Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

Trần Đại Quang thọ 61, 62, 63 tuổi hay nhiều hơn ?

Trần Đại Quang thọ bao nhiêu tuổi ? 61, 62, 63 hay hơn ?
1. Từ lâu tôi cứ băn khoăn về cách tính tuổi thọ của người Việt Nam. Chuyện này tôi đã bình luận trên Blog này khi Nhà nước tổ chức quốc tang cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, và khi Mỹ tổ chức quốc tang cho Thượng nghị sĩ John McCain. Giờ đến lượt bác Quang. Nguồn tin chính thức từ Thông tấn xã Việt Nam lấy từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, bác Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, qua đời lúc 10h05 phút ngày 21/9/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 62 tuổi.

Mặc dù báo chí trong nước đồng loạt đưa tin, bác Quang hưởng thọ 62 tuổi vì bác sinh ngày 12/10/1956 theo lý lịch chính thức mới được sửa cách đây hơn chục năm, nhưng báo chí phương Tây lại đồng loạt đưa tin bác chỉ thọ 61 tuổi. Ví dụ như Vietnamese President Quang dies aged 61 (Nikkei 21-9-18) Vietnamese President Tran Dai Quang dead at 61 after illness (AFP/SCMP 21-9-18) Vietnam President Tran Dai Quang dies at 61, leaving power vacuum (WP 21-9-18) Vietnam's president dies after viral illness (Reuters 21-9-18) Tran Dai Quang, Hard-Line Vietnamese President, Dies at 61 (NYT 21-9-18)...



Chúng ta đều biết, thương khi một người ra đi, dù tuổi khai trong hồ sơ Nhà nước hay hồ sơ Đảng thế nào, thì gia đình họ đều sử dụng tuổi thật của người đó khi tổ chức tang lễ và cúng tế. Chưa biết gia đình bác Quang sẽ sử dụng tuổi nào của bác. Có lẽ trong tang lễ chính thức, sẽ phải dùng tuổi theo quy định của Đảng, nhưng khi cúng lễ ở nhà, sẽ sử dụng tuổi thật...

Tuy nhiên, theo cách tính phổ biến của người Việt trong hơn nửa thế kỷ toàn giả dối vừa qua và hiện nay, người ta sẽ cộng thêm cho bác 1 tuổi, đó là cách tính theo tuổi âm, vì người ta "lý luận" 9 tháng nằm trong bụng mẹ cũng đã là con người. Giả dụ bác sinh đúng là năm 1956 (nhiều người tin là bác sinh trước năm này) thì gia đình bác sẽ công bố với họ hàng, bè bạn là bác thọ 63 tuổi.

Trong bài "Thượng nghị sĩ John McCain thọ bao nhiêu tuổi ?" trên Blog này, tôi đã viết "J
ohn McCain sinh ngày 29/8/1936, mất ngày 25 tháng 8, 2018, chỉ thiếu 4 ngày là tròn 82 tuổi. Nhưng người Mỹ vẫn coi ông chỉ thọ 81 tuổi. Vậy mà người VN sinh 29/8/1936, mất 1/1/2018, vẫn được ca tụng thọ 83 tuổi. Trung thực ở đâu ? Gian dối cả những chuyện vô thưởng vô phạt thế này thì không gian dối những chuyện liên quan đến quyền lợi là điều không tưởng".

Như vậy, nếu theo cách tính của phương Tây, bác Quang sinh vào tháng 10, mất vào tháng 9 nên vẫn chưa thọ đủ 62 tuổi; do đó gọi là thọ 61 tuổi là chính xác.

Chuyện tuổi thọ thực sự là bao nhiêu có ý nghĩa quan trọng trong so sánh quốc tế và ý thức phấn đấu của bản thân người Việt. Hàng ngày chúng ta cứ nghe người này thọ bao nhiêu, người khác thọ bao nhiêu, rồi so với quốc tế, thì thấy tuổi thọ của người Việt chẳng kém là bao; thậm chí cao hơn nhiều nước văn minh, phát triển hơn mình, rồi tự hào Việt Nam vô địch... Nếu theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tuổi thọ của người Việt khoảng 75, có thật như vậy không ? Nếu không thật mà cứ phóng đại lên thêm 2 tuổi như trên thì hậu quả sẽ rất lớn vì khi đó chúng ta có thể xoa tay nghỉ ngơi, không cần cố gắng vận động nhau sống lành mạnh nâng cao tuổi thọ cho nhau nữa.
2. Cũng chuyện bác Quang, từ hơn 1 năm nay, thỉnh thoảng trao đổi với mọi người, tôi thường bảo thương cho bác quá. Bệnh tật như thế, nhiều lúc nhìn bác như cái xác vô hồn hay bóng ma di động, ví dụ như bác trong ảnh ở đầu bài này, nhưng bác vẫn phải làm việc liên tục, không được nghỉ ngơi.

Cái chết của bác Quang là cái chết biết trước, ai cũng biết và hơn ai hết chính bác cũng biết điều này. Thế nhưng tại sao gia đình bác và bác đều không nghỉ ngơi mặc kệ sự đời, chuyên tâm vào chữa bệnh và hưởng thụ cuộc sống. Người Việt có truyền thống như vậy; đã biết không thể qua khỏi thì ăn được gì, chơi được gì thì cố mà hưởng. Một số người dù được bác sĩ thông báo chỉ còn sống được 1 hoặc 2 tháng nhưng đã quyết tâm chữa bệnh và thành công, sống thêm vài chục tuổi. Cách đây vài hôm, tôi đã đưa lên mạng 1 bài viết về thành công như thế của một cô gái người Việt sống ở Mỹ (xem bài: "Chiến thắng ung thư cho tôi một sứ mệnh").

Vậy tại sao bác và gia đình bác không làm theo truyền thống như vậy. Tại sao bác cứ phải làm việc vất vả đến ngày cuối cùng bất kể sức lực gần như không còn, đi lại không vững như một số báo mạng đưa tin ?

Đọc tin tần suất làm việc trong những ngày cuối đời thấy thương bác quá. Bác làm việc không ngừng, không nghỉ, liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Hôm 15/9, người ta thấy bác với cái trán bị bầm đen, đứng ra chủ trì Phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì Phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Ảnh: Chiến Thắng/ báo Khánh Hòa

Chưa đầy hai ngày trước khi qua đời, bác Quang đã phải tiếp ông Chu Cường, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc và tiếp các trưởng đoàn dự Đại hội ASOSAI 14. Cả hai lần đón tiếp khách nước ngoài này đều diễn ra buổi chiều ngày 19-9.

Chưa hết, chỉ một ngày trước khi chết, hôm qua, bác Quang vẫn còn phải viết thư chúc Tết trung thu thiếu niên, nhi đồng.

Làm việc vất vả như thế, dân chúng tưởng bác bên trong vẫn khỏe, chỉ ốm vẻ bề ngoài. Nào nhờ đến khi bác qua đời, báo chí lập tức đưa tin bácmắc bệnh hiểm nghèo, mặc dù được các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện, nhưng đã không qua khỏi“.

Chưa hết, sau khi ông qua đời khoảng 40 phút, vào lúc 10h45′, trang Trần Đại Quang vẫn còn muốn ông tiếp tục “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta“, khi đưa tin: Hãy chấm dứt xuyên tạc thật giả về Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Ảnh chụp bài viết “Hãy chấm dứt xuyên tạc thật giả về Chủ tịch nước Trần Đại Quang” đăng trên trang trandaiquang.org 40 phút sau khi bác Quang qua đời.


Vậy là không chỉ người dân ai cũng biết mà Đảng và Nhà nước cũng biết bác bệnh nặng, rất nặng và kéo dài, thậm chí đã "hết sức quan tâm, tạo điều kiện" để bác chữa bệnh, nhưng trái lại vẫn để bác hay bắt bác làm việc cực nhọc, cật lực liên miên, thay vì công bố bệnh rất nặng và để bác được nghỉ ngơi, chữa bệnh. Biết đâu nếu được nghỉ ngơi, chữa bệnh, bác đã không phải bất ngờ qua đời sáng hôm qua ?


Trong Quyết định số 121-QĐ/TW ngày 25/01/2018 về công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ lãnh đạo, có quy định rõ: Cán bộ cấp cao được bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ (bao gồm các đồng chí đương chức và nguyên chức): Tổng Bí thư, Chủ tịch nước... Chế độ thăm khám, theo dõi sức khoẻ tại nhà hoặc cơ quan đối với các đồng chí cán bộ chủ chốt (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước,...): Bác sĩ tiếp cận thăm khám sức khoẻ hằng ngày. Thực hiện chế độ khám, kiểm tra sức khoẻ toàn diện và kết luận phân loại sức khoẻ trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh lãnh đạo. Cán bộ cấp cao có bệnh lý cần Điều trị, phải tuân thủ các quy định chuyên môn và hướng dẫn của bệnh viện và Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương. Cán bộ cấp cao bị mắc các bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo thực hiện chế độ Điều dưỡng kết hợp với Điều trị bệnh lý theo kế hoạch của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương. Sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá sức, có thời gian tập luyện thể dục, thể thao, an dưỡng, nghỉ dưỡng phục hồi sức khoẻ... Dường như tất cả những quy định này không được thực hiện nghiêm túc ?
Lúc bác còn sống phải làm việc liên miên cho tới chết để phục vụ Đảng thì Đảng, Nhà nước, cơ quan, đoàn thể, các quan quyền to chức trọng thân quen và báo chí hoàn toàn im lặng, không hề lên tiếng bày tỏ ý kiến đối với một người bệnh nan y bị đối xử bất nhẫn như thế. Nhưng khi bác chết rồi, họ làm ra vẻ yêu thương bác lắm, kể lể, ca ngợi quá trình công tác của bác, cũng như những cống hiến to lớn của bác, hay công đức của bác, điển hình như một bài báo trên trang Infonet: Ngôi trường lần cuối Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai giảng.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm xưa nói: "Ngày 30-4, ngày nếu có một triệu người vui, cũng là ngày có một triệu người buồn". Bây giờ ngày 21/9/2018, ngày bác Trần Đại Quang từ trần, cả nước có bao nhiêu người vui ? có bao nhiêu người buồn ? Hỏi là trả lời. Chắc chắn với những đóng góp của bác cho ngành công an và cho Đảng, làm cho đất nước này thực sự là một đất nước công an trị, làm cho công an thực sự là lực lượng còn Đảng còn mình, thực sự là 'thanh bảo kiếm' bảo vệ Đảng và chế độ như bác hằng mong ước (xem phát biểu của bác trong tiểu sử trên wikipedia), thì không thể có chuyện "nếu có một triệu người vui, cũng là ngày có một triệu người buồn".

Nghĩ thì nghĩ như thế, nhưng lòng tôi vẫn thấy rất buồn và tội nghiệp cho bác Quang quá, thương cho bác cuối đời lại khổ thế. Phải chăng đấy là nghiệp của bác. Nhân nào quả ấy như các cụ vẫn nói.

Buồn nhất là sẽ có nhiều người vui, thậm chí rất vui, ví như Vũ nhôm và nhiều chiến hữu tướng tá khác của bác đang vướng vào vòng lao lý của pháp luật... Chắc chúng đang loan tin cho nhau cứ khai hết cho Đại tướng thì tòa sẽ chẳng biết đúng sai và xử chúng thế nào, y như vụ đổ tội cho Thượng tướng
Phạm Quý Ngọ năm xưa.

Tối qua cứ lo lắng Đảng và Nhà nước sẽ phát tang bác Quang sớm; quốc tang bác sẽ diễn ra trong 2 ngày; trong thời gian này, mọi hoạt động vui chơi giải trí nơi công cộng sẽ bị cấm. Khi đó các cháu sẽ mẩt Trung thu. May quá, chuyện này chưa xảy ra. Cũng may quá, tòa nhà chung cư mình đã tổ chức xong Tết Trung thu cho các cháu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét