Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

Đất rừng phương Nam thu 45 tỷ và chuyện Hội nhóm Tàu ?

Đất rừng phương Nam thu 45 tỷ và chuyện 'ít bột gột hồ loãng'
Mai Thăng 17/10/2023 - Đất Phương Nam (1997) có cố vấn phong tục tập quán là nhà văn Sơn Nam và nhà báo Bảy Triển, còn Đất rừng Phương Nam thì sao?

Cảnh trong phim “Đất rừng phương Nam”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Lúc xem phim Đất phương Nam bản truyền hình năm 1997, đến đoạn ông Ba bắt rắn, Võ Tòng, Cò và An đi xuồng đến nhà làm lễ hỏi cưới Út Trong, tôi khá ấn tượng khi nhà làm phim chèn một bài hát nghe lạ nhưng rất hay. Tôi muốn nghe lại nhiều lần nhưng không tài nào tìm ra tên bài hát này.

Sau này, khi mọi thông tin đều trở nên phổ biến và dễ dàng tìm kiếm nhờ Internet, tôi mới biết đây là bài hát Dân ca Nam bộ, tên là Lý đầu cầu (bản do Nhất Sinh và Bích Phượng hát. Nhiều người bình luận nói rất thích bài hát và tìm kiếm bấy lâu nay mới biết được tên giống tôi. Thậm chí có người còn chèn bài hát này vào phim ngắn đi hỏi vợ của mình giống như phim.

Điều tôi thích thú nữa là khi ông Ba bắt rắn và Võ Tòng kết nghĩa anh em, khi họ chuẩn bị đắp đất xây nhà thì cúng vái, khấn thần linh thổ địa cho phép và phù hộ người nơi xa đến lập nghiệp. Dựng ngôi nhà lá đơn sơ, họ cũng làm lễ cúng khi gác đòn dông cho đúng phong tục.

Xóm làng xung quanh thấy ông Ba bắt rắn từ nơi xa đến, tay trắng nên kẻ giúp sức, người góp vài thúng gạo để ăn dần. Một kỳ lão trong xóm còn dặn dò: "Ráng coi miếng đất nào được được thì khai phá vài công để làm ăn với người ta nghe mậy".

Rất hào sảng, chơn chất và đùm bọc nhau của những con người đi khai phá đất phương Nam vào những thế kỷ trước.

Ngoài ra, trong suốt chục tập phim truyền hình, khi xem kỹ, tôi học được rất nhiều lối sống văn hóa của người Nam bộ thuở xưa. Có được như vậy là nhờ đâu?

Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy phần giới thiệu phim có ghi "Cố vấn phong tục tập quán: Sơn Nam - Bảy Triển". Sau này, trong một bài viết, Nghệ sĩ Mạnh Dung (trong vai ông Ba bắt rắn cho rằng: "Nói về thành công của phim, ngoài đội ngũ rất am hiểu và trân trọng văn hóa Nam bộ, cần nhắc đến cố vấn phong tục tập quán cho phim là nhà văn Sơn Nam, nhà báo Bảy Triển".

Tôi sẽ không nói nhiều về hai nhà cố vấn văn hóa phong tục cho bộ phim này, nhất là nhà văn Sơn Nam vì ông quá nổi tiếng, hai là dành phần cho các bạn tìm hiểu.

Bây giờ là lúc nói về bản điện ảnh cùng tên và "lấy cảm hứng từ tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi" đang gây tranh cãi suốt mấy ngày qua và dự và sẽ còn gây tranh cãi tiếp.

Đất rừng phương Nam dù bị chỉ trích "sai lệch lịch sử" nhưng doanh thu đạt gần 45 tỷ đồng sau ba ngày chiếu sớm với 465 nghìn lượt khán giả (13-15/10). Dĩ nhiên, một tác phẩm khi trình chiếu thì bao giờ cũng có hai luồng ý kiến ủng hộ và phê bình.

Tôi không đánh đồng doanh thu tỷ lệ thuận với chất lượng phim, tuy nhiên nó nói lên một điều là khán giả Việt đang khát những phim văn hóa, lịch sử. Với chiến dịch PR rầm rộ ngay từ khi casting diễn viên thì lượng người tò mò, muốn đi xem cho biết không phải là ít.

Với những tranh cãi về chi tiết trang phục của Bác Ba Phi (Trấn Thành), Út Lục Lâm (Tuấn Trần) hay ngay cả bé An rằng tại sao lại mặc áo nút vải, tại sao bộ râu dài của Bác Ba Phi lại trông "giả trân"... tôi nghĩ hoàn toàn có thể giải quyết được nếu trước đó đoàn phim có nghiên cứu và tham khảo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ có uy tín. Đây sẽ là bằng chứng thuyết phục để người xem tin tưởng và thưởng thức hơn là sa vào tranh cãi những chuyện trang phục, bối cảnh vốn là những thứ cơ bản buộc đoàn phim phải làm đúng.

Ngoài lề, tôi rất thích đọc truyện Bác Ba Phi và hơi lăn tăn khi Bác Ba Phi của Trấn Thành lại "nói đạo lý". Thủ thuật trào phúng của Bác Ba Phi nguyên mẫu và trong Đất Phương Nam (1997) là kể một câu chuyện quen thuộc với xóm giềng nhưng khéo léo gài một chi tiết quá "lố" nhưng vẫn tự nhiên khiến người nghe bật cười sảng khoái. Như chuyện con ếch to tổ chảng đánh vào sợi dây câu vô tình bật ra âm điệu, khiến Bác Ba Phi ngẫu hứng hát Dạ cổ Hoài lang...

Một số người cho rằng không thể đòi hỏi phim điện ảnh phải truyền tải thông điệp như phim truyền hình vì thời gian có hạn, và vì điện ảnh, chiếu ở rạp nên phải có tính giải trí. Nếu hài lòng như vậy thì đối với một phim điện ảnh đề tài văn hoá - lịch sử về những con người của một vùng đất - tức là không gian văn hoá, thì tôi e rằng quá dễ dãi.

Tôi không phủ nhận sự đầu tư của ekip làm phim, họ có tìm hiểu có cố gắng phục dựng lại Nam Bộ và con người xưa nhưng dường như chưa tới nên mới vấp phải nhiều tranh cãi. Nói nôm na là ít bột nên khi gột, hồ bị loãng.

https://vnexpress.net/dat-rung-phuong-nam-thu-45-ty-va-chuyen-it-bot-got-ho-loang-4665731.html#:~:text=%C4%90%E1%BA%A5t%20r%E1%BB%ABng%20ph%C6%B0%C6%A1ng%20Nam%20d%C3%B9,%E1%BB%A7ng%20h%E1%BB%99%20v%C3%A0%20ph%C3%AA%20b%C3%ACnh.

2. Phim Đất Rừng phương Nam lấy toàn tên các bang nhóm của Trung Quốc để ca ngợi họ đánh Pháp ở VN ?

Bộ phim Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là một trong những tác phẩm điện ảnh Việt được chờ đón của năm 2023. Phim xoay quanh nhân vật bé An đi tìm cha giữa bối cảnh cuộc nổi dậy chống Pháp của người miền Nam đầu thế kỷ 20.
Tuy nhiên, ngay từ những suất chiếu sớm, bộ phim nhận nhiều ý kiến trái chiều về nội dung, trong đó, câu chuyện về các bang nhóm như Thiên địa hội được dành khá nhiều ''đất''.

Nhà sản xuất ‘Đất rừng phương Nam’ đề xuất lên Cục Điện ảnh được đổi tên các bang phái trong phim sau khi tác phẩm bị chỉ trích ‘nâng tầm Thiên Địa hội’.

Trích dẫn các tài liệu lịch sử, bà Hà Thanh Vân nhận định phong trào yêu nước kháng Pháp của Thiên Địa hội có diễn ra ở miền Nam, song kết thúc vào năm 1916, sau cuộc nổi dậy cứu Phan Xích Long - người được tôn làm thủ lĩnh các hội kín Nam Kỳ. Trong tác phẩm của Đoàn Giỏi, câu chuyện diễn ra vào cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ, năm 1945, không nhắc đến các hội nhóm này. Còn phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có bối cảnh vào thập niên 1920-1930, 
lùi xa thời điểm ra khỏi cái mốc 1930, 1945, rồi thêm cải biên so với truyện để tránh động tới vấn đề chính trị nhạy cảm.

Theo tiến sĩ Hà Thanh Vân, dù phim chỉ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết, êkíp nên chọn một tên khác để không quá lệ thuộc vào nguyên tác, cũng như bị quy chiếu từ không gian lịch sử của tác phẩm gốc. "Trong một phim như Đất rừng phương Nam, không ai đòi phải giống như nguyên tác, thậm chí có thể là hư cấu. Nhưng nên hư cấu như thế nào cho phù hợp với sự thật lịch sử, tránh đi quá đà", bà Vân nói.

Có ý kiến cho rằng phim điện ảnh chứ có phải phim tài liệu lịch sử đâu mà lúc nào cũng lên gân rằng phải đúng lịch sử, phải vừa hồng, vừa chuyên ?

Phim điện ảnh thì quan tâm tới chất lượng nghệ thuật của nó thôi chứ. Phim không phê phán chế độ, không động chạm tới những vấn đề nhạy cảm của lịch sử liên quan tới chế độ hiện tại thì làm sao phải cấm.

Thế nhưng, giờ đây người ta chả ai cãi nhau, hay phân tích những thứ đáng nhẽ ra phải phê phán, nhất là những thiếu sót nghiêm trọng của bộ phim như về diễn xuất, phục trang, biểu cảm, lời thoại, kịch bản.... Mà toàn thấy cãi nhau về những thứ chả liên quan như chuyện yêu nước thế nào cho đúng và phải mô tả y chang với lịch sử.

Chiều 15/10, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Điện ảnh - cho biết trước các tranh cãi xoay quanh Đất rừng phương Nam, đại diện nhà sản xuất đề xuất phương án chỉnh sửa phim. Theo đó, phim sẽ bỏ tên Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn ra khỏi các lời thoại, thay bằng tên Chính Nghĩa hội và Nam Hòa đoàn. Sự thay đổi này nhằm tránh cho người xem liên tưởng đến hai hội nhóm thời nhà Thanh Trung Quốc.

Bên cạnh đó, phim sẽ đặt dòng chữ "bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi" lên đầu phim. "Nhà sản xuất, đoàn làm phim sẽ khẩn trương chỉnh sửa nội dung này, tránh những liên tưởng không đúng ảnh hưởng đến nội dung. Phim khi chỉnh sửa sẽ trình lên Cục Điện ảnh, trước khi ra rạp chính thức ngày 20/10", Cục trưởng cho biết.


Thiên Địa hội, (tiếng Trung: 天地會) (còn gọi là Hồng Hoa Hội sau này vào thời Càn Long) là một hội kín bắt nguồn từ Trung Hoa vào thời Khang Hi với mục đích phản Thanh phục Minh. Thiên Địa hội còn được gọi là Hồng môn hay Tam Điểm hội, tuy vậy một số tổ chức tội phạm cũng có tên Hồng môn. Khi người Anh đến cai trị Hồng Kông, tất cả các tổ chức xã hội bí mật của Trung Quốc đều bị coi là những mối đe dọa và bị gộp chung với Hội Tam Hoàng mặc dù Hồng môn có bản chất khác với các nhóm tội phạm khác. Tên "Hội Tam Hoàng" bắt nguồn từ "Thiên Địa Hội". Do đó, Thiên Địa hội bị cấm và gây tranh cãi ở Hồng Kông. Tại Việt Nam, Lý Văn Nam và Lê Khắc Thọ được biết đến là 2 lãnh đạo của tổ chức Tam Điểm Hội.

Nghĩa Hòa Đoàn hay còn gọi là Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn "phong trào xã hội công bằng và hòa hợp") hoặc bị miệt thị là giặc "quyền phỉ" là một phong trào bạo lực ở tại Bắc Bộ Trung Quốc (tháng 11 thuộc 1899 đến 7 tháng 9 năm 1901) do Nghĩa Hòa Đoàn khởi xướng, chống lại sự ảnh hưởng của thế lực nước ngoài trong các lĩnh vực giao thương, chính trị, văn hóa, công nghệ và bài Kitô giáo. Trong bối cảnh hạn hán khắc nghiệt và kinh tế suy sụp, nhiều cuộc nổi dậy xảy ra tại Trung Quốc trong suốt những năm cuối của triều đại Mãn Thanh. 

Các thành viên Nghĩa Hòa Đoàn gieo rắc lòng căm thù đối với những thương nhân nước ngoài và các vị cố đạo truyền giáo và kêu gọi mọi người thanh toán những nhóm người này. Sự thù hận này có nguồn gốc từ cuộc Chiến tranh Nha phiến và sự xâm nhập kinh tế của người nước ngoài, cùng với chính sách truyền đạo mà chính quyền nhà Thanh bất lực không ngăn cản được. Nghĩa Hòa Đoàn là một tổ chức tôn giáo thần bí và đồng thời là một tổ chức chính trị đã lãnh đạo phong trào Nghĩa Hòa Đoàn do Chu Hồng Đăng lãnh đạo. Có thuyết cho rằng tổ chức này liên quan tới Bạch Liên giáo.

Có người bình luận bộ phim do một nhà sản xuất (nghe nói người nước ngoài), bỏ ra 40 tỉ đồng VN, mô tả cuộc kháng chiến chống Pháp có công lao rất lớn của Thiên Địa Hội, có nguồn gốc Trung Quốc. Đây đúng là một sai lầm nghiêm trọng.

3. NÓI THẲNG: Phim “Đất rừng phương Nam” - nghiêm khắc và công tâm

17-10-2023 - (NLĐO) - Có 4 điều cần nói về tác phẩm điện ảnh vừa ra mắt, đang gây nhiều tranh luận này.

Điều thứ nhất là việc chọn tên phim.

"Đất rừng phương Nam" đã "đóng đinh" với cố nhà văn Đoàn Giỏi từ năm xuất bản (1957), ăn sâu vào tâm trí bao thế hệ. Bốn mươi năm sau, 1997, cái tên tiểu thuyết văn học này lần nữa khắc đậm vào tâm trí người đọc, người xem qua bộ phim truyền hình dài tập của TFS (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn), dù tựa đề có cải biến một chút: "Đất phương Nam".

"Đất rừng phương Nam" bản điện ảnh 2023 của Nguyễn Quang Dũng mượn nguyên tên của tiểu thuyết văn học, trước đó nhà sản xuất phim này tuyên bố sẽ là tác phẩm điện ảnh được "remake" từ sáng tác gốc, nhưng thực tế, qua xem phim thì thấy nội dung đã được phóng tác khá nhiều (nghệ thuật mà!). Nói "lấy cảm hứng từ…" thật ra chỉ là cách nói chữa cháy. Một khi équipe làm phim đã đẩy "Đất rừng phương Nam" điện ảnh đi khá xa so với bản gốc văn học về nhiều mặt rồi, khiến "đất" và "rừng" chỉ còn là những thành tố phụ của tác phẩm mới thì mục đích của việc "mượn tên" này là gì?

Nếu là để "mượn gió nâng diều", đánh bóng tên phim nhằm tạo viral tối đa, đem lại doanh thu cao nhất thì quả là không nên, cho dù luật không cấm. Nói rõ hơn, nếu bất chấp mọi giá để đặt tiêu đề theo cách "ăn theo" như thế, cốt vì mục tiêu tối thượng là lợi nhuận thì đó là một lựa chọn đáng chê. Xem phim và ngẫm, thấy nhiều cái tên có thể đặt, sát nội dung mà vẫn có sức dẫn dụ, chẳng hạn: "Phương Nam một thuở"…

Điều thứ hai là thiếu cẩn trọng khi đưa những chi tiết có yếu tố lịch sử, chính trị vào phim "Đất rừng phương Nam".

Mấy ngày qua đã có không ít ý kiến chỉ trích việc nhà làm phim đưa băng đảng Nghĩa Hòa đoàn và Thiên Địa hội có nguồn gốc Trung Hoa vào tác phẩm, thể hiện là những tổ chức yêu nước, kháng Pháp, có công trong cuộc kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm của dân tộc ta, trong khi chính sử Việt Nam không ghi nhận điều này (?!).

Về cứ liệu lịch sử, để công chúng được biết kết luận chân xác nhất, Viện Lịch sử Việt Nam hoặc Hội Khoa học lịch sử TP HCM cũng nên sớm lên tiếng minh định. Còn về phim này, dù có quyền cường điệu, hư cấu, phóng tác cỡ nào đi nữa cũng không được phép làm sai biệt so với sự thật khách quan đã được chính sử kết luận. Những sai sót - nếu có - phải sửa, thậm chí cắt bỏ, chứ không thể đổi tên là xong. Nói "sửa tên để tránh gây liên tưởng" chỉ thuyết phục được một nửa, một nửa còn lại là bản chất lịch sử - phải trả lại sự thật cho nó, vì đó là chuyện của cả một dân tộc và là trách nhiệm giáo dục truyền thống cho bao thế hệ tiếp nối, không thể xem nhẹ!

Theo dõi kỹ mạch phim, dưới góc nhìn của một khán giả hiểu điện ảnh, tôi thấy nếu như nhà làm phim vẫn cố đưa các hội kín mang tư tưởng đấu tranh, chống ngoại xâm và nạn cường hào ác bá vào phim thì đâu nhất thiết phải mượn những cái tên đã được "đóng đinh" trong sử (lại là chuyện mượn tên!). Xưng nhóm này, gọi hội kia - những cái tên hoàn toàn không có trong sử liệu - thì vẫn giữ được chất điện ảnh, vẫn toát lên được nét hào sảng, tinh thần mã thượng của dân Nam Kỳ lục tỉnh và hùng tâm tráng chí của các nghĩa quân cơ mà.

Và nữa, biên kịch và đạo diễn lại còn quá tham khi "bày" ra cảnh bé An thắp nhang quỳ bái sư (ông Tiều) để gia nhập Thiên Địa hội, hòa máu vào bát nước (chắc là để uống thề). Cậu bé mới 10 tuổi, vừa rời trường học chạy loạn cách đó không lâu, thì chưa đủ chất giang hồ để làm chuyện như vậy. Quả là gượng ép!

Những tiểu cảnh khiên cưỡng, không cần thiết, kiểu như trên, làm đậm thêm yếu tố bang hội người Hoa trong phim, gây tác dụng ngược.

Điều thứ ba là trách nhiệm của Cục Điện ảnh.

Hội đồng duyệt phim, phân loại phim - Cục Điện ảnh là đơn vị "cầm cương", phải thật công tâm và kỹ lưỡng khi thực hiện nhiệm vụ. Đã gọi là kiểm duyệt mà ngày 29-9 bảo đúng, tới 15-10 thì kêu sửa, là không được! Sửa ít hay nhiều, vì lý do gì, đều khó thuyết phục. Nói sửa "sau khi lắng nghe dư luận" thì hóa ra đơn vị kiểm duyệt giống người "đẽo cày giữa đường" sao? Sai sót do bất cẩn hay vì trình độ thẩm định chưa tới, cần phải dũng cảm nhận trách nhiệm và công khai điều này.

Điều đáng bàn cuối cùng là thái độ của một bộ phận "người phán xét".

Không riêng với phim "Đất rừng phương Nam" mà đối với mọi tác phẩm văn học - nghệ thuật, chúng ta trân trọng những góp ý có trách nhiệm, thấu tình đạt lý, có cơ sở khoa học, đóng góp giá trị về chuyên môn, chân tình và xây dựng.

Nhưng bên cạnh đó cũng có tình trạng chê kiểu "bầy đàn" hoặc"đánh hội đồng", hay chỉ vì không ưa diễn viên nào đó mà tỏ thiên kiến, kêu gọi tẩy chay, thậm chí nâng quan điểm "chính trị hóa" vấn đề. Nên nhớ đây chỉ là một phim truyện, đừng đặt quá nhiều sứ mệnh to tát lên đôi vai của một tác phẩm giải trí có thời lượng 120 phút. "Dìm hàng" như vậy là điều hoàn toàn không nên làm.

Đọc hàng trăm comment chỉ trích "Đất rừng phương Nam" trên mạng xã hội và báo điện tử, tôi đoan chắc trong số đó có nhiều người "cào phím" dù chưa hề xem phim, không phân biệt được phim điện ảnh và phim truyền hình, hiểu nhầm phim này dựng nguyên bản từ tiểu thuyết cùng tên…

Những ý kiến hời hợt ấy phản ánh một thực trạng buồn từ hàng ghế khán giả.

Bỏ qua những "hạt sạn" dễ thấy trong lời thoại, diễn xuất, trang phục…, nhìn tổng thể, "Đất rừng phương Nam" là một phim hay, đẹp, đáng xem. Độ mở của phim cho thấy chủ ý sẽ có những phần tiếp theo… Cũng rất đáng khích lệ những nhà làm phim tư nhân đã dốc túi hơn 50 tỉ đồng, lại chọn đề tài lịch sử vốn "khó nhằn" để đầu tư. Giữa bối cảnh hầu hết tác phẩm điện ảnh do ngân sách nhà nước đặt hàng đều èo uột, làm xong cất kho thì phim tư nhân được sản xuất với chi phí lớn, gây tiếng vang, càng đáng được ủng hộ.

Chưa biết khi nào công nghiệp điện ảnh Việt Nam sẽ cất cánh, sánh vai với bạn bè quốc tế, nhưng chắc chắn nó sẽ chẳng thể bay cao nếu thiếu những nhà làm phim giỏi, thiếu không gian sáng tạo cần thiết và đặc biệt thiếu sự mở lòng từ triệu triệu khán giả trên sân nhà!

https://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-phim-dat-rung-phuong-nam-nghiem-khac-va-cong-tam-20231017073908283.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét