Thứ Hai, 6 tháng 9, 2021

Kỷ niệm sinh nhật 90 tuổi của nhà văn Nguyên Ngọc

Hoan hô báo Vanvn của Hội nhà văn VN đã đăng bài dưới đây về Nguyên Ngọc. Thời trước tôi đọc rất nhiều truyện do các nhà văn Việt Nam viết, nhưng tôi không có cảm tình với bất cứ nhà văn VN nào. Chỉ đến khi biết đến bài phát biểu "Đề dẫn thảo luận tại Hội nghị Nhà văn đảng viên" của Nguyên Ngọc năm 1979 tôi mới thấy có một nhà văn đáng kính trọng. Ngoài ra, còn có một nhà giáo, một nhà phê bình văn học nữa cũng rất đáng được kính trọng là GS Hoàng Ngọc Hiến vì đã dám công khai bác bỏ nền văn học cách mạng không phản ánh đúng sự thật qua một bài viết đăng trên tạp chí văn nghệ quân đội tháng 7/1979. Nguyên Ngọc từng tham gia phong trào quần chúng biểu tình phản đối việc gây hấn, xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông năm 2011 trong bối cảnh có sự ngăn cấm. Ngày 22 tháng 8 năm 2011, Đài Truyền hình Hà Nội có làm một chương trình về sự việc này, trong đó có đoạn phát thanh viên nói "một số phần tử phản động tham gia biểu tình", đồng thời khung hình đang quay cảnh Nguyên Ngọc và hai trí thức khác là giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải tham gia biểu tình. Sự việc này làm ông bất bình và đã gửi thư phản đối lên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Sau đó, ông đã xin rút tên khỏi danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011, giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật... của Việt Nam, một động thái được nhiều người cho rằng nhằm phản đối quy trình bầu chọn bất hợp lý của hội đồng giải thưởng. Ngày 12 tháng 5 năm 2015, trong một tuyên bố được đăng tải trên mạng xã hội, nhà văn Nguyên Ngọc cùng 19 nhà văn, nhà thơ khác tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam kể từ ngày 11 tháng 5 năm 2015. Ngày 13 tháng 3 năm 2018, Ban Tuyên giáo Trung ương ra công văn yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia Tổ chức ‘Văn Đoàn Độc lập’ ra khỏi Chương trình sách giáo khoa, trong đó toàn bộ tác phẩm của Nguyên Ngọc. Ngày 26 tháng 10 năm 2018, ông tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam nhân sự kiện Phó giáo sư, Tiến sĩ Chu Hảo bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị kỷ luật.
Biên niên nhà văn Nguyên Ngọc
Vanvn- Hôm nay, ngày 5.9.2021, kỷ niệm sinh nhật 90 tuổi của nhà văn Nguyên Ngọc. Ông là nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa và giáo dục. Nhiều năm phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, được phong hàm Đại tá. Sinh năm 1932. Quê quán: Quảng Nam. Tên thật: Nguyễn Văn Báu. Bút danh: Nguyên Ngọc, Nguyễn Trung Thành. Nguyên Ngọc là một trong số ít nhà văn Việt Nam mà văn nghiệp không bị đứt đoạn bởi bất cứ lý do nào: chiến tranh, biến động thời cuộc, tuổi tác…
Nhà văn Nguyên Ngọc
Trước năm 1954 (trước khi hai miền Nam Bắc bị chia cắt)
Gia nhập Quân đội Nhân dân (1950), chủ yếu hoạt động ở Tây Nguyên.

Trước năm 1962 (trước khi rời miền Bắc vào chiến trường miền Nam)

Tập kết ra miền Bắc (1954). Phóng viên quân đội. Viết tiểu thuyết Đất nước đứng lên dưới bút danh Nguyên Ngọc và được Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam (1955). Trong những truyện Nguyên Ngọc viết giai đoạn này gây chú ý là tập truyện ngắn Rẻo cao tạo được tiếng vang về văn phong; truyện Mạch nước ngầm gây nhiều tranh cãi vì đã đề cập khác với nhận thức của số đông thời ấy về cách nhìn con người, kể cả con người có thành tích, danh hiệu.

Trước năm 1975 (trước khi chiến tranh kết thúc và đất nước tái thống nhất)

Hoạt động ở chiến trường Khu V viết văn với bút danh Nguyễn Trung Thành. Tác phẩm được phổ biến và nhiều người biết tới: Đường chúng ta đi (bút ký, 1965), Đất Quảng (1971, tiểu thuyết, tập 1), Rừng xà nu (tập truyện ký, 1969, Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng Hoa Sen của Hội Nhà văn Á Phi).

“Nguyên Ngọc là người có lòng yêu nước nồng nàn, cương trực, có những suy nghĩ sâu sắc nhằm đóng góp cho đất nước” – Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước

Trước năm 1986 (trước thời kỳ Đổi mới)

Là Đại biểu Quốc hội khóa IV, Bí thư đảng đoàn kiêm Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam; viết và trình bày bản Đề dẫn thảo luận tại Hội nghị Nhà văn đảng viên (từ 10.3 đến 12.3.1979).

Trong Đề dẫn 1979 này, bên cạnh việc khẳng định những thành tựu của văn học nghệ thuật đóng góp vào công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, còn đề cập đến tình trạng trì trệ, khủng hoảng của văn học: “có nhiều sách nhưng không có tác phẩm gây được thành “sự kiện văn học” mới, sách viết ra không để lại được dấu vết sâu sắc, đậm nét trong đời sống tinh thần của xã hội; tình trạng không ít phổ biến là “người viết vẫn cứ viết nhưng không thật tin ở chính điều mình viết ra”. “Người là muối mà chính người lại không mặn thì biết lấy gì để muối người”. Văn học, nói theo một cách nào đó là lòng tin. Không có lòng tin lớn thì không bao giờ có thể có văn học lớn.

Từ thực trạng đó của văn học những năm đầu sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, Đề dẫn nêu ra suy nghĩ: nhiệm vụ của nghệ thuật không chỉ là ở chỗ biểu hiện hiện thực như nó đã có, một hiện thực tĩnh tại, mà chính là ở chỗ mô tả hiện thực như là một cái gì có thể thay đổi được và bồi dưỡng lòng tin, sự khát khao mãnh liệt muốn thúc đẩy sự thay đổi ấy.

Đề dẫn cũng đã mạnh dạn chỉ ra những nguyên nhân góp phần vào sự “trì trệ” và “khủng hoảng” của văn học. Đó là sự thô thiển kéo dài trong công tác lý luận và phê bình văn học, trước hết ở một điểm rất cơ bản: quan niệm về chức năng của văn học. Quan niệm này đã dung tục hóa mối quan hệ giữa hiện thực và văn học, nó tuyệt đối hóa hiện thực, nó buộc văn học phải khiếp nhược trước hiện thực, buộc người nghệ sĩ phải khiếp nhược trước đời sống.

Quan niệm ấy hạ thấp văn học xuống thành một sự sao chép hiện thực, cho rằng “hiện thực đã tốt đẹp đến mức không còn gì có thể tốt hơn, đẹp hơn”, từ đó mà gián tiếp phủ nhận khả năng cải tạo trở lại hiện thực của con người, của văn học. Quan niệm ấy từng biểu hiện thành chủ trương tuyệt đối hóa thể tài “người thật, việc thật” trong văn học, muốn lấy đó làm dòng chủ đạo, thậm chí dòng duy nhất của văn học nước ta.

Trong khi văn học bắt nguồn từ cuộc sống, nếu muốn phục vụ trở lại cuộc sống thì nó phải sáng tạo ra một cái gì đó khác, mới mẻ, chưa từng có, cao hơn về chất so với cái nguyên liệu cuộc sống cung cấp cho nó. Ví như con tằm ăn dâu thì phải nhả ra tơ, nếu nó lại nhả ra những cái lá dâu thì bản thân sự có mặt của nó trở thành vô nghĩa.

Đề dẫn 1979 cũng đã chỉ ra tình trạng tuyệt đối hóa sự chi phối tất yếu của chính trị đối với văn học, trong khi chính văn học nghệ thuật với sức mạnh riêng của nó đã làm phong phú thêm cho chính trị bằng những khám phá và sáng tạo của riêng mình, không thay thế được.

Chính những quan niệm thô thiển đó về mối quan hệ giữa văn học và thực tiễn, giữa văn học và chính trị đã tạo ra những định kiến xã hội đơn giản, dung tục đối với văn học, xói mòn năng lực thẩm mỹ của người đọc, thấm cả vào chính người cầm bút, xói mòn ý chí sáng tạo, dũng khí sáng tạo nghệ thuật và ý thức trách nhiệm xã hội đúng đắn của nhà văn, tạo nên sự cản trở vừa ở ngoài họ, quanh họ, vừa ở trong chính họ.Và, không thể nói không có sự liên hệ nào giữa các quan niệm thô thiển và định kiến dung tục đang diễn ra với lối làm ăn tệ hại, thiếu phẩm chất rất đáng trách trong một số người cầm bút.

Tây Nguyên chiếm một phần quan trọng trong cuộc đời và đời sống văn học của Nguyên Ngọc. Ảnh: TLNN

Trước năm 1995 (trước khi nghỉ hưu)

Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn Nghệ, Trưởng ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam. Đóng góp lớn vào thời kỳ sôi động, rực rỡ nhất của báo Văn Nghệ, bằng chủ trương: mở đường cho hiện thực tràn vào văn học, đánh thức văn học sau giấc ngủ mệt mỏi hậu chiến và bao cấp.

Khôi phục thể loại phóng sự đã từng nổi tiếng vài chục năm trước đó với các cây bút Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang, Tam Lang. Đánh thức dòng truyện ngắn với cách viết mới, lạ. Triển khai loạt bài lý luận về văn nghệ và chính trị, về văn nghệ và hiện thực.

Hàng loạt tên tuổi văn học mới đã xuất hiện từ báo Văn Nghệ thời kỳ này: Nguyễn Huy Thiệp, Trần Huy Quang, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Hoàng Minh Tường… Tờ báo của Hội Nhà văn Việt Nam, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, được người đọc xếp hàng chờ mua, số lượng in lên tới hơn vạn bản… Góp phần quan trọng vào việc xét trao các giải thưởng văn học xứng đáng của thời kỳ đầu Đổi mới.

“Tôi cũng như nhiều nhà văn trẻ, ai cũng yêu mến, kính trọng tài năng, tâm huyết của Nguyên Ngọc, nhưng đôi lúc e ngại, băn khoăn trao đổi với nhau: “Sao anh ấy cực đoan thế nhỉ, cực đoan cả trong lý luận suy nghĩ cả trong phong cách sống”, nhưng rồi lại cười xòa vui vẻ: “Là Quảng Nam hay cãi ấy mà!” –nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai nguyên Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ.

Nhà văn Bảo Ninh thì chia sẻ: “Dường như càng năm càng tuổi, thầy Ngọc của tôi càng muốn sống nhiều hơn trong không gian đường trường. Sài Gòn – Gia Định, mũi Cà Mau, miền Tây, miền Đông, Quảng Trị, Thừa Thiên, miền Nam Trung Bộ, các tỉnh huyện đồng bằng miền Bắc, vùng núi non biên giới, hải đảo… từ năm 1975 tới nay có còn ngả đường nào, có còn miền quê nào của đất nước mà ông chưa dọc ngang trải qua. Ông đi nhiều nhưng không chỉ để ngao du sơn thủy, không đi chỉ để thưởng thức phong cảnh, không lang bang phiêu bạt chỉ để nhìn ngó nghe ngóng lớt phớt, mà đi như vậy là cách ông nhập thân, hoặc còn hơn thế nữa, xả thân vào với thực trạng đất nước và dân tình để có thể không ngừng suy nghĩ và viết, thực thi nghĩa vụ nhà văn theo đúng với tín niệm nhân sinh và văn chương của ông”

Nhà văn Nguyên Ngọc và nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự. Ảnh: TLNN

Từ năm 1995 (sau khi nghỉ hưu)


Tham gia tích cực trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và chấn hưng giáo dục Việt Nam. Là thành viên chủ chốt trong các hoạt động: Quỹ Văn hóa và Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh; Dự án và Giải thưởng Sách Hay; Đại học Phan Châu Trinh; Viện Phan Châu Trinh.

Sách dịch đã in: Độ không của lối viết (Rolland Barthes), Nghệ thuật tiểu thuyết (Milan Kundera), Văn học là gì? (Jean – Paul Sartre, NXB Văn học 2013), Rừng, Đàn bà, Điên loạn (Jacques Dournes, NXB Hội Nhà văn 2013).

Sách viết đã in: Tản mạn nhớ và quên, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2004; Nghĩ dọc đường, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2005; Lắng nghe cuộc sống, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2006; Bằng đôi chân trần, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2008.

Bút ký Các bạn tôi ở trên ấy viết về Tây Nguyên của ông (NXB Trẻ 2013) được giải thưởng văn xuôi năm 2013 của Hội Nhà văn Hà Nội. Được xem là một chuyên gia về Tây Nguyên, trong buổi hội thảo vào tháng 4.2009 về vấn đề khai thác bauxite ở Việt Nam, ông biểu lộ chưa đồng tình với chính sách của Chính phủ.

Cuốn Có một con đường mòn trên Biển Đông của ông (NXB Trẻ tái bản, 2014) được dịch ra tiếng Nhật và phát hành tại Nhật Bản tháng 10.2017.

THANH NGUYỄN
Báo Người Đô Thị

https://vanvn.vn/bien-nien-nha-van-nguyen-ngoc/

  • Nho Vũ
    Kính trọng và ngưỡng mộ tài năng,nhân cách một nhà văn chân chính.Kính chúc ông Đại Thọ.
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 3 giờ
  • Đỗ Phùng
    Nhà Văn Nguyên Ngọc đã đang và sẽ là một tượng đài ! Chăng ?
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 8 giờ
  • Tom Nguyen
    Nhà văn Nguyên Ngọc đã làm được 2 việc rất khó khăn là từ bỏ hội viên hội nhà văn VN và từ bỏ là đảng viên cộng sản VN. Việc thứ ba nếu ông làm được sẽ đưa ông vào văn học sử muôn đời: Bác bỏ một phần hay toàn bộ sáng tác của ông, nhất là những tác phẩm ủng hộ các đường lối của đảng cộng sản trước năm 1975, những tác phẩm đã góp phần đưa hàng triệu thanh niên trẻ vào chỗ chết.
    Hy vọng ông Nguyên Ngọc đọc comment này.
    5
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 8 giờ
    Đã chọn chế độ Phù hợp nhất nên một số câu trả lời có thể bị lọc ra.
    • Tác giả
      Lê Việt Đức
      Tom Nguyen Đó là Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989). Nhà văn Nguyễn Minh Châu đóng vai trò là một nhà văn tiên phong trong quá trình chuyển từ văn học tuyên truyền, phản ánh hiện thực theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa sang một nền văn học hiện thực phê phán hiện đại. Vai trò tiên phong của ông thể hiện ở trên 3 phương diện: phát hiện vấn đề, thay đổi lí thuyết và thực tiễn sáng tác. Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra 3 vấn đề chính xác và quan trọng: Một là hoài nghi về tính chân thực của văn học ta, do nhu cầu tuyên truyền mà tự tô hồng, che giấu sự thật. Hai là ông phát hiện ra cái sai lầm trong phương pháp sáng tạo, đó là coi trọng cái thực tại cần phải có hơn cái thực tại vốn có. Và ba là ông là người đầu tiên và duy nhất đọc lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa cho đường lối của đảng, trong đó mô tả toàn bộ sự trói buộc, chật chội, của không gian mà trong đó nghệ sĩ sáng tạo, lên án sâu sắc chủ nghĩa giáo điều trong văn nghệ. Cho đến lúc đó (1979) chưa có ai lên tiếng phê phán lý thuyết giáo điều sâu sắc hơn, toàn diện và mạnh mẽ hơn. Về thái độ đối với lý thuyết giáo điều thì Nguyễn Minh Châu thể hiện một thái độ chối bỏ toàn diện. Trong các tập sáng tác như “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” (1983), “Bến quê” (1985), “Cỏ lau” (1989) hay “Mảnh đất tình yêu” (1987), ông không còn sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa nữa. Đồng thời nhà văn cũng tuyên bố từ bỏ các tác phẩm trước đây của mình vì toàn là những tác phẩm xuyên tạc sự thật; đến mức ông Lê Đức Thọ phải đau xót phát biểu tại buổi kiểm điểm các nhà văn đi sai đường lối (1981): Đây là một cuộc khủng hoảng hiếm có trong lịch sử văn học vì tôi chưa bao giờ thấy nhà văn nào tuyên bố từ bỏ những đứa con tinh thần của mình. Trong bài phát biểu đó, ông Thọ đánh giá NMC là nhà văn xuất sắc nhất VN viết về đề tài chiến tranh qua tác phẩm "Dấu chân người lính".
      9
      • Thích
      • Phản hồi
      • 8 giờ
      • Đã chỉnh sửa
    • Quang Minh Hà
      Tom Nguyen Tôi nghĩ rằng nhà văn Nguyên Ngọc đã có những việc làm còn hơn cả một tuyên bố từ bỏ "một phần hay tất cả những tác phẩm đã góp phần đưa hàng triệu thanh niên trẻ vào chỗ chết". Những tácphẩm nào như thế của ông? Nguyên Ngọc đã viết gì trước năm 1975? Đất nước đứng lên viết về anh hùng Núp, về con người TâyNguyên đã bắt đầu giác ngộ,phát hiện: "bắn Pháp chảy máu" bằng nỏ thô sơ,mộtTây Nguyên nhiều nét văn hóa đặc săc đáng bảo tồn,về con ngườiTây Nguyên thuần phác thật thà đáng yêu. Đất nước đứng lên có "góp phần đưa được hàng triệu thanh niên trẻ vào chõi chết" không? Rồi Mạch nước ngầm từng làm cho ông khốn khó một thời.Những ký sự về Hà Giang là những bức tranh tuyệt đẹp về vùng đá tai mèo, về tình người vùng cao đấy chứ.Rừng Xà Nu hay Đất Quảng (tập 1)kể về vẻ đẹp của người đất Quảng đó .Vậy mà ngay từ năm1979 trước khi Nguyễn Minh Châu "đọc lời ai điếu cho một nền văn học minh họa" và tuyên bố từ bỏ toàn bộ sáng tác trước đó(1986) của ông ấy,kể cả Dấu Chân Người Lính là tác phẩm đầu tay từng được giải thưởng, từng được ông Lê Đức Thọ UV BCT,trưởng BTCTW, từng là nhân vật quyền lực số 2 chỉ sau TBT Lê Duẩn,khen ngợi. Nguyên Ngọc trong tư cách Bí thư Đảng đoàn kiêm Phó Tổng Thư ký HNVVN đã viết đề dẫn Hội nghị các nhà văn đảng viên Khi làm Tổng biên tập báo Văn Nghệ ông đã "cho ra lò" cả một đội ngũ các nhà văn trẻ viết theo bút pháp mới,phong cách mới, thi pháp mới chứ không "hiện thực xhcn" dở hơi như cũ bằng những bộ ba Kiếm Săc, Vàng Lửa,Phâm Tiết, Tướng Về Hưu. Muối Của Rừng, Những Ngọn Gió Hua Tát... của Nguyễn Huy Thiềp; Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài; Vua Lốp của Nguyễn Quang Huy... Những việc làm cụ thể thiết thực như trên còn giá trị hơn cả một lời tuyên bố hình thức. Chế Lan Viên,Nguyến Đình Thi, Nguyễn Khải chẳng đã từng "tuyên bố" bằng những bài thơ sám hối, những ký sự "Một thời đã mất" xuất hiện sau khi các vị ấy đã chết.Vậy thì còn mấy ý nghĩa? Trong khi Nguyên Ngọc vẫn còn đang sống,vẫn hoạt động không biết mệt mỏi dù tuổi đã cao,không chỉ trong lĩnh vực Văn học,dịch thuật mà ở cả lĩnh vực Giáo Dục,Lý Luận, Văn Hóa Xã Hội, Triết học...Ông tham gia cổ vũ vận động cho sự ra đời của Văn đoàn độc lập, đấu tranh bảo vệ giữ gìn Vănhóa Tây Nguyên, nghiên cứu tôn vinh tư tưởng"Tiền Dân Trí, Chấn Dân Khí,Hậu Dân Sinh" như một Triết thuyết thông tuệ của nhà chí sĩ yêu nước sáng suốt Phan Châu Trinh từ 100 năm trước mà dân tộc ta nếu biết ra mà lựa chọn thì lịch sử đâu đến nỗi như hiện nay.Tất nhiên lịch sử không có chữ "nếu". Nhưng những việc làm của Nguyên Ngọc như thế cũng đã quá đủ để ghi danh ông như một Nhà Văn Hóa đương đại hiếm hoi.
      4
      • Yêu thích
      • Phản hồi
      • 5 giờ
      • Đã chỉnh sửa
    • Tom Nguyen
      Rất cám ơn anh bỏ thì giờ viết một bài trả lời rất chi tiết và cho tôi một cơ hội học hỏi. Nhờ anh tôi biết được nhà văn Nguyễn Minh Châu đã can đảm từ bỏ các đứa con tinh thần của mình.
      Khi tôi viết mong ước nhà văn Nguyên Ngọc từ bỏ một phần tác phẩm đã vô tình giúp đảng cs làm vô số điều sai trái, tôi hoàn toàn không biết là đã có người can đảm từ bỏ các tác phẩm của mình.
      Hy vọng ông Nguyên Ngọc từ bỏ một phần tác phẩm đã phục vụ cho các mục tiêu sai lầm của đảng cs trước khi quá muộn.
      Hy vọng các bạn bè thân hữu của ông Nguyên Ngọc đọc comment này động viên ông làm điều đúng cuối cùng.
      2
      • Yêu thích
      • Phản hồi
      • 7 giờ
    • Tác giả
      Lê Việt Đức
      Quang Minh Hà Bác Hà bình luận hay quá, em nhất trí với bác.
      • Thích
      • Phản hồi
      • 1 phút
    Đã chọn chế độ Phù hợp nhất nên một số câu trả lời có thể bị lọc ra.
  • Ngọc Đoàn
    Ngưỡng mộ nhà văn lão thành Nguyên Ngọc- Một nhà văn Cách mạng đúng nghĩa, khg ham vật chất quyền lực, khảng khái và kiên định với mục tiêu chấn hưng nền vhnt nước nhà. Đây là người yêu nước đúng nghĩa
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 8 giờ
  • Hồ Hữu Thái
    Đất Nước Đứng Lên
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 8 giờ
    Đã chọn chế độ Phù hợp nhất nên một số câu trả lời có thể bị lọc ra.
    Xem thêm 2 phản hồi
    • Hồng Diên
      Thao Khong ơ như bài viết đã nói thì cũng phải có tòa án xét xử tội phạm chống lại loài người hậu XHCN thì mới đúng. Nếu không Vết nhơ 4-5 triệu người chết oan sao gột sạch
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 7 giờ
  • Linh Động
    Kính trọng và cảm ơn ông Nguyên Ngọc vì nhờ đố tôi được đọc thời xa vắng, nước Mỹ, vv và đặc biệt là nỗi buồn chiến tranh
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 7 giờ
  • Nguyen Nguyen
    tự nhiên nhớ câu
    Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành
    Sao cho giữ trọn được thanh danh...
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 7 giờ
  • Ba Lì Dũng
    Tháng 11/ 2019...NN với RFI...
    Có thể là hình ảnh về văn bản
    • Thích
    • Phản hồi
    • 5 giờ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét