Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

Lê-Nin toàn tập

Đọc bài này mình lại nhớ tới khoảng năm 1985 mình được cơ quan phát miễn phí 1 bộ Lê Nin toàn tập gồm 55 quyển và 1 bộ Mác Ăng ghen tuyển tập độ 5-6 quyển. Mình giữ được mấy năm, chưa bao giờ mở ra đọc. Sau đó mình đi học ở mấy nước, năm 1991 về nước nhìn thấy hóa ra chúng vẫn nằm trong nhà mình, nên bảo mẹ mình gọi đồng nát vào bán. Thời đó cơ quan có chế độ tặng sách và cho cán bộ cấp khá khá một chút được mượn sách dài hạn về nhà trưng bày cho nó sang và có vẻ trí thức. Lúc đó số giáo sư rất ít, số tiến sĩ khoa học càng ít. Năm 1985 ở VN hình như chỉ có duy nhất 4 bác là tiến sĩ khoa học là Toàn, Tiệm, Viện, Từ (Lê Văn Toàn, Phan Văn Tiệm, Lê Văn Viện và bác Từ ở Văn phòng TWĐ mình quên họ, phải nhờ bác Đại Định kiểm tra giúp). Các nhà khoa học cũng được giới lãnh đạo tôn trọng, lắng nghe chứ không coi là thuộc hạ để sai bảo như bây giờ. Từ cuối thập kỷ 1970, đã có nhiều ý kiến đề nghị thành lập Viện hàn lâm khoa học Việt Nam nhưng lãnh đạo sợ khi đó sinh ra mấy ông Viện sĩ Viện hàn lâm thì khó điều khiển, nên nhất định không cho thành lập. Bây giờ chúng ta có tới 2 viện hàn lâm khoa học khổng lồ, nhưng tìm đâu ra được những con người dám nói thẳng, nói thật như giáo sư Phan Đình Diệu, giáo sư Hoàng Tụy... nữa ? 
Lê-Nin toàn tập
FB Nguyễn Thông - 25-9-2021 Thời những năm thập niên 60 ở miền Bắc, người ta hay thấy những tấm ảnh Mao Trạch Đông. Lúc thì trên họa báo Trung Quốc bản tiếng Việt, lúc trên báo chí Việt, và có nhiều bức được in riêng cho dân chúng đem về nhà treo.
Có thể là hình ảnh về trẻ em, đang đứng và văn bản
Có những bức in trên lụa, dệt bằng lụa, kỹ nghệ tinh vi, do bên Tàu làm và chúng cho không thằng em dại Việt, để theo cách nói bây giờ là “xâm lăng văn hóa”, truyền bá tư tưởng Mao Trạch Đông. Còn sách Mao tuyển bìa đỏ in nổi hình Mao thì đủ cỡ, muốn xin bao nhiêu cuốn cũng được. Huy hiệu Mao cũng phát không, đi chăn trâu cũng đeo, có chiếc to bằng trôn bát ô tô.

Tấm ảnh Mao phổ biến nhất là ảnh y ngồi trước tủ sách dễ đến hàng nghìn cuốn, hàng hàng lớp lớp ngay ngắn, đều chằn chặn, cuốn nào cuốn nấy dày cỡ 2-3 đốt ngón tay. Chủ yếu sách kinh điển của Mác, Lênin, nhất là toàn tập Lênin. Tất nhiên trong đó có cả trước tác của Mao.

Phô trương tấm ảnh đó, bọn Tàu cộng muốn chứng minh Mao là nhà lãnh đạo có học vấn, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, kiên quyết chống chủ nghĩa xét lại. Những đàn em như Việt Nam, Albania cần tuyệt đối trung thành với Mao, người cầm lái vĩ đại, thì cũng như trung thành với Mác, Lênin vậy.

Ông Huy anh họ tôi coi cái ảnh xong cười bảo nó lòe đấy, đọc thế đéo nào được, ai đọc thì còn có thể tin chứ tay Mao mà đọc nỗi gì.

Bắt chước Mao, ở An Nam cũng có nhiều ông cứ lên ảnh là phải ngồi trước sách kinh điển Mác – Lênin, có lúc còn ra vẻ chăm chú đọc toàn tập Lênin, lên báo Nhân Dân tuyên bố “không có lý luận thì không có phong trào cách mạng” đúng như Lênin phán.

Cả xã hội tôn thờ lý luận, lấy lý luận làm cần câu cơm, làm thang leo lên chốn vinh thân phì gia, thành ông nọ bà kia có nhẽ từ độ ấy. Đúng là kiếp nạn cho dân và nước này.

Giờ đọc báo, nghe có nhà kia ở Hà Tĩnh thằng con mới 10 tuổi học lớp 5 nhưng đang lập thành tích đọc xong toàn bộ bộ Lênin toàn tập, nghĩ đau lòng quá. Thời này là thời nào mà vẫn còn mông muội thế. Cũng chả trách thằng bé, chỉ lạ là bố mẹ nó sao lại để cho nó uổng phí thời gian vào thứ độc hại vô bổ. Và buồn cười, cái nhà ấy tới giờ mà vẫn còn Lênin toàn tập thì cũng đủ biết họ là người như thế nào.

Còn những ông bà kễnh cựu và kễnh đương định bắt chước Lênin ra tuyển tập, tổng tập, toàn tập, hãy nghĩ tới lúc nó được nhóm lò chứ không thèm gói xôi.

Hãy cho tôi biết sách trong nhà anh là sách gì, tôi sẽ nói anh là người thế nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét