Thế giới hoà bình hơn nhờ dân chủ?
NGUYỄN QUỐC TẤN TRUNG 11/11/2018 Cân nhắc sự khác biệt giữa các quốc gia có thể chế dân chủ (democracy) và nhà nước chuyên chế (autocracy), thống kê cho thấy tương tác và tranh chấp giữa các quốc gia dân chủ chỉ có 2,4% khả năng dẫn đến chiến tranh. Giữa dân chủ và chuyên chế thì tỷ lệ này ở mức 27,91%. Chức quán quân “hiếu chiến” thuộc về tranh chấp và tương tác xung đột giữa các chính phủ hoàn toàn chuyên chế, với con số 69,91%. Không chỉ vậy, không khó để nhận ra rằng chiến tranh được những nhà độc tài và chính phủ chuyên chế dẫn dắt còn có khả năng gây ra thương vong lớn hơn. Khi chiến tranh là bắt buộc và không thể tránh khỏi, chính phủ các quốc gia dân chủ sẽ làm mọi cách để giảm thiểu thương vong ở mức thấp nhất. Mục tiêu cuối cùng của chiến tranh không phải là đánh giết đến hơi thở cuối cùng, mà là bắt buộc các bên phải tiếp tục đàm phán.
Tranh: Esmeralda Chilapa-Marcelino.
100 năm kể từ khi kết thúc Thế Chiến thứ Nhất (11/11/1918), nhân loại đã bước qua nhiều thăng trầm, kể cả cuộc Thế Chiến thứ Hai tàn khốc (1939 – 1945). Tuy vậy, xu hướng thế giới dường như ngày càng hoà bình hơn và ngày càng dân chủ hơn. Liệu hai hiện tượng này có mối liên hệ nào với nhau không? Thuyết hoà bình nhờ dân chủ cho ta một câu trả lời. Thuyết hoà bình nhờ dân chủ (democratic peace theory) là một trong những học thuyết quan hệ quốc tế có tầm ảnh hưởng quan trọng lên thực tiễn hoạch định chính sách của các ông lớn trên chính trường thế giới.Trọng tâm của học thuyết là quan điểm cho rằng các quốc gia dân chủ không bao giờ (hoặc gần như không bao giờ) đối đầu quân sự với nhau. Điều này hiển nhiên không khiến một nền dân chủ bớt hoặc mất đi tính “diều hâu”, nhưng chí ít là các quốc gia dân chủ tương ứng sẽ không quá hung hăng với ý tưởng đánh nhau. Giả dụ, Hoa Kỳ trong lịch sử vỏn vẹn chưa đến 250 năm lịch sử của mình gần như luôn tham giavào một cuộc chiến tranh ở đâu đó trên thế giới, nhưng rất ít trong số đó liên quan đến những quốc gia dân chủ.
Do được nhiều nghiên cứu thống kê hậu thuẫn, thuyết hoà bình nhờ dân chủ được thừa nhận rộng rãi trong giới nghiên cứu khoa học cũng như chính bản thân những nhà ngoại giao hay các nguyên thủ quốc gia. Một nghiên cứu vào năm 2015 của Tạp chí khoa học về Hòa bình quốc tế đã công bố bảng số liệu sau đây.
Cân nhắc sự khác biệt giữa các quốc gia có thể chế dân chủ (democracy) và nhà nước chuyên chế (autocracy), thống kê cho thấy tương tác và tranh chấp giữa các quốc gia dân chủ chỉ có 2,4% khả năng dẫn đến chiến tranh. Giữa dân chủ và chuyên chế thì tỷ lệ này ở mức 27,91%. Chức quán quân “hiếu chiến” thuộc về tranh chấp và tương tác xung đột giữa các chính phủ hoàn toàn chuyên chế, với con số 69,91%.
Không chỉ vậy, không khó để nhận ra rằng chiến tranh được những nhà độc tài và chính phủ chuyên chế dẫn dắt còn có khả năng gây ra thương vong lớn hơn.
Cuộc chiến giữa Iran và Iraq (1980 – 1988) kéo dài ròng rã tám năm với hơn một triệu nhân mạng bị lấy đi. Do Tổng thống Saddam Hussein của Iraq phát động, chống lại một quốc gia Hồi giáo cực đoan mới ra đời ở Iran, cuộc chiến này là một ví dụ không thể rõ ràng hơn cho tác động khủng khiếp của các cuộc chiến giữa các nhà độc tài.
Nếu so với một cuộc chiến khác tại Trung Đông là “Cuộc chiến 6 ngày” vào tháng 6/1967 giữa một Israel dân chủ và một liên minh các quốc gia Ả rập độc tài, với phần chiến thắng nhanh chóng thuộc về Israel, thương vong (kể cả chết và bị thương) chỉ giới hạn ở con số trên dưới 30.000 người.
Hay, với một cuộc chiến gần gũi hơn, cuộc “huynh đệ tương tàn” giữa hai lực lượng độc tài là Pol Pot Campuchia và Việt Nam kéo dài từ năm 1978 và kết thúc một năm sau đó (nhưng được tiếp nối bằng sự chiếm đóng hòa bình của quân đội Việt Nam tại Campuchia đến năm 1989), cũng đủ để lấy đi sinh mạng của ít nhất 55 nghìn lính Việt Nam, tương đương với tổng số lính Mỹ tử trận trong toàn bộ chiến tranh Việt Nam. Con số này chưa kể thương vong bên phía Campuchia.
Có thể thấy một sự khác biệt rõ cả về chiến thuật và phương pháp sử dụng quân lực giữa hai thể chế chính trị. Nhưng điều gì tạo ra sự khác biệt đó?
Theo Giáo sư Bueno de Mesquita thuộc Đại học New York, cơ chế bầu cử phổ thông khiến các chính trị gia dân chủ buộc phải cân nhắc thật kỹ lưỡng mọi vấn đề liên quan đến phát động chiến tranh. Ông lý luận rằng các chính trị gia muốn được lòng dân chúng và được bầu lại thì phải chiến thắng ở mọi cuộc chiến tranh, mà nếu cả hai chính trị gia đến từ các quốc gia dân chủ vướng vào xung đột vũ trang thì họ sẽ làm hết sức mình để thắng. Cái giá để trả cho những chiến thắng như vậy không hề rẻ đối với kinh tế, nhân lực và chính trị quốc gia. Vậy nên, như lẽ tự nhiên, họ chắc chắn sẽ ưa thích việc đàm phán với nhau thay vì dùng đến pháo hạm.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc khi chiến tranh là bắt buộc và không thể tránh khỏi, chính phủ các quốc gia dân chủ sẽ làm mọi cách để giảm thiểu thương vong ở mức thấp nhất. Mục tiêu cuối cùng của chiến tranh không phải là đánh giết đến hơi thở cuối cùng, mà là bắt buộc các bên phải tiếp tục đàm phán. Hoa Kỳ và chiến tranh Việt Nam là một điển hình cho sự dè dặt của những nền dân chủ trong chiến tranh.
Đi ngược lại với những vấn đề trên, chúng ta có tâm thế của những nhà độc tài, thể chế toàn trị trong chiến tranh. Không bị kiềm hãm bởi các nhánh quyền lực nhà nước, với một dư luận quốc nội bị kiểm soát tận răng, các cuộc chiến tranh đôi khi là cách để họ duy trì quyền lực và thống nhất lòng dân. Những con số thương vong bị giấu kín, những tổn thất tài sản được dán mác bí mật nhà nước và những tờ báo chỉ đưa những tin họ được cho phép, không khó để chiến tranh là một công cụ giải quyết tranh chấp quốc tế có thể chấp nhận được với những quốc gia như thế.
Do những đặc điểm trên của democratic peace, một thời gian Hoa Kỳ đã áp dụng học thuyết này khá mạnh mẽ. Thuyết hoà bình nhờ dân chủ có ảnh hưởng đặc biệt lớn với các nhà tư tưởng tân cổ điển và các nhân viên công vụ định hình chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sau vụ khủng bố 11/9. Niềm tin rằng một vùng dân chủ trong khu vực Trung Đông nổi tiếng lộn xộn và có xu hướng bạo lực sẽ khiến khu vực này có xu hướng thân phương Tây hơn, và học thuyết hoà bình nhờ dân chủ sẽ phát huy tác dụng. Ít nhất đó là những gì mà chính quyền Tổng thống George W. Bush kỳ vọng.
Đi về sự khởi nguồn của của thuyết hoà bình nhờ dân chủ, chúng ta có nhà triết học Đức lừng danh Immanuel Kant đưa ra khái niệm về “perpetual peace” – “hòa bình vĩnh cữu”, một thứ có thể đạt được thông qua việc điều chỉnh mối quan hệ giữa các chỉnh thế cộng hòa (republican states) (Xem thêm tại khái niệm Democratic Peace của SAGE Key Concepts Series: Key Concepts in International Relations).
Ông nhấn mạnh – nền cộng hòa – với những đặc trưng phân chia quyền lực và chính thể đại diện sẽ ít có xu hướng gây chiến, tham chiến hơn là những chính thể phi cộng hòa. Kant còn cho rằng dân chủ và cộng hòa không chỉ giúp các nền cộng hòa ít gây hấn với nhau, mà còn khiến họ tránh xung đột với các quốc gia phi dân chủ. Nhận định này có vẻ chưa chính xác khi các nền dân chủ giàu có trong lịch sử cận đại và hiện đại rất ưa thích đánh nhau với các quốc gia chuyên chế.
Không chỉ vậy, nhiều tác gia đang cho rằng sự phát triển giao thương và lệ thuộc kinh tế lẫn nhau ở mức độ chóng mặt hiện nay mới là thứ kiến tạo và duy trì hoà bình, chứ không phải dân chủ.
Trong một nghiên cứu nổi tiếng của Giáo sư Erik Gartzke thuộc Đại học California – San Diego, ông cho rằng các tiến trình kinh tế, sự trỗi dậy của các tư tưởng thương mại cấp tiếp, độ mở rộng của tiếp nhận tư bản và mức độ tăng trưởng kinh tế cao ngày nay mới thật sự là nguồn gốc của hòa bình đương đại. Ông gọi đây là capitalist peace – hòa bình nhờ tư bản.
Vậy có phải chăng dân chủ đã không còn sức ảnh hưởng của mình đến hòa bình thế giới? Phải chăng chính sách mở cửa kinh tế (mà không cải cách chính trị) của Trung Quốc và Việt Nam là một quyết sách tốt để phát triển kinh tế lẫn duy trì hòa bình thế giới? Người viết không cho là như vậy.
Đến cuối cùng, dòng chảy tư bản, tự do thương mại thuộc về khái niệm tự do, vốn là nền tảng của mọi quốc gia dân chủ. Nó đã từng bị hạn chế bởi sự cố chấp của các chính phủ chuyên chế vô sản. Tiếp nhận dòng chảy tư bản và những lợi ích của tự do thương mại chính là tiếp nhận thành quả lịch sử của những nền kinh tế dân chủ, và là động lực thúc đẩy cho quá trình dân chủ hóa nội địa.
Với các hiệp định tự do thương mại hay hiệp định tự do đầu tư thế hệ mới (FTAs và IIAs) đang dần tích hợp và bảo vệ những quyền công dân cơ bản như quyền thành lập hội – công đoàn, quyền bảo đảm thủ tục pháp lý (due process), quyền môi trường hay quyền tiếp cận thông tin… thuyết hoà bình nhờ dân chủ vẫn tỏ ra hợp lý để giải thích hiện tượng lẫn định hình thế giới trong tương lai.
https://www.luatkhoa.org/2018/11/the-gioi-hoa-binh-hon-nho-dan-chu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét