Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Báo Tây loan tin về phở đắt nhất Việt Nam

Báo Tây loan tin về phở đắt nhất Việt Nam 

Không chỉ báo chí trong nước quan tâm đến loại phở "đại gia" có giá lên tới 40 USD/bát, những hãng thông tấn hàng đầu của Anh cũng bắt đầu loan tin về loại phở này.
Hãng Reuters của Anh nhận định bất chấp giá cả leo thang và những lo ngại về thực phẩm Nhật Bản nhiễm xạ, phở bò Kobe tại Hà Nội vẫn vô cùng hút khách. Kế đó BBC  thực hiện một cuộc phỏng vấn riêng với ông chủ phở "đại gia" Tôn Lâm. Chừng đó đủ thấy loại phở này "hút" sự tò mò của du khách như thế nào.


 Bếp trưởng Phạm Văn Sơn của nhà hàng phở thuộc Capital Garden Hotel tại Hà Nội chuẩn bị nguyên liệu để làm phở


Nhân viên của nhà hàng chuẩn bị nước dùng và những phụ liệu cho món phở bò "đại gia"


Trên tay đầu bếp Sơn là những lát thịt bò Kobe đắt đỏ từ Nhật.


Bò Kobe trải qua quá trình nuôi dưỡng hết sức khắt khe từ mát xa, nghe nhạc, uống nước tinh khiết và thậm chí cả bia. Do đó, theo giới thiệu đây là loại thịt bò “cực phẩm” cho vị thơm nhẹ và có giá đắt gấp vài chục lần thịt bò thông thường.


Ông Tôn Lâm, Việt Kiều Mỹ đang thưởng thức món phở đại gia của cửa hàng mình.


Một bát phở thịt bò Kobe đắt nhất có giá khoảng 850.000 đồng, gấp khoảng 40 lần những bát phở thông thường trên đường phố Hà Nội


Dù vậy, loại phở này vẫn vô cùng hút khách trong đó những người đến thưởng thức phần lớn là người giàu.

Thiên Thư (Theo Reuters, BBC)

------------------

Hàng triệu người châu Á có thể tái nghèo sốt giá lương thực. 

ADB nhận định nếu giá lương thực trong nửa cuối 2011 tiếp tục tăng cao như đầu năm, tăng trưởng kinh tế khu vực có thể giảm tới 1,5% và hàng triệu người tái nghèo.

Một nông dân Ấn Độ đang thu hoạch vụ mùa
Một nông dân đang thu hoạch vụ mùa tại ngoại ô thành phố Amritsar, miền tây bắc Ấn Độ ngày 19/4. Ảnh: AFP

Theo một báo cáo mới đưa ra hôm nay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), giá lương thực toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục trong 2 tháng đầu năm 2011. Tình trạng này đe dọa đẩy hàng triệu người dân ở các nước châu Á đang phát triển vào cảnh cùng cực.
Một trong những nguyên nhân khiến giá thực phẩm tăng cao là chi phí sản xuất đối với nhiều loại cây lương thực tại châu Á tăng nhanh kể từ giữa năm ngoái. Ngoài ra, dầu thô đạt đỉnh của 31 tháng cũng góp phần khiến đà phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu của khu vực bị chậm lại.
Ở nhiều nền kinh tế châu Á, lạm phát lương thực đã đạt mức trung bình 10% trong đầu năm 2011. Ở các nước châu Á đang phát triển, nơi cư trú của 3,3 tỷ người, mức tăng này có thể đẩy thêm 64 triệu người vào cảnh nghèo khổ với thu nhập dưới mức 1,25 USD một ngày.
Ông Changyong Rhee, trưởng Ban Kinh tế của ADB phát biểu: "Đối với những gia đình nghèo ở các nước châu Á đang phát triển, họ phải dành hơn 60% thu nhập cho lương thực. Do đó, khi giá thực phẩm tăng cao họ sẽ càng khó có khả năng chi trả các dịch vụ khác như y tế và giáo dục. Cuộc khủng hoảng lương thực có thể làm xói mòn những thành quả xóa đói giảm nghèo mà châu Á đã đạt được trong thời gian gần đây".
"Từ nay đến cuối năm, giá cả lương thực toàn cầu và dầu thô tiếp tục tăng cao như trong nửa đầu năm, tăng trưởng kinh tế của khu vực có thể giảm tới 1,5%", báo cáo của ADB cảnh báo.
Trong khi đó, dự trữ ngũ cốc đang giảm khiến giá lương thực có thể còn biến động và giữ ở mức cao thời gian tới. Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác như cơ cấu và chu kỳ, vốn từng xuất hiện trong cuộc khủng hoảng 2007-2008, cũng góp phần khiến giá tăng lên. Giá gạo nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng tăng do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết La Nina.
Tiến sỹ Changyong Rhee nói thêm: "Để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng, các nước cần kiềm chế lệnh cấm xuất khẩu đối với các mặt hàng lương thực, đồng thời tăng cường hệ thống an sinh xã hội. Các nỗ lực để ổn định sản xuất cần được chú trọng với việc đầu tư thêm cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp để nâng cao sản lượng lương thực và mở rộng hệ thống kho chứa, đảm bảo rằng lương thực sản xuất ra không bị lãng phí".
Chính phủ các nước châu Á cũng đã tiến hành nhiều biện pháp ngắn hạn để giảm nhẹ tác động gay gắt của lạm phát lương thực, bao gồm cả bình ổn giá. Tuy nhiên, ADB vẫn khuyên các nhà hoạch định chính sách cần tập trung vào các biện pháp dài hạn để tránh một cuộc khủng hoảng trong tương lai.
An Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét