Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Thị Ngân: Xem lại thông tư cho sử dụng nhân dân tệ ở biên giới

Chủ tịch Quốc hội: Xem lại thông tư cho sử dụng nhân dân tệ ở biên giới
13/09/2018 Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có dư luận nói quy định này là vi hiến, vi phạm pháp luật, nên cần phải xem lại. Theo bà Ngân, liên quan tới thông tư này, có nhiều dư luận trong và ngoài nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phải trực tiếp chỉ đạo xử lý. Bà Ngân cũng cho rằng, nếu như nói quy định này có tiền lệ thì cũng phải xem lại xem tiền lệ đó có hợp lý không. "Tôi đã chỉ đạo anh Nguyễn Hồng Thanh (Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội) và anh Phùng Quốc Hiển (Phó chủ tịch Quốc hội) xem lại, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề này", bà Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Ảnh: GIA HÂN
Luật phải chờ quá nhiều nghị định, thông tư
Phát biểu tại phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội sáng 13.9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề: hiện nay, nhiều luật Quốc hội đã thông qua, có hiệu lực nhưng chưa thực hiện được do số nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật quá nhiều.

Bà Ngân dẫn ví dụ, luật Quản lý sử dụng tài sản công phải cần tới 14 nghị định khác nhau mới thực hiện được, trong khi nhìn kỹ thì những nghị định này đều có thể đưa vào luật được cả.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thực tế này dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật hiện nay.

Tiếp tục dẫn ví dụ về thực hiện luật Quản lý tài sản công, bà Ngân cho hay, theo kế hoạch thì phải có nghị định quy định trình tự thủ tục thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư khi thực hiện các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng). Tuy nhiên, dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện luật này được Bộ Tài chính trình từ cuối năm 2017, tới nay vẫn chưa ban hành được, và cách đây 1 - 2 tháng Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ cho dừng hết các dự án BT.

"Các dự án BT mà nhà đầu tư bỏ ra làm từ trước đó phải chờ nghị định ra mới thanh toán được. Nhiều công trình đến nay đã đưa vào sử dụng, nhiều trường học đã dạy tới 3 khóa rồi, nhưng đến giờ vẫn chưa thanh toán cho nhà đầu tư", bà Ngân dẫn ví dụ, và đặt câu hỏi: Môi trường đầu tư như vậy có lành mạnh không? có làm thiệt hại cho sản xuất kinh doanh không?

Trên một nước dùng 2 đồng tiền có vi hiến?

Thông tư 19 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 28.8 mới đây cũng được Chủ tịch Quốc hội dẫn ra, thêm một ví dụ trong vấn đề luật vẫn còn cần nhiều nghị định, thông tư mới triển khai được.

Theo bà Ngân, liên quan tới thông tư này, có nhiều dư luận trong và ngoài nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phải trực tiếp chỉ đạo xử lý.

"Có người nói vi hiến. Liệu có vi hiến, có vi phạm pháp luật không, vì trên một đất nước sử dụng 2 đồng tiền? Phải trả lời câu hỏi này. Tất nhiên, quy định này chỉ ở khu vực biên mậu, tức là khu vực thương mại ở biên giới thôi, nhưng cũng phải xem lại", bà Ngân nói.

Bà Ngân cũng cho rằng, nếu như nói quy định này có tiền lệ thì cũng phải xem lại xem tiền lệ đó có hợp lý không. "Tôi đã chỉ đạo anh Nguyễn Hồng Thanh (Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội) và anh Phùng Quốc Hiển (Phó chủ tịch Quốc hội) xem lại, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề này", bà Ngân nói.

Các bộ chỉ quan tâm được mất thẩm quyền gì khi xây dựng luật


Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn cho rằng, các cơ quan Chính phủ nên dành thêm thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, vì như hiện nay là chưa tương xứng với nhiệm vụ quy định trong luật.

Theo bà Ngân, chính các cơ quan hành pháp mới biết được cần phải sửa quy định nào, ban hành luật gì.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, gần như chỉ có bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo và Bộ Tư pháp là tham gia sâu sát vào quá trình xây dựng luật. Nếu có bộ, ngành nào khác tham gia thì chủ yếu là có liên quan tới lĩnh vực mà bộ, ngành đó quản lý.

"Quan tâm duy nhất có cái điều là thẩm quyền của mình trong luật này được cái gì mất cái gì chứ không quan tâm tổng thể, đồng bộ", bà Ngân nêu.

Dẫn ví dụ về luật Giáo dục sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội cho biết, mặc dù các thành viên Chính phủ thống nhất rất cao, tuy nhiên khi trình sang Quốc hội thì tại hội nghị đại biểu chuyên trách lẫn phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ý kiến vẫn rất khác nhau.

Ngoài ra, bà Ngân cũng cho rằng, công tác tuyên truyền pháp luật hiện nay chưa tốt, nhất là các cơ quan truyền thông chưa dành thời lượng cho việc tuyên truyền, giải thích các quy định pháp luật và đề nghị cần phải xem xét, chấn chỉnh vấn đề này.

Lê Hiệp/Thanh Niên

https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/chu-tich-quoc-hoi-xem-lai-thong-tu-cho-su-dung-nhan-dan-te-o-bien-gioi-96597.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét