Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

SÀI GÒN NÓNG QUÁ, SÀI GÒN ƠI

SÀI GÒN NÓNG QUÁ, SÀI GÒN ƠI
Tiếng kêu "Nóng quá Sài Gòn ơi " đang thường xuyên được nghe thấy từ hàng triệu người. Theo nhiệt độ được công bố ngày 6 tháng 4 thì vào giờ trưa cao điểm Sài Gòn nóng trên 40 độ.
Suốt từ những ngày cuối tháng 3 đến nay nhiệt độ Sài Gòn luôn cao ngất ngưởng; nắng nóng sẽ còn kéo dài và không ai biết nhiệt độ sẽ đạt đến kỷ lục bao nhiêu. Theo cơ quan khí tượng Sài Gòn ngày 6 tháng 4 là ngày nóng nhất trong hai năm qua.
Sài Gòn nóng, mọi người càng khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt, thiếu điện trong mùa nóng.
Một người đang sống ở quận Tân Bình cho biết: "Từ khi ông di cư vào nam (1954) thì năm nay trời nóng đến hốt hoảng."Ngôi nhà của ông là một căn chung cư chỉ rộng 30m2, ông nhường cái "hang chuột" đó cho vợ chồng hai thằng con và 3 đứa cháu nội, hai vợ chồng ông ra mé hiên chung cư, cạnh cái ống đổ rác trải chiếu ngủ.


Trời nóng, mùi rác, mùi ống cống cứ sôi lên; hai vợ chồng già mở quạt máy vù vù, tay cầm quạt giấy ngồi thở dốc cầm cự với thời thiết khốc liệt hết đêm này đế đêm khác.

Ông nói thêm "Tháng tư đâu có ngủ yên được, khốn nạn lắm anh, Nếu hôm nào trời nóng ngủ không được thì đầu óc lại nhớ lung tung về ngày 30/4; mùa này năm trước tôi lên máu đi cấp cứu ở bệnh viện, người bệnh đông la liệt, không có giường nằm, nằm dưới sàn gạch hành lang bệnh viện thế mà chợp mắt được chắc là nhờ bệnh viện có ít cây cỏ."


Vào cao điểm mùa nắng nóng, lời khuyên đầu tiên của nhiều gia đình người Sài Gòn là khuyên bà con dưới quê hoặc bà con Việt kiều khoan hãy về thăm hoặc đến chơi.

Một bà Việt kiều về từ Úc hồi cuối tháng 3 cho biết. "Tôi đổi vé máy bay về Úc sớm, sợ cái nóng Sài Gòn quá. Ngồi không mà mồ hôi cứ tuôn như tắm, mới từ phòng tắm ra cũng tuôn mồ hôi, người suốt ngày ướt nhẹp mồ hôi; lúc tôi chưa đi vượt biên Sài Gòn đâu có nóng, khói bụi cũng đâu đến nông nỗi này. Ở nước Úc của tôi mùa hè có ngày nóng hơn Sài Gòn, đến bốn mươi ba, bốn lăm độ nhưng qua hôm sau là dịu mát trở lại, còn ở Sài Gòn nóng suốt cả tháng."

Khoảnh hơn 10 giờ đêm, chúng tôi gặp một bà cụ khoản bảy mươi tuổi ở một quán cà phê ghế dựa vỉa hè thuộc quận Tân Bình.

Bà cho biết từ Quảng Ngãi vào thăm con trai, mấy ngày nay hai mẹ con ra quán cà phê này khuya lơ khua lắc mới về. Chẳng phải bà biết uống cà phê mà vì con bà sợ bà ở trong phòng trọ nóng quá ngộp bà tắt thở. Bà nói thêm rằng "Nóng rả người, xứ ni nóng kinh, tội thằng nhỏ sống mô trong lò gạch có tẹo."

Sài Gòn mùa nóng cũng phát sinh nhiều điều. Từ 11 giờ trưa đường phố giảm bớt lưu lượng xe. Cứ ngã tư đèn đỏ nào có chút bóng râm cây xanh là xe gắn máy tranh nhau núp bóng, thành ra có vẻ trật tự giao thông nhờ nắng nóng mà bớt hỗn loạn.

Phụ nữ, nhất là các cô gái ra đường ngày nắng bên cạnh áo khoác trùm người, khẩu trang kín mặt, lại thêm váy đầm chống nắng khoác ngoài che kín đến bàn chân.

Nhiều người dự đoán vui rằng nắng nóng tăng thêm chừng một hai độ nữa thì cánh đàn ông Sài Gòn sẽ có mốt mới khoác áo trùm cả người, đầu trùm khăn như dân Ả Rập.

Ngay cả mốt giải khát mùa nắng nóng ở Sài Gòn cũng liên tục thay đổi. Năm nay dân bình dân và giới tuổi teen chọn mốt giải khát trà chanh. Khắp Sài Gòn từ phố lớn tới đường nhỏ, giới công nhân trẻ, sinh viên ngày đi làm, đi học chiều tối về hùn nhau ra vỉa hè mở quán trà chanh.

Họ sắm những cái bàn lùn kiểu Nhật, ghế nhựa, ly nhựa vậy là bán. Chiếu tối dân nhập cư, dân cố cựu chịu không thấu cái nóng đổ hết ra đường tìm chút gió là tấp vô quán trà chanh tám chuyện thời tiết, thời sự, thời tình.

Than ôi, Sài Gòn giải khát với trà chanh hóa chất.

Một ly trà chanh trong những ly nhựa sử dụng một lần có giá từ 5,000 đến 8,000 VND, một đĩa hạt hướng dương hoặc cá viên chiên cũng đựng trong dĩa nhựa sử dụng một lần có giá tùy hứng. Đơn cử một điểm bán trà chanh trên đường Lê Đại Hành quận 11, trong một đêm từ 7 giờ đến 11 giờ có thể bán vài trăm ly trà chanh kiếm vài triệu bạc ngon ơ.

Thiệt tình mà nói mốt giải khát trà chanh mà người Sài Gòn đang ưa chuộng là khá hay! Nhưng than ôi ly trà chanh ở hầu hết các điểm bán lại không pha chế bằng quả chanh tươi, trà và đường cát mà lại bằng hỗn hợp hóa chất tạo mùi, tạo ngọt mua từ chợ Kim Biên.

Thật kinh hoàng khi biết rằng chỉ bỏ ra vài chục ngàn là có thể mua đủ hóa chất pha chế 1,000 ly trà chanh. Trong đêm nóng nhất ngày 6 tháng 4, một người thanh niên ở Chợ Lớn ngồi trong quán cà phê đối diện với một quán trà chanh tâm sự: "Mọi tai họa ở Việt Nam hiện nay đều có bàn tay đen của Trung Quốc. Dịch cúm H7N9 từ Trung Quốc vừa lấp ló ở biên giới, nhưng thảm họa trà chanh hóa chất thì có lâu rồi.'

'Trời càng nóng càng sinh nhiều thảm họa khác nữa chớ phải chơi đâu. Tội nghiệp mấy bạn sinh viên bán trà chanh và cả người uống trà chanh, tội nghiệp cả chính mình nữa, ai cũng là nạn nhân của tụi Trung quốc hết, chết dần chết mòn chạy đâu cho khỏi."

Giải thích về tình trạng một số nơi người dân Sài Gòn đo nhiệt độ lên tới 42-43 độ thì phía chính quyền cho rằng đó là nhiệt độ đo gần mặt đường nhựa, gần những con hẻm nhỏ tráng kín xi măng hoặc các khối nhà bê tông.

Nhưng người Sài Gòn ai cũng biết bên cạnh bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu thì chính quyền này phải chịu trách nhiệm trong việc bê tông hóa Sài Gòn, xâm đoạt diện tích cây xanh và mặt nước đã khiến cho mùa nóng Sài Gòn ngày càng kinh khủng.

Trần Tiến Dũng/Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét