HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH VQEM PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÂN TÍCH VÀ DỰ BÁO NGẮN HẠN
(Phiên bản VQEM - 2003)[1]
CHƯƠNG MỞ ĐẦU
Tháng 10 năm 2001, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu "Bước đầu thử nghiệm xây dựng mô hình kinh tế lượng theo quý để phân tích và dự báo tiến triển ngắn hạn của nền kinh tế quốc dân", nhóm nghiên cứu đã xây dựng được một mô hình kinh tế lượng vĩ mô quý (mô hình VQEM) và đã thử nghiệm sử dụng mô hình xây dựng được để mô phỏng ảnh hưởng của những nhân tố ngoại sinh và các chính sách kinh tế chính tới tăng trưởng và phát triển nền kinh tế nước ta cho các quý trong giai đoạn 1997-2000. Đồng thời, nhóm cũng đã sử dụng mô hình để dự báo 1 kịch bản nền về triển vọng kinh tế nước ta qua các quý trong giai đoạn 2001-2003. Đến nay, sau khi tình hình kinh tế năm 2002 đã diễn ra, bước đầu có thể thấy những kết quả phân tích và dự báo cho năm 2002 thu được từ mô hình đã phản ánh tương đối sát thực xu hướng phát triển của tình hình thực tế, nhất là xu hướng cải thiện dần qua các quý của nền kinh tế.Tuy nhiên, khi đi sâu vào so sánh chi tiết các số liệu dự báo cụ thể cho khoảng 30 chỉ tiêu kinh tế chính với các số liệu thực tế của tình hình kinh tế đã xảy ra trong năm 2002, chúng ta thấy vẫn có nhiều khác biệt tương đối lớn. Ví dụ dự báo rút ra từ mô hình là tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2002 đạt tới 7,8% trong khi số liệu thực tế là 7,1%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự báo theo mô hình là 188 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện khoảng 183 nghìn tỷ; tổng thu ngân sách dự báo 105 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện 112 nghìn tỷ đồng; tổng chi ngân sách dự báo 125 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện 141 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ lạm phát dự báo 2,5%, ước thực hiện 4%; ...
Có nhiều nhân tố giải thích sự khác biệt giữa dự báo và tình hình thực tế. Trước hết, bản thân mô hình chưa có khả năng dự báo tốt mặc dù khả năng mô tả quá khứ của nó tương đối tốt. Khi sử dụng mô hình để dự báo cho năm 2001 vào thời điểm cuối quý III năm 2001, thời điểm đã bắt đầu có số liệu kinh tế quý sơ bộ của năm 2001, chúng tôi đã phát hiện thấy có những sai số đáng kể; ví dụ dự báo qua mô hình cho thấy tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2001 đạt 7,3% nhưng ước tính của Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 6,8%, chênh lệch 0,5%; dự báo giá tiêu dùng giảm 1,8% nhưng số liệu ước thực hiện là giảm 0,6%... Lẽ ra cần tiếp tục cải tiến mô hình để thu được kết quả dự báo cho năm 2001 tốt hơn, sau đó mới dùng mô hình dự báo cho năm 2002. Tuy nhiên, do thời gian nghiên cứu có hạn, và đây mới là giai đoạn thử nghiệm xây dựng mô hình quý, nên việc sửa chữa mô hình không được thực hiện; vì vậy những sai số quá khứ đã được khuyếch đại thêm trong dự báo năm 2002 và sai khác giữa số dự báo và số thực tế là hoàn toàn dễ hiểu, không ngoài tầm dự báo.
Thứ hai, việc xây dựng kịch bản nền để dự báo cho năm 2002 được thực hiện vào đầu tháng 9 năm 2001, khi đó tình hình kinh tế thế giới tương đối khả quan. Hầu hết các dự báo đều cho rằng kinh tế Mỹ và châu Âu đang trên đà phục hồi vững chắc; kinh tế Nhật bản sẽ tăng trưởng khá; thậm chí ngay cả khi sự kiện khủng bố 11/9/2001 xảy ra ở Mỹ, các nhà kinh tế vẫn dự báo một tương lai lạc quan, và cho rằng sự kiện này cũng không có tác động đáng kể tới kinh tế Mỹ và thế giới. Tương lai sáng sủa của kinh tế các nước công nghiệp phát triển đã dẫn tới những dự báo lạc quan về tình hình kinh tế của các nước Đông á, khu vực bạn hàng và là đối tác kinh tế, thương mại lớn nhất của nước ta.
Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy. Kinh tế Mỹ và Châu Âu sau thời gian phục hồi ngắn ngủi, đã suy giảm mạnh trong 3 quý đầu năm 2002. Kinh tế Nhật Bản cũng rơi vào vòng trì trệ. Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi trong quý IV năm 2002. Hậu quả là Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương đã phải cắt giảm lãi suất rất mạnh vào tháng 11/2002; đồng thời Chính phủ Nhật Bản lại cam kết một chương trình kích cầu khổng lồ mới. Tình hình kinh tế khối Liên minh Châu âu vẫn ảm đạm. Khi các nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn thì tỷ lệ tăng trưởng của các nền kinh tế Đông á cũng không tránh khỏi suy giảm, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động thương mại và đầu tư của nước ta. Dĩ nhiên, những tiến triển mới nhất của kinh tế thế giới trong năm 2002 như trên đã không được tính đến khi xây dựng kịch bản dự báo nền thực hiện tháng 9 năm 2001; điều này cũng dẫn tới những sai số trong kết quả dự báo.
Thứ ba, khi dự báo cho năm 2002, 2003, những người tham gia xây dựng mô hình đã cho rằng sẽ có những thay đổi tương đối mạnh dạn trong chính sách của chính phủ. Đặc biệt, tốc độ kích cầu sẽ được đẩy nhanh hơn thông qua chính sách tài chính, tiền tệ mở rộng hơn. Nhờ vậy, không chỉ tiêu dùng và đầu tư của kinh tế nhà nước sẽ tăng lên, và chúng sẽ lôi cuốn tiêu dùng và đầu tư của các thành phần kinh tế khác cũng tăng lên. Mặt khác, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế được đẩy nhanh hơn sẽ góp phần làm tăng sức cạnh tranh của hàng hoá và giảm chi phí sản xuất...
Tuy nhiên, tình hình đã không diễn ra như vậy, tỷ trọng thu ngân sách trên GDP tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thâm hụt ngân sách không đạt mức dự kiến, tốc độ tăng trưởng tiền tệ và tín dụng vẫn rất chậm; lãi suất thực vẫn quá cao; tỷ giá được điều chỉnh thấp so với dự kiến... Hậu quả là tiêu dùng và đầu tư của khu vực tư nhân tăng rất chậm trong khi hoạt động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chậm lại (nguồn vốn huy động thực hiện đạt rất thấp); chỉ có hoạt động tiêu dùng và đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước là phát triển mạnh. Điều này cũng dẫn đến hậu quả là hiệu quả hoạt động của nền kinh tế giảm sút; trái ngược với dự báo tháng 9/2001 cho rằng hiệu quả sẽ tăng lên...
Cuối cùng, cần phải nói rằng do thời gian thực hiện đề tài bị hạn chế nên những người tham gia xây dựng dự báo không sử dụng các kỹ thuật tinh vi hơn của khoa học kinh tế lượng để lái kết quả dự báo gần với thực tiễn hơn, ví dụ kỹ thuật điều chỉnh sai lệch tại những điểm cuối thời kỳ ước lượng mô hình, kỹ thuật dự báo sai số...
Như vậy, có thể nói những kết quả do mô hình VQEM đưa ra tháng 9/2001 mới chỉ là những nghiên cứu có tính chất thử nghiệm bước đầu, cần có thêm những nghiên cứu công phu hơn để hoàn thiện mô hình cũng như hoàn thiện các thông tin đầu vào cho mô hình (thông tin về dự báo kinh tế thế giới, dự báo khả năng thực hiện chính sách của chính phủ...). Đây chính là những yêu cầu đặt ra trong báo cáo nghiên cứu này.
Cơ cấu của báo cáo gồm 4 chương và phần kết luận. Sau chương mở đầu, chương II sẽ được dùng để tóm tắt những tiến triển mới nhất của nền kinh tế nước ta trong 2 năm gần đây. Trong chương III, chúng tôi sẽ trình bày một số cải tiến chính trong phiên bản VQEM I - 2003 của mô hình. Chương IV được dành trình bày một số kết quả phân tích dự báo chính. Cuối cùng, trong phần kết luận, chúng tôi sẽ tóm tắt một số kết quả nghiên cứu chính của nhánh đề tài.
MỤC LỤC
CHƯƠNG I: MỞ ĐẦU
CHƯƠNG II: MỘT SỐ TIẾN TRIỂN MỚI NHẤT CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM DƯỚI GÓC ĐỘ PHÂN TÍCH KINH TẾ VĨ MÔ
I. NỀN KINH TẾ ĐÃ GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC KHÔNG NHỎ XUẤT PHÁT TỪ BÊN NGOÀI, LÀM CẦU BÊN NGOÀI GIẢM MẠNH...
II. ... TUY NHIÊN NỀN KINH TẾ NƯỚC TA VẪN TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG KHÁ NHỜ CÁC NHÂN TỐ NỘI ĐỊA
1) Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
2) Tiêu dùng tư nhân
3) Đầu tư phát triển
4) Kích cầu đầu tư và tiêu dùng của chính phủ
5) Hoạt động xuất nhập khẩu
6) Đóng góp của các nhân tố vào tăng trưởng kinh tế
7) Đánh giá khái quát
CHƯƠNG III: MÔ HÌNH HOÁ SỰ HOẠT ĐỘNG CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ ĐỐI MỚI TỪ NĂM 1992 ĐẾN NAY
I. CẬP NHẬT CÁC PHƯƠNG TRÌNH KINH TẾ LƯỢNG TRONG MÔ HÌNH VQEM
1) Tín dụng cho nền kinh tế:
2) Lãi suất cho vay
3) Đầu tư của chính phủ
4) Đầu tư của khu vực tư nhân:
5) Tiêu dùng cuối cùng của dân cư
6) Tổng thu ngân sách
7) Chi ngân sách thường xuyên
8) Lạm phát giá hàng tiêu dùng
9) Chỉ số giá GDP (GDP deflator)
10) Hàm cầu tiền tệ M2
11) Xuất khẩu tính theo đô la Mỹ
12) Nhập khẩu tính theo đô la Mỹ
II. BỔ SUNG KHỐI MỚI: CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ
1) Nhập khẩu theo giá FOB
2) Xuất khẩu theo giá FOB
3) Cán cân xuất nhập khẩu hàng hoá
4) Cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ
5) Cán cân xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ
6) Cán cân thanh toán vãng lai
7) Vốn đầu tư của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
8) Cán cân vốn
9) Cán cân thanh toán quốc tế tổng thể
III. TỔNG HỢP CÁC PHƯƠNG TRÌNH CƠ BẢN CỦA MÔ HÌNH VQEM - 2003
1) Danh sách các phương trình trong mô hình
2) Danh sách các biến trong mô hình VQEM - 2003
a) Các biến nội sinh
b) Các biến ngoại sinh
CHƯƠNG IV: SỬ DỤNG MÔ HÌNH VQEM – 2003 ĐỂ DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2003-2005 VÀ KHẢ NĂNG HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH 5 NĂM 2001-2005
I. CHUẨN BỊ THÔNG TIN CHO QUÁ TRÌNH DỰ BÁO
1) Dự báo triển vọng kinh tế thế giới các năm 2003-2005
a) Triển vọng kinh tế các nước công nghiệp
b) Triển vọng kinh tế khu vực Đông á
2) Dự báo giá trị của các biến ngoại sinh thuần tuý khác
a) Vốn đầu tư nước ngoài đưa vào thực hiện tại nước ta (FDIFOR):
b) Chỉ số giá nhập khẩu (IMPRI):
c) Chi ngân sách để trả nợ và viện trợ (PAYIN):
d) Cơ cấu xuất khẩu theo thị trường:
3) Dự báo các biến ngoại sinh chính sách
a) Tỷ lệ tín dụng dành cho khu vực tư nhân
b) Lãi suất huy động nội tệ ngắn hạn
c) Tiêu dùng của chính phủ
d) Tỷ giá đồng VN / USD
e) Tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP
II. THỬ NGHIỆM DỰ BÁO MỘT SỐ KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KINH TẾ NƯỚC TA TRONG GIAI ĐOẠN 2001-2003
1) Dự báo khả năng phát triển ngắn hạn 2001 - 2003
2) Dự báo khả năng hoàn thành kế hoạch 5 năm 2001 - 2005
KẾT LUẬN
PHỤ LỤC
1) Bảng ước lượng các phương trình trong mô hình
2) Một số đồ thị so sánh số liệu gốc và số liệu mô phỏng cho giai đoạn 1997-2002 và dự báo cho giai đoạn 2003-2005
3) Tài liệu tham khảo chính
[1] Báo cáo này được thực hiện trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu "Luận chứng về việc hoàn thiện một bước hệ thống dự báo phục vụ công tác đổi mới kế hoạch hoá trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư" do Tiến sĩ Lê Anh Sơn, Phó viện trường Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét