Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Đô thị và những ứng xử xấu xí

Đô thị và những ứng xử xấu xí
09/11/2018 - Trải qua dòng chảy biến thiên của thời gian, phố thị phát triển thành đô thị khang trang, bệ vệ, lắm khi sặc sỡ và diêm dúa. Từ văn hoá làng xã đến văn minh đô thị là bước chuyển nhanh, gấp, mạnh như một sự tất yếu để bắt kịp thời đại. Nhưng, liệu rằng, từ làng xã ra văn minh đô thị, văn hoá phát triển hay đang tụt lùi, xuống dốc? Ứng xử văn hoá trong văn minh đô thị là một bài toán khó còn bỏ ngỏ.

Khu đô thị mới hôm nay.
Nhớ phố thị khi xưa
Hà Nội xưa có bốn quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Khu 36 phố phường được coi là trung tâm văn hoá và có tính đặc thù, cũng là một trong những dạng khu đô thị cổ sầm uất bậc nhất của thủ đô một thời và ngay cả với hiện tại. Những làng nghề truyền thống giữa nơi phố phường tấp nập mà cho đến tận bây giờ vẫn còn lưu giữ dưới những cái tên không lẫn vào đâu được: Hàng Mắm, hàng Muối, hàng Hòm, hàng Than, hàng Bông, hàng Đào, hàng Ngang…


Phố phường thuở danh hoạ Bùi Xuân Phái đã vẽ những ngôi nhà san sát bên nhau cổ kính rất đặc trưng chỉ có được ở khu phố cổ Hà Nội, mà sau này đã có một cái tên riêng: “Phố Phái”. Đó là những căn nhà hai tầng mái ngói, nơi đó người dân Kẻ Chợ đất kinh kì sinh sống từ bao đời, nếp sống, nếp nghĩ, nếp nhà cứ truyền đời nối tiếp theo nhau. Con người ở đấy, đúc kết qua nhiều thế hệ, với truyền thống gia đình và sự giáo dục đầy đủ, đã tự xây dựng nên những nếp ăn, nếp ở không lẫn vào đâu được. “Người thanh, tiếng nói cũng thanh/ Chuông hay khẽ đánh bên thành cũng kêu” là thế.

Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh, một người con gốc nhiều đời ở Hà Nội kể: Thuở xưa, thiếu nữ Hà Thành không bao giờ ăn hàng quán. Những người gánh rong đi qua, tiểu thư Hà Nội mang bát ra mua rồi mang vào nhà. Trước cửa nhà thường treo một cái mành để người bên ngoài không nhìn vào bên trong. Gặp nhau cúi đầu chào lễ tiết. Nụ cười, tiếng nói cũng nhỏ nhẹ ý nhị vừa đủ nghe…

Hà Nội vào những năm bom đạn ngập trời, qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, người dân gồng gánh đi tản cư ở các tỉnh thành khác, bỏ lại nhà cửa còn chẳng kịp khoá, vậy mà lúc về đồ đạc cũng không bị suy suyển mấy. Những người lính chia nhau từ điếu thuốc lá, thăm hỏi nhau qua những trang thư viết tay nắn nót. Lắm khi cô gái ở nhà nhận được thư của người lính ở chiến tuyến gửi về, giở lá thư ra, nước mắt ướt hết cả trang thư nhoè nhoẹt mà cảm động.

Những thanh niên trí thức tiểu tư sản lãng mạn như bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Người phố thị tuy có tất tả ngược xuôi, nhưng không bon chen vị kỉ, lại tế nhị, e dè nên lối sống phong lưu, thanh nhàn.

Trong “Phố phường Hà Nội xưa” nhà văn hoá Hoàng Đạo Thuý viết: “Trong phố có nền nếp sống lịch sự mà giản dị. Giữa nơi đô hội, giữ được phong vị hàn nho. Đi lại gặp nhau, bài văn, câu thơ, ấm trà liên tâm, điếu thuốc sâu kèn, các cụ bàn những chuyện nghĩa lý, nhắc nhở sử cũ đất nước, rỉ tai những tin rừng núi, tin hải ngoại. Cũng có lúc tranh cãi ồn ào, ấy là khi bàn đến việc cải cách. Cụ thì nói nên giữ lấy cái “lạy” đó là “lễ”. Nhiều cụ bảo: “Vứt đi, cái lối đê tiện ấy”.

Có ông vừa đỗ Phó bảng xong, ông này là ông Bý. Bà con hỏi: “Bao giờ ông bảng xuất chinh?” nghĩa là ra làm chính, làm quan; ông trả lời: “Thầy tôi không dạy tôi nghề làm quan”. Các bà các cô ăn mặc kín đáo, không loè loẹt, bà nào cũng biết chữ, không nhiều thì ít, lắm bà cụ người ta còn bảo đọc ngược được “Truyện Kiều”.

Các cô không mơ tưởng gì xa xôi, chỉ thầm mong lấy được chú học trò, may ra thành ông cử, ông tú không có thì cũng là một người “thiện sĩ”. 

Có đám cãi nhau, đích thị là khách qua đường, chứ trong hàng phố với nhau, có cái gì xê xích, chỉ nói ý, là thu xếp xong…”.

Mảnh đất văn hoá ngàn năm văn vật rất duyên và riêng ấy hấp dẫn khiến bao người si mê nên cũng vì vậy mà không ít các nhà văn hoá và nghiên cứu văn hoá chọn mảnh đất hội tụ hồn thiêng linh khí này làm đối tượng nghiên cứu của cả đời mình mà thành danh: nhà văn hoá Hoàng Đạo Thuý, nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Ngọc, nhà nghiên cứu văn hoá Vũ Khiêu, nhà nghiên cứu văn hoá Giang Quân, nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc…

Và đô thị hôm nay
Đất nước thời mở cửa, hội nhập, những ngôi làng lên phố, thủ đô lại phát triển mở rộng. Hà Nội dần khoác cho mình chiếc áo mới, xúng xính, phô trương và sầm uất. Không chỉ còn bốn quận nội thành, Hà Nội đã có thêm nhiều quận nữa rộng, đẹp như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam – Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ… 


Hình ảnh bị “ném đá” trong chùa.

Nói như nhà văn Kim Lân: “Người thì càng ngày càng đông nhưng đất không nở ra được”. Để đáp ứng số dân ngày một tăng lên, khắp nơi người ta xây chung cư, những toà nhà cao tầng chọc trời lừng lững. Một tòa chung cư tính ra có khi còn hơn cả số dân của một làng khi xưa, ken đặc những người đủ thành phần. Khi xưa phố nhỏ đường hẹp, ngày nay phố rộng, đường lớn vậy nhưng vẫn tắc đường, khói bụi mịt mù.

Hà Nội với những ngôi làng thân quen có tự bao đời, làng Bưởi, làng hoa Ngọc Hà, làng Nghi Tàm, làng Khúc Hạo, làng Thủ Lệ… và hàng chục, cả trăm ngôi làng khác đã thay da đổi thịt thành những toà nhà cao tầng, nhưng nếp sống cách nghĩ của người dân trong làng có theo kịp với sự đổi mới mang gương mặt phố thị hay không lại là câu chuyện khác.

Sống ở chung cư lắm chuyện dở khóc, dở cười. Nhiều hộ gia đình vẫn quen cái kiểu “đất lề quê thói”, mang văn hoá làng ra đô thị. Mùa hè trời nắng nóng như đổ lửa, điều hoà hành lang các tầng mát rười rượi, người dân sống trong căn hộ chung cư mở cửa hành lang để đón khí mát điều hoà cho đỡ tốn tiền điện, báo hại anh bảo vệ cứ phải nhiều lần lên nhắc nhở.

Ở chung cư sợ nhất là nghe thấy tiếng còi báo cháy. Ngày rằm, mồng một các nhà khói hương nghi ngút, người ta lại lười không xuống hoá vàng ở lò gốm nung dưới sảnh tầng 1 mà hoá vàng ở trong nhà rồi trút đại tro tàn vào thùng rác công cộng ngay trên tầng, bất chấp ngay cả khi than chưa tàn hẳn. Khói quá quy định, chuông báo cháy lại vang lên inh ỏi. Hồi đầu thì hú hồn hú vía. Nghe riết rồi cũng thành quen.

Lắm khi lại được một gia đình mới sắm được bộ loa “khủng”, hứng chí rủ anh em bạn bè đến hát karaoke mở volume hết cỡ. Đã vậy lại còn mở cửa như để khoe giọng. Báo hại cả tòa nhà đinh tai nhức óc cả buổi tối chẳng làm được việc gì. 

Lại có mấy cô, mấy bác làm nghề giúp việc thuê đến giờ bế các cháu ăn, chỉ có mỗi một “bài” duy nhất là cho trẻ vào thang máy bấm hết lên rồi lại xuống, xuống rồi lại lên để dỗ cho trẻ ăn kỳ xong bát bột mới thôi.

Ở chung cư có cái khổ của ở chung cư. Ở dưới đất cũng có cái khổ của ở dưới đất. Giữa nơi văn minh hiện đại hẳn hoi, nhà ở đầu ngõ thì ngày nào cũng bị hàng xóm đem bỏ rác ngay trước cửa nhà. Cực chẳng đã phải viết biển cảnh báo: “Cấm đổ rác”, vậy mà cũng chẳng ăn thua. Được một vài hôm, người ta vẫn vứt rác như thường.

Rồi thì nhà nuôi chó tây, ta ngang nhiên dắt chó đi vệ sinh ở gốc cây hoặc vườn hoa. Mấy anh comple cà vạt, đầu tóc gọn ghẽ ngồi trong chiếc ôtô thời thượng trông cũng không đến nỗi nào, bỗng dưng kéo kính xe ngang nhiên ném cả bịch rác ra đường. 

Lên chùa thì mấy chị xinh gái, má thắm môi hồng, váy áo mỏng tang cánh chuồn, ngắn cũn cỡn tung tăng vẫn đến sì sụp khấn vái. “Lộc” chùa vô tận, đằng nào mà chẳng… “của chùa”, thế nên đầu năm lên chùa hái lộc, vặt cành, ngắt lá không thương tiếc.

Lâu lâu lại xuất hiện vài cảnh đàn bà con gái giật tóc, lột đồ đánh ghen quay clip tung lên mạng internet. Học sinh bạo lực học đường chẳng còn là hy hữu. Va chạm xe ngoài đường cũng dễ dẫn đến ẩu đả. Một cái nhìn bị cho là “nhìn đểu”, một cái cười bị cho là “cười mỉa” không cẩn thận dẫn đến án mạng như chơi. Nhiều vụ án giết nhau chỉ vì một cái nhìn, hay tiếng cười được cho là không đúng chỗ.

Bạn bè lâu lâu không gặp, đến khi họp mặt tưởng tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả thì mỗi người ôm lấy cái điện thoại smartphone dính mắt lên màn hình chat chít từ đầu đến cuối. “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”, ấy thế mà đến khi ghét nhau thì lôi nhau ra bới móc đủ thứ lên mạng xã hội nói cho hả dạ. Con cái chửi cả ông bà, cha mẹ; bạn bè nhiếc móc lẫn nhau, đồng nghiệp mạt sát ganh ghét hơn thua trút cả lên một thứ tên gọi là mạng xã hội. Để đến nỗi có câu: “Lên non mới biết non cao, lên “fây” mới biết “fây” bao não phiền”.

Sự ăn uống giờ cũng đã khác xa. Người ta ăn uống vô tôi vạ. Ăn ở bất kể đâu. Bạ đâu ăn đó. Đầu đường xó chợ, trong nhà ngoài ngõ, ăn uống xì xụp ngay cạnh cống rãnh, mương nước, thùng rác miễn là chỗ đấy có mở quán bán hàng. Người ta thích ngồi ở vỉa hè, túm năm tụm ba thậm chí tràn xuống lòng đường ăn uống, miệng nhồm nhoàm, mắt tò mò ngắm phố phường cũng được coi là một cái thú mới của văn minh đô thị?!

Người giàu tích đức, thích cung tiến tiền xây chùa, thành kính dâng lư đồng, câu đối, xây nhà thờ họ, đúc chuông, tô tượng, toàn những chuyện tốt nên làm. Tiếc thay, tiền thì thừa mà đức khiêm sinh thì thiếu. Đồ cúng tiến, dâng lên đình chùa tương đại tên mình, gia đình cùng địa chỉ, thậm chí cả số điện thoại. Chẳng vậy mà nhiều khi vào đến cửa chùa, cửa đền, cửa phủ, chốn thanh tịnh trang nghiêm lại thấy tên của cả gia đình vị đại gia ngang nhiên trên ban thờ Tổ, thờ Phật. Thật là kinh hãi. Sư trụ trì cũng biết nhưng vì cả nể nên lặng im.

Góc nhìn của các nhà nghiên cứu văn hoá

Bâng khuâng, trăn trở trước một đô thị trở mình, khoác bộ mặt mới, Giáo sư - Tiến sĩ - Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính chia sẻ: “Cái đẹp, cái chất, cái hồn và cái duyên của Hà Thành ẩn khuất trong nhữn dãy phố và những ngõ ngách, trên những mặt nhà già nua, dưới những bóng cây rậm rịt, mà thiếu chúng, những con phố trở nên trơ trẽn. 


Những hình ảnh xấu xí nơi đô thị.

Và, nếu ta để mắt, ta không thể không nhận ra rằng cái chất cùng cái duyên hàm chứa hơn cả trong cách ăn, cách ở, cách ứng xử, trong cách kiến tạo chốn thị thành - tổ người, những ngõ phố người đời của dân kinh kỳ. Giữa các đô thị bành trướng nhanh và sống quay cuồng, ta thèm muốn giữ lại những đô thị mà người dân đi không vội, ăn không nhanh, nói không to. Vẫn giữ được cái sự hiền từ”.

Nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Ngọc thì nhận định: “Nước ta có trải qua mấy nghìn năm văn hiến, trong dòng chảy qua nhiều thời kì có sự tiếp biến văn hoá. Đó là những thay đổi về nhận thức, thâu nhận thêm được nhiều cái mới có giá trị, phù hơp với sự phát triển đi lên của đất nước.

Nhưng khoảng hơn 20 năm trở lại đây xuất hiện một lớp người giàu, thậm chí rất giàu được gọi là tầng lớp trung lưu, triệu phú, tỉ phú mới nổi. Họ giàu một cách nhanh chóng nhưng lối sống của lớp người này nghiêng về phần hưởng thụ xa xỉ, thực dụng, phù phiếm, thiếu mất căn cốt. Người ta coi trọng giá trị đồng tiền ở chỗ đồng tiền ấy có giúp gì được cho dân, cho nước hay không chứ không phải chỉ ở sự hưởng thụ cá nhân ích kỉ, tầm thường. Họ sa vào chú trọng thoả mãn nhu cầu cá nhân, ăn uống, chơi bời, hưởng thụ, sống gấp. Đó chính là hậu quả, là mặt trái của nền kinh tế thị trường.

Khuyến khích văn hoá tiêu dùng phù phiếm điều đó chỉ phát triển kinh tế chứ không mang lại lợi ích nâng cao đời sống tinh thần. Điều đáng nói là không ít người có tiền lại trở nên rất tự tin, tỏ ra to lớn trong mắt người khác. Mặc dù người ta chưa nghiên cứu xem tiền đó ở đâu ra, vì sao mà có?! Người ta bị choáng ngợp, loá mắt trước sự giàu mà chưa chắc đã sang. Và người ta lại nhìn vào họ như một chuẩn mực sống cần phải vươn tới. Đó là điều thực sự rất đáng lo ngại”.

Trần Mỹ Hiền
http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Do-thi-va-nhung-ung-xu-xau-xi-519037/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét