Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Lạm phát ở châu Á: Căn nguyên và giải pháp

Chủ Blog bình: Căn nguyên của lạm phát tại các nước đang phát triển thì rất nhiều, nhưng chủ yếu được quy về hai loại: 1) Lạm phát do tiền tệ (monetarist); 2) Lạm phát do cơ cấu (structuralist). Theo thuyết lạm phát cơ cấu, có 3 nhân tố quyết định lạm phát là Thâm hụt ngân sách kéo dài (dẫn tới các chính quyền công khai hoặc ngấm ngầm in tiền để chi tiêu, Phá giá tỷ giá danh nghĩa và Thiếu hụt triền miên 1 số loại hàng hóa cơ bản, nhất là lương thực thực phẩm. Có thể chứng minh được nguyên nhân lạm phát tại đa số các nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rõ ràng là do cơ cấu, trong đó nổi bật là quản lý ngân sách (và đằng sau đó là  in tiền để chi tiêu) nhưng đa phần các chính phủ không chịu  thừa nhận sự thật này (xem thêm bài Nguyên nhân của lạm phát ở nước ta trong thời kỳ bao cấp, tại địa chỉ: http://toithichdoc.blogspot.com/2011/04/nguyen-nhan-cua-lam-phat-o-nuoc-ta.html). Khi mà đã không dám chỉ ra nguyên nhân thì mọi chính sách chống lạm phát cũng chỉ mang tính tạm thời. Bài viết dưới đây đã phần nào phản ánh được sự thật nói trên.

Lạm phát ở châu Á: Căn nguyên và giải pháp

Các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế châu Á Bác Ngao - quy tụ giới tinh hoa chính trị và kinh doanh của châu Á - tổ chức trên đảo Hải Nam cuối tuần qua đều bộc lộ mối lo ngại chung về triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.

Phát biểu trước Diễn đàn Bác Ngao hôm Chủ nhật 17-4, người lãnh đạo công ty đầu tư thuộc quỹ đầu tư nhà nước Trung Quốc (CIC) Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei) nói rằng ông nhìn thấy những đám mây đen tích tụ trên bầu trời kinh tế do cuộc khủng hoảng nợ đang tiếp diễn tại châu Âu, khủng hoảng nhà đất tại Mỹ chưa có dấu hiệu kết thúc, và thảm họa thiên nhiên làm triệt tiêu sự phục hồi mong manh ở Nhật Bản.
Theo ông Lâu, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa lỏng lẻo của các nền kinh tế này - chẳng hạn những gói cứu nguy mà châu Âu dành cho Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, việc bơm tiền hỗ trợ thị trường tài chính khỏi sụp đổ sau thảm họa động đất và sóng thần của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hay biện pháp "nới lỏng định lượng" của Cục Dự trữ trung ương Mỹ (FED) - đã làm cho thị trường trở nên dư thừa tiền bạc, kích thích đầu cơ và gây ra lạm phát ở các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc.
Quan điểm của ông Lâu - cũng như của các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc - đã nhận được sự tán thành của các đại biểu đến từ các nền kinh tế đang phát triển châu Á. Được coi là những động lực mới của sự tăng trưởng toàn cầu, các nền kinh tế này đều tỏ ra bất bình vì cho rằng các nước giàu đang đẩy gánh nặng phi lý lên vai họ và họ đặc biệt lo ngại về hiện tượng nguồn vốn "nóng" từ các nước giàu "ồ ạt" chảy sang các nước đang phát triển. FED chẳng hạn đã bơm hàng trăm tỉ đô la vào nền kinh tế với hy vọng kích thích tăng trưởng nhưng phần lớn khoản tiền đó đã chảy vào các thị trường tài chính nước ngoài khi nhà đầu tư tìm lợi nhuận cao hơn ở các khu vực tăng trưởng nhanh. Cơn lũ tiền này đẩy giá các loại nguyên liệu như dầu mỏ, đồng, bông vải, đậu nành và các hàng hóa khác lên cao, góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát lên Trung Quốc và các nước châu Á khác.
Căn nguyên của nạn lạm phát, theo nhiều nhà phân tích, nằm trong cơ cấu của các nền kinh tế đang phát triển, trong chiến lược thúc đẩy tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư mà coi nhẹ thị trường tiêu dùng nội địa. Chừng nào cơ cấu kinh tế này chưa được thay đổi triệt để, khả năng kiềm chế lạm phát càng ít có hiệu quả
Tình hình đó đặt các nhà hoạch định chính sách của các nước đang phát triển trước một nhiệm vụ bất khả thi: làm thế nào duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao mà vẫn kiềm chế được lạm phát trong khi theo lý thuyết, các biện pháp kiềm chế lạm phát chắc chắn sẽ làm chậm đà tăng trưởng. Kinh tế Trung Quốc chẳng hạn, theo ông Lâu Kế Vĩ, năm nay dự báo tăng trưởng chỉ ở mức 9,5%, giảm mạnh so với mức 10,3% năm ngoái.

Số liệu của cơ quan thống kê Trung Quốc công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3-2011 đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong ba năm gần đây, cao hơn đáng kể so với mức tăng 4,9% trong tháng 2-2011 và vượt xa mục tiêu 4% mà chính phủ Bắc Kinh đặt ra cho năm nay.
Chợ cá ở thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam Trung Quốc, nơi diễn ra Diễn đàn kinh tế Bác Ngao cuối năm trước. Ảnh: NYT.
Để ứng phó với lạm phát, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ và kiểm soát giá cả. Hôm Chủ nhật, Trung Quốc đã nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại thêm nửa điểm phần trăm, lên mức 20,5% - mức cao nhất thế giới. Đây là lần tăng dự trữ bắt buộc thứ tư trong năm nay và từ tháng 10 năm ngoái đến nay Trung Quốc cũng đã bốn lần tăng lãi suất cho vay để giảm bớt nhu cầu tín dụng và tăng lãi suất huy động để khích lệ người dân gửi tiền vào ngân hàng. Ngoài ra, chính phủ Bắc Kinh đã nâng mức trợ cấp nông nghiệp để nông dân không bán sản phẩm với giá quá cao, ngăn cấm các nhà sản xuất nâng giá hàng hóa. Nhiều nước đang phát triển khác, như Việt Nam, cũng đã thực thi những biện pháp tương tự.
Tuy nhiên, những biện pháp như vậy đem lại những kết quả không rõ ràng, không giải quyết gốc rễ của vấn đề hoặc không đủ liều lượng cần thiết.
Căn nguyên của nạn lạm phát, theo nhiều nhà phân tích, nằm trong cơ cấu của các nền kinh tế đang phát triển, trong chiến lược thúc đẩy tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư mà coi nhẹ thị trường tiêu dùng nội địa. Chừng nào cơ cấu kinh tế này chưa được thay đổi triệt để, khả năng kiềm chế lạm phát càng ít có hiệu quả.
Tại Trung Quốc, bất chấp những biện pháp thắt chặt tiền tệ của chính phủ, trong quí 1-2011 tổng vốn đầu tư vào tài sản cố định vẫn tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và đầu tư bất động sản tăng 37%. Chính luồng tiền lớn này là nguyên nhân chủ yếu gây ra lạm phát chứ không phải dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ Mỹ hay các nền kinh tế phát triển khác. Vả lại, dù là nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới, đồng tiền của Trung Quốc vẫn chưa chuyển đổi được, tỷ giá vẫn bị nhà nước khống chế và thị trường tài chính được kiểm soát chặt, Trung Quốc khó có thể bị lung lạc bởi dòng vốn nước ngoài như nhận định của giới hoạch định chính sách nước này.
Những nguyên nhân khác, như sự tăng giá cả hàng hóa, nguyên liệu trên toàn cầu, nằm ngoài phạm vi kiểm soát của chính phủ Bắc Kinh. Tại Trung Quốc, giá xăng chẳng hạn, đã tăng theo đà tăng giá dầu thô trên thế giới, từ mức tương đương 3,82 đô la Mỹ/gallon hồi cuối năm 2009 lên 4,5 đô la Mỹ/gallon hiện nay. Đà tăng giá xăng dầu gây sức ép lớn lên nhập khẩu, khiến trong tháng 3-2011 Trung Quốc bị thâm hụt thương mại lần đầu tiên trong vòng bảy năm qua. Tuy nhiên, biến động giá xăng dầu và nguyên liệu phụ thuộc chủ yếu vào sự mất cân bằng cung-cầu. Trên thị trường dầu mỏ chẳng hạn, nhu cầu tiêu thụ lớn và tăng nhanh của các nền kinh tế đang phát triển cộng với tình hình bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi đẩy giá dầu liên tục leo thang trong thời gian gần đây. Giá dầu tăng - kéo theo sự tăng giá của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác, tác động đến toàn thế giới chứ không riêng gì Trung Quốc; Mỹ là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi giá xăng dầu nhưng tỷ lệ lạm phát của Mỹ tháng trước chỉ ở mức 1,2%, từ đó không có cơ sở để cho rằng, chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Mỹ là thủ phạm làm tăng giá xăng dầu.
* * *
Từ quan điểm lạm phát bắt nguồn từ chính sách tiền tệ lỏng lẻo của các nước giàu, Diễn đàn kinh tế Bác Ngao tìm thấy giải pháp ở việc yêu cầu các nước giàu siết chặt tín dụng, giảm thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại. Ông Đới Tướng Long (Dai Xianglong) Giám đốc Quỹ an sinh xã hội quốc gia và cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho rằng Mỹ cần phải duy trì sự ổn định của đồng đô la thông qua việc cắt giảm thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại ở mức ngang với các nước đang phát triển. Châu Âu dường như đang theo đuổi xu hướng này, khi gần đây Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu tăng lãi suất cơ bản và buộc nhiều quốc gia thành viên phải thắt lưng buộc bụng để đưa mức thâm hụt ngân sách về ngưỡng 3% GDP trong vòng năm năm tới.
Nhưng, đối với các nền kinh tế đang phát triển, sự thắt chặt chi tiêu ở các nước phát triển không hẳn là điều đáng mong đợi.
Nhiều nhà kinh tế khác đã bắt đầu tin rằng, lạm phát cao có thể sẽ kéo dài, gây khó cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng. Trong tiến trình cải cách cơ cấu kinh tế, phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, các chính phủ buộc phải giảm đầu tư công, tăng lương cho người lao động để mở rộng sức mua của người dân. Tuy nhiên, tăng lương thường kéo theo sự gia tăng chi phí sản xuất, đẩy giá thành sản phẩm lên cao và do đó tăng lương lại là nguồn gây lạm phát trong những năm tới.
Dong Tao, nhà kinh tế của Ngân hàng Credit Suisse ở Hồng Kông, nhận định: "Trung Quốc đang bước vào một kỷ nguyên mới. Trong thập kỷ trước, lạm phát của nước này bình quân vào khoảng 1,8%/năm nhưng trong thập kỷ này, con số đó sẽ không dưới 5%/năm".
Sự thay đổi đó ở các nền kinh tế đang phát triển châu Á nói chung, ở Trung Quốc nói riêng, sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu. Chi phí lao động, chi phí sản xuất tăng lên buộc nhà xuất khẩu phải nâng giá bán hàng hóa. Người tiêu thụ ở các nước giàu buộc phải mua hàng với giá cao hơn hoặc phải tìm nguồn hàng ở những nền kinh tế khác, nơi có chi phí sản xuất thấp hơn Trung Quốc. Và đây có thể là cơ hội cho những nước đang phát triển đi sau, ở bậc thang thấp hơn trong dây chuyền cung ứng toàn cầu.
Theo TBKTSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét