Thứ Tư, 25 tháng 10, 2023

'Con ơi nghỉ học đi, mẹ đi làm cực khổ quá không có tiền...'

Ngay từ năm 1983, nhờ được đọc những sách báo phương Tây được chú Việt Phương (thư ký khoảng 40 năm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng) lấy từ văn phòng Tổng bí thư và Phủ thủ tướng đưa cho, tôi đã có một nhận thức sâu sắc rằng đất nước muốn phát triển thì yêu cầu đầu tiên và không thể thiếu là phải phổ cập hóa tiểu học và trung học cơ sở. Phổ cập hóa tức là bắt buộc tất cả trẻ em trong độ tuổi phải đến trường học và nhà nước đảm bảo mọi chi phí và điều kiện ăn học ở trường cho trẻ. Mục tiêu là để mỗi trẻ em đều được học làm người, tức là đều biết phải tự mình lao động để tồn tại, không thể dựa dẫm vào người khác; đều biết mỗi khi gặp khó khăn thì phải tự nghĩ ra cách vượt qua; đều biết sống trong xã hội thì phải tôn trọng, thực hiện đúng và tốt nhất các quy tắc xã hội (luật pháp, đạo lý dân tộc...). Do đó, giáo dục là nhiệm vụ cơ bản của mỗi nhà nước. Rất tiếc nền giáo dục VN không làm được như thế. Cố GS Hoàng Tụy, nhà toán học nổi tiếng thế giới đồng thời là sếp trực tiếp của tôi, đã từng nói "Giáo dục không chỉ lạc hậu mà còn đang… lạc lối". Nguyên nhân không đơn giản chỉ là ngành giáo dục được bố trí tiền ngân sách quá ít so với các ngành khác mà nguyên nhân chính là những người lãnh đạo quốc gia và ngành giáo dục đều không nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục đối với sự nghiệp phát triển đất nước; do đó họ không quan tâm tới giáo dục, để cho giáo dục tự xoay xở trong cơ chế kinh tế thị trường với đầy khuyết tật. Mặt khác, họ đặt những người kém hiểu biết và không có tâm lên làm lãnh đạo ngành giáo dục, để những người này chỉ biết tiêu tiền vô tội vạ mà không hề quan tâm tới hiệu quả.  
'Con ơi nghỉ học đi, mẹ đi làm cực khổ quá không có tiền...'
21/10/2023 Người mẹ nghèo ở vùng xa xôi hẻo lánh tỉnh An Giang từng nói với con khi thấy mình không thể lo tiếp cho con. Cô con gái nhỏ lúc đó học lớp 9 bật khóc. Người mẹ biết mình phải lo cho con đến cùng. Giờ cô bé năm nào bước vào đại học với bao lo toan.

Hồi còn ở nhà, khi rảnh rỗi, Thảo Quỳnh phụ chị dâu bán cơm ở chợ để mẹ con em đỡ ba bữa cơm mỗi ngày - Ảnh: CHÍ HẠNH

Cánh tay phải của mẹ

Đó là những gì Trần Mai Thảo Quỳnh (ngụ ấp Phú Đông, xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã đeo mang khi lên thành phố nhập học. Cô là tân sinh viên ngành Đông phương học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Mẹ Quỳnh, bà Mai Thị Thảo (50 tuổi) làm đủ thứ nghề nuôi con. Khi Quỳnh được 2 tuổi (Quỳnh còn có một người anh), bà bị chồng bỏ rơi. Trong tay không có "mảnh đất cắm dùi", mẹ con bà Thảo dắt nhau về ở đậu nhà ngoại cho đến tận bây giờ.

Thương hai con còn nhỏ, bà không đi thêm bước nữa, ở vậy lo cho con. "Ban đầu tôi ra mé chợ bán cơm, sau thì bán nước mía, rồi đi phụ hồ ở Bình Dương", bà Thảo nhớ lại.

Năm anh của Quỳnh học lớp 10, thấy mẹ quá cực nhọc, người anh đành nghỉ học để nhường suất cho em. Lên 22 tuổi, anh trai Quỳnh lấy vợ rồi phiêu bạt tới Bình Dương kiếm sống.

Khuya 3 năm trước, lúc đang ngủ với con gái, tay chân bên phải của bà Thảo bất động hoàn toàn, nhìn con nhưng không nói được. Bà nhập viện, bác sĩ nói bà bị tai biến nặng.

Sau một thời gian trị liệu tích cực, cuối cùng bà Thảo cũng nói chuyện được trở lại. Nhưng tay và chân phải của bà vẫn mất khả năng vận động.

Vận đen vẫn không buông tha mẹ con bà Thảo. Năm lớp 11, một cơn bạo bệnh ập đến với Quỳnh. Em được chẩn đoán bị lao, tràn dịch màng phổi, uống thuốc nhiều tháng trời.

Chỉ còn một tay vận động được, một chân thì lê lết, bà Thảo nghỉ bán cơm và chuyển sang bán nước dừa, nước mía. Sau giờ học ở trường, Quỳnh là một cánh tay, một chân còn lại của mẹ.

Mỗi ngày, cô bé lo chuyện giặt giũ, giúp mẹ chặt dừa, ép nước mía rồi bê đi giao cho khách quanh khu chợ. Còn lúc con đi học, bà Thảo nhờ xóm giềng phụ giúp một tay.


Lợi nhuận từ quán nước mía, nước dừa ở quê là nguồn tiền duy nhất bà Thảo lo con ăn học - Ảnh: CHÍ HẠNH

Xót xa nỗi khó khăn của mẹ, vợ chồng người con lớn dắt nhau về lại quê nhà, mở lại quán cơm của mẹ ngày trước. Mỗi khi rảnh rỗi, Quỳnh ra đây phụ giúp anh chị bưng bê. Đổi lại, Quỳnh cùng mẹ đỡ gánh lo cơm nước ngày ba bữa.

Thi thoảng, cơn ho lại ập tới với Quỳnh, nước mũi chảy ròng ròng. "Mỗi lần con nó ho, tôi sợ lắm. Ước gì tôi có thể gánh hết bệnh tật cho con", bà Thảo sụt sùi.

Mẹ con nương nhau mà đi tới

Năm Quỳnh lên lớp 5, mẹ lên Bình Dương làm phụ hồ. Quỳnh cảm nhận được nỗi cực nhọc của mẹ nên ngỏ lời xin nghỉ học để đi làm nhưng mẹ phản đối.

"Thấy con học giỏi từ nhỏ, lớp 5 nghỉ cũng không biết làm được việc gì nên tôi ráng cho nó theo học được lớp nào hay lớp đó. Nhưng năm con lên lớp 9, tôi quá cực rồi, nghĩ lo không nổi cho con ăn học được nữa nên tôi nói "con ơi nghỉ đi, mẹ đi làm cực khổ quá không có tiền".

Quỳnh nó bật khóc. Rồi từ đó đến nay, tôi từ bỏ luôn ý nghĩ kêu con bỏ học", bà Thảo nói.

Quỳnh đạt học sinh giỏi trong suốt 12 năm liền. Năm cấp 2, Quỳnh học gần nhà nên đến trường bằng xe đạp. Năm lên cấp 3, trường cách xa gần 16 cây số, phải quá giang bạn bè. Dù có khó khăn đến mấy nhưng em vẫn luôn trong nhóm học sinh đứng đầu các cấp.

Quỳnh nói thích nhất ngành du lịch, nhưng chọn ngành Đông phương học để mẹ đỡ lo tiền học phí. Gói chút quần áo, mẹ con Quỳnh gom hết số tiền dành dụm rồi mượn thêm của ngoại 8 triệu đồng. Họ hùn tiền xe đi cùng những người lên thành phố khám bệnh để bắt đầu hành trình mới.

"Từ bây giờ tôi phải tằn tiện lo cho con 4 năm đại học, để nó có cái nghề trong tay, thay đổi cuộc sống. Nhưng tôi cũng lo lắng lắm, sợ sức khỏe của con bé chịu không nổi áp lực học hành", bà Thảo thổ lộ.

https://tuoitre.vn/con-oi-nghi-hoc-di-me-di-lam-cuc-kho-qua-khong-co-tien-20231020213221886.htm







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét