Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

CẦU SẼ CÒN TRÌ TRỆ NẾU CỨ...

Bài viết cũ của tôi năm 1999 (Thời báo Kinh tế Việt Nam):

CẦU SẼ CÒN TRÌ TRỆ NẾU CỨ LUẨN QUẨN VỚI CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ CHẶT
Cần thực sự nới lỏng chính sách tiền tệ để kích cầu và phục hồi tăng trưởng kinh tế
Chính sách tiền tệ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế mỗi quốc gia vì nó tác động mạnh mẽ tới huy động và cho vay vốn của các ngân hàng thương mại. Ở nước ta, vai trò của chính sách tiền tệ còn quan trọng hơn, vì chúng ta chưa có thị trường vốn trực tiếp (thị trường chứng khoán), phần lớn nguồn vốn nội lực đang được huy động và đưa vào đầu tư thông qua hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, do chỉ luẩn quẩn trong chính sách tiền tệ chặt, huy động tiền vào ngân hàng ngày một tăng trong khi đầu tư và tiêu dùng ngày càng trì trệ, làm cho tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ngày càng suy giảm và tình trạng thiểu phát ngày càng nặng nề.
Chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế
Về nguyên tắc, căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội và nguồn lực của mỗi nước, người ta có thể ước tính tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của nước đó, sau đó, sử dụng chính sách tiền tệ để tác động vào nền kinh tế, điều chỉnh sao cho tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thực tế ngang bằng với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng. Khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thực tế cao hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng thì phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt để hạ cơn sốt tăng trưởng, ngược lại, nếu tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thực tế thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng thì phải thực hiện chính sách tiền tệ lỏng để chống suy thoái, phục hồi lại tăng trưởng kinh tế.
Lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh tăng trưởng tiền tệ luôn có quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế. Ở nước ta trong những năm đổi mới, quan hệ này rất rõ nét. Nếu như trong các năm 1994-1995, tỷ lệ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán xấp xỉ ngang nhau là 50%, thì tỷ lệ tăng trưởng GDP theo giá hiện hành cũng xấp xỉ là 30%. Trong hai năm 1996-1997, tổng cung tiền tệ giảm xuống lần lượt còn 28% và 26,8%, thì tỷ lệ tăng trưởng GDP danh nghĩa giảm xuống còn 18,8% và 15,3%. Năm 1998, tỷ lệ tăng trưởng cung tiền tệ giảm còn 22,1% làm cho tỷ lệ tăng trưởng GDP chỉ ở mức 17,6%. Trong 6 tháng đầu năm 1999, tăng trưởng cung tiền tệ 7,5% (dự kiến cả năm 16%) đã kéo theo tăng trưởng GDP danh nghỉa chỉ đạt khoảng 6,3% và GDP thực chỉ đạt 4,3%. 

Các số liệu cũng cho thấy do đang trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường và nhu cầu tiền tệ hoá nền kinh tế ở nước ta còn cao nên còn chênh lệch khá lớn giữa tỷ lệ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tỷ lệ tăng trưởng GDP danh nghĩa (khoảng 1,5 lần).

Do vậy, việc giảm liên tục tỷ lệ tăng trưởng cung tiền tệ sau đỉnh cao năm 1994-1995 đã và đang là một trong những nguyên nhân chính của giảm tỷ lệ tăng trưởng GDP và giảm tỷ lệ lạm phát. Vì tỷ lệ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán năm 1999 đang giảm mạnh so với năm 1998 nên có thể khảng định chưa có những dấu hiệu nới lỏng thực sự chính sách tiền tệ, và do đó nền kinh tế sẽ còn trì trệ.


Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng

Để xác định giới hạn tối đa trong quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ, trước tiên cần ước tính tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng. Ở Mỹ trong những năm gần đây, tỷ lệ tăng trưởng GDP tiềm năng được ước khoảng 2,5-2,8% ; ở Trung Quốc, tỷ lệ này được xác định khoảng 9-10%. Ở nước ta, chúng tôi cho rằng tỷ lệ tăng trưởng GDP tiềm năng nằm trong khoảng 7-8% vì hai lý do: Thứ nhất, nước ta đang trong giai đoạn đầu phát triển, nên giống như Trung Quốc, điều kiện và cơ hội tăng trưởng cao còn rất nhiều. Thứ hai, tỷ lệ tăng trưởng trung bình thời kỳ đổi mới 1986-1998 gồm cả những năm khủng hoảng 1986-1988, đã là 6,8% và thời kỳ 1991-1998 là 8%.
Vì công nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nước ta nên để GDP tăng trưởng ổn định trong khoảng 7-8%/năm, thì giá trị sản lượng công nghiệp cần tăng trưởng khoảng 11-14%/năm. Hiện nay, Tổng cục Thống kê đã tính toán và công bố đều đặn các số liệu tăng trưởng sản xuất công nghiệp hàng tháng và các số liệu tăng trưởng GDP hàng quý nên hoàn toàn có thể dựa vào đặc điểm thời vụ của các ngành sản xuất để điều chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP theo tiềm năng 7-8% nêu trên.

Tỷ lệ lạm phát hợp lý

Bước tiếp theo là xác định tỷ lệ lạm phát hợp lý. Ở nước ta hiện nay, có nhiều lý do cho thấy cần phải theo đuổi một tỷ lệ lạm phát hợp lý, khách quan để đồng thời kích cầu và khuyến khích đầu tư. 

Một là, nhà nước còn tiếp tục phải tăng giá các sản phẩm của khu vực kinh tế nhà nước theo chương trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường để tăng thu ngân sách và giảm bù lỗ cho các doanh nghiệp đang sản xuất các sản phẩm cơ bản phục vụ dân sinh như điện, nước, giao thông... nên giá cả chung phải tăng. 

Hai là, do tính thời vụ của của một số loại hàng hoá, nhất là hàng lương thực thực phẩm, sẽ còn xảy ra những mất cân đối cung và cầu thời vụ, làm cho mặt bằng giá bị đẩy lên; trong khi tâm lý lạm phát vẫn rất lớn nên khó đưa giá quay trở lại mặt bằng cũ. 

Ba là, ảnh hưởng của tăng giá trên thị trường quốc tế tới mặt bằng giá nội địa trong quá trình hội nhập và mở cửa ngày càng mạnh. 

Bốn là, chất lượng hàng hoá tăng lên khá nhanh trong những năm cải cách, ít nhất cũng 5-7% mỗi năm vì khoảng 40-50% tỷ lệ tăng trưởng của nước ta có nguồn gốc từ vốn nhập khẩu từ nước ngoài trong khi chất lượng sản phẩm của khu vực này tăng lên rất nhanh do bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để tăng chất lượng sản phẩm, rõ ràng các doanh nghiệp trong nước phải tăng chi phí sản xuất và đầu tư nên việc giá cả tăng thêm 5-7% là hoàn toàn hợp lý. 

Năm là, cần phải có một tỷ lệ lạm phát nhất định để kích thích tiêu dùng. Theo kinh nghiệm quốc tế, tỷ lệ này khoảng 2-3% hàng năm là hợp lý. Từ các phân tích trên, một tỷ lệ tăng giá 6-8% trong giai đoạn phát triển bình thường và khoảng 8-10% trong giai đoạn tăng trưởng cao là hợp lý cho trường hợp nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trên thực tế, trong giai đoạn kinh tế phát triển ổn định 1992-1998, tỷ lệ lạm phát trung bình của ta là 9,6%/năm. Chúng ta còn thấy trong những năm tỷ lệ lạm phát quá cao hoặc quá thấp, nền kinh tế đều có những biểu hiện không bình thường (tăng trưởng quá nóng hoặc tăng trưởng quá chậm). Chính vì vậy, tỷ lệ tăng giá 1,2% trong 7 tháng đầu năm 1999, dự kiến cả năm chỉ 3-4%, là quá thấp, sẽ gây ảnh hưởng rất tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Tỷ lệ tăng trưởng hợp lý của tổng phương tiện thanh toán
Bước cuối cùng khi nới lỏng chính sách tiền tệ là xác định tỷ lệ tăng trưởng cung tiền tệ hợp lý. Căn cứ vào những lập luận nêu trên về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng, tỷ lệ lạm phát hợp lý và quan hệ tỷ lệ giữa tăng trưởng cung tiền tệ với tăng trưởng GDP theo giá hiện hành, có thể đặt ra mức tăng trưởng tổng cung tiền tệ hàng năm khoảng 26% là hợp lý đối với nền kinh tế nước ta. 

Trên thực tế, trong giai đoạn 1992-1998, nước ta có tỷ lệ tăng trưởng GDP trung bình 8,3%/ năm, được coi là hơi cao so với tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng, trong khi tỷ lệ lạm phát 9,6%/ năm được coi là phù hợp với tỷ lệ lạm phát hợp lý theo quan điểm phát triển bền vững. Vì vậy, tỷ lệ tăng trưởng cung tiền tệ trung bình của giai đoạn này là 34,2% cũng có thể được xem là cao hơn tỷ lệ hợp lý. Do đó, nên chọn tỷ lệ 26% làm tỷ lệ tăng trưởng chuẩn của tổng phương tiện thanh toán để tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ dài hạn đối với nền kinh tế nước ta trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế hiện nay nhằm vừa ngăn ngừa được hiện tượng tăng trưởng kinh tế quá nóng hoặc quá lạnh, vừa ổn định được lạm phát ở tỷ lệ cần thiết. 

Đối chiếu tỷ lệ này với tỷ lệ tăng trưởng cung tiền tệ dự kiến chỉ 16% cho cả năm 1999, rõ ràng tỷ lệ tăng trưởng cung tiền tệ thực tế quá thấp, không phù hợp với thực tiễn kinh tế đất nước. Đây là dấu hiệu chính để có thể khảng định rằng chính sách tiền tệ của ta còn quá chặt.

Xử lý các công cụ khác trong chính sách tiền tệ


Nội dung của chính sách tiền tệ không chỉ là kiểm soát tổng phương tiện thanh toán mà còn gồm điều chỉnh lãi suất trần, lãi suất tái cấp vốn, hạn ngạch tín dụng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ giá và các ràng buộc hành chính khác. Để thực sự nới lỏng chính sách tiền tệ, bên cạnh việc tăng nhanh tốc độ đưa tiền vào lưu thông, cần chính thức xoá bỏ các hạn ngạch tín dụng, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống tới 2-3%, giảm mạnh lãi suất trần và lãi suất tái cấp vốn và thu hút ngoại tệ vào Ngân hàng trung ương để phá giá tỷ giá khoảng 15%

Ngân hàng trung ương cần hướng dẫn để các ngân hàng thương mại nhà nước thống nhất cùng một lúc hạ nhanh lãi suất danh nghĩa để hạ nhanh lãi suất thực. Ngoài ra, cần nới lỏng các ràng buộc cho vay đối với khu vực kinh tế tư nhân và dứt khoát không hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Các ngân hàng thương mại quốc doanh cũng nên cơ cấu lại các khoản nợ không thể thu hồi theo hướng xoá bớt nợ tồn đọng quá lâu do hậu quả của thời bao cấp. 

Ngoài ra, để chính sách tiền tệ thực sự phát huy tác dụng, cần nới lỏng nhanh chính sách tài chính mà trọng tâm là đưa tỷ lệ thâm hụt ngân sách lên tới 5% GDP trong năm nay và ít nhất 6-7% trong năm tới (tỷ lệ này trong 6 tháng đầu năm 1999 chỉ là 2,8%).Một số các nhà kinh tế đang lo lắng liệu nền kinh tế có khă năng tiếp nhận nguồn vốn đầu tư tăng thêm khi thực hiện nới lỏng nhanh chính sách tiền tệ hay không ? Chúng tôi cho rằng được vì nhiều lý do. 

Thứ nhất, hiện nay cung vượt cầu trong khi nhu cầu của dân cư lại không được thoả mãn do hậu quả của chính sách tài chính tiền tệ chặt. Trong điều kiện như vậy, nới lỏng chính sách tiền tệ kèm theo tăng chi ngân sách cho tiêu dùng và đầu tư phát triển chắc chắn sẽ kích cầu, cho phép người sản xuất tiêu thụ được sản phẩm, từ đó phát sinh nhu cầu vốn để mở rộng sản xuất, nhất là sản xuất với đầu vào chủ yếu từ nguồn nội địa. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, không nên trông chờ quá nhiều vào cầu nước ngoài để phục hồi tăng trưởng kinh tế mà nên dựa vào phát triển thị trường nội địa.
Thứ hai, cơ hội đầu tư ở nước ta còn rất nhiều, bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn, còn rất nhiều doanh nghiệp làm ăn có lãi, nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Nếu hạ được lãi suất thực nước ta ngang mức quốc tế, số cơ hội đầu tư và số doanh nghiệp làm ăn có lãi sẽ tăng lên rất đáng kể, nhu cầu vay tín dụng ngân hàng sẽ tăng lên nhanh. Tăng nhanh tỷ lệ cung ứng tiền tệ sẽ đáp ứng được cầu tín dụng, tạo thêm những điều kiện thuận lợi mới, giúp các nhà đầu tư trong nước khai thác tốt hơn những cơ hội đầu tư và những tiềm năng sẵn có phục vụ mục tiêu tăng trưởng. 

Thứ ba, vì tỷ lệ đô la hoá ở nước ta còn rất cao, hầu hết các khoản thanh toán lớn được thực hiện bằng ngoại tệ, đặc biệt là đối với các giao dịch thanh toán của khu vực tư nhân, nên phát hành nội tệ để mua ngoại tệ về thực chất chỉ là thay số lượng ngoại tệ đang lưu thông bằng nội tệ, không có thay đổi gì về tổng phương tiện thanh toán là chỉ tiêu chính mà Ngân hàng nhà nước tập trung theo dõi, do đó không tạo các áp lực đáng kể đối với mặt bằng giá. Trên thực tế, từ 5 năm nay, phá giá nội tệ và những đợt mua bán đô la của Ngân hàng trung ương trên thị trường ngoại hối đã không gây ảnh hưởng lớn tới giá cả. Lần này, nếu mua ngoại tệ vào nhiều có làm giá cả tăng lên thì càng có lợi vì chúng ta đang muốn chống tình trạng thiểu phát. Phát hành nội tệ để mua ngoại tệ sẽ làm tăng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng trung ương, cho phép tăng nhanh nhập khẩu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tóm lại, nền kinh tế nước ta đang tăng trưởng dưới tiềm năng trong khi thiểu phát đã thực sự hiện diện, đây là hậu quả của chính sách tiền tệ chặt áp dụng quá dài. Để thực sự kích cầu, khuyến khích đầu tư và phục hồi lại tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, cần mạnh dạn nới lỏng nhanh chính sách tiền tệ theo hướng đưa tỷ lệ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán lên tới 26-28% và hạ lãi suất huy động xuống còn khoảng 7% trong năm nay. Nếu không sớm điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng này, chúng tôi tin rằng nền kinh tế nước ta sẽ còn trì trệ trong thời gian tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét