Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

Vì sao VN hớn hở ‘tự do hàng hải ở Biển Đông’?

Vì sao Việt Nam hớn hở ‘tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông’?
Chỉ ít ngày sau khi Washington điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan - tới Biển Đông vào ngày 6/8/2019, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã mau mắn và như thể hớn hở ra tuyên bố ‘tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông’. Nguồn cơn của động thái Mỹ điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến Biển Đông là có thể đã có một lời cầu cứu khẩn cấp từ Bộ Chính trị Việt Nam với Washington trong bối cảnh hàng đàn tàu Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính như chốn vô chủ quyền, trong khi toàn bộ lực lượng hải quân Việt Nam bất lực, tương tự việc Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã phải gấp rút sang Mỹ gặp Bộ trưởng quốc phòng James Mattis để cầu cứu, ngay sau vụ Trung Quốc bao vây khu vực Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2017.
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan
Một cách ‘nhẹ nhàng’ nhất, cho dù tuyên bố rút Hải Dương 8 khỏi Bãi Tư Chính, Trung Quốc vẫn có thể cho tàu địa chất này xuất hiện trở lại vào bất kỳ lúc nào, hoặc thay thế Hải Dương 8 bằng những tàu Hải Dương khác, cho đến khi nào chán thì thôi. Trong lúc đó, các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển và tàu thương mại dân sự vẫn thả sức chơi trò ‘vờn tàu’ với phía hải quân và ‘lực lượng ngư dân tự vệ’ được trang bị hàng chục ngàn lá cờ của Việt Nam, và nếu hứng thú thì tổ chức xịt vòi rồng hoặc đâm va…

Đó là một kiểu hành hạ tinh thần giới chóp bu Việt Nam, hệt như cái cách chính quyền và công an Việt Nam đã hành hạ tinh thần và thân xác nhiều người dân bất đồng chính kiến lên tiếng phản đối vô số bất công của chế độ cầm quyền và dám xuống đường chống Trung cộng.

Một khi bộ phim Bãi Tư Chính đã được Trung Quốc công diễn đến 3 lần trong ba năm liên tiếp 2017, 2018 và 2019, thì chẳng có gì ngạc nhiên nếu cuốn phim này sẽ được tái diễn vào những năm sau, đều đặn mỗi năm một lần hoặc có thể đến hai lần.

Còn nếu Trung Quốc liều lĩnh điều cả một giàn khoan vào Bãi Tư Chính để ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam’ - như cái cách mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã trịch thượng yêu sách với giới chóp bu Hà Nội khi đến Việt Nam vào đầu năm 2018, đó sẽ là một thảm họa với Bộ Chính trị đảng Việt Nam. Đánh thì sợ mà không đánh thì chẳng còn ra thể thống gì.

Chỗ dựa dẫm duy nhất giờ đây của Hà Nội chỉ còn là Hoa Kỳ - đối trọng duy nhất của Trung Quốc tại Biển Đông.

Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có ít nhất 3 lần chính thể Việt Nam mau mắn tuyên bố ‘tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông’ - ứng với động thái tàu hải quân Mỹ vừa đi qua khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Vào tháng 2 năm 2019, thậm chí Việt Nam không chỉ ‘tôn trọng tự do hàng hải’ mà còn ‘tôn trọng tự do hàng không’. Đây cũng là một chỉ dấu mới và đáng được mổ xẻ và phân tích, đặc biệt liên quan đến một Biển Đông cùng hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang ngày càng nóng lên bởi nguy cơ xung đột quân sự Mỹ - Trung, và nếu cuộc chiến này xảy ra, dù chỉ với quy mô nhỏ và phạm vi hẹp, Việt Nam sẽ không thể ‘vô can’, thậm chí còn phải đưa đầu chịu báng trong tư thế ‘trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết’.

Cách phát ngôn ‘tôn trọng tự do hàng không’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam rất có thể đã mở đường cho máy bay chiến đấu của Mỹ hoạt động trên không phận Biển Đông như một hàm ý ‘máy bay Mỹ bay qua vô hại ở Biển Đông’, tiếp nối khẩu ngữ ‘tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông’ bật ra lần đầu tiên vào đầu năm 2016.

Vào tháng Mười năm 2018, hai máy bay B-52 của Mỹ đã áp sát các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.

Sau hải quân là không quân, và chỉ còn thiếu lục quân.

Lục quân và thủy quân lục chiến - đó sẽ là vấn đề Cam Ranh - một quân cảng khống chế đến 2/3 Biển Đông mà một cách tối thiểu, nó sẽ được dùng để làm căn cứ hậu cần cho một quốc gia nào đó đang giúp Việt Nam kháng Tàu. Vào lúc này, Mỹ là quốc gia duy nhất làm điều đó.

Thường Sơn
(VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét