VÀNG VÀ MÁU TRÊN ĐƯỜNG 7:
Ám ảnh những giấc mơ vàng
Vì tiếc của, nhiều người chạy loạn năm 1975 quay lại đường 7 để tìm vàng cất giấu. Vì lời đồn đãi, người dân địa phương cũng mải miết trên con đường này để kiếm chút vận may. Tất cả đều vô vọng!
Phong trào tìm vàng trên đường 7 manh nha từ những năm 1980, rộ lên vào khoảng 5 năm trước đây và bây giờ thì đã lắng dịu rất nhiều. Dù vậy, sau Tết Nguyên đán, khi mặt đất bắt đầu khô ráo, những người rà phế liệu lại mang vác đồ nghề rà đi rà lại dọc tuyến Quốc lộ 25 (trước đây là đường 7) từ xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa - Phú Yên ngược lên huyện Chư Sê - Gia Lai với giấc mộng tìm được vàng cất giấu, đánh rơi trong cuộc tháo chạy vào tháng 3-1975.
Chuốc khổ vào thân
Ông Trần Ngọc Đông (xã An Hiệp, huyện Tuy An - Phú Yên) vốn làm nghề nông kiêm rà phế liệu. Năm ngoái, ông được một Việt kiều thuê lên Sơn Hòa rà tìm được một ống đạn đựng toàn vàng dưới một gốc cây mục. Sau khi nghe kể thêm về chuyện vàng bạc, của cải rơi rớt trên Quốc lộ 25, ông Đông nảy ý định mạo hiểm một phen, biết đâu sẽ đổi đời.
Ông rủ thêm 3 người bạn gom góp tiền bạc, gói ghém hành lý, lương thực lên đường tìm vàng. Ông Đông cho biết cứ ngày đi đêm nghỉ, bao nhiêu mét rẫy, rừng ven Quốc lộ 25 ông đều rà kỹ. Có hôm lên tận đỉnh núi cao, có ngày lại lặn ngụp dưới các con suối... Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng rà tìm, nhóm của ông trở về với chiếc ba lô rỗng không.
“Vàng đâu không thấy, chỉ toàn mảnh đạn, mảnh bom, đành chấp nhận cứ thu gom, bán lại kiếm ít tiền gỡ vốn. Một người bạn của tôi do nhiều ngày lặn lội trong rừng sâu đã bị nhiễm sốt rét ác tính, hiện đang thập tử nhất sinh trong bệnh viện. Đúng là tự nhiên chuốc khổ vào thân...” - ông Đông rầu rĩ.
Đoạn sông Ba gần Thành Hội (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa), nơi trước đây quân đội Sài Gòn bắc cầu phao vượt sông rút về đồng bằng, đang được một doanh nghiệp ở thị trấn Củng Sơn, Sơn Hòa khai thác cát. Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở Thành Hội, việc khai thác cát chỉ là một phần, mục đích chính của doanh nghiệp là tìm vàng bị thất lạc năm 1975. Thậm chí, năm 2010, doanh nghiệp này từng chấp nhận bị xử phạt 10 triệu đồng vì khai thác cát khi chưa được cấp phép.
“Ngày đó, đoạn sông này có nhiều người vứt lại vàng. Thời gian gần đây, người qua sông vẫn còn nhặt được vàng. Doanh nghiệp chọn bãi cát này khai thác thì trúng quá rồi” - ông N.X (86 tuổi) nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Sơn Hòa, chẳng còn vàng dưới sông đâu để khai thác. “Qua một số lần kiểm tra hiện trường, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp này chỉ có xe múc cát, không có thiết bị gì khai thác vàng cả” - ông Tiến khẳng định.
Chẳng tìm thấy gì!
Bà Lê Thị Cúc (xã An Hòa, huyện Tuy An) cho biết ngày chồng bà còn sống, ông luôn ám ảnh bởi số vàng hơn 50 lượng đã giấu lại trên đường 7. Đó là số của cải mà bà đã chắt chiu dành dụm từ việc buôn bán nhỏ ở Pleiku - Gia Lai. Bà đã nhiều lần ngồi khóc một mình vì tiếc của nhưng không dám cho chồng biết vì sợ ông đau lòng sinh bệnh. Sau ngày giải phóng, chồng bà cũng đã nhiều lần khăn gói lên đường tìm số vàng cất giấu nhưng lần nào cũng về tay không. Theo lời chồng bà, nơi cất giấu vàng ngày xưa giờ đã thành rẫy mía, địa hình thay đổi rất nhiều nên khó xác định chính xác vị trí mà cũng có thể bị người khác nhặt mất rồi.
“Sau những lần tìm vàng dài ngày ấy, chồng tôi bị sốt rét, chữa không đến nơi đến chốn, cộng với tinh thần suy sụp, ông nằm liệt giường rồi mất đi. Từ đó, tôi cũng không muốn nhắc lại số vàng ấy nữa” - bà Cúc tâm sự. Theo lời bà kể, ngày chồng mình còn sống, nhiều đêm ông gặp ác mộng, tỉnh dậy toát cả mồ hôi. Có đêm bà sực tỉnh, thấy ông cười. Bà hiểu số của cải, vàng bạc đã mất luôn ám ảnh ông trong mỗi giấc mơ.
Ông Đỗ Văn Cường là một người chuyên sống bằng nghề rà phế liệu ở xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa - Phú Yên. Ông Cường cho biết trong 6 năm qua, cứ sau Tết Nguyên đán lại có một Việt kiều đứng tuổi tên Ba Trung mang bản đồ đến thuê ông rà tìm lại số vàng cất giấu đoạn gần cầu Cà Lúi thuộc xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa. “Ông trả cho tôi 700.000 đồng/ngày. Có năm đi suốt 1 tuần, có năm đến 10 ngày nhưng tôi chẳng tìm thấy gì” - ông Cường cho biết.
Năm đó, vì sợ cướp, ông Ba Trung phải cất giấu số vàng dưới gốc một cây ké to bên đường. Cây ké hiện không còn, rừng cũng mất, địa hình thay đổi rất nhiều. Trước khi thuê ông Cường, ông Ba Trung đã tự đi tìm, rồi sau thuê một số người rà phế liệu khác, suốt hơn 17 năm mà vẫn không có kết quả.
Không biết số vàng ông Ba Trung cất giấu lại đường 7 là bao nhiêu nhưng theo ông Cường, nó không hề nhỏ. “Chắc đó là một số vàng lớn nên ổng mới lặn lội cất công tìm kiếm hàng chục năm trời. Nếu ít, đâu ai chịu khổ, tốn kém như vậy” - ông Cường phỏng đoán.
Vàng đâu nữa mà tìm!
Thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) thường được những người rà phế liệu tìm đến vì cho rằng cất giấu rất nhiều vàng năm 1975. Nhưng theo ông Đỗ Tiến Đông, Chủ tịch UBND huyện Ayun Pa, ở đây chẳng còn vàng để tìm. “Bây giờ dọc Quốc lộ 25, đoạn qua địa bàn huyện Ayun Pa, người ta đã xây nhà cả rồi. Còn sâu phía bên trong, người dân cũng đã làm rẫy thì làm gì còn vàng để tìm. Nếu có thì người ta đã lượm cả rồi” - ông Đông khẳng định.
Trong khi đó, ông Cao Minh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: “Người ta rà tìm phế liệu trong rừng thì có chứ vàng đâu nữa mà tìm”.
|
Bài và ảnh: HỒNG ÁNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét