Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

John McCain và cuộc trao trả tù binh 40 năm trước

John McCain và cuộc trao trả tù binh 40 năm trước
Thượng viện Mỹ tuần qua có buổi kỷ niệm dành cho thượng nghị sĩ John McCain, đánh dấu ngày 40 năm ông được trao trả trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tù binh nổi tiếng ở nhà tù Hỏa Lò Hà Nội nay là nhà lãnh đạo tích cực ủng hộ mối quan hệ giữa hai nước. 
Thượng nghị sĩ, cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ, John McCain, từng tham chiến trên chiến trường Việt Nam với tư cách là phi công hải quân. Khi thực hiện cuộc ném bom ngày 26/10/1967, máy bay của McCain bị bắn trúng trên bầu trời Hà Nội và ông trở thành tù binh chiến tranh.
McCain cùng nhiều tù binh Mỹ khác được trao trả ngày 14/3/1973, cách đây đúng 40 năm, theo điều khoản trao đổi tù binh của Hiệp định Hòa bình Paris. Cuối tuần trước, một lễ kỷ niệm nhỏ đã diễn ra ở quốc hội Mỹ dành cho ông nhân dịp này. Thượng nghị sĩ John McCain là một trong những nhà lãnh đạo Mỹ ủng hộ việc bình thường hóa cũng như thúc đẩy mối quan hệ song phương Mỹ và Việt Nam.
McCain (hàng đầu bên phải) cùng với đội bay của mình năm 1965. Trước khi may bay bị bắn rơi, McCain đã thực hiện 22 lần bay khác trên bầu trời miền bắc Việt Nam. McCain cùng các đồng đội tỏ ra mệt mỏi với chiến dịch Sấm Rền (Rolling Thunder) được chỉ huy từ Washington. "Các mục tiêu có giới hạn và chúng tôi cứ phải bay tới bay lui và tấn công mãi vào một số mục tiêu. Phần lớn các phi công trong đơn vị tin rằng các mục tiêu của chúng tôi chẳng có giá trị và chúng tôi thấy rằng những chỉ huy thật là ngốc nghếch, và với cách này chúng tôi chẳng thể chiến thắng nổi", McCain cho biết trong một cuốn sách được xuất bản năm 2000.

Máy bay A-4E Skyhawk, chiếc mà McCain lái, 6 ngày trước bị bắn trúng, trên tàu sân bay Oriskany. Máy bay của McCain chao đảo sau khi bị bắn và lộn một vòng theo chiều dọc ở tốc độ cao. McCain bị gãy tay, chân và nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch.

Bức ảnh tư liệu của Thư viện Quốc hội Mỹ cho thấy McCain (giữa) bị bắt trên hồ Trúc Bạch ở Hà Nội sau khi bị bắn hạ vào ngày 26/10/1967. Bức tượng đài nhỏ bên hồ Trúc Bạch ngày nay nói về sự kiện này. Khi trở lại Hà Nội, McCain cũng đến bên hồ nơi ông từng "hạ cánh" và thăm lại nhà tù Hỏa Lò.

McCain bị thương nặng sau khi trúng đạn và được đưa tới bệnh viện ở Hà Nội để chữa trị như một tù binh chiến tranh. Ông ở viện 6 tuần và sau đó được đưa tới nhà tù Hỏa Lò, còn được biết đến với tên lóng "Hanoi Hilton".

John McCain đi đầu trong đoàn 108 tù binh chiến tranh được trao trả cho phía Mỹ tại sân bay Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội ngày 14/3/1973. "Tại sân bay, chúng tôi xếp thành hàng theo thứ tự ngày chúng tôi bị bắn hạ và chúng tôi cố duy trì phong thái của người lính trước những tiếng lách cách liên tục của máy chụp ảnh và đám đông người Việt Nam vây quanh chúng tôi. Các quan chức Việt Nam và Mỹ ngồi ở một chiếc bàn, mỗi người có một bản danh sách tù nhân. Đại diện cả hai quân đội gọi tên các binh sĩ. Tôi bước lên chiếc bàn và chào. Một quan chức hải quân Mỹ bắt tay tôi và chỉ cho tôi đường tới máy bay", McCain nhớ lại ngày được trao trả 40 năm trước.

Chiếc máy bay C-141 chở McCain tới Căn cứ 
Không quân Clark ở Philippines sau khi rời khỏi Việt Nam.

McCain bắt tay tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon tại Washington sau khi về nước. New York Times cho hay, thời gian hơn 5 năm trong nhà tù tại Việt Nam được cho là có ảnh hưởng nhiều đến quan điểm của ông về các chính sách chiến tranh, dẫn đến những cuộc thảo luận của ông sau đó về chủ đề này.

Bộ quần áo phi công của John McCain được trưng bày trong 
Bảo tàng Nhà tù Hỏa Lò, nơi McCain bị giam giữ những ngày ở Việt Nam.

Ông McCain cùng con trai trở lại thăm Bảo tàng Nhà tù Hỏa Lò vào năm 2000. McCain cho biết ông đã quay lại Việt Nam nhiều lần trong những chuyến đi dành cho cựu tù binh chiến tranh và các chương trình tìm kiếm quân nhân mất tích (POW/MIA). Đây là một đất nước xinh đẹp, ông được Việt Nam chào đón và "cảm thấy vui mừng vì Mỹ và Việt Nam có nhiều nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp từ đống đổ nát của cuộc chiến tranh gây đau thương cho cả hai phía", McCain viết. Theo ông, dù còn bất đồng trên một số quan điểm nhưng mối quan hệ đối đầu cũ giữa hai bên nay được thay thế bằng những niềm hy vọng mới về hợp tác kinh tế, thương mại và cả quốc phòng, vào thời điểm 40 năm sau ngày các lính Mỹ rời khỏi Việt Nam.

Vũ Hà (Ảnh: AP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét