Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2019

VN 'bắt buộc' phải xuất khẩu lao động và di dân

Việt Nam vẫn 'bắt buộc' phải xuất khẩu lao động và di dân
Quốc Phương 8 tháng 11 2019 - Mặc dù các thảm họa có tính chất bi kịch như vụ 39 nạn nhân tử nạn ở Essex, Anh quốc, Việt Nam dưới các áp lực rất lớn sẽ "buộc phải tiếp tục" xuất khẩu lao động, khách mời nói với BBC News Tiếng Việt tại một tọa đàm trực tuyến hôm 07/11/2019. Các áp lực này đến từ nhiều hướng, trong đó có các yếu tố từ kinh tế, dân số, tài nguyên và đặc biệt là biến đổi khí hậu và thay đổi môi trường, tiến sỹ Hoàng Kim Phúc, đến từ Oxford, nói với Bàn tròn thứ Năm.

Vì sao nhiều nhà máy không tuyển người từ Nghệ An, Hà Tĩnh?
"Việt Nam là một đất nước có 96 triệu dân, với tỷ lệ dân số đầu người trên diện tích là gần gấp đôi Trung Quốc. Chúng ta hiện nay đứng trước những thảm họa về biến đổi khí hậu mà có thể Đồng bằng Sông Cửu Long trong một thời gian ngắn khoảng vài chục năm nữa sẽ mất và thậm chí có thể ảnh hưởng đến các đồng bằng ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Thảm họa đó xảy ra có thể mấy chục triệu người mất việc làm. Lúc đó chúng ta tính thế nào? TS. Hoàng Kim Phúc

"Như vậy, vấn đề của chúng ta sẽ là vấn đề không phải là có lao động xuất khẩu hay không, mà có thể nói chắc chắn rằng với tình trạng trình độ lao động hiện nay, chúng ta bắt buộc phải xuất khẩu lao động.

"Bởi vì các vị thử hình dung xem, nếu như khi các đồng bằng mất đi, thì số 96 triệu dân đó sẽ đi đâu? Điều đó như tôi nói là chính sách lao động. Cái mà chúng tôi đang nói tới là chính sách lao động, không phải là một chính sách nhỏ nào đó mà Bộ Lao động Việt Nam đang tiến hành mà là cả một chính sách vĩ mô để cứu cả một dân tộc đứng trước cả một thảm họa đó.

Tiến sỹ Hoàng Kim Phúc nói Việt Nam cần có chiến lược tổng thể để đối phó với quy mô và cấp độ của vấn đề

"Thảm họa đó xảy ra có thể mấy chục triệu người mất việc làm. Lúc đó chúng ta tính thế nào? Những số liệu chúng tôi được biết, như chúng ta đều biết là Việt Nam có ba vòng cung ở phía Bắc là vòng cung Ngân Sơn, Bắc Sơn và Đông Triều, những vòng cung đó, vì tôi là một nhà sinh học, ngày trước đã từng nghiên cứu hàng chục năm ở Việt Nam, nó tạo ra cái tiểu khí hậu và những tiểu khí hậu đó rất đa dạng ở trong những vòng cung đó.

"Nhưng đến bây giờ, khi tôi quay về nước sau khoảng hai chục năm, thì anh em, bạn bè, nhất là những người làm trong công tác về mặt sinh thái học thì họ nói rằng nhiệt độ và khí hậu trong những vòng cung đó gần như là giống nhau, tức là nóng lên rất kinh khủng. Khí hậu thay đổi và khô hạn, mất rừng thì đó là một thảm họa nhìn thấy chứ không phải là không.

"Mà thảm họa đó đồng thời cùng với những báo cáo của Liên Hiệp Quốc nghiên cứu nói rằng Việt Nam bị sụt lún ở Đồng bằng Sông Cửu Long và nước biển dâng lên sẽ xảy ra ở Trung Bộ, thậm chí ở Bắc Bộ thì chúng ta sẽ làm như thế nào?

"Nếu chúng ta không có những chính sách về thực tế là thay đổi về mặt giáo dục, thay đổi về mặt chính sách lao động để đào tạo con người thích nghi với đó, thích nghi để làm gì? Để chúng ta có tiếng Anh, để chúng ta có thể đi ra nước ngoài làm được một cách hợp pháp và có thu nhập, để tránh những khủng hoảng.

"Cái đó là trách nhiệm của chính quyền Việt Nam, là trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam. Ví dụ tôi rất không đồng ý với việc vừa rồi Quốc hội Việt Nam không đồng ý với việc đưa tiếng Anh là thứ tiếng thứ hai, việc đó là việc bắt buộc phải làm."

Nước Anh đã làm đủ chưa?



Vụ 39 người chết: Người Việt ra đi có phải vì nghèo?

Nước Anh, một trong các quốc gia ở châu Âu và hiện vẫn trong khối Liên minh châu Âu đã và đang là điểm đến của nhiều dòng di dân trên thế giới, trong đó có các nước từ châu Á, châu Phi, trước câu hỏi nước Anh đã làm đủ chưa để góp phần làm giảm thiểu hay tránh được những thảm họa như vụ 39 người Việt Nam tử nạn ở Essex, tiến sỹ Hoàng Kim Phúc nói:

"Luật nhập cư ở nước Anh có rất nhiều những lỗ hổng, những lỗ hổng đó có thể xuất phát từ trình độ nhân đạo và những luật về bảo vệ nhân quyền ở đây phát triển quá xa. Trong khi đó những người nhập cư khai thác vào những khía cạnh đó và để tìm cách hợp thức hóa, hợp pháp hóa và cái lỗ hổng đó liên tục được khai thác.

"Ở đây lại là xã hội dân chủ, cho nên việc khai thác đó là nhiều bên, nhất là hệ thống luật sư ở đây, nhiều khi họ tìm được những lỗ hổng đó và họ giúp những người nhập cư bất hợp pháp. Tất nhiên những trường hợp nhân đạo, phải luôn luôn mở lòng với trường hợp nhân đạo.

"Nhưng nếu trường hợp không phải là nhân đạo, thì cũng phải có những cái nhìn và có những điều chỉnh phù hợp... Không phải nhân đạo là anh có thể chỉ vì đơn thuần là lý do kinh tế, anh muốn làm giàu, anh muốn tham gia vào những băng đảng, anh đến đây anh trồng cần sa để anh thu hoạch, anh kiếm một số tiền khổng lồ.

"Thực ra những người trồng cần sa ở đây, theo những số liệu mà chúng tôi được biết, bản thân thân nhân của họ ở nhà, mặc dù là nhà cao, tiền tỷ, nhưng không hạnh phúc. Bởi vì con cái phải sống xa bố mẹ, hư hỏng, phá phách, gia đình chia ly, tất cả những thứ đó cộng hợp lại, thành một giá trị mà chúng ta phải tính trong bài toán này.

"Thực ra họ làm được tiền, nhưng họ phá nhiều hơn. Họ phá cả ở quê hương Việt Nam và phá cả ở đây. Chính vì thế, tôi cho rằng rõ ràng là Quốc hội Anh cần phải có những cuộc điều trần và phải nghe những vấn đề này.

"Chúng tôi có thể viết hoặc chuyển ra những thông tin bằng tiếng Anh để Quốc hội Anh phải nghe, đồng thời chúng tôi cũng phải nói chuyện với những nghị sỹ ở khu vực của mình để mà có thể có những sự thay đổi để phù hợp, vừa tránh những thảm họa đã xảy ra tiếp tục (lặp lại) mà có thể làm hàng chục người chết, hoặc có thể chết nhiều hơn nữa, nhưng đồng thời để ổn định cuộc sống ở đây."

'Gian nan, bỏ mạng dọc đường'

Khách mời bàn tròn Phêrô Trần Mạnh Tuấn (giữa) chia sẻ cảm giác 'người trong cuộc' về những gì có thể xảy ra bên trong chiếc container đông lạnh với các nạn nhân ở Essex

Bình luận tại chỗ sau ý kiến này ngay tại Bàn tròn, khách mời tại Studio, Phêrô Trần Mạnh Tuấn, một người từng vào nước Anh vài năm trước cũng qua một con đường và cách thức khá giống với 39 nạn nhân tử nạn ở Essex nói:
"Điều Tiến sỹ Phúc nói ra, tôi cũng đồng tình, về những trường hợp 'không nhân đạo', chẳng hạn những trường hợp mà sang đây, những phần không nhân đạo, chẳng hạn như họ có những cái làm mà gây ra sự xấu cho đất nước này thì đó là cái 'không nhân đạo'.

"Còn trường hợp nhân đạo như bây giờ ở đất nước này, họ luôn luôn mơ ước vòng tay để đón nhận. Chẳng hạn như là những con người ở nhà bị áp bức về mặt chính quyền, vì một vấn đề gì đó của chính quyền Việt Nam, họ phải ra đi, thì họ cũng xin ở nước Anh cưu mang, đó là cái nhân đạo."

Nếu trong cái công đó, trường hợp chỉ 2 đến 3 người, hoặc 5 người, thì tôi tin chắc rằng là không chết, lượng ôxy sẽ đủ, nhưng với 39 người, trong quá trình kéo dài thời gian, nó sẽ hết ôxy, thì dẫn đến là chết ngạt - Phêrô Trần Mạnh Tuấn, khách mời Bàn tròn

Nhân dịp này, khách mời từng nhập cư vào nước Anh qua con đường xe tải chở container lạnh này chia sẻ cảm tưởng của mình về vụ việc 39 nạn nhân ở Essex mới tử nạn và hồi tưởng chuyến đi vài năm trước đã từng tham gia.

"Vụ 39 người mất đây, cộng đồng ai cũng đều đau thương cả, hiện giờ một số ra nhận dạng cũng tương đối đầy đủ, chỉ thiếu một vài trường hợp là chưa, còn trong đường đi thì hầu như là người Việt Nam để ra đi thì sang Nga là con đường chính. Hoặc là một số đi sang các nước khác, thì đều để vượt biên vào Anh.

"Trên chặng đường đi từ Nga, thì đều trèo đồi, lội suối, để vượt đi. Có những chặng đường rất là gian nan. Chặng đường đó tôi đã từng đi. Ở Nga thì chờ đợi, và sau quãng thời gian để vượt rừng ở Nga, lội suối, rất là vất vả. Cũng có những trường hợp họ yếu không đi được và đã có những trường hợp phải bỏ mạng lại.

"Rồi khi đi được qua các nước, nhất là quãng đường như Ukraine hoặc khác để qua các nước thì hầu như là họ có chở xe container, xe van, hoặc là xe taxi, khi đi vào địa phận Ba Lan hoặc Đức, rồi sang Pháp, thì chặng đường đó, khoảng thời gian đi đỡ hơn, có xe chở.

"Còn khi sang Pháp rồi, thì phải chờ đợi. Đi trong hai kiểu đi một là đi "VIP" hai là đi "cỏ", đi VIP thì có thể họ cho ăn ở một nhà nào đó, tôi đi "cỏ", đi VIP thì họ sắp xếp cho đi có thể là nhàn hơn.

"Việc đi đó thì đều là bất hợp pháp, vì đều vượt biên vào một đất nước khác là bất hợp pháp, còn số tiền để chi trả thì với tôi, người ở nhà cũng là nợ nần để họ đưa đi thì số tiền tôi không biết.

Khi được hỏi vì sao biết là bất hợp pháp, nhưng vẫn đã quyết định đi, khách mời Phêrô Trần Mạnh Tuấn nói: "Vì ở trong đất nước khi không có nhân quyền, dân chủ, tự do, việc làm không có rồi bệnh tật nhiều, môi sinh, môi trường ô nhiễm, con người buộc phải ra đi."

'Đặt mình vào hoàn cảnh các nạn nhân'


Người Việt di cư dựng trại tại Pháp, đợi đi lậu qua Anh

Các nạn nhân trong vụ 39 người tử nạn trong thùng đông lạnh trên xe container vừa qua được cho là có thể đã mất ít nhất vì lý do thiếu dưỡng khí, hoặc ngạt khí, hoặc có thể có nguyên nhân thêm là bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ hạ thấp trong khoang đông lạnh. Đặt mình vào hoàn cảnh của những nạn nhân và hồi tưởng chuyến đi của mình, Phêrô Trần Mạnh Tuấn chia sẻ thêm:

"Trong việc mà họ đóng lên công (container), thì thường công đông lạnh là phần lớn, công đông lạnh thường là đi qua các cửa chốt thì an toàn hơn là các công khô, công bạt, nhưng mà cái công với số nạn nhân chết ở đây thì chắc chắn là công đó nằm chờ đợi quá lâu, không có đầu máy để gắn, để làm mát ôxy vào, thì con người ở trong đó thiếu ôxy, sẽ dẫn đến chết ngạt.

"Nếu trong cái công đó, trường hợp chỉ 2 đến 3 người, hoặc 5 người, thì tôi tin chắc rằng là không chết, lượng ôxy sẽ đủ, nhưng với 39 người, trong quá trình kéo dài thời gian, nó sẽ hết ôxy, thì dẫn đến là chết ngạt.

Không thể giải cứu được, vì cửa bên ngoài khi đó họ đóng chặt rồi thì chúng tôi ở trong đó không có một vật gì để mà phá, mà kể cả có cũng không phá được, vì cái container không thể phá bằng cách nào được để thoát ra - Phêrô Trần Mạnh Tuấn

"Khi chết rồi, họ biết, chắc chắn người lái xe biết số nạn nhân trong đó tử vong mà nhất là có tin nhắn của cô Trà My nữa, thì chắc chắn đường giây họ sẽ báo về người lái xe thôi, khi kiểm tra chết rồi, thì họ phải làm tăng số nhiệt độ cao lên để làm âm trong đó, con người khi đó chắc chắn là chết rồi, thì họ làm âm thôi."

Phêrô Trần Mạnh Tuấn mang tới trường quay vài kỷ vật mà đã theo anh trên chặng đường vào nước Anh bằng xe chở container, anh nói:

"Đi trên đường, vợ tôi có sắm cho tôi một ít đồ, năm 2013, cũng có một số khác nhưng không còn nữa, nhưng còn chiếc áo len này tôi luôn mang ở trong mình, và thứ hai là chuỗi hạt mân-côi thì luôn gắn bó bên mình tôi, vì trên quãng đường đi thì tôi đã luôn luôn cầu nguyện để xin được sự bằng an, được Thiên Chúa, Đức Mẹ che chở để đi được bằng an, chuyến đi của tôi đã bằng an. Khi qua bên này, cảnh sát cũng bắt được trên chuyến xe đó, nhưng tính mạng thì an toàn, không sao."


TS Phạm Đức Bảo

"Khi ở trong công rất là sợ hãi vì toàn bộ nó đóng kín lại, giống như một tủ lạnh làm mát, xe đó là xe đông lạnh, nó chở trong đó các hàng thực phẩm như sữa hoặc là cái gì đó, xe tôi là xe chở sữa thì máy luôn làm mát để giữ sữa được an toàn. Thì trong đó tăm tối, chẳng biết gì cả."

Trước câu hỏi liệu có thể tự giải cứu hay không nếu có vấn đề xảy ra đe dọa an toàn, tính mạng, Phêrô Trần Mạnh Tuấn nói:

"Không thể giải cứu được, vì cửa bên ngoài khi đó họ đóng chặt rồi thì chúng tôi ở trong đó không có một vật gì để mà phá, mà kể cả có cũng không phá được, vì cái container không thể phá bằng cách nào được để thoát ra."

Về liên lạc khẩn cấp chẳng hạn như muốn được cấp cứu, xin được cứu, khách mời này nói thêm:

"Khi đó đi qua đất nước khác rồi, tất nhiên trên đường đi thì các điện thoại kiểu dùng được internet chắc chắn là không đưa đi được, thời nay tôi không biết, nhưng thời tôi đi là không đưa đi được. Chỉ mang được 'cục gạch' trong người, một loại điện thoại mà chỉ có thể điện được thôi. Nhưng SIM qua địa bàn khác rồi, không có thì không bằng cách gì liên lạc được."

Ít cơ hội và bị kỳ thị vùng miền?

Luật sư Lê Quốc Quân bình luận từ Hà Nội

Luật sư Lê Quốc Quân, tham gia cuộc hội luận trực tuyến từ Hà Nội, chia sẻ một số thông tin mà theo ông có thể liên quan đến một nhóm đông các nạn nhân được cho là đã xuất phát từ miền Trung Việt Nam:

"Ngay khi nghe tin, bây giờ có cơ hội, tôi xin chia buồn sâu sắc đến những người tôi biết đã bị nạn, còn tình hình cập nhật quê hương ở đây, theo tôi được biết có đến 24 người là ở trong tỉnh Nghệ An mà thân nhân đã liên lạc với cơ quan nhà nước để họ có thể sang nhận diện, có thể có nghĩa rằng có thể đến 24 người là đã đến từ tỉnh Nghệ An, trong đó có rất nhiều người là từ Yên Thành, là nơi tôi sinh ra.

"Còn phía bên nhà nước, theo như ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công An của tỉnh Nghệ An, nói rằng đã bắt đến 8 người về việc trong điều 349 (Bộ Luật Hình sự Việt Nam) là điều về tổ chức cho người trốn đi hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

"Đó là quan điểm nhà nước, còn cá nhân tôi, tôi đồng ý với quan điểm nói rằng ở Việt Nam rất ít cơ hội cho những người ở các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh của chúng tôi.

"Nói chung là ít cơ hội trên đất nước Việt Nam, nhưng trong giai đoạn vừa rồi, thì có tình trạng Formosa rất nhiều người ven biển bị mất việc.

"Thứ hai nữa là khí chất, tính chất của người Nghệ An, Hà Tĩnh thế nào mà đi làm công ở những vùng nơi xa, ví dụ trong khu công nghiệp ở miền Nam, thì có những điểm người ta không tuyển người Nghệ An, Hà Tĩnh.

"Và khu vực này là khu vực đông dân, cho nên có rất nhiều điều kiện nó tác động làm cho chính quê hương của chúng tôi phải bỏ nước ra đi khá là nhiều."

Vì sao phụ nữ ra đi?

Phụ nữ phải ra đi là điều khó khăn hơn nam giới, nhà báo tự do Cát Linh nói với Bàn tròn thứ Năm

Một số thống kê cho thấy có tỷ lệ đáng kể phụ nữ từ Việt Nam, trong đó có các người tuổi đời còn trẻ, đã rời Việt Nam ra nước ngoài, trong đó có nhiều trường hợp tới Anh qua những con đường được cho là bất hợp pháp, khi được hỏi về nguyên nhân, nhà báo tự do Cát Linh từ Hà Nội bình luận:

"Về chuyện ra đi, thì đàn ông bình thường hơn là phụ nữ, phụ nữ mà để rời bỏ quê hương thì thực sự là rất khó, bởi vì phụ nữ vướng bận rất là nhiều. Có những người đã lập gia đình, có những người thậm chí cũng đang có công việc của họ nhưng họ vẫn bỏ ra đi.

"Cùng quê Hà Tĩnh với tôi, rất nhiều thanh niên, bạn của tôi hầu hết trong độ tuổi từ 18, cùng trang lứa trở đi từ 18 đến 20 tuổi, lượng bạn đi làm công nhân, rồi số lượng đi nước ngoài bằng đủ mọi cách, từ 'đi chui', đi xuất khẩu lao động, đi du lịch ở lại, đi du học vừa học vừa làm, thì rất nhiều và cũng có rất nhiều bạn sau khi đi làm công nhân thì bỏ làm công nhân và quay trở về để đi xuất khẩu và đi chi bằng một cách nào đó, miễn là ra được khỏi đất nước Việt Nam.

"Thì chúng ta có thể nhìn nhận rằng đây là vấn đề mà chế độ lao động, có thể rất khắc nghiệt và lương lậu không nhiều. Lương không đủ sống, chi phí mọi thứ đều tăng, hơn nữa, khi mà cuộc sống quá khó khăn như vậy, không đủ để trang trải như thế và chế độ làm việc thì nhiều, họ phải làm tăng ca, thì lương tháng công nhân cũng chỉ được 8-9 triệu đồng là cùng.

"Thì việc mà họ rời bỏ để đi tìm một cuộc sống mới, đi tìm một tia hy vọng khác hơn thì có thể, bởi vì lượng công việc hiện nay cũng không nhiều nữa, lượng công việc không đủ và như Luật sư Lê Quốc Quân nói có nhiều nơi họ không tuyển người Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa... cái này mình không thể chắc chắn được..."

Lý do của việc này có thể vì những người có quê ở hai vùng miền này dù rất chịu khó, cần cù, nhưng bên cạnh đó có thể có một số vấn đề nào đó mà dẫn đến việc có ai đó còn e ngại khi tuyển dụng, nhà báo tự do này nói với Bàn tròn thứ Năm.

Thông tin từ Cảnh sát Anh từ hạt Essex, hôm 08/11/2019 cho hay toàn bộ 39 nạn nhân trong vụ tử nạn đến từ Việt Nam, trong đó người trẻ nhất 15 tuổi (hai trường hợp) và cao tuổi nhất là 44 tuổi, với 8 phụ nữ trong đó.

Cũng trong danh sách này, 21 nạn nhân đến từ Nghệ An, 10 đến từ Hà Tĩnh, Quảng Bình và Hải Phòng có 3 người và Hải Dương, Thừa Thiên Huế, mỗi địa phương có một người.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi Bàn tròn thứ Năm về chủ đề trên của BBC News Tiếng Việt.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50346221

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét