát cho cả xã hội sẽ là khôn lường, là vô cùng lớn cả về thời gian và tiền bạc. Trên thế giới, bài học này rất nhiều và chắc chắn một người trí lực uyên bác như bác đã biết!.
Tôi cũng không hiểu từ nguồn thông tin nào mà bác lại cho rằng, Nhà nước Việt Nam giải cứu thị trường BĐS là “lợi ích nhóm” và chỉ bằng cách in tiền thêm và bơm ra cho doanh nghiệp BĐS, để rồi “khi bơm tiền ra sẽ có ít nhất 50% lượng tiền biến mất vì sự không minh bạch, thiếu kiểm soát nghiêm túc.”. Rồi bác lại phê phán “Tệ hại nhất là khi tung tiền cứu nguy cho “bồ nhà”, chinh phủ sẽ gởi một thông điệp bào mòn mọi niềm tin còn sót lại của các nhà đầu tư trong và ngoài nước”. Xin chia sẻ với bác, trong gói giải cứu đầu tiên, 30.000 tỷ, Nhà nước đã dự định phân bổ 2/3 số vốn này cho người mua nhà để thúc đẩy giao dịch, giúp người dân mua được nhà và doanh nghiệp cũng bán được hàng. Chỉ 1/3 còn lại nên dành cho doanh nghiệp để hoàn thiện sản phẩm và tạo nguồn cung mới. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thống nhất, trong chính sách hỗ trợ thị trường BĐS sẽ không nhấn mạnh sự hỗ trợ bằng tiền, mà là hỗ trợ bằng công cụ chính sách, cơ chế.
Tôi cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cũng đủ thông minh để đưa ra một giải pháp giải cứu theo hướng “cái gậy và củ cà rốt”. Sẽ có những phương án hỗ trợ, giải cứu (cả bằng cơ chế và tiền) nhưng để nhận được sự giải cứu ấy thì doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng những điều kiện khắt khe. Và như vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vượt qua cửa ải điều kiện. Đó là cuộc giải cứu kèm theo thanh lọc, buộc doanh nghiệp vẫn phải tự lực vươn lên. Lúc này, Nhà nước giống như bác sĩ và các doanh nghiệp BĐS là bệnh nhân. Bác sĩ sẽ khám, kê đơn, bốc thuốc nhưng cơ thể của bệnh nhân có “chịu thuốc” để khoẻ lên hay không còn tuỳ. Và đó là cách để người ta đuổi “con cóc xấu xí” đi, thay vì làm như bác là “nuốt nó vào”.
Tôi phải công nhận bác là người “lợi khẩu” và thông minh. Thông minh cả khi bác thanh minh về sự trong sáng của mình rằng, “vài dư luận viên còn cáo buộc Alan là một con kền kền muốn giá nhà xuống để thâu tóm. Họ quên mất là Alan, với quốc tịch Mỹ, không có quyền mua nhà đất ở đây. Nhưng để làm vừa lòng các dư luận viên này, Alan Phan xin long trọng hứa là Alan sẽ không bỏ một xu vào BĐS Việt trong 10 hay 20 năm tới…”. Tôi cho rằng, bác chẳng cần phải bỏ xu nào vào BĐS Việt Nam mà vẫn thu về bạc triệu Mỹ kim với tư cách là người môi giới cho các “cầu thủ” nước ngoài vào “thôn tính” các dự án của doanh nghiệp Việt theo kiểu “nước đục thả câu”?
Xin phép bác Alan, tôi xin được kết phần trao đổi của mình với bác bằng cách học cổ nhân và “ứng tác” một lời khuyên cùng độc giả: Hãy nhìn những gì Alan Phan làm, đừng nghe những gì Alan Phan nói!
(BVNM)


LongHung - 03/04/2013 23:20
Trước hết, tôi phải nói rằng rất bất mãn với những ai gọi ý kiến trái ngược với chủ trương của nhà nước là “chém gió”. Tôi rất đồng tình với giải pháp cho thị trường BĐS rơi tự do của TS ALan Phan và xin nói rằng điều đó là nguyên lý thị trường không có gì “ngồ ngộ” như bạn nghĩ cả. Với 30.000 tỷ là liều thuốc cho BĐS thì hãy nghĩ rằng liệu liều thuốc này có tác dụng hồi sinh cho thị trường BĐS hay không hay chỉ là phỏng đoán tỷ lệ khỏi bệnh là bao nhiêu %? Ai cũng phải trả giá cho hành động của mình, nếu đã xác định là làm ăn chụp giật, sai lầm thì hệ quả của nó phải chấp nhận tức thời, tự cam chịu như đứa trẻ bị đau khi đánh nhau, tôi hoàn toàn đồng ý thế nhưng hiện nay doanh nghiệp, giới đầu cơ BĐS đã chịu sự trả giá gì tương xứng với những việc họ đã làm? Có phải chăng những kẻ đầu cơ sừng sỏ, chuyên nghiệp đã hạ cánh an toàn và phần cóc ké còn lại là chưa bán hàng tồn kho và chưa thu được lợi nhuận? Theo tôi, hãy để nhà đất về đúng giá trị thực của nó, chính các nhà đầu tư BĐS là tội đồ của nền kinh tế đất nước, tình trạng hiện nay như thế là hệ quả của sự phân tích thị trường không phù hợp và quá xa thực tế, từ những quy hoạch đô thị có định hướng tốt đẹp của đất nước, nhà đầu tư nháo nhào “ăn ké” (nói là “ăn ké” chứ thực ra quá “mâm cao, cỗ đầy”), chỉ là tên “cò” đất quèn "đi tắt đón đầu" thôi cũng tậu được nhà lầu, xe hơi, chân dài.. Thế là muốn tận thu lợi nhuận, muốn ghi tên mình vào danh sách các tỷ phú thế giới nên hết dự án này đến dự án nọ, hết đất nền đến căn hộ cao cấp, từ thành phố, tỉnh lẻ đến quận, huyện vùng ven, từ nam ra bắc…thi nhau đua nở khổ nỗi đa số người dân Việt Nam chưa có nhà ở hiện đang rất cần nhưng không phải mô hình mà các nhà đầu cơ xu hướng.Vậy bây giờ cứu là cứu cái gì? Chất lượng cuộc sống không chỉ ở cái nhà mà là sự phù hợp hài hòa giữa ăn ở, làm việc, vui chơi, giải trí, …Tội tin rằng nếu giải cứu theo kiểu 30.000 tỷ cho BĐS thì rồi mai đây sẽ lại phải cần 600.000 tỷ để giải cứu ngân hàng.
Viên - 03/04/2013 22:55
Thầy bói xem voi,bàn về 1 đề tài nóng bỏng này cần có kiến thức về thị trường,mối tương quan giữa các ngành kinh tế,khả năng hấp thu của thị trường...nói chung đó là những kiến thức chuyên ngành và chuyên sâu,bàn như bạn Hà nếu chú ý nó chỉ phục vụ cho 1 nhóm nhỏ(nay ta hay gọi là lợi ích nhóm!)
VINH - 03/04/2013 21:41
Người đã viết bài này không hiểu gì về các đại gia bất động sản. Ông không biết là các đại gia bất động sản Việt nam quen hưởng lãi từ tầng hầm đến 5 tầng dịch rồi nếu chỉ giảm một chút họ sẽ kêu ầm lên. Trong thời gian qua Hiệp hội bất động sản Hà Nội toàn đưa ra luận điểm doạ nhà nước, dọa dân, Họ đã gián tiếp các quan chức phê duyệt dự án nhận hối lộ qua phí bôi trơn, họ phê bình nhà nước là thiếu quy hoạch, họ dọa sẽ công nhân xây dựng thất nghiệp nhưng họ quên là xã hội đã biết : Công nhân xây dựng là công nhân mùa vụ, không bao giờ các doanh nghiệp xây dựng đóng BHXH cho họ( số công nhân được đóng rất ít khoảng 10%) , có việc thì họ làm không có việc thì họ về làm ruộng..không có một ý tốt nào của Hiệp hội bất động sản Hà Nội nghĩ về người có thu nhập thấp,chỉ thấy họ ra sức biện minh cho lợi ích nhóm của họ. Nếu bạn có nhà rồi thì bạn hãy để cho người có thu nhập thấp mua được nhà . TS ALan phân tích đúng đấy , ủng hộ hoàn toàn ý tưởng của TS ALAN " hãy để thị trường bất động sản rơi tự do"
Nguyễn Bình - 03/04/2013 18:57
BĐS là chuyện kinh doanh như bao ngành khác, nên hãy để theo nền kinh tế thị trường không có lý do gì để bơm tiền cứu nó cả.
Minh Viet - 03/04/2013 17:50
Trong khi các doanh nghiệp cần vốn để sản xuất, kinh doanh thì không lo giảm lãi suất cho vay để phát triển kinh tế, tạo công việc, tăng xuất khẩu thu ngoại tệ và nếu không kịp thời thì đến 2015 sẽ đồng nghĩa đem thị trường dâng cho nước ngoài, các vị lại ưu đại đầu tư cho BĐS, thử hỏi có bao nhiêu người được hưởng trên 90 triệu dân? Có bao nhiêu doanh nghiệp BĐS trên toàn bộ các doanh nghiệp? Thật không công bằng! Phải chăng có lợi ích nhóm trong này? Nhà nước giúp bằng chính sách chứ không phải đem tiền ra cứu. Tiền này nên đầu tư vào các dự án phục vụ cho toàn dân.
A T B - 03/04/2013 14:05
Tôi không đồng ý với quan điểm của bạn. Ngay cả những người có chút hiểu biết về kinh tế, hoặc ngay cả sinh viên mới ra trường cung có thể lý giải được điều này và TS Alan Phan nói hoàn toàn xác đáng. Chẳng có gì là miễn phí cả. Khi Chính phủ "hổ trợ" 30.000 tỷ cho BĐS, chẳng khác nào thừa nhận thói làm ăn bết bát của các Ngân hàng và DN BĐS, làm sai vẫn được hổ trợ. Mà thực chất tiền hổ trợ là từ ngân sách tức thuế dân (sức lao động của toàn dân mà có) hoặc là từ in tiền, việc in tiền sẽ tạo lạm phát và suy giảm sức mua của đồng tiền. Vì vậy mọi người dân đang giữ tiền đều bị suy giảm sức mua.
Đào Ngọc Đệ- Giảng viên chính Đại học, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam - 02/04/2013 22:47
Tôi không hiểu "ông" nào lấy tên đàn bà để viết bài này. Hèn thế! Tôi hoàn toàn đồng tình với TS Alan Phan. "Hãy để thị trường BĐS rơi tự do"! Các nhà đầu tư đã hưởng lãi kếch sù (Mua đất nông dân, giá 1 mét vuông chưa bằng tiền một bát phở, nhưng rồi vay vốn ngân hàng, làm ít đường sá, rồi phân lô bán nền, hoặc xây nhà bán giá kinh doanh, kiếm lãi gấp hàng tỷ lần. Họ đã quá no nê về tiền. Họ hưởng lãi khổng lồ rồi, lại lao vào "Tay không làm BĐS", định kiếm núi tiền nữa. Nhưng bây giờ mới ế ẩm. Chính các nhà đầu tư BĐS là tội đồ của nền kinh tế đất nước (cũng như Vinashin, Vinalines,...) Cho nên, Nhà nước không được lấy tiền của dân mà cứu BĐS! Không thể lấy thịt dân mà nuôi hổ đói là các DNBĐS. Hãy để thị trường BĐS rơi tự do. Tôi hoàn toàn đồng tình với TS A. Phan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét