Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Thư ngỏ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

THƯ NGỎ GỬI ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA XIV
Vũ Hữu Sự (cử tri, nhà văn) Gần đây nhất là một vị, đã tự cho mình cái quyền nằm trong một khu đất nông nghiệp rộng tới 3 ha (có người nói là tới 6,5 ha). 3 ha, tức là 30.000 m2. Diện tích ấy bằng không gian sống cho 10 người dân hay một vài nhà máy trong một khu công nghiệp, hàng năm đóng góp cho đất nước rất nhiều, và bằng chỗ nằm cho một sư đoàn liệt sỹ. Thử hỏi, làm như vậy có nên không ? Để ngăn chặn lòng tham vô độ của những học trò hư của chủ tịch Hồ Chí Minh, chết rồi vẫn cố vơ vét, dành giật không gian sống của người khác. Tôi kính mong các vị hãy ban hành một đạo luật về mai táng, trong đó quy định rõ diện tích đất dành để mai táng cho người chết, để bảo vệ phần đất đai ít ỏi, nhưng là tài nguyên quý giá vô ngần cho nhân dân. 

Lăng Vua Ngô Quyền - Vị Tổ Trung hưng lần thứ 
Nhất của Đại Việt. Xã Đường Lâm, TX Sơn Tây, Hà Nội
Kính thưa các vị,
Nước ta có diện tích chỉ 32 triệu ha. Nhưng dân số hiện đã gần 100 triệu người. Bình quân đất đai cho mỗi người dân Việt Nam hiện nay chỉ trên dưới 3.000 m2, và con số đó sẽ còn ít hơn nữa trong tương lai, do dân số tăng, do thiên tai gây lở sông lở núi, do biển tiến (mỗi năm mất thêm hàng trăm ha đất). Trong khi đó, Trung Quốc tuy có trên 1 tỷ người, nhưng bình quân đất đai cho mỗi người dân của họ tới 30.000 m2, tức là gấp 10 lần ta.

Đất đai chật hẹp, nên việc tiết kiệm đất, để dành đất cho người dân canh tác và đất để xây dựng các khu công nghiệp, nhằm phát triển đất nước, đã trở thành cấp thiết và càng lúc càng trở nên cấp thiết hơn. Muốn dành đất cho người sống, thì con đường duy nhất là tiết kiệm đất dành cho người chết.

Việc tiết kiệm đất cho người chết đã được tiền nhân thực hiện từ rất lâu. Đức Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, khi chết, đã được người thân thiêu xác rồi chôn giữa rừng không để lại dấu vết, theo lời dặn dò của ngài. Đức Ngô vương Quyền cũng chỉ dành cho mình một cái lăng vài chục m2 ở quê mình là làng Đường Lâm (Sơn Tây), Và rất nhiều anh hùng dân tộc khác nữa, khi nằm xuống, cũng chỉ dành cho mình một chỗ đất rất khiêm tốn, không khác gì người dân thường. 


Lúc sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương vận động nhân dân an táng theo hình thức hỏa táng, để vừa tiết kiệm đất cho người sống, lại vừa khỏi ô nhiễm môi trường. Về phần mình, Người dặn, hãy hỏa thiêu thi hài của Người sau khi Người đi “gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các bậc cách mạng đàn anh khác”, mang tro cốt rải ở ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước. Hàng triệu liệt sỹ trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống quân Pônpốt và quân xâm lược Trung Quốc, cũng chỉ nhận cho mình một chỗ nằm vô cùng khiêm tốn, vẻn vẹn 1 m2 trong các nghĩa trang Liệt sỹ.

Thế mà ngày nay, rất nhiều vị lãnh đạo đảng và nhà nước, khi nằm xuống, đã tự cho mình cái quyền nằm trong một khu đất rộng mênh mông, với những lăng mộ đồ sộ, hoành tráng, và buồn thay, con cháu họ lại lấy đó làm vênh vang, hãnh diện. Gần đây nhất là một vị, đã tự cho mình cái quyền nằm trong một khu đất nông nghiệp rộng tới 3 ha (có người nói là tới 6,5 ha). 3 ha, tức là 30.000 m2. Diện tích ấy bằng không gian sống cho 10 người dân hay một vài nhà máy trong một khu công nghiệp, hàng năm đóng góp cho đất nước rất nhiều, và bằng chỗ nằm cho một sư đoàn liệt sỹ. Thử hỏi, làm như vậy có nên không ?

Các vị đều tự nhận mình là những “học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nhưng “học trò xuất sắc” tại sao lại không nghe lời dạy của thầy ? Tại sao sau khi chết lại không đi vào đài hóa thân hoàn vũ như lời dạy của thày, để rồi người thân mang tro cốt của mình gửi ở một ngôi chùa nào đó, nương nhờ cửa Phật, vừa thanh tịnh lại vừa vệ sinh. Trong nhà trường, những học trò không nghe lời thầy được gọi là những học trò hư, học trò cá biệt.

Đức Hưng đạo Đại vương và rất nhiều anh hùng dân tộc khác không xây lăng mộ, để cho thân xác của mình từ cát bụi lại trở về cát bụi. Nhưng các ngài đã có những cái lăng vô cùng vĩ đại. Đó là những lăng mộ tồn tại muôn đời trong lòng dân. Còn những lăng mộ đồ sộ, trên những khu đất rộng mênh mông của những người lúc sống đã chót vót ngôi cao nhưng lại là những học trò hư của chủ tịch Hồ Chí Minh kia, thì tồn tại trong lòng ai ? Đó chỉ là những núi gạch, núi xi măng đồ sộ đầy phản cảm trong mắt người dân. Có thể do sợ họng súng, sợ dùi cui và sợ còng số 8 mà họ không nói ra, nhưng trong lòng họ bất phục. Và khi sống, nếu người nằm trong đó đã làm những gì trái lòng dân, thì khi chết đi, cái núi gạch, núi xi măng đó chỉ trở thành mục tiêu để người dân chỉ vào đó mà nhiếc móc, chứ hay gì mà phô trương ? Hơn thế nữa, những núi gạch, núi xi măng đó chỉ phơi bày những dấu hiệu bất minh của người nằm trong đó lúc sống. Ai cũng biết, lương của lãnh đạo đảng, nhà nước cấp cao nhất cũng chỉ chưa đầy 20 triệu/tháng. Với mức lương đó, thì tiền đâu để lúc sống đã ở trong những biệt thự khổng lồ trong những khu đất vàng ở thủ đô, trị giá cả trăm tỷ, lúc chết lại còn nằm trong cái lăng trị giá cả trăm tỷ nữa. Hỏi, tức là đã trả lời.

Và nếu cứ đà này, lăng mộ của người sau rộng hơn, đồ sộ hơn lăng mộ của người trước, thì chẳng bao lâu nữa, nước ta sẽ hết sạch đất canh tác và đất xây các công trình. Trên dải đất hình chứ S thân yêu này chỉ còn la liệt những cái lăng. Người dân muốn có đất sống, chỉ còn cách... đi sang hành tinh khác.

Lúc sống, làm những việc thuận lòng dân, rồi lúc chết, dẫu chỉ còn một bình tro gửi cửa chùa, nhưng được nhân dân xây lăng mộ trong lòng mình. Với lúc sống làm trái lòng dân, khi chết nằm trong cả núi gạch đá, xi măng trên một khu đất rộng mênh mông nhưng lại là mục tiêu để người đời xỉ vả. Đằng nào hơn ?

Để ngăn chặn lòng tham vô độ của những học trò hư của chủ tịch Hồ Chí Minh, chết rồi vẫn cố vơ vét, dành giật không gian sống của người khác. Tôi kính mong các vị hãy ban hành một đạo luật về mai táng, trong đó quy định rõ diện tích đất dành để mai táng cho người chết, để bảo vệ phần đất đai ít ỏi, nhưng là tài nguyên quý giá vô ngần cho nhân dân.

Trân trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét