MÔ HÌNH CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐỂ PHÂN TÍCH VÀ DỰ BÁO NGẮN HẠN
Mô hình dưới đây là phác thảo đầu tiên của mô hình cân đối ngân sách nhà nước cần xây dựng để phân tích và dự báo ngắn hạn. Yêu cầu đề ra đối với mô hình là:
- Đề cập được các chỉ tiêu chính về hoạt động ngân sách gồm thu chi và phương pháp cân đối ngân sách;
- Mô tả được mối quan hệ giữa các hiện tượng thu chi ngân sách, giữa thu chi ngân sách và hoạt động của nền kinh tế. Mô tả được tình hình thâm hụt ngân sách cũng như các nguồn sử lý thâm hụt ngân sách;
- Không phức tạp để giảm nhu cầu thông tin cho mô hình;
- Có thể sử dụng để vừa phân tích kinh tế (ví dụ đánh giá tác động của một số chính sách liên quan đến thu chi và cân đối ngân sách nhà nước), vừa thực hiện các dự báo ngân sách trong khoảng 3 năm tới.
Mô hình dưới đây được xây dựng theo tiếp cận cơ cấu, đây được coi là tiếp cận tốt nhất để mô hình hoá một lĩnh vực cụ thể nhằm phân tích chi tiết hoạt động của nó. Đặc biệt, do cơ chế mở của nó (ít phương trình hành vi) nên loại mô hình này có tính mềm dẻo rất cao, cho phép đánh giá được ảnh hưởng tiềm năng của các chính sách, giải pháp tài chính khác nhau. Sau khi xây dựng các phương trình theo tiếp cận cơ cấu, sẽ sử dụng hệ thống cân bằng tổng thể để tạo ra những cân đối toàn cục cho hệ thống kinh tế - thuế.
Dự kiến mô hình gồm một số khối sau:
I) Khối cân đối vĩ mô:
(1) Cân đối nguồn - sử dụng:
GDP = TDCC + TLUY + EX - IM + SAISO
Đây là phương trình định nghĩa, theo quan điểm Keynes. Trong phương trình; GDP là tổng sản phẩm trong nước, TDCC là tiêu dùng cuối cùng toàn xã hội; TLUY là quỹ tích lũy đầu tư phát triển; EX là kim ngạch xuất khẩu tính theo nội tệ; IM là kim ngạch nhập khẩu tính theo nội tệ; SAISO là sai số trong phương trình cân đối nguồn - sử dụng. Tất cả các chỉ tiêu trên được tính theo giá hiện hành, đơn vị là tỷ đồng.
(2) Tiêu dùng cuối cùng:
TDCC = CP + CG
Tiêu dùng cuối cùng toàn xã hội gồm tiêu dùng cuối cùng của khu vực dân cư (CP) và tiêu dùng cuối cùng của khu vực chính phủ (CG).
(3) Quỹ tích luỹ đầu tư:
Quỹ tích luỹ được xác định theo nguyên tắc đầu tư trong kinh tế thị trường (nhân tử Keynes); trong đó tích luỹ năm nay được hình thành từ kết quả sản xuất năm trước:
TLUY = f (GDP(-1))
(4) Tiêu dùng cá nhân:
Tiêu dùng cá nhân phụ thuộc vào thu nhập của các hộ gia đình, trong khi thu nhập của các hộ gia đình là tổng thu nhập của toàn nền kinh tế trừ đi phần thu nhập của chính phủ; do đó tiêu dùng cá nhân được xác định như sau:
CP = f (GDP)
(5) Nhập khẩu:
Nhập khẩu phụ thuộc vào nhu cầu của nền kinh tế; nhu cầu này bao gồm cầu tiêu dùng, cầu tích luỹ và cầu xuất khẩu; do đó nhập khẩu được xác định theo phương trình sau:
IM = f (TDCC + TLUY + EX)
(6) Giá trị gia tăng khu vực quốc doanh:
Khu vực kinh tế quốc doanh chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản phẩm trong nước. Do đó nó có quan hệ chặt với chỉ tiêu này. Vì vậy, có thể xác định giá trị gia tăng của nó qua phương trình quan hệ:
GDPQD = f (GDP)
(7) Giá trị gia tăng khu vực ngoài quốc doanh:
Tương tự với trường hợp trên, giá trị gia tăng của khu vực ngoài quốc doanh cũng chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản phẩm trong nước, vì vậy quan hệ của nó với chỉ tiêu GDP có thể chặt hơn so với giá trị gia tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Phương trình xác định như sau:
GDPNQD = f (GDP)
(8) Giá trị gia tăng khu vực kinh tế có vốn ĐTNN:
GDPĐTNN = GDP - GDPQD - GDPNQD
II) Khối thu ngân sách:
a) Thu từ khu vực kinh tế quốc doanh:
(1) Thu quốc doanh:
Thu quốc doanh là tổng số thu ngân sách được thực hiện tại khu vực các doanh nghiệp nhà nước. Theo bảng kế toán ngân sách, thu quốc doanh gồm các nguồn: thuế lợi tức, thuế doanh thu (từ năm 1999 là thuế giá trị gia tăng VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế vốn, khấu hao và các khoản thu khác. Vì việc phân tích, dự báo theo kỹ thuật kinh tế lượng phải được tập trung vào các chỉ tiêu có giá trị tương đối lớn để đảm bảo có một quan hệ đáng tin cậy, nên các nguồn trên được chia làm 5 loại, mỗi loại đều có giá trị trên 4000 tỷ đồng năm 2001. Phương trình như sau:
TAXQD = TQDLT + TQDVAT + TQDTTĐB + TQDTN + TQDKH
trong đó:
TQDLT : thuế lợi tức;
TQDVAT : thuế giá trị gia tăng;
TQDTTĐB : thuế giá trị gia tăng;
TQDTN : thuế tài nguyên;
TQDKH : thu quốc doanh khác.
(2) Thu quốc doanh qua thuế lợi tức:
Thuế lợi tức hay thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng chung cho tất cả các thành phần kinh tế. Mức thuế suất áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế là 32% tổng thu nhập (trước đây có 2 mức thuế suất là 25%, 35% và 45%). Ngoài ra còn có một số đối tượng được miễn, giảm thuế suất... Vì thu nhập của khu vực kinh tế quốc doanh là một phần giá trị gia tăng của khu vực này nên chúng ta có thể sử dụng phương trình quan hệ sau:
TQDLT = f (GDPQD)
(3) Thu quốc doanh qua thuế VAT:
Đây là loại thuế đánh vào giá trị gia tăng, do đó chúng ta có quan hệ trực tiếp:
TQDVAT = f (GDPQD)
Tuy nhiên, để có thể minh hoạ hiệu quả của chính sách thuế VAT, có thể chi tiết hoá cơ cấu hình thành loại thuế này như sau:
TQDVAT = f [(0.3 * T5 + 0.6 * T10 + 0.1 * T20) * GDPQD]
trong đó T5, T10 và T20 tương ứng với các mức thuế suất 5%, 10% và 20%. Các hệ số 0.3, 0.6, 0.1 lần lượt là tỷ trọng đóng góp thuế của 3 mức trên trong tổng thu nhập thuế VAT.
(4) Thu quốc doanh qua thuế tiêu thụ đặc biệt:
Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được sửa đổi, bổ sung năm 1998, trong đó đã bổ sung thêm một số đối tượng chịu thuế, bao gồm cả hàng hoá nhập khẩu với các mức thuế suất áp dụng thống nhất đối với các hàng hoá nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Do cách tính thuế của loại thuế này, thu quốc doanh từ thuế tiêu thụ đặc biệt phụ thuộc vào giá trị các hàng hoá chịu thuế. Tuy nhiên, để không phải mở rộng mô hình, chúng ta tạm thời sử dụng quan hệ gián tiếp qua giá trị gia tăng của khu vực kinh tế này:
TQDTTĐB = f (GDPQD)
(5) Thu quốc doanh từ nguồn thuế tài nguyên:
Thuế tài nguyên tăng giảm theo kết quả sản xuất của những ngành liên quan đến khai thác tài nguyên. Để đơn giản hoá mô hình, ở đây, thuế tài nguyên được xác định như sau:
TQDTN = f (GDPQD)
(6) Thu quốc doanh từ các nguồn khác:
Thu quốc doanh từ các nguồn khác có thể là biến ngoại sinh, có thể được dự báo theo xu thế, hoặc theo kết quả sản xuất của khu vực kinh tế quốc doanh. Trong trường hợp cuối, phương trình như sau:
TQDKHAC = f (GDPQD)
b) Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh:
(1) Thu ngoài quốc doanh:
Thu từ kinh tế ngoài quốc doanh bao gồm hai khoản: thuế nông nghiệp và thuế phi nông nghiệp. Phương pháp xác định cụ thể như sau:
TAXNQD = TAGRI + TNOAGRI
trong đó TAGRI là thuế nông nghiệp; TNOAGRI là thuế phi nông nghiệp.
(2) Thu thuế nông nghiệp:
Thuế nông nghiệp được thực hiện trên cơ sở thu thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế hoa màu trên đó. Thuế sử dụng đất nông nghiệp được đánh trên cơ sở diện tích đất canh tác. Do vậy, có thể xác định mức thu thuế nông nghiệp như sau:
TAGRI * 100 / PRICE = f (SSHORT, GDPNQD * 100 / PRICE)
trong đó SSHORT là diện tích canh tác cây trồng ngắn hạn, PRICE là chỉ số giá tiêu dùng.
(3) Thu ngoài quốc doanh qua thuế phi nông nghiệp:
Thuế phi nông nghiệp khu vực ngoài quốc doanh bào gồm thuế doanh thu (thuế VAT từ năm 1999), thuế lợi tức, thuế thu nhập cá nhân, thuế hàng hoá, thuế bán buôn, thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế sát sinh, lệ phí và các loại thuế khác. Tương tự như trường hợp thu thuế quốc doanh, ở đây, chúng ta chỉ đưa vào mô hình các loại thuế có giá trị lớn. Số thuế còn lại được gộp thành 1 loại chung gọi là thuế khác. Do đó:
TNOAGRI = TNQDVAT + TNQDLT + TNQDTN + TNQDKH
trong đó:
TNQDVAT : thuế VAT;
TNQDLT : thuế lợi tức;
TNQDTN : thuế thu nhập cá nhân;
TNQDKH : thu khác từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.
(4) Thu ngoài quốc doanh qua thuế VAT
Cách xác định tương tự như trường hợp đối với khu vực quốc doanh:
TNQDVAT = f (GDPNQD)
Tương tự, để có thể minh hoạ hiệu quả của chính sách thuế VAT, có thể chi tiết hoá cơ cấu hình thành loại thuế này như sau:
TQDVAT = f [(0.5 * T5 + 0.5 * T10) * GDPNQD]
(5) Thu ngoài quốc doanh qua thuế lợi tức
Cách xác định tương tự như trường hợp đối với khu vực quốc doanh:
TNQDLT = f (GDPNQD)
(6) Thu ngoài quốc doanh qua thuế thu nhập:
Cách xác định tương tự như trường hợp đối với khu vực quốc doanh:
TNQDTN = f (GDPNQD)
(7) Thu ngoài quốc doanh qua thuế khác
Cách xác định tương tự như trường hợp đối với khu vực quốc doanh. Thu quốc doanh từ các nguồn khác có thể là biến ngoại sinh, có thể được dự báo theo xu thế, hoặc theo kết quả sản xuất của khu vực kinh tế quốc doanh. Trong trường hợp cuối, phương trình như sau:
TNQDKH = f (GDPNQD)
c) Thu từ khu vực ngoại thương:
(1) Thuế ngoại thương:
Thuế ngoại thương bao gồm ba bộ phận: thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT đối với hàng nhập khẩu và phụ thu hàng nhập khẩu. Do đó phương trình xác định thuế ngoại thương như sau:
TAXNT = TXNK + TNKVAT + PHUTHUNK
(2) Thuế xuất nhập khẩu:
Thu thuế xuất nhập khẩu bao gồm thu thuế từ hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ, trong đó chủ yếu là dựa vào thu thuế nhập khẩu. Do đó thuế xuất nhập khẩu được xác định theo công thức sau:
TXNK = f (EX * TX / 100 + IM * TM / 100)
trong đó TX, TM lần lượt là thuế suất hải quan được áp dụng bình quân đối với hàng xuất, hàng nhập.
(3) Thuế VAT đối với hàng nhập khẩu:
Thuế VAT đối với hàng nhập khẩu cũng được tính toán căn cứ vào khối lượng nhập khẩu và ba mức thuế suất; điều này tương tự như đã làm khi xác định thuế VAT đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngoài quốc doanh. Cụ thể, chúng ta có phương trình:
TNKVAT = f (0.19 * T5 + 0.10 * T10 + 0.02 * T20) * NKVATCON
trong đó NKVATCON là giá trị hàng nhập khẩu phải chịu thuế VAT.
(4) Tổng giá trị thuế VAT:
Để nhận biết tổng giá trị thuế VAT thu được từ nền kinh tế, chúng ta đưa phương trình sau vào mô hình:
VAT = TQDVAT + TNQDVAT + TNKVAT
d) Thu từ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài:
(1) Tổng thu ngân sách từ khu vực có vốn ĐTNN:
Tổng thu ngân sách từ khu vực này phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh của khu vực. Do đó chúng ta có phương trình:
TAXĐTNN = f (GDPĐTNN)
(2) Riêng thu từ dầu khí, có thể sử dụng phương trình sau để tính toán:
PETROL = f (GIADAU, SXDAU)
trong đó GIADAU là giá dầu thô quy đổi ra tiền việt; SXDAU là lượng dầu đã hoặc dự kiến sản xuất. Nguồn thu này gần như độc lập với hoạt động sản xuất của nền kinh tế.
e) Thu khác từ nền kinh tế:
Loại thu này có thể là biến ngoại sinh, hoặc cũng phụ thuộc vào tiến triển của GDP. Trong trường hợp cuối, chúng ta có phương trình sau :
THUKHAC = f (GDP)
f) Thu từ viện trợ
Thu ngân sách từ viện trợ có thể là biến ngoại sinh. Trong trường hợp muốn nội sinh hoá biến này, có thể sử dụng phương trình sau:
VIENTRO * 100 / PRICE = f (GDP * 100 / PRICE, POPU)
g) Tổng thu ngân sách nhà nước:
Tổng thu ngân sách là toàn bộ số tiền thu được vào ngân sách nhà nước trong năm, bao gồm tất cả các nguồn thu kể trên. Do đó, phương trình tính toán tổng thu ngân sách như sau:
TONGTHU = TAXQD + TAXNQD + TAXNT + TAXĐTNN
+ VIENTRO + THUKHAC
III) Khối chi ngân sách:
Chi ngân sách nhà nước gồm chi ngân sách thường xuyên, chi ngân sách cho đầu tư phát triển... Trước khi xác định tổng số chi ngân sách trong năm, chúng ta xây dựng các phương trình xác định tổng chi các loại ngân sách trên.
a) Tổng chi ngân sách nhà nước:
Tổng chi ngân sách nhà nước theo nguyên tắc hiện nay được xác định bằng tổng thu cộng với mức độ thâm hụt ngân sách do Quốc hội đã thông qua. Vì thế, nó được xác định như sau:
TONGCHI = TONGTHU + THAMHUT
trong đó THAMHUT là tổng số thâm hụt ngân sách nhà nước, được xác định như sau:
THAMHUT = TYLETH * GDP / 100
trong đó TYLETH là tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP. Tỷ lệ này là biến ngoại sinh.
b) Chi ngân sách thường xuyên:
(1) Chi thường xuyên:
Chi ngân sách thường xuyên gồm chi quản lý hành chính, chi sự nghiệp kinh tế, chi sự nghiệp xã hội, chi trả lãi và chi thường xuyên khác. Trong mô hình này, chi quản lý hành chính, chi sự nghiệp kinh tế, chi sự nghiệp xã hội, được xem là biến nội sinh; chi trả nợ được xem là biến ngoại sinh. Riêng biến chi thường xuyên khác chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi thường xuyên lại chủ yếu là chi cho quốc phòng an ninh; do đó về mặt nguyên tắc rất khó xác định vì loại chi này phụ thuộc vào tình hình chính trị trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 1990 đến nay, tình hình chính trị trong nước và quốc tế không những ổn định mà ngày càng được cải thiện, nên chi ngân sách cho quốc phòng an ninh không có những biến động mạnh. Vì vậy, chi thường xuyên trong mô hình được xác định như sau:
CHITX = f (CHIQLHC + CHISNKT + CHISNXH + CHITNO)
trong đó:
CHIQLHC : chi quản lý hành chính;
CHISNKT : chi sự nghiệp kinh tế;
CHISNXH : chi sự nghiệp xã hội
CHITNO : chi trả nợ.
(2) Chi quản lý hành chính:
Thông thường các biến thuộc chi thường xuyên phụ thuộc vào thu nhập của chính phủ. Trong trường hợp chi cho quản lý hành chính, chúng ta có thể dùng phương trình:
CHIQLHC = f (TONGTHU hay THUNĐ)
trong đó THUNĐ là thu ngân sách từ nguồn nội địa:
THUNĐ = TONGTHU - TAXNT - PETROL
(3) Chi sự nghiệp kinh tế:
Chi sự nghiệp kinh tế chủ yếu phục vụ khu vực kinh tế nhà nước bao gồm cả bộ máy quản lý nhà nước, vì vậy có thể xác định loại chi này như sau:
CHISNKT = f (TAXQD hay GDPQD)
(4) Chi sự nghiệp xã hội:
Chi sự nghiệp xã hội có thể được nhóm thành 5 bộ phận: chi giáo dục, chi đào tạo, chi cho y tế, chi cứu trợ và bảo hiểm xã hội, và chi sự nghiệp xã hội khác. Chi này được xác định theo phương trình kế toán:
CHISNXH = CHIGD + CHIĐT + CHIYTE + CHICTXH + CXHKHAC
trong đó:
CHIGD : chi giáo dục;
CHIĐT : chi đào tạo;
CHIYTE : chi y tế;
CHICTXH : chi bảo hiểm xã hội, cứu trợ...
CXHKHAC : chi khác
Chi sự nghiệp xã hội khác được xác định như sau:
CXHKHAC = CHIKHMT + CHIVHTT +
+ CHIPTTH + CHITDTT + CHIDS
trong đó:
CHIKHMT : chi cho khoa học và công nghệ;
CHIVHTT : chi cho văn hoá thông tin;
CHIPTTH : chi cho phát thanh, truyền hình;
CHITDTT : chi cho thể dục, thể thao;
CHIDS : chi cho phát triển dân số và kế hoạch hoá gia đình.
tất cả các biến trong phương trình xác định CXHKHAC đều được xem là biến ngoại sinh.
(5) Chi giáo dục
Chi giáo dục phụ thuộc vào qui mô học sinh và khả năng đáp ứng từ ngân sách. Quy mô học sinh được đại diện bằng số lượng dân cư. Do vậy, chi giáo dục được xác định như sau:
CHIGD = f (POPU, TONGTHU hay THUNĐ)
trong đó POPU là dân số cả nước.
(6) Chi đào tạo:
Phương pháp xác định chi đào tạo tương tự như xác định chi giáo dục. Tuy nhiên, trong mô hình có thể đưa thêm biến chi giáo dục để kiểm tra xem có sự bổ sung hay thay thế lẫn nhau giữa 2 loại chi này. Phương trình xác định như sau:
CHIĐT = f (POPU, TONGTHU, CHIGD, CHIĐT(-1))
(7) Chi y tế:
Chi y tế cũng được xác định tương tự như chi giáo dục, chi đào tạo:
CHIYTE = f (POPU, TONGTHU hay THUNĐ)
(8) Chi hưu trí, bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội:
Loại chi này chiếm tỷ trọng cao trong tổng số chi ngân sách (trên 12% năm 2002) và chi thường xuyên (15,6%), nhưng lại khó xác định vì nó phụ thuộc vào số lượng hưu trí, biến động của điều kiện tự nhiên (bão lụt hay hạn hán) và các biến động kinh tế xã hội (thất nghiệp, lạm phát...). Tạm thời chúng ta sử dụng phương trình:
CHICTXH = f (POPU, TONGTHU hay THUNĐ)
(9) Chi trả nợ
Trong các mô hình chi tiết, chi trả nợ được tính trước thông qua các cân đối vay - trả nợ đã thực hiện từ những năm trước. Do thiếu thông tin, trong mô hình này, tạm thời chi trả nợ được coi là biến ngoại sinh mặc dù giá trị của nó tương đương với một nửa chi giáo dục hay gấp rưỡi chi cho y tế hoặc đào tạo.
(10) Chi quốc phòng an ninh (chi thường xuyên khác):
Chi quốc phòng an ninh là phần còn lại của chi thường xuyên sau khi đã chi cho các yếu tố khác. Cụ thể như sau:
CHIQPAN = CHITX - CHIQLHC + CHISNKT +
CHISNXH + CHITNO)
c) Chi ngân sách cho đầu tư phát triển (chi xây dựng cơ bản):
(1) Chi đầu tư phát triển:
Chi đầu tư phát triển được xác định theo phương trình kế toán:
CHIĐTPT = TONGCHI - CHITX - DUPHONG
trong đó biến DUPHONG (dự phòng) là biến ngoại sinh.
Mặt khác chi đầu tư phát triển bao gồm 1 số loại chi, xác định như sau:
CHIĐTPT = CHINLN + CHICN + CHIGT + CHPTXH + CXDCBKH
trong đó:
CHINLN : Chi cho nông, lâm nghiệp;
CHICN : chi cho công nghiệp;
CHIGT : chi cho giao thông
CHPTXH : chi phát triển xã hội;
CXDCBKH : chi XDCB khác.
nên có thể mô hình hoá cơ cấu chi đầu tư phát triển như sau:
(2) Chi đầu tư cho nông lâm nghiệp:
Chi cho sản xuất thường gắn liền với kết quả sản xuất; tương tự như xác định nhu cầu vốn hay từ cung vốn xác định khả năng sản xuất thông qua hệ số ICOR. Trong mô hình này, có thể sử dụng hệ số ICOR hoặc dưới dạng đơn giản hơn như sau:
CHINLN = f (GDPNQD, TAGRI)
tức là chi đầu tư cho nông lâm nghiệp phụ thuộc vào kết quả sản xuất của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và số thuế thu được từ khu vực nông nghiệp.
(3) Chi đầu tư cho công nghiệp
Tương tự, chi đầu tư cho công nghiệp được xác định theo kết quả sản xuất của khu vực này và thu nhập thuế từ khu vực DNNN, khu vực chiếm tỷ trọng cao trong công nghiệp. Phương trình như sau:
CHICN = f (GDPQD, TAXQD)
(4) Chi đầu tư cho giao thông:
Đầu tư cho giao thông có tác dụng giải toả những cản trở của quá trình thương mại hoá các hàng hoá dịch vụ, do đó nó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhu cầu đầu tư cho giao thông được xác định như sau:
CHIGT = f (GDP)
(5) Chi đầu tư cho phát triển xã hội
Loại chi này gồm chi cho giáo dục đào tạo, cho y tế, cho trợ cấp và cứu trợ xã hội, cho văn hoá thể thao, và cho khoa học công nghệ và môi trường. Vì các biến này có giá trị tương đối thấp nên có thể xem là các biến ngoại sinh. Phương trình như sau:
CHIPTXH = CDTGDDT + CDTYTE + CDTBHXH +
CDTVHTT + CDTKHCN
trong đó
CDTGDDT : chi cho giáo dục đào tạo
CDTYTE : cho y tế
CDTBHXH : cho trợ cấp và cứu trợ xã hội,
CDTVHTT : cho văn hoá thể thao,
CDTKHCN : cho khoa học công nghệ và môi trường.
Tất cả các biến bên vế phải đều là biến ngoại sinh. Tuy nhiên, riêng chi cho giáo dục đào tạo khá lớn nên có thể ước lượng 1 phương trình xác định biến này.
(6) Chi đầu tư xây dựng cơ bản khác:
CXDCBKH = CHIĐTPT - (CHINLN + CHICN + CHIGT + CHPTXH)
d) Riêng chi ngân sách để trả lương:
(1) Tiền lương bình quân 1 lao động khu vực nhà nước trả lương:
Tiền lương được xác định theo chính sách tiền lương của nhà nước. Thông thường, tiền lương được xác định theo mức năm trước và tốc độ tăng trưởng năm nay. Cụ thể như sau:
SWAGE = SWAGE(-1) * (WAGER + 100) / 100
trong đó:
SWAGE : tiền lương bình quân 1 lao động trong khu vực nhà nước.
WAGER : tốc độ tăng lương hàng năm.
(2) Quỹ lương khu vực nhà nước:
GWAGE = SWAGE * SEMP / 1000
trong đó SEMP là lao động trong khu vực nhà nước.
IV) Khối cân đối ngân sách nhà nước:
Theo cách làm hiện nay, cân đối ngân sách trước hết bằng nguồn vay, viện trợ nước ngoài theo kế hoạch; sau đó nếu thiếu thì sẽ vay trong nước. Nội dung cụ thể như sau:
a) Cân đối từ nguồn nước ngoài:
(1) Cân đối từ nguồn nước ngoài:
CĐNN = f (THAMHUT)
(2) Nhu cầu trả nợ nước ngoài:
Nhu cầu trả nợ gồm trả nợ cho các tổ chức tài chính quốc tế (TRAQT) và trả chính phủ các nước (TRACP). Hai biến này được tính từ số nợ trong quá khứ, nhưng chúng ta chưa có những thông tin này nên trong mô hình, chúng được coi là biến ngoại sinh.
TRANN = TRAQT + TRACP
(3) Nhu cầu vay mới:
Nhu cầu vay mới được xác định bằng chênh lệch giữa nhu cầu cân đối từ nguồn nước ngoài và nhu cầu trả nợ nước ngoài:
VAYNN = CĐNN - TRANN
(4) Cân đối vay - trả nước nước ngoài:
VAYTRANN = VAYNN - TRANN
(5) Nợ nước ngoài tích luỹ (nợ chính phủ):
b) Cân đối từ nguồn trong nước:
(1) Cân đối từ nguồn trong nước:
CĐTN = THAMHUT - CĐNN
(2) Nhu cầu trả nợ trong nước:
Đây cũng là biến ngoại sinh. Biến này được gọi là TRATN
(3) Nhu cầu vay mới:
VAYTN = CĐTN - TRATN
(4) Cân đối vay - trả trong nước:
VAYTRATN = VAYTN - TRATN
(5) Nợ trong nước tích luỹ (nợ chính phủ):
V) Khối các chỉ tiêu kiểm tra về ngân sách:
a) Kiểm tra qua các tỷ lệ trên GDP
(1) Quỹ tiêu dùng trên GDP
(2) Quỹ tích luỹ trên GDP
(3) Xuất khẩu trên GDP
(4) Nhập khẩu trên GDP
(5) Tổng thu ngân sách trên GDP
(6) Thu thuế và phí trên GDP
(7) Thu quốc doanh so với GDP quốc doanh
(8) Thu ngoài quốc doanh so với GDP ngoài quốc doanh
(9) Thu từ khu vực có vốn ĐTNN so với GDP khu vực này
(10) Thu từ hoạt động ngoại thương so với GDP
(11) Thu từ dầu khí do với GDP
(12) Thu thuế VAT so với GDP các ngành
(13) Tổng thu thuế VAT so với GDP toàn nền kinh tế.
(14) Thu viện trợ so với GDP
(15) Tổng chi ngân sách so với GDP
(16) Chi thường xuyên so với GDP
(17) Chi đầu tư phát triển so với GDP
(18) Tiền lương so với GDP
(19) Tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với GDP
b) Kiểm tra qua các chỉ tiêu cơ cấu:
(1) Cơ cấu tích luỹ - tiêu dùng
(2) Cơ cấu GDP theo ngành và khu vực kinh tế.
(3) Cơ cấu thu ngân sách theo khu vực;
(4) Cơ cấu thu ngân sách theo nguồn trong nước và nước ngoài
(5) Cơ cấu thuế VAT
(6) Cơ cấu thuế ngoại thương
(7) Cơ cấu tổng chi ngân sách
(8) Cơ cấu chi thường xuyên
(9) Cơ cấu chi đầu tư phát triển;
(10) Cơ cấu bù đắp thâm hụt ngân sách bằng nguồn trong nước và từ nước ngoài.
Khả năng cải biên mô hình chính để thực hiện các phân tích, mô phỏng và dự báo theo các kịch bản chính sách:
Mô hình trên đây được xây dựng theo xu thế, đó là mô hình mô tả quá khứ với rất ít sự can thiệp của các biến chính sách. Ràng buộc giữa các chỉ tiêu đều khá chặt, phản ánh các mối tương quan trong quá khứ. Cách thiết kế mô hình kiểu này rất phù hợp khi mô tả cấu trúc của một hệ thống ngân sách, nhất là khi chúng ta không hiểu nhiều về nó hoặc khi chính sách ngân sách của nhà nước ổn định lâu dài. Với mô hình loại này, chúng ta có thể phân tích chi tiết các quan hệ hành vi giữa các biến trong hệ thống. Vì vậy mô hình này được gọi là mô hình phân tích (analytical model).
Trong mô hình này, các biến kinh tế vĩ mô là môi trường của hệ thống tài chính chính phủ, chúng có tác động đến hệ thống này, trong khi ảnh hưởng của chính sách tài chính tới kinh tế vĩ mô chưa được đề cập tới.
Mặt khác, một mục tiêu quan trọng khác mà mô hình phải hướng tới là phục vụ công tác dự báo phát triển, trong đó có mô phỏng các thay đổi chính sách ngân sách của nhà nước. Nếu duy trì các ràng buộc cấu trúc theo quan hệ quá khư nêu trên thì không thể đưa các chính sách điều tiết mới của chính phủ vào các phươngg trình dự báo. Vì vậy, cần phải điều chỉnh mô hình.
Hai nội dung chính cần được thực hiện để điều chỉnh mô hình là:
- Xem xét ngân sách trong mối qua lại với kinh tế vĩ mô. Đây là điều bắt buộc trong các mô hình kinh tế phương tây. Thông qua các quan hệ như vậy, có thể đánh giá tác động của các chính sách ngân sách tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.
- Điều chỉnh các phương trình trong mô hình ngân sách kể trên để có thể đưa thêm các biến chính sách ngân sách. Ví dụ:
+ Về thu ngân sách: thay một số phương trình kinh tế lượng bằng phương trình xác định thu nhập thuế qua thuế suất nhân với cơ sở thu thuế. Thay một số biến ngoại sinh bằng cách đưa vào các quan hệ cơ cấu thuế...
+ Về chi ngân sách: thay một số phương trình xác định riêng rẽ các biến bằng phương trình cơ cấu để xác định các biến có vai trò thấp thông qua cơ cấu chi của chính phủ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét