Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

(2) HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH VQEM

Bài viết cũ của tôi năm 2003:

HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH VQEM PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÂN TÍCH VÀ DỰ BÁO NGẮN HẠN
CHƯƠNG II:
MỘT SỐ TIẾN TRIỂN MỚI NHẤT CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM DƯỚI GÓC ĐỘ PHÂN TÍCH KINH TẾ VĨ MÔ
Trong năm 2002, mặc dù tình hình kinh tế thế giới rất khó khăn và phải đối đầu với một số thử thách khắc nghiệt trong nước do thiên tai, hạn hán gây ra, nhưng nền kinh tế nước ta về cơ bản vẫn tiếp tục phát triển tích cực. Các dấu hiệu cải thiện tiếp tục mạnh lên, báo hiệu tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng lên. Để làm căn cứ thực tiễn cho việc sửa chữa, hoàn thiện mô hình, trong chương này, chúng tôi sẽ cập nhật một số tiến triển gần đây của nền kinh tế Việt Nam.
I- NỀN KINH TẾ ĐÃ GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC KHÔNG NHỎ XUẤT PHÁT TỪ BÊN NGOÀI, LÀM CẦU BÊN NGOÀI GIẢM MẠNH...
Cũng như các nền kinh tế khác ở châu Á, trong hai năm qua (2001-2002), nền kinh tế nước ta đã phải chịu nhiều cú sốc mạnh tác động từ bên ngoài, gây ảnh hưởng rất tiêu cực tới tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nước ta. Tiêu điểm của những cú sốc này là sự bất ổn của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là sự suy giảm kéo dài của các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới. Ngoài ra, so với những cú sốc khác, cú sốc trong hai năm qua mang một số đặc trưng rất riêng biệt:
- Thứ nhất, kinh tế thế giới không suy giảm triền miên theo một chu kỳ nhất định mà có một số bước phục hồi rồi nhưng khoảng thời gian phục hồi quá ngắn, không đủ sức đảo ngược đà suy giảm. Do vậy, xu hướng chung của kinh tế thế giới trong 2 năm qua là giảm sút tỷ lệ tăng trưởng so với năm 2000. Hơn nữa, suy giảm kinh tế thế giới đi liền với suy giảm tốc độ phát triển các ngành kinh tế động lực là điện tử và tin học.
- Thứ hai, những cú sốc trong hai năm qua xảy ra trong khu vực thực của nền kinh tế thế giới, nên đã ảnh hưởng trực tiếp và rất nhanh tới hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trường hợp này khác với kinh nghiệm đã xảy ra trước đó, phần lớn các cuộc khủng hoảng, suy thoái xuất phát từ khu vực tài chính tiền tệ. Ví dụ như khủng hoảng năm 1997 ở châu á là khủng hoảng tài chính tiền tệ; sau đó mới lan sang khu vực sản xuất.
- Ảnh hưởng của đợt sốc này rất đáng kể trên cả hai phương diện: Một mặt, quy mô của nó khá lớn do có sự tăng trưởng chậm chạp trong năm 2001 của cả ba khu vực kinh tế chủ chốt trên thế giới (Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản) và tiếp tục mạnh lên trong năm 2002 do tác động tiêu cực của sự kiện khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001. Mặt khác, nó cũng mang tính tích luỹ vì sự suy giảm xuất phát từ những ngành động lực của tăng trưởng tại Mỹ (công nghệ thông tin và viễn thông) và tại các nước đang phát triển châu á (hàng điện tử). Chính vì vậy, sự trì trệ tăng trưởng của Mỹ và các đối tác kinh tế chính của Việt Nam ở châu á sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế nước ta.
Hậu quả có thể thấy rõ là khu vực thực của nền kinh tế nước ta đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng; trước hết là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong hai năm 2001-2002 đã tụt xuống mức vào loại thấp nhất kể từ khi bắt đầu cải cách năm 1986. Mặt khác, do tính liên kết của thị trường thế giới đã trở lên rất cao và quá trình phân công lao động quốc tế phát triển rất mạnh nên xuất khẩu nước ta tăng trưởng chậm lại không chỉ về kim ngạch mà còn cả về phương diện ngành và lãnh thổ (trừ xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhờ có Hiệp định thương mại Việt Mỹ).
          Dự báo ảnh hưởng của sốc bên ngoài đến nền kinh tế nước ta sẽ còn tiếp tục trong 1-2 năm tới do tốc độ phục hồi kinh tế thế giới chậm. Cầu nước ngoài đối với hàng xuất khẩu nước ta sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm và do vậy xuất khẩu không còn là động lực chủ yếu của quá trình tăng trưởng kinh tế nước ta trong những năm tới.
          II- TUY NHIÊN NỀN KINH TẾ NƯỚC TA VẪN TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG KHÁ NHỜ CÁC NHÂN TỐ NỘI ĐỊA
          Nhìn tổng quát, có thể thấy tình hình kinh tế nước ta đã được cải thiện đáng kể trong 24 tháng vừa qua. Sự cải thiện này có được chủ yếu là nhờ một loạt các chính sách và giải pháp mạnh của Nhà nước nhằm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng, đặc biệt là chính sách kích cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước, mặc dù môi trường bên ngoài còn chưa thuận lợi. Đáng nhấn mạnh là niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân đã được phục hồi mạnh do chương trình cải cách theo lộ trình chi tiết đã được Đảng và nhà nước thông qua vào đầu năm 2001 và do tiếp tục đẩy mạnh việc thi hành Luật Doanh nghiệp. Đầu năm 2002, Hội nghị Trung ương 5, Ban chấp hành TW Đảng khoá IX đã tái cam kết sự ủng hộ mạnh mẽ đối với khu vực kinh tế tư nhân; đây cũng là một nhân tố rất quan trọng thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư của khu vực kinh tế này. Nhờ những cải cách tích cực trên, tình hình kinh tế đã tốt lên đáng kể, thể hiện qua một số mặt sau đây:
       1) Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
          Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2002 đạt 7,1%, cao hơn 0,3% so với năm 2001 (6,8%) và là mức cao nhất kể từ năm 1998 đến nay. Sự ổn định kinh tế vĩ mô và việc đẩy nhanh tốc độ cải cách cơ cấu đi kèm với thực hiện chính sách kích cầu đã tạo được niềm tin ngày càng cao trong nền kinh tế và là những nguyên nhân cơ bản để tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng trong 2 năm qua.
          Đồ thị 1: Tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ đầu tư trên GDP (%)



          Tăng trưởng và phát triển đã diễn ra tương đối đồng đều trong các khu vực và các lĩnh vực cơ bản của nền kinh tế. Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh (bằng với tỷ lệ tăng trưởng của các năm 2000-2001) trong khi tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông nghiệp và dịch vụ đã tăng lên đáng kể. Đặc sự khởi sắc của nông nghiệp đã đóng góp đáng kể làm tỷ lệ tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế tăng mạnh so với năm 2001.
          Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh trong nước tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng và ngày càng chứng tỏ sẽ là động lực tăng trưởng tương lai của toàn nền kinh tế. Tương tự, mặc dù tốc độ tăng trưởng đã giảm sút so với những năm trước (1998-2000), khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng năm 2002 cao hơn năm 2001 và cao hơn trung bình toàn khu vực công nghiệp, do đó tiếp tục khảng định vai trò quan trọng của mình. Ngược lại, tỷ lệ tăng trưởng công nghiệp quốc doanh năm 2002 đạt thấp và giảm dần so với các năm trước. Điều này phản ảnh sự chuyển dịch từng bước sang kinh tế thị trường của nền kinh tế nước ta; và các quan hệ trong nền kinh tế nước ta ngày càng có xu hướng thị trường. Như vậy, việc xây dựng mô hình kinh tế lượng quý theo quan điểm của mô hình VQEM là hoàn toàn đúng đắn; hơn nữa có thể dự báo rằng các quan hệ trong mô hình cũ sẽ chặt chẽ hơn nếu bổ sung thêm các số liệu của 2 năm gần đây.
          Bảng 1: Tỷ lệ tăng trưởng các ngành và khu vực (%)
Ngành, khu vực
1998
1999
2000
2001
2002
Tăng trưởng GDP
5,8
4,8
6,8
6,8
7,1
- Công nghiệp
8,3
7,7
10,1
10,3
10,1
- Nông nghiệp
3,5
5,2
4,6
2,8
3,7
- Dịch vụ
5,1
2,3
5,3
6,1
6,3
Tổng sản lượng công nghiệp
12,5
11,6
17,5
14,2
14,6
- KV Nhà nước
7,7
5,4
13,2
12,7
12,1
- Khu vực Ngoài quốc doanh
7,5
10,9
19,2
20,3
19,9
- KV có vốn đầu tư nước ngoài
24,4
21,0
21,8
12,1
14,8

       2) Tiêu dùng tư nhân



                    Đồ thị 2: Tăng trưởng của doanh số bán lẻ (giá hiện hành) và tiêu dùng cá nhân (giá cố định), (%)
          Tiêu dùng tư nhân đã có bước phát triển đầy ấn tượng trong 2 năm gần đây, thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng của chỉ tiêu tiêu dùng tư nhân và tổng doanh số bán lẻ hàng hoá xã hội. Đồ thị dưới đây cho thấy xu hướng phục hồi tiêu dùng tư nhân đã diễn ra rất rõ trong 2 năm gần đây, chứng tỏ vai trò của cầu ngày càng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế; và do đó mô hình kinh tế lượng cho giai đoạn gần đây phải là mô hình cầu.
          Phân tích chi tiết hơn cho thấy sự bùng nổ của tiêu dùng tư nhân xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là thu nhập của các tầng lớp dân cư đều tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống. Đặc biệt, thu nhập của khu vực dân cư ở nông thôn đã tăng lên rõ rệt trong 2 năm qua nhờ sản xuất nông nghiệp được mùa và giá nông sản tăng rất mạnh. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân quan trọng khác như giá tiêu dùng tăng lên (có tác dụng kích thích tiêu dùng), lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh, nguồn kiều hối ngày càng nhiều và thị trường nhà đất biến động mạnh trong năm 2001 rồi trầm lắng trong năm 2002. Bầu không khí xã hội trong nước 2 năm qua cũng ảnh hưởng thuận lợi tới tiêu dùng tư nhân như các sự kiện chính trị lớn (Đại hội Đảng năm 2001, Bầu cử Quốc hội năm 2002...).
          Với diễn biến tình hình 2 năm qua, có thể dự báo tiêu dùng tư nhân sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, nhưng tốc độ giảm dần.
       3) Đầu tư phát triển
          Đầu tư tiếp tục tăng trưởng đầy ấn tượng trong 2 năm qua và càng ngày càng khảng định vai trò động lực của mình đối với tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế. Đồ thị 1 cho thấy tỷ lệ đầu tư trên GDP đã tăng mạnh và liên tục trong những năm gần đây, kèm theo đó là sự tăng trưởng đi lên của GDP.
          Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn thông qua các thành phần của nó, có thể thấy một số điểm bất ổn, ảnh hưởng không lợi tới tăng trưởng dài hạn, cụ thể là:
          - Đầu tư tư nhân tăng lên rất chậm so với tỷ lệ tăng trưởng của các nguồn vốn khác dù đã có những giải pháp rất thông thoáng và chính sách khuyến khích của Chính phủ. Điều này phản ảnh những khó khăn riêng của khu vực kinh tế tư nhân so với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong việc bị phân biệt đối xử. Đặc biệt, trong khi trong khu vực kinh tế nhà nước, thường xuyên có hiện tượng cung không đáp ứng cầu thì ngược lại, đối với khu vực kinh tế tư nhân, tình trạng cung lớn hơn cầu diễn ra rất phổ biến do khu vực này không được hưởng những thuận lợi từ chính sách kích cầu của nhà nước. Mặt khác, trong khi khu vực kinh tế tư nhân phải cạnh tranh hoàn toàn theo cơ chế kinh tế thị trường và chịu sự tham nhũng, cửa quyền của bộ máy nhà nước,... nên tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm sút thì tỷ suất lợi nhuận của khu vực kinh tế quốc doanh đã tăng lên rất mạnh nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, dẫn tới bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế.
          - Tỷ lệ tăng trưởng của đầu tư trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh so với những năm trước. Trong 2 năm 2001-2002, tỷ lệ tăng trưởng đầu tư của khu vực này thấp nhất, tiếp đến là khu vực ngoài quốc doanh, trong khi tỷ lệ tăng trưởng đầu tư của khu vực kinh tê quốc doanh rất cao. Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài cũng khó khăn.
       4) Kích cầu đầu tư và tiêu dùng của chính phủ
          Trong 2 năm vừa quan, trong khi các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài tăng trưởng thấp thì đầu tư chính phủ lại tăng lên rất mạnh; điều này trái ngược với xu hướng đã diễn ra trong năm 2000. Trước những biến động trên, đến nay, đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước đã chiếm vai trò áp đảo trong nền kinh tế. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hiệu quả của nguồn vốn đầu tư này rất thấp (nhất là qua phân tích hệ số ICOR); vì vậy xu hướng chuyển dịch cơ cấu đầu tư vừa qua là không hiệu quả, làm giảm chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh tế dài hạn.
          Chi tiêu của chính phủ cũng tăng mạnh trong 2 năm gần đây. chính sách ngân sách về cơ bản là chính sách mở rộng với tỷ lệ thâm hụt ngân sách tăng mạnh, lên tới 5%/năm (theo cách tính của Việt nam). Tốc độ tăng trưởng tiền tệ cũng tăng lên rõ rệt so với những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước.
Rõ ràng chính sách kích cầu tiêu dùng và đầu tư của chính phủ đã phát huy tác dụng tích cực tới nền kinh tế trong 2 năm qua mặc dù hiệu quả sử dụng tiền ngân sách có thể không cao, thậm chí giảm sút (hệ số ICOR tăng mạnh). Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, phải có những chuẩn bị trước để phòng ngừa chính sách kinh tế mở rộng đi quá đà. Ví dụ theo tiêu chuẩn quốc tế, tỷ lệ thâm hụt ngân sáchkhông nên vượt quá 2,5-3% GDP và kéo dài, nhưng tỷ lệ này ở nước ta tính theo phương pháp của thế giới đã tăng từ 0,5% năm 1995 lên, 0,2% năm 1996, 1,7% năm 1997, 0,5% năm 1998, 1,6% năm 1999 lên 2,8% năm 2000, 3,4% năm 2001 và 4% năm 2002. Ngoài ra, cũng phải thấy tỷ lệ nợ chính phủ cũng đã tăng mạnh, đòi hỏi phải có chính sách điều chỉnh ngắn hạn dự phòng để thực hiện khi kinh tế đột ngột rơi vào khó khăn nhằm duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô.



          Đồ thị 3: Tỷ lệ lạm phát qua các (%)
Chính sách ngân sách mở rộng được thực hiện kèm theo chính sách tiền tệ ôn hoà (hoặc mở rộng nhẹ) vừa qua đã cho phép giảm được lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay trong năm 2001. Tuy nhiên, trong năm 2002, lạm phát đã tăng khá mạnh và lãi suất danh nghĩa có xu hướng tăng lên (mặc dù lãi suất thế giới có xu hướng giảm).
Sự tăng lên của lạm phát trong năm 2002 đã có tác dụng làm giảm lãi suất thực so với năm 2001 và các năm trước, cho phép các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí và tăng tỷ suất lợi nhuận. Tuy nhiên, hiệu quả của việc giảm lãi suất thực không mạnh vì có chế lan truyền từ chính sách tiền tệ sang tăng trưởng kinh tế còn kém và tỷ lệ vốn tín dụng ngân hàng dành cho khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chưa cao. Đặc biệt, chính sách tỷ giá tiếp tục ổn định theo hướng phá giá tỷ giá rất nhẹ trong khi chênh lệch lãi suất trong nước và quốc tế tăng nhanh, làm cho đồng tiền Việt Nam tiếp tục bị đánh giá cao, bất lợi cho phát triển sản xuất.
Chính vì vậy, cũng tương tự như chính sách ngân sách, chính sách tiền tệ cũng đáng tiến dần đến giới hạn của nó, thể hiện qua nhiều hiện tượng, nhưng rõ rệt nhất là:
- Lãi suất thực đã xuống đến mức thấp kỷ lục kể từ khi thực hiện chính sách lãi suất dương vào đầu thập kỷ 90. Lãi suất huy động khoảng 7%/năm, lãi suất cho vay khoảng 9%, tỷ lệ lạm phát 4%, do đó lãi suất huy động thực chỉ khoảng 2,8%. Tương tự, lãi suất huy động đô la tụt xuống mức dưới 2%/năm. Trong bối cảnh như vậy, nếu tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách hạ lãi suất thì không thể huy động được tiết kiệm để cho vay. Thực tế cho thấy lãi suất danh nghĩa đang tăng lên trong những tháng gần đây và có thể tiếp tục tăng lên trong năm 2003.
- Tỷ lệ lạm phát đã tăng vọt từ khoảng 0% trong 2 năm 1999-2000 lên 0,8% năm 2001 và 4% năm 2002. Tuy tỷ lệ 4% vẫn là mức chấp nhận được, nhưng nếu tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng thì tỷ lệ này có thể tăng mạnh trong những năm tới và thoát ra khỏi tầm kiểm soát.
5) Hoạt động xuất nhập khẩu
          Hoạt động xuất nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong 2 năm gần đây do môi trường quốc tế đầy biến động và sức cạnh tranh của hàng trong nước giảm sút (thể hiện qua các báo cáo điều tra quốc tế về sức cạnh tranh của hàng hoá giữa các nước). Nếu như tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu các năm 1999-2000 đạt khoảng 25%/năm thì đến năm 2001 chỉ còn 3,8% và năm 2002 còn 11,2%. Chính vì vậy, ảnh hưởng của xuất khẩu tới tăng trưởng kinh tế đã giảm sút mạnh.
         
                    Đồ thị 4: Tỷ lệ tăng trưởng xuất, nhập khẩu (%)



         
6) Đóng góp của các nhân tố vào tăng trưởng kinh tế
          Số liệu tính toán trong bảng dưới đây cho thấy nếu như trong 2 năm 1999-2000, hoạt động xuất nhập khẩu còn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế nước ta thì tình hình hoàn toàn khác trong 2 năm 2001-2002. Trong năm 1999, xuất nhập khẩu đã đóng góp tới 3% để tạo ra tỷ lệ tăng trưởng GDP 4,77% (tương đương với việc tạo ra 63% tỷ lệ tăng trưởng GDP); trong khi tổng cầu nội địa chỉ tạo ra 1,77% tỷ lệ tăng trưởng GDP (tương đương với 37%). Tuy nhiên tình hình đã khác hẳn trong năm 2000, vì xuất nhập khẩu chỉ còn tạo ra 1,2% tỷ lệ tăng trưởng 6,8%, tức chiếm 17,7% tỷ lệ tăng trưởng. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong các năm 2001-2002 với mức độ trầm trọng hơn.
Ngay từ năm 2001, đóng góp của hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm tới mức không đáng kể, chỉ còn 0,14% trong tổng số 6,8%, tức là chỉ tạo ra khoảng 2% tỷ lệ tăng trưởng GDP. Như vậy, trong năm 2001, hầu như toàn bộ tăng trưởng kinh tế đạt được là nhờ các nhân tố trong nước; trong đó tiêu dùng cá nhân và tích luỹ tài sản đóng vai trò động lực (lần lượt tạo ra 42,6% và 47,7% tỷ lệ tăng trưởng GDP, tổng đóng góp của 2 nhân tố là 90,3%), tiêu dùng chính phủ chỉ đóng góp khiêm tốn 6,4%.
Trong năm 2002, tăng trưởng hoàn toàn xuất phát từ các nhân tố trong nước. Thậm chí sự gia tăng mạnh mẽ của nhập khẩu trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp đã tạo ra mức đóng góp âm cao của khu vực xuất nhập khẩu tới tăng trưởng kinh tế trong nước và đóng góp vào sự tăng trưởng của các nước bạn hàng của ta.
Bảng 2: Vai trò của các nhân tố tới tăng trưởng GDP
Đóng góp theo tỷ lệ thực
1998
1999
2000
2001
2002
Tiêu dùng cuối cùng
3.44
1.40
2.46
3.38
5.03
- Tiêu dùng cá nhân
3.19
1.83
2.12
2.94
4.67
- Tiêu dùng Chính phủ
0.25
-0.43
0.34
0.44
0.36
Tích luỹ tài sản
3.63
0.37
2.99
3.29
3.34

Tổng cầu nội địa

7.07
1.77
5.46
6.66
8.37
Chênh lệch xuất nhập khẩu
-1.20
3.01
1.20
0.14
-1.27
GDP giá 1994
5.76
4.77
6.79
6.80
7.10
Đóng góp theo tỷ lệ %





Tiêu dùng cuối cùng
59.62
29.35
36.31
48.98
71.40
- Tiêu dùng cá nhân
55.31
38.35
31.30
42.59
66.32
- Tiêu dùng Chính phủ
4.31
-9.00
5.01
6.39
5.08
Tích luỹ tài sản
63.03
7.70
44.07
47.65
47.45

Tổng cầu nội địa

122.65
37.05
80.38
97.94
117.89
Chênh lệch xuất nhập khẩu
-20.84
63.14
17.66
2.05
-17.89
GDP giá 1994
100.00
100.00
100.00
100.00
100.00

          Theo bảng 2, nếu không có yếu tố xuất nhập khẩu (cân bằng xuất nhập khẩu) thì tỷ lệ tăng trưởng GDP trong nước sẽ đạt tới 8,37% chứ không phải chỉ là 7,1%. Tuy nhiên, do nhập khẩu tăng quá nhanh so với tăng trưởng xuất khẩu nên lượng hàng hoá đưa vào đã ngăn cản tăng trưởng sản xuất trong nước, dẫn tới tổng cầu nội địa tăng nhanh nhưng tỷ lệ tăng trưởng GDP đã tăng lên không tương xứng. Trong tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 7,1%, cầu trong nước đã tạo ra 8,34% trong khi hoạt động xuất nhập khẩu đóng góp âm 1,27%.
          Phân tích chi tiết hơn cho thấy tăng trưởng năm 2002 cao hơn các năm  trước là nhờ sự tăng lên mạnh mẽ của tiêu dùng cá nhân (từ 2,94% lên 4,67%). Do đó đóng góp của tiêu dùng cá nhân tới tăng trưởng GDP tăng từ 42,6% lên 66,3%; trong khi đóng góp của tiêu dùng chính phủ và đầu tư vẫn ổn định ở mức năm 2001. Đóng góp của tiêu dùng chính phủ thấp chứng tỏ chính sách kích cầu của nhà nước chủ yếu nhằm vào kích cầu đầu tư. Thực tế, toàn bộ mức thâm hụt ngân sách đã được đưa vào đầu tư phát triển.
        7) Đánh giá khái quát
Tình hình kinh tế 2 năm 2001-2002 vẫn tiếp tục xu hướng của thời kỳ 1993-2000, trong đó nhân tố cơ bản để tạo ra quá trình tăng trưởng kinh tế nước ta là cầu nội địa. Ngược lại, hoạt động xuất nhập khẩu (cầu nước ngoài) đã đóng góp âm tới tỷ lệ tăng trưởng kinh tế mặc dù trong 2 năm trước đó, nhất là trong năm 2000, vai trò của chúng tăng lên mạnh. Trong số các nhân tố trong nước có ảnh hưởng lớn nhất tới tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng cá nhân và đầu tư nổi lên là hai động lực chính, vai trò của tiêu dùng chính phủ rất thấp.
          Trên cơ sở các nhận xét trên, chúng ta thấy nền kinh tế không có những đột biến lớn, do đó không cần thay đổi lớn trong mô hình kinh tế lượng đã có, mà chỉ cần điều chỉnh nhỏ một số phương trình để cập nhật thông tin 2001-2003 và để phản ánh tốt hơn nền kinh tế.

5 nhận xét:

  1. Em thấy bài viết rất hữu ích cho bản thân. Rất tiết có vài cái hình không xem được. Bác vui lòng gửi cho em tham khảo với ạ.
    Xin chân thành cám ơn.
    Mail em là: huynhducvuongst@gmail.com

    Trả lờiXóa
  2. Chào vị minh vương, mình đã gửi qua email rồi đấy.
    Cám ơn bậc đế vương cũng quan tâm đến kỹ thuật phân tích - dự báo.
    Hoàng triều nào có những bậc đế vương thế này thì chắc chắn sẽ thịnh vượng vì họ biết được cái gì sắp xảy ra để chủ động có cách phòng tránh...
    Tiếc là hoàng triều ta hiện nay chưa có.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. anh có thể gửi cho em mô hình VQEM vào mail nguyennuong221993@gmail.com
      em rất thích đề tài này của anh chị

      Xóa
  3. Bác cho em xin mô hình được ko, em rất muốn nghiên cứu mô hình này
    Mail em: nguyentung0910@gmail.com
    Em cám ơn.

    Trả lờiXóa