Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Bài 1: Đánh giá đúng vai trò của doanh nghiệp nhà nước

Lần đầu tiên lưu 1 bài viết của trang Quân đội nhân dân:
Vai trò và hướng đi của DNNN
QĐND - Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tuy nhiên do đặc thù lịch sử, trình độ và định hướng phát triển mà vai trò, tầm ảnh hưởng của DNNN ở mỗi quốc gia khác nhau. Tại Việt Nam, DNNN luôn tạo ra hơn 30% tổng thu ngân sách (chưa tính thu từ dầu thô), gần 30% GDP, tạo ra hàng triệu việc làm, vừa là lực lượng sản xuất nòng cốt, vừa là công cụ hữu hiệu để điều tiết nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Lực lượng nòng cốt trong sản xuất, kinh doanh
Những ngày cuối tháng 12-2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức lễ khánh thành Thủy điện Sơn La sau 7 năm xây dựng, về đích sớm hơn đến 3 năm so với kế hoạch được phê duyệt. Việc về đích sớm 3 năm, sớm đưa vào vận hành công trình trên đã tiết kiệm, làm lợi trực tiếp cho đất nước hơn 1 tỷ USD và quan trọng hơn còn tạo ra một bước phát triển lớn về hạ tầng, tạo sức hút cho kinh tế đất nước. Đây là công trình thủy điện hùng vĩ nhất Đông Nam Á, có công suất thiết kế 2.400MW với 6 tổ máy, cung cấp cho lưới điện quốc gia bình quân 10,2 tỷ kWh/năm. Toàn bộ việc thiết kế, thi công công trình hùng vĩ này đều từ bàn tay, khối óc của các kỹ sư, công nhân người Việt Nam (chuyên gia nước ngoài xuất hiện ở công trình này chỉ với nhiệm vụ giúp hỗ trợ giám sát). Các nhà thầu thi công Thủy điện Sơn La bao gồm Tổng công ty Sông Đà, Lilama, Trường Sơn, Licogi đều là các doanh nghiệp nhà nước. 
DNNN đang là lực lượng chính trong việc sản xuất, dựng xây, tạo ra của cải, vật chất cho đất nước. Hiện nay, tuy các DNNN chỉ chiếm hơn 1% về số lượng song lại cung cấp hầu hết các sản phẩm, dịch vụ quan trọng của nền kinh tế, góp phần bảo đảm các cân đối vĩ mô (ngân sách Nhà nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, cán cân thương mại…), đang là lực lượng sản xuất chủ chốt của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quan trọng như: Bảo đảm hơn 85% sản lượng điện, xăng dầu; thực hiện 98% sản lượng vận tải hàng không nội địa; hơn 90% hạ tầng viễn thông; 56% dịch vụ tài chính, tín dụng; 70% lượng gạo xuất khẩu; hơn 80% phân hóa học… Các doanh nghiệp luôn tạo ra hơn 30% tổng thu ngân sách, chưa tính thu từ dầu thô qua Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; chiếm 33% tăng trưởng kinh tế. Trong số các doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2010 và năm 2011 thì doanh nghiệp nhà nước chiếm 16/20 vị trí hàng đầu, trong đó cả 10 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất đều là DNNN.
Công trình Thủy điện Sơn La - niềm tự hào của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Năm 2012 vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế thế giới nói chung, nhưng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn đạt tổng doanh thu hơn 1.621.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2011. Lợi nhuận trước thuế đạt 127.510 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,4%. Tổng nộp ngân sách đạt 294.000 tỷ đồng (bằng 100% kế hoạch năm).

Góp phần chủ yếu làm đổi thay đất nước

Cách đây 10 năm, viễn thông và internet còn là những dịch vụ “xa xỉ” với đại bộ phận người dân Việt Nam. “Xa xỉ” bởi giá cước dịch vụ quá cao và dịch vụ viễn thông chủ yếu tập trung ở thành thị, dành cho người có thu nhập khá trở lên. Thế nhưng hiện nay, viễn thông và internet đã trở thành những dịch vụ bình dân, thiết yếu đối với tất cả mọi người, từ nông thôn, tới thành thị…

Ai đã làm nên những điều kỳ diệu ấy? Xin trả lời, đó là các doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, 95% người sử dụng dịch vụ viễn thông là khách hàng của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chủ yếu chỉ có dịch vụ viễn thông của hai doanh nghiệp nhà nước này. Không chỉ vậy, Viettel còn đang vươn lên rất nhanh thành một doanh nghiệp viễn thông tầm cỡ toàn cầu, khi đã đầu tư mạng lưới, kinh doanh viễn thông ở 7 quốc gia. Ở các quốc gia ấy, Viettel đều nhanh chóng vươn lên vị trí hãng viễn thông số 1, vượt qua nhiều “đại gia” viễn thông của thế giới chỉ sau vài năm.

Đối với ngành điện lực, hệ thống điện quốc gia đã được đưa tới tận những bản làng xa xôi nhất của Việt Nam. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tỷ lệ hộ sử dụng điện trên cả nước hiện đạt 97,5%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 96,8%...

Là công cụ để điều tiết kinh tế-xã hội

Có thể nhận ra rằng, ở các quốc gia đang phát triển, khi mà nguồn lực vật chất còn rất hạn chế, thì những nguồn lực quý giá cần được tập trung thành những lực lượng mạnh, đủ sức đáp ứng những mục đích phát triển thiết yếu. Để thực hiện điều tiết, tránh các tác động bất bình đẳng trong đầu tư xã hội, Nhà nước cần phải có các công cụ kinh tế-tài chính, công cụ sản xuất đủ năng lực. Các công cụ ấy vừa sản xuất ra của cải vật chất, cung cấp tài chính cho ngân quỹ quốc gia, vừa giúp Nhà nước có thể tác động trực tiếp vào nền kinh tế - xã hội nhằm mục đích điều tiết, hỗ trợ phát triển, nhân lên những tác động tốt, hạn chế những tác động xấu của cơ chế thị trường. Đối với những nhiệm vụ khó khăn nhất, trong những thời điểm nguy cấp nhất mà chẳng doanh nghiệp nào muốn làm, muốn nhận thì DNNN sẽ là lực lượng gánh vác.

Tại nước ta, từ 2008 đến nay, DNNN là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế đến nước ta. DNNN đã đi đầu trong việc thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư, chi tiêu, không tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ thiết yếu. Ví dụ: Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam bán than cho ngành điện với giá bằng 67% đến 70% giá thành và bằng 35% đến 40% giá xuất khẩu; bán cho các doanh nghiệp sắt thép, xi-măng, hóa chất, giấy… bằng 60% giá xuất khẩu. Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán điện với giá tương đương 70% giá thành...

Đảng và Nhà nước đã ban hành chủ trương khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, đặc biệt là về vùng sâu, vùng xa, nhưng các thành phần kinh tế khác không mặn mà do lợi ích kinh tế thấp, vốn đầu tư cao. Vì vậy, DNNN vẫn là lực lượng chủ chốt, chưa thể thay thế trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty và DNNN đã đầu tư vào vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, có khả năng sinh lời thấp để tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập đoàn Viễn thông Quân đội phủ sóng viễn thông ở những vùng sâu xa nhất, dân cư thưa thớt, tuyến biên giới, hải đảo, lắp đặt, cung cấp dịch vụ internet miễn phí cho các trường học. Tập đoàn Dệt may Việt Nam tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đặc biệt là đang có xu hướng đầu tư về các huyện nghèo để tạo công ăn, việc làm, góp phần xóa đói nghèo cho người dân.

Các DNNN chính là điểm tựa cho các chính sách xóa nghèo, hỗ trợ để cân bằng phát triển giữa các vùng miền trong cả nước, mà nổi bật trong mấy năm gần đây là chương trình hỗ trợ phát triển cho các huyện nghèo. Chỉ tính riêng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trong 5 năm qua đã dành gần 3000 tỷ đồng cho công tác từ thiện, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… cũng đã dành hàng nghìn tỷ đồng cho công tác này.

Từ những dẫn chứng trên cho thấy, chúng ta cần có cách nhìn đúng, toàn diện và khách quan hơn về DNNN. Tất nhiên, DNNN có những mặt hạn chế. Đặc biệt, những đổ vỡ, thất bại của Vinashin, Vinalines, EVN Telecom là những bài học đắt giá, đau xót. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò, tầm quan trọng của DNNN, đặc biệt là với thực trạng trình độ phát triển của kinh tế đất nước trong giai đoạn hiện nay, và mục tiêu phát triển, xây dựng đất nước trong thời kỳ tới.

HỒ QUANG PHƯƠNG

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/26/26/233120/Default.aspx

Bài 2: Đổi mới, tái cơ cấu – yêu cầu tất yếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét