Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2023

Loạn cào cào ngã tư chùa Quan Thánh lúc ban mai.

Loạn cào cào ở ngã tư chùa Quan Thánh lúc ban mai.
Sáng nay, mình phải lái xe đưa vợ mình đến điểm hẹn để đi du lịch cùng anh chị em đội Yoga Thân Khí Thiền. Lúc về, mình đi ngang qua ngã tư chùa Quan Thánh lúc khoảng 6h40. Không đi không biết, đi rồi mới biết văn hóa giao thông của một bộ phận người được coi là có dân trí và thu nhập cao, biết quan tâm tới sức khỏe của mình... nó tệ hại như thế nào.
Việc chăm lo tập thể dục thể thao là đúng đắn, cần thiết và cần được khuyến khích. Các cấp chính quyền của thủ đô đã phát triển nhiều địa điểm phục vụ người dân tập thể dục thể thao, nhất là ở các khu vực công cộng như công viên, vườn hoa, bờ hồ... Các điểm rèn luyện tập thể dục thể thao tư nhân cũng nở rộ ở khắp nơi. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nơi tập thể dục thể thao vẫn còn khá phổ biến, nhất là cho các môn thể thao ngoài trời như xe đạp, chạy bộ...

Hiện nay rất nhiều người dân Thủ đô đang đạp xe và chạy bộ, đi bộ mỗi sáng và mỗi chiều tối. Vì không có đường dành riêng cho họ nên họ đạp xe và chạy bộ, đi bộ chung với tất cả các phương tiện giao thông khác trên các đường phố.

Trên mạng xã hội, rất nhiều hội, nhóm tập thể dục với xe đạp hoặc chạy bộ đã được thành lập; sinh hoạt rất vui vẻ và chăm chỉ. Do đó, lúc tối trời và buổi sáng sớm, lượng người đạp xe và chạy bộ, đi bộ trên đường phố Thủ đô rất đông.

Đáng nói là giờ người dân xuống đường đạp xe và chạy bộ, đi bộ trùng với giờ người lao động đi làm hay tan tầm về nhà; trong khi có một bộ phận không nhỏ người chơi thể dục thể thao bằng cách đạp xe và chạy bộ, đi bộ rất thiếu ý thức và gây ảnh hưởng đến cộng đồng.

Sáng nay lái xe ngang qua ngã tư chùa Quan Thánh và dọc theo các tuyến đường Thụy Khuê, Thanh Niên mới thấy đúng là loạn cào cào. Người đạp xe, người chạy, người đi bộ mạnh ai nấy đi, bất cần tuân thủ pháp luật về giao thông và đạo đức, văn minh xã hội. 

Họ quan niệm họ là vua, tất cả các xe qua lại đều phải dừng cho họ đi ngang đi dọc, họ đứng giữa đường nói chuyện hay mua sắm hàng bày trên vỉa hè... tại bất cứ điểm nào, không cần biết đèn xanh đèn đỏ. Nói chung là họ sử dụng đường công cộng như trong nhà riêng của họ.

Những người tham gia giao thông như tôi mà lỡ đụng phải một người họ thì chắc sẽ bị cả đám đông chặn lại chửi rủa thậm tệ và bắt bồi thường rất nặng. Đám đông này hành xử theo chủ nghĩa bầy đàn, lúc nào họ cũng nghĩ là mình đúng.

Đi trên những tuyến đường ở Hà Nội thường có những người chơi thể dục thể thao ngay trong lòng đường như đường vòng quanh Hồ Tây, hồ Trúc Bạch và đường trong khu Đoàn ngoại giao Xuân Tảo nơi tôi ở... Và tôi thấy người đạp xe và chạy bộ, đi bộ thường cũng phớt lờ luật pháp về giao thông y như thế. Họ sẵn sàng dừng xe đột ngột bất cứ chỗ nào; đỗ, dừng lộn xộn ngay trên đường, thậm chí ngay giữa đường để chào nhau, để tán gẫu hàng chục phút mặc kệ xe cộ lưu thông xung quanh họ. Khi các lực lượng chức năng nhắc nhở, họ chỉ di chuyển lấy lệ rồi tiếp tục dừng đỗ, dừng vô tội vạ.

Đặc biệt vào sáng sớm và chiều tối hay lúc giờ cao điểm, chúng ta rất dễ dàng nhận ra những đoàn xe đạp thản nhiên lao vào các tuyến đường không cho phép phương tiện thô sơ lưu thông; nổi tiếng nhất là phi như bay trên các tuyến đường cao tốc dành riêng cho ô tô, nhất là tuyến Võ Nguyên Giáp ra sân bay Nội Bài.

Không những vậy, họ còn dàn hàng ngang, vừa đi vừa chuyện trò rất hăng say, rồi vừa đi vừa điện thoại... Lúc cần rẽ hoặc chuyển làn thì vô tư bẻ lái đột ngột... Họ thản nhiên như thế vì biết rằng vào những lúc đó, các lực lượng chức năng chưa ra phố, hoặc đang bận rộn hướng dẫn giao thông để hạn chế tắc đường, nên không thể chặn xe và phạt họ được.

Nhiều tai nạn đã xảy ra vì nguyên nhân từ những người đạp xe, đi bộ, chạy bộ. Hoặc họ vội vã, cắm đầu nhắm mắt lao thẳng vào các phương tiện giao thông khác trên đường; hoặc để tránh họ đang ào ào phi tới, nhiều người tham gia giao thông đúng luật đã phải dừng, phanh gấp hoặc chuyển làn đột ngột gây tai nạn... Đáng nói nữa là các “cua-rơ” và người chạy bộ kia không bao giờ dừng lại giải quyết hậu quả.

Tôi rất căm giận những người như thế. Họ thường là người khá giả nên mới không bận mưu sinh túi bụi mà có nhiều thời gian cho thể dục thể thao. Họ cùng thường là người có văn hóa cao nên mới biết chăm lo cho sức khỏe chu đáo như thế...

Nhưng tiền nhiều mà luyện tập thể thao như thế thực chất chỉ là loại trọc phú, phần nhiều do tham nhũng, lừa đảo mà ra. Văn hóa cao mà cư xử như đám lưu manh côn đồ như thế thì cũng chỉ là loại văn hóa méo mó, dị dạng, quái đản, thực chất là vô văn hóa.

Tôi kêu gọi họ hãy thức tỉnh, cư xử sao cho có văn hóa. Tôi cũng kêu gọi các bạn đọc được bài này hãy khuyên bảo, nhắc nhở người nhà, người quen... khi đạp xe và chạy bộ, đi bộ hãy tôn trọng luật lệ giao thông và cư xử thân ái, hòa nhã với những người khác đang tham gia giao thông trên đường.

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Tràng An xưa kia, Hà Nội ngày nay, chính là kinh đô của 20 Vương Triều phong kiến Việt Nam, nên là nơi tụ hội kết tinh của những gì tốt đẹp nhất của văn hóa dân tộc. Vì vậy cụm từ người Tràng An trong câu ca dao trên có nghĩa là người Thăng Long, người Hà Nội chúng ta có lối sống rất tao nhã thanh cao, văn minh, lịch sự, là tấm gương cho đồng bào cả nước noi theo.

Và đặc biệt, lối sống văn minh đó đã trở thành bản sắc của người Thăng Long, người Hà Nội. Dù có đi bất cứ đâu, đến bất cứ vùng miền nào, họ đều mang văn hóa ứng xử của mình đến đó; lối sống văn minh của người Thăng Long, người Hà Nội cũng không thể và không bao giờ thay đổi.

Do đó, chúng ta hãy ra sức giữ lấy truyền thống đó, đừng để kinh tế thị trường và đồng tiền làm nó biết mất như một bộ phận những người đạp xe, đi bộ, chạy bộ trên đường thủ đô hiện nay.

Chúc các bạn có hai ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ, hạnh phúc và hiệu quả.
Ảnh trước chùa Quán Thánh để minh họa



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét