Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Trần Huỳnh Duy Thức tự đốt mình thay vì đốt đền

Tôi biết tên anh Trần Huỳnh Duy Thức từ đầu thập niên 2000 khi đọc một số bài nghiên cứu của anh về kinh tế đất nước. Phải nói là có nhiều bài viết tuyệt hay. Có vài bác Bộ trưởng thời đó đã nói với tôi về anh với sự khâm phục. Thậm chí có bác Bộ trưởng bảo trong một phiên họp chính phủ của bác Phan Văn Khải, bác Khải cũng ca ngợi các phân tích và khuyến nghị của anh Thức, đề nghị các thành viên Chính phủ nghiên cứu có nên làm theo không ? Tuy nhiên, lợi ích của tập đoàn cầm quyền cao hơn lợi ích của dân tộc, nên các khuyến nghị của anh Thức đều bị bỏ qua, rồi bị đánh giá là phản động. Mặc dù không muốn đề cập tới anh trong Blog này do vài nguyên nhân, nhưng từ lâu tôi cứ so sánh anh Thức với Nelson Rolihlahla Mandela, cho dù anh ở tầm thấp hơn. Mandela đã trải qua 27 năm trong lao tù; anh thì sẽ 16 năm. Sau khi được trả tự do vào ngày 11 tháng 2 năm 1990, Mandela đã lãnh đạo đảng của ông trong cuộc thương nghị để tiến tới một nền dân chủ đa sắc tộc vào năm 1994. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình từ năm 1994 đến 1999, Mandela thường ưu tiên cho vấn đề hòa giải dân tộc. Được coi là biểu tượng của dân chủ và công bằng xã hội, Mandela đã nhận hơn 250 giải thưởng trong hơn bốn thập niên, trong đó có Giải Nobel Hòa bình vào năm 1993. Tại Nam Phi, Mandela được đặc biệt kính trọng và được coi là Cha già dân tộc.

Trần Huỳnh Duy Thức, người tự đốt mình thay vì đốt đền

Mặc Lâm, gửi tới BBC Tiếng Việt từ Oregon, Hoa Kỳ
Bánh xe lịch sử không phải khi nào cũng đúng lúc, nhất là lúc này, lúc mà hàng trăm tù nhân lương tâm không được ai cứu vớt, bảo vệ. Một Trần Huỳnh Duy Thức với hai bàn tay trắng khó lòng gây phản ứng nơi nhà cầm quyền. Họ còn đang bận rộn với những mục tiêu khác, những dự án khác, và nhất là những cách tránh né dư luận quần chúng khác. Hà Nội vừa ra văn bản chính thức mong muốn người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, góp phần đem lại hình ảnh văn minh cho thủ đô. Nhưng Hà Nội lại không ra văn bản từ bỏ thói quen ăn thịt người góp phần đem lại bộ mặt văn minh của đất nước thông qua sự tôn trọng quyền biểu đạt cũng như dân chủ nhân quyền của người dân mà cả thế giới đồng lòng theo đuổi.

Cha của ông Trần Huỳnh Duy Thức và yêu cầu
chính quyền Việt Nam trả tự do cho con trai
Hơn 10 ngày nay, đầu óc lúc nào cũng ám ảnh bởi một khuôn mặt chưa bao giờ gặp nhưng những đường nét khá đậm trên những bức ảnh của anh đã đi sâu vào trí nhớ tôi: Trần Huỳnh Duy Thức. Như hàng trăm tù nhân lương tâm khác, Trần Huỳnh Duy Thức lâu lâu lại được người từng biết anh nhắc tới trên mạng xã hội. Nhắc tính cách, tài năng và ngay cả những thành công của anh trước khi bị bắt vì bị cáo buộc tội "Lật đổ chính quyền" với bản án 16 năm tù, mặc dù anh nhiều lần công khai nói rằng đây là một bản án vô căn cứ và áp đặt. 

Trần Huỳnh Duy Thức là một công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như mọi công dân khác, vì vậy anh mặc nhiên được chia đều sự bất công của tòa án như bất cứ công dân nào dám bày tỏ chính kiến và phản biện những chính sách sai trái của nhà cầm quyền.

Chín năm sau ngày thụ án trong trại giam, ngày 14 tháng 8 năm 2018 Trần Huỳnh Duy Thức bắt đầu tuyệt thực để yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho anh vô điều kiện, căn cứ theo Bộ luật Hình sự mới 2015/2017, cho phép anh miễn trách nhiệm thi hành án tù 7 năm còn lại. Yêu cầu của Trần Huỳnh Duy Thức dựa trên cơ sở luật pháp của Việt Nam, nhưng tiếc thay người cầm cán cân luật pháp ấy đang phải chờ sự quyết định của cấp trên, tức những người cao hơn luật pháp một bậc.

Họ chờ nhưng anh không chờ, 32 ngày liên tục nhịn đói trong nhà giam dưới hoàn cảnh khắc nghiệt mà không cần phải ở trong ấy mới biết. Trần Huỳnh Duy Thức như một con sư tử đá, im lặng nhưng mạnh mẽ đến đau lòng, anh chứng tỏ cho chế độ biết rằng không gì khuất phục được một người yêu nước như anh, mặc dù bị trói tay nhưng họ không thể trói ý chí và lòng ham muốn phục vụ đất nước của anh. Sự im lặng đầy tính cách ấy mặc dù không thấy chế độ phản ứng nhưng bên ngoài chấn song sắt giam cầm anh, người dân đã phản ứng.

Thêm rất nhiều bạn trẻ biết tới cái tên Trần Huỳnh Duy Thức với đầy đủ tiểu sử hoạt động của anh. Hàng ngàn người thay Avatar trên Facebook của họ bằng khuôn mặt của anh để nói lên sự lo lắng, thương yêu lẫn tin cậy. Hàng ngàn status đủ dạng từ ngắn tới dài, cùng chia sẻ sự cảm phục, yêu mến, chờ đợi và nhất là hồi hộp theo dõi kết quả sau cùng mà không ai muốn nhắc tới dù chỉ một lần: Cái chết.

Câu thường thấy nhất trên những status ấy cuối cùng rất giống nhau: Anh không thể chết.

Nhưng tính cách Trần Huỳnh Duy Thức có lẽ không ai thay đổi được ngoại trừ thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam. Anh không chờ đợi ở họ sự nhượng bộ vì dưới mắt họ anh chỉ là một công dân phản động, và phản động là một thuật ngữ đóng lại mọi cánh cửa văn minh nhất trong đó có dân chủ nhân quyền, điều mà anh bỏ cả mạng sống ra để tranh đấu. Cuộc cờ không thể xoay chuyển khiến nhiều người bi quan hơn, trong đó có gia đình anh, những người chung vai vác thập giá với anh trong gần mười năm nay. Rất đau lòng, nhưng anh nói với những người thân yêu của mình "Con yêu gia đình lắm nhưng con yêu đất nước Việt Nam hơn".

Có lời kêu gọi cộng đồng mạng cầu nguyện và tuyệt 
thực một ngày để ủng hộ ông Trần Huỳnh Duy Thức

Một câu nói có vẻ cường điệu đối với ai không tin vào bản lãnh của Trần Huỳnh Duy Thức nhưng 32 ngày trôi qua trong chốn âm u lạnh lẽo đầy chết chóc ấy anh đã chứng tỏ cho mọi người thấy hàm ý của mình.

Ở tuổi 52, tuổi của chín muồi mọi khát vọng, anh đánh đổi sự khao khát cháy bỏng của mình đối với đất nước bằng cái chết để chứng tỏ cho thế giới thấy, một lần nữa, chế độ này hoàn toàn không phải là một chế độ pháp trị và sự cô lập đến chết một con người yêu nước là chính sách nhất quán bảo vệ chế độ của họ.

Trần Huỳnh Duy Thức thừa khôn ngoan để biết rằng khó lòng họ nhượng bộ trước yêu sách hợp lý của mình, nhưng anh vẫn chấp nhận dấn thêm bước nữa như một phép thử trước những tội trạng mà chế độ áp đặt lên anh. Có lẽ thẳm sâu trong lòng anh vẫn tin rằng đây là lối thoát anh mở ra cho chế độ có cơ hội sửa sai để từ đó xóa bỏ dần những sai phạm mà họ đã gây ra trong hơn 70 năm qua. Nhưng cũng có lẽ, anh đánh giá sai sự kiêu ngạo cộng sản của họ, những người không bao giờ nhận sai lầm trong bất cứ hành động nào.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức những ngày còn tự do

Viết đên đây tôi tự thấy lòng trống trải lạ thường. Tôi thấy anh trầm tư trong trại giam, thân thể gầy còm suy sụp. Tôi thấy anh đăm đắm nhìn ra ngoài song sắt như để nhắn đến những người biết anh: hãy vững tin vì không có gì cưỡng lại được bánh xe lịch sử.

Vâng, nhưng thưa anh, bánh xe lịch sử không phải khi nào cũng đúng lúc, nhất là lúc này, lúc mà hàng trăm tù nhân lương tâm không được ai cứu vớt, bảo vệ. Một Trần Huỳnh Duy Thức với hai bàn tay trắng khó lòng gây phản ứng nơi nhà cầm quyền. Họ còn đang bận rộn với những mục tiêu khác, những dự án khác, và nhất là những cách tránh né dư luận quần chúng khác.

Hà Nội vừa ra văn bản chính thức mong muốn người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, góp phần đem lại hình ảnh văn minh cho thủ đô. Nhưng Hà Nội lại không ra văn bản từ bỏ thói quen ăn thịt người góp phần đem lại bộ mặt văn minh của đất nước thông qua sự tôn trọng quyền biểu đạt cũng như dân chủ nhân quyền của người dân mà cả thế giới đồng lòng theo đuổi.

---

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và văn phong củaMặc Lâm, nguyên Tổng biên tập ban Tiếng Việt của Đài Á Châu Tự Do, hiện sống ở Oregon, Hoa Kỳ.

BBC Tiếng Việt luôn hoan nghênh ý kiến tranh luận về những vấn đề thời sự. Hãy gửi bài về cho chúng tôi theo địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45510773

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét