Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Đã đến lúc cần điều chỉnh cán bộ ở vị trí Thủ tướng Chính phủ ?

Đã đến lúc Trung ương cần xem xét, điều chỉnh cán bộ ở vị trí Thủ tướng Chính phủ ?
Tổng cục thống kê vửa công bố GDP quý 3 tăng trưởng âm 6,7%, thấp nhất và chưa từng có trong lịch sử đất nước thời đảng lãnh đạo. Lần đầu tiên trong lịch sử, tăng trưởng GDP theo quý của Việt Nam chứng kiến mức âm 6,7% do đóng cửa kéo dài tại các trung tâm công nghiệp, thương mại và tài chính lớn nhất cả nước. Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế Việt mỗi khi rơi vào hiểm cảnh.
Đồng chí Phạm Minh Chính tái đắc cử Thủ tướng Chính phủ ảnh 2
Tôi hoàn toàn không tin vào con số này. Theo tôi, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế quý 3 phải giảm cỡ 20% so với cùng kỳ. Không thể nào tin được khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04% so với cùng kỳ vì khắp nơi dân bị chặn ra đồng, các thành phố lớn đóng cửa, có ra đồng thu hoạch được thì cũng không biết bán cho ai thì ra đồng thu hoạch làm gì...

Đáng buồn là Y tế là ngành duy nhất tăng trưởng dương, thậm chí tăng trưởng rất cao tới mức 21,15% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này lại dựa trên ‘thành tích’ cách ly, phong tỏa đại trà, xét nghiệm và tiêm chủng đại trả,... và cả chữa bệnh và hỏa táng đại trà... Rõ ràng đây không phải là mong muốn tăng trưởng của người dân, nhưng biết đâu lại là mong muốn của nhiều quan chức chính phủ và doanh nghiệp.

Khi ông Phạm Minh Chính vừa mới được bầu làm Thủ tướng, trên trang FB này, tôi đã so sánh thấy ông Chính không khác gì ông Nguyễn Tấn Dũng năm xưa; do đó tôi đã dự báo một thời đại Nguyễn Tấn Dũng mới đã lại bắt đầu.

Tính đến nay, chưa được nửa năm trôi qua kể từ ngày ông Chính nắm quyền hành pháp, thực tế đã hoàn toàn đúng như dự báo. Nền kinh tế tổng khủng hoảng toàn diện, xã hội hoàn toàn tan hoang; cả nước bị chia cắt làm hàng nghìn mảnh. Thủ tướng phải trực tiếp điều hành gần 10.000 phường xã... Trên không bảo được dưới, hỗn quan hỗn quan khắp nơi; mỗi nơi làm một kiểu. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bỏ mặc chỉ đạo của Thủ tướng và Trung ương, đang bàn nhau phối hợp cùng nhau tự cứu lấy mình. Luật pháp mất hiệu lực. Bí thư thành ủy Thuận An tỉnh Bình Dương tuyên bố "tất cả các điều luật không thể áp dụng bình thường"...

Trong hoàn cảnh hỗn loạn này, tôi lại nhớ hồi năm 2008, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đề nghị nên điều chỉnh công tác của đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, đưa đồng chí Trương Tấn Sang, thường trực Ban bí thư, sang làm Thủ tướng. Rất tiếc tưởng đã chắc 100% mà cuối cùng việc này lại thất bại. Hậu quả là ông Nguyễn Tấn Dũng có thêm 7 năm tàn phá đất nước.

Tình hình hiện nay đang tồi tệ gấp nhiều lần so với thảm họa năm 2008 (hồi đó nền kinh tế còn tăng trưởng hơn 7%). Thế nên cần phải đề nghị Trung ương xem xét điều chỉnh công tác của đồng chí Phạm Minh Chính, nếu không hậu quả sẽ khủng khiếp không biết đâu mà dự báo.

Tôi thấy việc dễ nhất và có thể làm được ngay là hoán đổi vị trí giữa hai đồng chí Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ. Ông Huệ là giáo sư tiến sĩ thật chứ không phải mua học hàm học vị, lại chuyên môn về kinh tế, đã từng kinh qua các công tác Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác thuộc khối kinh tế tổng hợp, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (nơi khó khăn nhất cả nước), Bí thư Thành ủy Hà Nội và nay làm Chủ tịch Quốc hội.

Tôi đã từng họp, làm việc với ông Huệ thời tôi được phân công theo dõi tổng hợp tình hình hoạt động ngành Kiểm toán và Kiểm toán nhà nước. Tôi không đánh giá cao ông Huệ cả về đức lẫn về tài, thậm chí không ưa ông này. Tuy nhiên, giữa hai cái xấu và buộc phải chọn thì tôi chọn ông Huệ.

Tôi cảm thấy ông Huệ đã càng ngày càng trưởng thành trong hoạt động chính trị, không còn những phát ngôn hay hành động bốc đồng như thời mới tham gia bộ máy Chính phủ. Bây giờ ông biết khiêm tốn, biết nói năng cẩn trọng, biết lắng nghe ý kiến các nhà khoa học và nhân dân. Đặc biệt, ông biết làm việc thận trọng hơn, biết cân nhắc trước sau trước khi ra quyết định... Tác phong của ông đã dần dần giống như tác phong của Thủ tướng Phan Văn Khải trước đây.

Vì các lý do trên, tôi cho rằng đã đến lúc Trung ương cần xem xét, điều chỉnh cán bộ ở vị trí Thủ tướng Chính phủ, mà người thích hợp nhất cho vị trí này hiện nay là ông Vương Đình Huệ, đương kim Chủ tịch Quốc hội.

Dưới đây là một số thông tin về tình hình kinh tế gần đây

Theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê (TCTK), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực duy nhất tăng trưởng dương, vẫn là cứu cánh bền bỉ của nền kinh tế Việt mỗi khi rơi vào ‘hiểm cảnh’.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. Về sử dụng GDP quý III/2021, tiêu dùng cuối cùng giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước.

GDP 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch: Năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản 9 tháng năm 2021 đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, mức đóng góp lớn nhất trong 3 ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là tốc độ tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ngành khai khoáng, xây dựng tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ cầu yếu và đóng cửa tại nhiều địa phương vì đại dịch.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.

Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm.

Việt Nam có thể phải đối diện với một chu kỳ mới khi nền kinh tế tăng trưởng thấp, tiêu dùng suy giảm mạnh. Một kế hoạch tái thiết đất nước đủ mạnh và thông minh rất cần thiết chứ không chỉ là mở cửa trở lại.

1 nhận xét: