Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Việt Nam: Không dễ quyết ai làm Chủ tịch nước

Đảng CS Việt Nam còn bàn về nhân sự Chủ tịch nước
28 tháng 9 2018 - Một người phát ngôn của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chưa rõ liệu Hội nghị Trung ương 8 có quyết định nhân sự cho vị trí Chủ tịch nước hay không. Hội nghị Trung ương 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra từ 2 đến 6/10, trong bối cảnh Việt Nam vừa tổ chức quốc tang vì Chủ tịch nước Trần Đại Quang tạ thế. Tại cuộc họp báo về chương trình hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh nói "không đặt vấn đề" bầu bổ sung ủy viên Bộ Chính trị tại hội nghị 8.

Hình ảnh ngày đầu Quốc tang Chủ tịch Quang
Ông Vĩnh nói thêm: "Còn việc Trung ương có xem xét quyết định giới thiệu nhân sự để bầu Chủ tịch nước mới tại hội nghị lần thứ 8 này hay không còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị của các cơ quan." "Việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước là việc hết sức hệ trọng của quốc gia nên phải được chuẩn bị một cách hết sức chu đáo, cẩn trọng. Chắc chắn vấn đề này sẽ do Trung ương Đảng xem xét nhưng cụ thể có xem xét tại hội nghị này hay không, Trung ương sẽ thông báo sau."

Theo tìm hiểu của BBC, cho đến ngày 28/9, Bộ Chính trị chưa có cuộc họp để bàn việc chuẩn bị nhân sự chức Chủ tịch nước.

Một số cái tên ủy viên Bộ Chính trị được giới quan sát nêu ra như ứng viên cho chức chủ tịch nước, gồm các ông Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thiện Nhân hay Ngô Xuân Lịch.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (trái) được xem là một trong các ứng viên hàng đầu vào chức Chủ tịch nước

Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư hiện được xem là một trong các ứng viên hàng đầu vào chức Chủ tịch nước

Có ý kiến nói ông Phạm Minh Chính, cựu trung tướng công an, nguyên Bí thư Quảng Ninh và hiện là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cũng là một nhân vật sáng giá khi Đảng CS sắp xếp lại các chức vụ cao nhất.

Ngoài ra, có câu hỏi trong giới quan sát rằng liệu quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh có được Đảng xem xét đưa vào Bộ Chính trị để chính thức giữ chức vụ Chủ tịch nước hay không.

Thời gian qua, dư luận Việt Nam cũng bắt đầu chú ý đến nhu cầu có thêm một nhân vật nữ ở vị trí cao thuộc hàng cao nhất trong bộ máy để cải thiện hình ảnh đất nước.

Lễ quốc tang của Chủ tịch nước Quang được quốc tế rất trọng thị làm lộ ra sự khác biệt trong cách nhìn nội bộ của Đảng CSVN, coi chức vụ này không cao lắm, với hình ảnh, vị thế của nguyên thủ quốc gia trong con mắt dư luận trên thế giới.

Phát biểu với báo chí hôm 28/09, ông Lê Quang Vĩnh nói về quyền Chủ tịch nước:

"Chúng ta vừa qua hai ngày Quốc tang, theo quy định của Hiến pháp và quy định trong Đảng, cấp có thẩm quyền đã phân công bà Đặng Thị Ngọc Thịnh là quyền Chủ tịch nước. Với sự phân công này, các quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước được thực hiện bình thường, đầy đủ."

Điều này có thể hiểu là người ta không vội vàng để bà Ngọc Thịnh rời vị trí tạm quyền như hiện nay, dù trong danh sách Ban tang lễ ông Quang, tên bà bị đặt dưới các ủy viên Bộ Chính trị.

Cũng trong mấy ngày qua, có ý kiến của TS Vũ Cao Phan từ Hà Nội cho rằng đây là dịp "có thể nhất thể hóa cái chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước là một."

Cái chết của Chủ tịch Trần Đại Quang đặt ra vấn đề ai sẽ chính thức lên làm Chủ tịch nước, vị trí hiện do bà Đặng Thị Ngọc Thịnh (bìa trái) tạm quyền

Trả lời Bàn tròn Thứ Năm 27/09 của BBC Tiếng Việt, ông giải thích vì sao:

"Thứ nhất, Việt Nam là nước XHCN duy nhất cho đến nay chưa kết hợp hai chức vụ ấy làm một. Trung Quốc, Cuba và ngay bên cạnh là Lào, tất cả đều làm thế rồi, chỉ còn Việt Nam thôi.

Thứ hai, trên thực tế, Việt Nam đã có ý định thực hiện từ hơn 20 năm trước, từ thời ông Lê Khả Phiêu còn làm Tổng Bí thư.

Thứ ba, có thể nói là sự ra đi của ông Trần Đại Quang là ngẫu nhiên thôi nhưng trở thành tất nhiên - nghĩa là một sự chín muồi cho sự nhất thể hóa.

Nhưng theo tôi điều quan trọng nhất là sự kết hợp đó là hợp lý và có lợi."

Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ bắt đầu kỳ họp từ 22/10 đến 20/11.

Theo luật, Quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước, nhưng trong bối cảnh chính trị một đảng ở Việt Nam, Ban chấp hành trung ương Đảng trước đó quyết định nhân sự.
Bộ Chính trị đang 'thiếu người'
Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan lãnh đạo cao nhất trong Đảng Cộng sản.
Đại hội Đảng năm 2016 đã bầu ra 19 ủy viên Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.
Nhưng chỉ một năm sau, ông Đinh La Thăng bị kỷ luật, thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TPHCM. Ông Thăng sau đó bị hai án tù - 13 năm và 18 năm tù - và tổng cộng lại sẽ phải thi hành mức án 30 năm tù giam.
Ông Đinh Thế Huynh phải nghỉ điều trị bệnh, thôi chức Thường trực Ban Bí thư từ đầu năm 2018 tuy vẫn ngồi trong Bộ Chính trị.
'Quỹ nhân sự cao cấp' hiện bị hẹp lại sau cái chết của Chủ tịch Quang, và sự vắng mặt lâu của ông Đinh Thế Huynh, cùng việc bỏ tù ông Đinh La Thăng.
Ông Trần Quốc Vượng, vốn là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chính thức giữ chức Thường trực Ban Bí thư từ tháng 3/2018.
Trong danh sách Ban lễ tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban lễ tang.
Danh sách này xếp thứ tự Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thứ ba và ông Trần Quốc Vượng thứ tư.
Việc bổ sung bất cứ ai vào Bộ Chính trị cũng có thể tạo ra "phản ứng dây chuyền" vì chức vụ của người đó sẽ cần phải có người khác thay thế.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân (phải) hiện là một trong 'tứ trụ' ở Việt Nam

Quy định của Hiến pháp Việt Nam 2013

  • Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
  • Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.
  • Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước.
  • Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

Chân dung quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh

Sinh năm 1959 ở tỉnh Quảng Nam, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh vào Đảng Cộng sản năm 1979.
Bà có bằng Thạc sỹ xây dựng Đảng, Cử nhân khoa học Sử, Cử nhân Luật.
Bà có thời gian dài làm việc tại TPHCM, qua các chức vụ như Bí thư Đảng ủy phường Bến Thành (Quận 1, TPHCM); Viện trưởng Viện KSND Quận 1 (TPHCM), Phó Chủ tịch UBND Quận 1; Chủ tịch Hội Phụ nữ TPHCM.
Sau khi được điều động ra Hà Nội, bà Ngọc Thịnh trở thành ủy viên dự khuyết BCH Trung ương khóa X năm 2006.
Năm 2009, bà về giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long rồi trở thành Bí thư Tỉnh ủy một năm sau đó.
Đầu năm 2015, bà lại được điều ra Hà Nội giữ chức Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Đại hội Đảng năm 2016 bầu bà vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Sau đó, bà được Quốc hội bầu vào chức Phó Chủ tịch nước.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45666482

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét