Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Bài 2: Đổi mới, tái cơ cấu - Yêu cầu tất yếu

QĐND - Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) tiếp tục khẳng định doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, lực lượng vật chất quan trọng, công cụ hỗ trợ để điều tiết nền kinh tế, hạn chế những mặt trái của kinh tế thị trường. Vì thế, nhìn rõ những yếu kém, sai lầm, đề ra các phương thức nâng cao tính hiệu quả của DNNN là yêu cầu tất yếu, có tính mấu chốt trong quá trình tái cơ cấu kinh tế hiện nay.
Công ty đóng tàu Hạ Long thuộc Tập đoàn 
Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Trình độ quản trị còn bất cập
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, năm 2012, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty giảm sút so với năm 2011 và không hoàn thành kế hoạch đề ra. Ngoại trừ một số tập đoàn, tổng công ty lỗ do chính sách giá và do điều chỉnh chênh lệch tỷ giá (xăng dầu, điện) thì vẫn còn các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thua lỗ do năng lực quản trị hạn chế. Vốn chủ sở hữu chỉ tăng 1% so với năm 2011. Tình hình tài chính của không ít tập đoàn, tổng công ty thiếu lành mạnh. Một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay làm cho chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp. 
Tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đến hết năm 2012 là 1.334.903 tỷ đồng (so sánh với tổng doanh thu là 1.621.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 127.510 tỷ đồng; số nợ phải thu là 326.556 tỷ đồng). Nợ nước ngoài của các công ty mẹ tập đoàn, tổng công ty là 158.865 tỷ đồng, bằng 21,5% tổng nợ phải trả, tăng 11% so với năm 2011. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần (năm 2011 là 1,77 lần). Tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần. Nhìn tổng thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, đối với một số tập đoàn, tổng công ty, tỷ lệ này vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao.

Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) vừa qua đã chỉ ra 6 hạn chế, yếu kém của DNNN: Thứ nhất, việc sắp xếp và cổ phần hóa DNNN còn chậm, chưa chặt chẽ. Thứ hai, trình độ công nghệ của DNNN còn lạc hậu. Thứ ba, quản trị doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, hiệu quả thấp; một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây thất thoát, lãng phí lớn vốn và tài sản nhà nước. Thứ tư, việc phân định chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước còn chưa đủ rõ; thể chế, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước có nhiều sơ hở, yếu kém. Thứ năm, cơ cấu ngành, lĩnh vực chưa hợp lý, dàn trải, đầu tư ra ngoài ngành kém hiệu quả. Thứ sáu, mô hình tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước chưa hợp lý, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém là do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với DNNN; việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng còn chậm và có nhiều thiếu sót; nhiều cán bộ quản lý doanh nghiệp năng lực yếu, chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận suy thoái về đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật; tổ chức và phương thức hoạt động của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới, kém hiệu quả.

Cần xác định rõ số lượng, quy mô, tỷ trọng

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) và các nghị quyết của Đảng về sắp xếp, đổi mới DNNN, đến nay, DNNN đã được tinh giản về số lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ 5.374 doanh nghiệp nay chỉ còn 1.060 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, cơ bản tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ. Đã có 32 tỉnh không còn DNNN kinh doanh thuần túy, mà chủ yếu sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. DNNN chủ yếu được quy tụ trong 73 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước.

Tuy vậy, DNNN vẫn dàn trải trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn. Trong lúc đó, nhiều DNNN cần nắm giữ nhưng quy mô còn nhỏ. Có 93 doanh nghiệp vốn điều lệ dưới 5 tỷ đồng và 8 doanh nghiệp dưới 1 tỷ đồng. Kết quả sắp xếp lại DNNN theo mục tiêu “tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng” còn ở mức độ hạn chế. Tốc độ cổ phần hóa còn chậm, nhất là trong mấy năm gần đây do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán sụt giảm. Số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2007-2010 chỉ đạt khoảng 30% so với phương án đã phê duyệt.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cần phải tiếp tục giảm dần sự hiện diện của DNNN, nhất là trong những ngành nghề mà các doanh nghiệp tư nhân đã có thể đảm đương. Theo bà Phạm Chi Lan, kinh nghiệm của Xin-ga-po cho thấy, vốn nhà nước được giao cho công ty đầu tư vốn Temasek (thuộc Bộ Tài chính Xin-ga-po). Từ đó, Temasek chỉ chọn một số ngành tiêu biểu để tập trung đầu tư như tài chính - ngân hàng, viễn thông, năng lượng, truyền thông, công viên-khu giải trí… Trong khi ấy, DNNN của Việt Nam hoạt động trên quá nhiều lĩnh vực, ôm đồm quá nhiều ngành nghề, số lượng doanh nghiệp quá lớn, quản lý công ty mẹ còn khó khăn, nói gì tới quản lý công ty con, cháu (thậm chí thời gian qua có cả công ty cấp 4 - công ty “chắt”).

Về quy mô của DNNN, PGS, TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tỷ lệ chiếm tới khoảng 27% đến 28% GDP của DNNN như hiện nay là quá lớn, khiến việc điều hành DNNN rất khó khăn. Ông Lê Xuân Bá cho rằng, nếu quy mô DNNN chỉ chiếm khoảng 10% GDP thì sẽ dễ điều hành hơn. Từ bài học của các DNNN, vấn đề đặt ra là có phải hoàn toàn do quy mô lớn, hay do cách vận hành của DNNN của chúng ta còn chưa thật hợp lý?

Hai vấn đề lớn cần lời đáp

Có hai vấn đề lớn, cũng là những khúc mắc ảnh hưởng tới tính hiệu quả trong hoạt động của DNNN được các chuyên gia kinh tế tập trung mổ xẻ, phân tích trong thời gian qua. Đó là: Chưa tách bạch được chức năng chủ sở hữu DNNN với chức năng quản lý hành chính nhà nước; chưa làm rõ được cơ chế, chính sách giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích.

Tiến sĩ Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng: Trong quản lý DNNN vẫn còn sự nhập nhằng giữa mục tiêu lợi nhuận và phi lợi nhuận khiến quản trị kém hiệu quả và chưa đảm nhận được thật tốt vai trò sự can thiệp mang tính chủ đạo của lực lượng kinh tế nhà nước. Khu vực DNNN vẫn còn chịu sự áp đặt nhất định khi cùng lúc vừa phải hướng tới lợi nhuận và hiệu quả trong cạnh tranh trên thị trường, đồng thời vừa phải là công cụ chủ lực để Nhà nước can thiệp, ổn định kinh tế vĩ mô và xã hội, trong khi cơ chế hoạt động và giám sát cho hai nhiệm vụ này chưa được phân biệt thích hợp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thiếu phân tách giữa hai nhiệm vụ khác nhau về bản chất nói trên sẽ dẫn đến một thực trạng là có DNNN không phân biệt được rõ mục tiêu chính là gì, mục tiêu phụ là gì. Điều này cũng sẽ làm phát sinh tư tưởng chụp giật, tranh thủ “đục nước béo cò”, lạm dụng đầu tư bất hợp lý. Vì vậy, việc mổ xẻ, tìm ra nguyên nhân sai lầm, thất bại, từ đó đổi mới, tái cơ cấu nhằm làm cho DNNN mạnh hơn, hiệu quả hơn thể hiện rõ vai trò và những nguồn lực vật chất to lớn mà hệ thống DNNN đang nắm giữ là yêu cầu cấp bách hiện nay.

HỒ QUANG PHƯƠNG
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/97/97/233222/Default.aspx

Bài 3: Thực hiện tái cơ cấu như thế nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét