Heo hút Trường Sơn Đông
(GD&TĐ) - Con đường hơn 100km đưa chúng tôi từ thành phố Tam Kỳ lên các xã miền núi nằm bên triền Trường Sơn Đông, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) dường như xa hơn trong cái nắng trưa như cháy rát. Qua hai xã Trà Vân và Trà Vinh, giữa núi rừng còn hoang sơ, cuộc sống của đồng bào Ca Dong cũng như các thầy cô bám trụ gieo chữ nơi đây còn rất nhiều khó khăn....
Lớp học ghép ở điểm Trường Nóc Măng Lin, thôn 1, xã Trà Vân |
Gieo chữ nơi đỉnh trời
Gửi xe máy ở một lán trại của những công nhân thi công đường mới, chúng tôi bắt đầu đi bộ vào nóc Măng Lin (thuộc thôn 1, xã Trà Vân, Nam Trà My, Quảng Nam). Ngôi trường tiểu học nằm heo hút giữa cánh rừng già, giữa những nóc nhà sàn đơn sơ, tạm bợ. Nơi đây, thầy Trương Văn Mỹ và cô Nguyễn Thị Thu Tưởng đang nhận nhiệm vụ đứng điểm. Thấy khách miền xuôi ghé thăm trường cả hai đều vui vẻ hẳn. Giữa những khó khăn bộn bề nơi thâm sơn cùng cốc này, có được một người để sẻ chia tâm sự là niềm vui lớn của họ.Ở đây, mọi sinh hoạt đều hết sức khó khăn. Một buổi dạy, một buổi hai thầy cô phải thay nhau vào rừng kiếm củi, kiếm rau, kiếm măng về cải thiện cuộc sống. Bởi điện của đồng bào Ca Dong kéo bằng tuabin từ suối về rất yếu, không đủ tải một vài cái bóng thì không thể nấu cơm được. Thức ăn từ xuôi đem lên lâu lâu mới có, mà giá cả lại đắt đỏ, trong khi đồng lương của thầy cô eo hẹp.
Ráng sức thổi cho lửa bén lên, thầy Trương Văn Mỹ bảo: "Ai chưa lên đây, cứ nghĩ giáo viên đứng điểm sướng các anh ạ. Nhưng rồi mới biết cực lắm. Mọi thứ đều phải tự túc. Ngay cả nước máy đồng bào cho uống ké mình cũng phải bỏ vào bao tải dự trữ. Vì đường dẫn nước rất thất thường, bữa có bữa không. Uống nước suối thì rất nguy hiểm vì đầu nguồn đã bị khai thác vàng, rất nhiều chất độc đổ xuống. Điện thì cả tuần mới có được một đêm sáng. Ăn thì nhờ hầu hết vào "lộc rừng".
Lâu rồi mới ăn một bữa ăn dưới đèn dầu. Nhưng thầy cô ở đây thì đó là việc thường xuyên bởi điện kéo tuabin rất yếu và rất thất thường. Có khi sáng được một lúc thì bất ngờ bị cháy. 21 học sinh với một lớp ghép và một lớp bình thường, cả thầy Mỹ và cô Tưởng đều hết sức mình từng ngày giúp các em tiếp cận với những con số, chữ viết. Là con của đồng bào dân tộc Ca Dong, đời sống của các em hầu hết còn túng thiếu. Có em cả tuần đến lớp với độc nhất chỉ một bộ quần áo trên người. Lại có em đến lớp đói lả, ngất xỉu đi. Lúc ấy, thầy cô phải vừa là cha mẹ, vừa đảm nhiệm luôn chuyên trách của cán bộ y tế. Cũng may, cả học sinh và phụ huynh ở đây đều rất kính trọng và yêu mến thầy cô. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đôi khi các em đem biếu thầy cô bó củi, mớ rau lấy được ngoài rừng. Như vậy đã đủ cho hai thầy cô ấm lòng và vững tâm hơn...
Đời sống người dân hai xã Trà Vân và Trà Vinh còn rất nhiều khó khăn |
Nơi muốn đến phải đu dây
Ở lại với điểm trường tiểu học nóc Măng Lin một đêm với thầy cô, để nghe tiếng gió đại ngàn âm vang vọng về. Và để thông cảm với những người giáo viên gắn tuổi thanh xuân của mình với núi rừng, với những học sinh người Ca Dong. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi theo chân anh Đinh Văn Út. Cán bộ trạm y tế xã Trà Vinh vào với xã này. Con đường vào với Trà Vinh còn khó khăn hơn. Đời sống của đồng bào Ca Dong nơi đây còn còn rất lạc hậu.
Chúng tôi quyết định theo anh Út vào thôn 4C, nơi khó khăn nhất của xã Trà Vinh để tìm hiểu tình hình sau bữa cơm trưa ở trung tâm xã. Nhưng đầu chiều, cơn mưa rừng ồ ạt đổ xuống làm cuộc hành trình đành phải hoãn trong tiếc nuối. Thời gian cũng có hạn nên đành trở về lại trung tâm xã Trà Vinh, ngồi nghe anh kể về những chuyến công tác vào thôn mà anh cho là lạc hậu nhất Nam Trà My bây giờ.
Anh Út bảo ở Trà Vinh bây giờ, nhiều đồng bào Ca Dong vẫn không chịu ở nhà mới của Nhà nước xây cho. Cán bộ vận động thì sau khi xây xong, họ đến ở vài ngày rồi lại vào rừng tìm gỗ dựng lều, dựng nhà sàn để ở như vốn từ bao đời nay. Bởi thế, ở đây, rất nhiều ngôi nhà kiên cố của Đảng và Nhà nước xây vẫn bị bỏ trống, phơi thân cùng mưa gió. Mặc dù cán bộ xã, huyện đã nhiều lần về giải thích, động viên, nhưng nhận thức của bà con vẫn chưa thay đổi được.
Ở xã Trà Vân, giáo viên dạy điểm trường lẻ nhiều nơi phải qua cầu tạm bắc ngang suối lớn rất nguy hiểm |
Đặc biệt, đường vào thôn 4C vô cùng nguy hiểm, cheo leo. Có những con dốc thẳng đứng lên trời, chỉ một đường độc đạo. Để qua được, phải có một người trèo giỏi hoặc người dân của thôn đi trước. Sau đó, từ trên đỉnh dốc, buộc dây vào thân cây chắc chắn rồi thả dây xuống. Người dưới vừa đu lên và bám theo đá, rễ cây trên dốc, người trên vừa huy động thêm dân trong thôn ra kéo giúp. Vất vả như thế, có lúc lên đến nơi quần áo lấm lem đất đỏ. Bởi thế, mỗi lần về đây, phải mang theo ít nhất là 2 bộ quần áo để chuẩn bị leo dốc. Có khi cả một đoàn cán bộ xã hoặc huyện vừa đu vừa kéo nhau lên dốc đã mất mấy tiếng đồng hồ.
Chia tay xã Trà Vinh để xuôi về phía Tam Kỳ mà lòng chúng tôi còn bao niềm khắc khoải. Những lời anh Đinh Văn Út nói cùng những ngôi nhà mới bỏ hoang cũng như ánh mắt đượm buồn của thầy Mỹ, cô Tưởng làm ai đến đây cũng không khỏi chạnh lòng. Dù biết rằng ở những xã, những thôn nằm bên triền Trường Sơn Đông này vẫn từng ngày được Đảng và Nhà nước cũng như chính quyền địa phương hết sức quan tâm, nhưng làm sao để sự quan tâm, giúp đỡ ấy mang lại hiệu quả thật sự, đó mới là vấn đề. Mong lần quay lại sau, sẽ thấy và sẽ nghe những đổi thay thật sự ở vùng đất này...
Xuân Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét