Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Thân tình Pháp - Việt, đôi việc đôi người

Thân tình Pháp - Việt, đôi việc đôi người
07/09/2018 - Trong hàng ngàn người Pháp có duyên nợ lâu dài với Việt Nam, Georges Boudarel (1926-2003) là một trường hợp đặc biệt. Ông là một giáo viên và chuyên gia truyền thanh. Năm 1948, được điều sang dạy học ở Đà Lạt, rồi Sài Gòn, ông đồng thời phụ trách kênh phát thanh Đông Dương bí mật của Đảng cộng sản Pháp. Năm 1950, ông gia nhập lực lượng kháng chiến Việt Nam, và bị nhà nước Pháp kết án tử hình vắng mặt. Năm 1952, ông đang giữ việc phát thanh tiếng Pháp của Đài phát thanh cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn, thì được lệnh ra Bắc.

Bác Hồ và Léopold Figuères, năm 1950. Ảnh TL
Sau chín tháng đi bộ, ông được bổ nhiệm quản lý chính trị cho trại tù binh 113, tức trại Đại Đồng. Hòa bình lập lại, ông tiếp tục làm việc cho chính phủ ta. Năm 1964, ông được điều động sang Liên Xô, từ đó, được phái tới Tiệp Khắc cũ, hoạt động cho Liên Hiệp công đoàn thế giới, như đại diện của Liên Xô cũ. Năm 1966, chính phủ Pháp ban hành lệnh ân xá cho các tội phạm chiến tranh. Ông bèn về Pháp, vào làm trợ giảng ở đại học tổng hợp Paris VII.

Ông cũng được chấp nhận làm một nhà nghiên cứu trong Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia, chuyên về Việt Nam, Tổ quốc thứ hai mà ông thông tỏ. Từ đó, ông đã công bố nhiều công trình khoa học có giá trị về nơi ông từng hy sinh tuổi trẻ của mình. Năm 1991, ông bị kiện về “tội ác chống lại loài người” thời gian ở trại 113. Ông bị tố cáo tra tấn tù binh đến chết (Thực tế, quá nửa tù binh đã bỏ mạng ở trại này). Ông thừa nhận tù binh chết nhiều, nhưng do bệnh tật. Hơn bốn mươi nhà khoa học ký tên ủng hộ ông. Căn cứ vào quy chế ân xá mà ông được hưởng, tòa phá án tuyên ông vô tội.
Năm 1993, ông kiện lại về tội vu khống. Tòa án cho tái điều tra và năm 1996, bác đơn kiện của ông. Chưa hết, năm 2000, người bị kiện, một cựu tù trại 113, lại kiện ông, cùng tội bôi nhọ đồng loại. Vụ án nhì nhằng tới ngày 20 tháng ba năm 2003 thì bị dừng hẳn. Ngay trong những năm tháng bị kiện cáo quấy rầy, với không ít những nỗi “đau đớn lòng” khó tỏ cùng ai, ông vẫn  kịp hoàn thành và công bố một công trình quan trọng về Việt Nam, viết chung với Nguyễn Văn Ký: Hà Nội  1936 – 1996 – Từ lá cờ đỏ tới tờ bạc xanh, in năm 1997. Ngày 26 tháng 12 năm 2003, Georges Boudarel qua đời.
Chúng tôi ăn rừng -  May mắn hơn Georges Boudarel nhiều, nhà dân tộc học Pháp hàng đầu thế giới, chuyên gia số một về các dân tộc đông nam Á, Georges Condominas (1921-2011) đã hoàn toàn toại nguyện với khát khao khiến cho thế giới biết tới một mảnh đất vẫn bị coi là nhược tiểu và lạc hậu, nhưng thực ra cao cả và bao dung, xứng đáng được tôn trọng và hợp tác, như mọi dân tộc văn minh khác. Kỳ tích ấy đạt được nhờ bản lĩnh của một nhà khoa học đích thực - hết mình vì khoa học, quyết sáng tạo được những gì có lợi nhất cho cộng đồng, bằng tất cả nghị lực và tài năng cũng như tâm huyết của mình. Năm 27 tuổi, Georges Condominas bước vào nghiệp nghiên cứu. Ông không chịu “ăn sẵn”, nghĩa là thu thập tài liệu, viết luận án, xin thông qua, lấy học hàm học vị,... 
Ông xem dân tộc học là lẽ sống của mình. Đã vậy, ông phải đi điền giã. Bản tính nhân hậu và khiêm nhường, ông biết nghe những lời khuyên tối ưu và thiết thực, nên dấn thân vào tận Tây Nguyên, tìm hiểu không phải dân tộc Ê đê, như dự định ban đầu, mà dân tộc Mnong vốn chưa ai để ý. Dân tộc Mnong, theo tìm hiểu sơ bộ, sống rải rác gần như khắp Xứ Việt. Nhưng đông đảo hơn cả là ở Quảng Nam, Đắc Nông và Đắc Lắc. Ông lần đến làng Sar Luk, nay là làng Rchai, xã Krông Nô, huyện Lắk, Đắc Lắc, quyết sống như một người Mnong Gar thực sự. Ông nhờ một người dân bản địa đi kèm, như một kiểu phiên dịch chủ yếu bằng ánh mắt hay điệu bộ. Cứ thế, ông nỗ lực học thật nhanh tiếng nói của người Mnong Gar, chi nhánh lớn nhất của tộc người Mnong. Ban ngày ông làm lụng mọi việc  như họ. Ban đêm, ông ngồi nhớ lại và ghi chép tỉ mỉ những gì thu nhận được ban ngày…    
Hai năm sống giữa cộng đồng xa lạ, một lần sốt rét thập tử nhất sinh – thoát chết thần kỳ -, ông phát kiến được sự thật lớn lao: những người bị coi là man di thực ra rất người; với họ, nhân phẩm, của cá nhân và của tập thể, là tối thượng; ai vi phạm cũng bị xử phạt, xử phạt tập thể, qua nghi thức do cộng đồng xây dưng; cộng đồng cũng đặt ra những luật lệ, mà tất thảy tuân theo, không có ngoại lệ; người nào cũng phải sống đẹp và chết đẹp; ngay tự tử mà xấu cũng bị chê cười; danh dự, của cá nhân, của gia đình và của làng xã, phải được giữ gìn trân trọng và tuyệt đối; vì vậy, trách nhiệm với tập thể, tức là với chính mình là cốt tử; lợi dụng hay xúc phạm đồng loại là xa lạ;…
Tuy nhiên, những biện pháp vận hành những “hợp đồng xã hội” tự thân ấy đôi khi tỏ ra không phù hợp và cản trở phát triển. Ví dụ, việc phát rẫy luân phiên hàng năm để cấy trồng, mỗi năm phát một khoảng rừng, năm sau phát khoảng khác, chừng mười năm, quay lại phát khoảng lúc đầu… (người Mnong Gar gọi đó là ăn rừng) thực chất là tàn phá thiên nhiên. Người chết vì tử tử, do loạn luân chả hạn, bị coi là chết xấu và không được tôn trọng như mọi người chết khác… Hồn cốt đó của người Mnong Gar thực chất cũng là của Dân tộc Việt Nam. 
Muốn chia sẻ khám phá “động trời” với mọi người, Georges Condominas, một chàng trai vô danh, mạnh dạn về Paris, gặp giám đốc một nhà xuất bản danh tiếng, xin được in quyển sách mà ông mới viết xong hai chương đầu. Ngược với với lo lắng thắt ruột của ông, vị giám đốc hồ hởi bảo ông viết cho xong, và hứa in cả phần phụ lục là một từ điển khá giày phương ngữ. Vậy là năm 1957, Chúng tôi ăn rừng của Đá-Thần Gôo ra mắt và lập tức được đón nhận nồng nhiệt. Trước công trình khoa học hàng đầu, kiêm tác phẩm văn học kinh điển, đồng nghiệp sừng sỏ Claude Lévi-Strausse (1908-2009) khẳng định ngay rằng “(Georges Condominas là) Proust  trong khảo cổ học”… Marcel Proust (1871-1922) là một tên tuổi tốp đỉnh của văn học Pháp và văn học toàn cầu.
  * Vạn xuân… là Vạn xuân nào – Georges Condominas, sinh ra ở Hải Phòng; mẹ là người mang ba dòng máu, Việt Nam, Bồ Đào Nha, Trung quốc; cha là người Pháp, trưởng đồn lính khố xanh ở Trà My, Quảng Nam, những năm cuối thập niên 40 thế kỷ trước. Cha tôn trọng và hòa đồng với dân bản địa. Hẳn đây là một khởi thủy của tình yêu Việt Nam của nhà bác học, tình yêu tri ân thiết thực bằng tiếng lòng xây dựng. Đồng điệu với Georges Condominas là Yveline Féray, một phụ nữ Pháp mà chồng cũng là một người lai (bố Pháp-Ấn độ, mẹ Việt Nam). Ông bà yêu nhau khi bà học đại học ở thành phố Nice. Sau đó ông xin được một chân dạy học ở Căm phu chia, bà sang đây sống cùng chồng. Vừa làm báo vừa dạy học, bà bắt đầu say mê tìm hiểu Cam pu chia, Việt Nam và các nước châu Á. Sau tiểu thuyết đầu tay Lễ hội nước, về Cam pu chia, 1966, bà trở lại quê nhà. Tình yêu châu Á giúp bà  phát hiện tấm gương hòa nhập của Victor Ségalen (1878-1919), bác sỹ hải quân kiêm nhà văn Pháp. Ông này từng tới Trung quốc hai đợt dài, từng đến những vùng xa xôi hẻo lánh, đến Tây Tạng,…,và về sau lấy đó làm đề tài cho tác phẩm được bà hâm mộ. Đó là cuốn Người đàn ông Brest của Bắc Kinh – Victor Ségalen vốn sinh trưởng ở thành phố Brest, miền cực tây nước Cộng hòa. Bậc tiền bối cho thấy rằng việc đi sâu vào một nền văn hóa là một nhu cầu tinh thần tự thân, rằng việc đó là tương tác, trao đổi hay hòa hợp, không bợn chút kỳ thị hay khinh miệt. Bà đã ghi tặng hương hồn Victor Ségalen cuốn sách thứ hai của mình, Những người đi dạo ban đêm, 1976. Bà nguyện sẽ đi xa bằng hay xa hơn bậc đi trước, trong công cuộc kết nối Đông Tây, kết nối toàn cầu…                                                                    
Chồng bà thường tham gia nhiều hoạt động ở Việt Nam, ví dụ các hội thảo lịch sử. Sau một chuyến đi như vậy, ông gợi ý vợ viết về Việt Nam, giờ đã là quê mẹ của hai người. Bà trình bày ý tưởng với nhà xuất bản Julliard. Nhà xuất bản chấp nhận và cấp cho bà kinh phí lớn để bà sang Việt Nam bắt đầu công việc. Suốt hai năm 1982-83, bà lăn lộn ở Việt Nam, “lục lọi” lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam, qua các cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo, trong đó có đại tướng Võ Nguyên Giáp, các học giả, dân thường, qua các tác phẩm văn học và lịch sử  Việt Nam (mà bà phải thuê dịch sang tiếng Pháp)… Hai tiểu thuyết lịch sử mà nhân vật chính là Nguyễn Trãi và Hải thượng Lãn Ông nảy sinh và dần dần hình thành. Bảy năm trời đánh vật với khối tư liệu khổng lồ, bà viết cật lực – bằng tiếng Pháp – không phải không có lúc tắc tị. Những lúc ấy, bà lại chắp tay khấn Nguyễn Trãi. Rồi lại hùng hục với các con chữ. Và bộ tiểu thuyết gần ngàn trang Vạn xuân, chào đời năm 1989. Năm 2000 là Lãn Ông (tiếng Pháp là Ông lười). Chúng gây tiếng vang lớn. Cả hai được tái bản tức thì. Nhiều cuộc hội thảo về chúng ở Pháp vẫn đang được tổ chức. Việc dịch ra tiếng Việt là tất yếu rồi. Bà liền xắn tay giúp xin phép dịch mà không phải trả tác quyền cho nhà xuất bản. Việc này thật không dễ, vì nó tế nhị, vì tác quyền không hề nhỏ…Nhà xuất bản Văn học công bố bản dịch Vạn xuân năm 1997. Tái bản năm 2002. Năm 2005, Lãn Ông tiếng Việt ra mắt. Tái bản 2015. Giới phê bình và đông đảo bạn đọc Việt Nam hạnh phúc và tự hào rằng lịch sử và tâm hồn Dân tộc mình được thấu hiểu và diễn tả mãnh liệt đến thế. Chẳng khác nữ văn sỹ Hoa Kỳ Pearl Buck (1892-1973), Nobel văn chương 1938, đã viết rất hay về người và đất nước Trung Hoa, nơi bà đã qua những năm tháng thiếu thời. Yveline Féray đã đạt được ý nguyện giới thiệu chính xác với đồng bào mình Đất nước Việt Nam, “Xứ sở của lương tri và lẽ phải, của lương thiện và thuần hậu, của bao dung và hòa hảo”. Vâng, với những con người hiền minh trên cả hiền minh như Lãn Ông và Nguyễn Trãi, Nhân Dân Việt Nam xứng đáng vĩnh viễn thanh xuân, và được sống trong Mùa xuân vĩnh viễn. Đúng như cảm tưởng của một bạn đọc: “Vạn xuân là vạn xuân nào/Sao Khuê vằng vặc, dâng trào Tình Thơ”…
   
* “Hồ Chí Minh, đồng chí của chúng ta” –  Hiện nay, Hồ Chí Minh hiển nhiên là người Việt Nam được thế giới quan tâm và ngưỡng mộ nhất. Ở Pháp nhiều tác phẩm viết về Bác, mỗi tác phẩm một vẻ, lần lượt ra đời. Sớm nhất là Hồ Chí Minh, 1967, của Jean Lacouture, mà chúng tôi nói tới ở phần cuối. Năm 1970, Bác vừa đi xa, xuất hiện tức thì hai tác phẩm đáng trân trọng. Một, Hồ Chí Minh, của Christiane Pasquel-Rageau, sinh năm 1935 ở Việt Nam, sau về Pháp và trở thành một nhà Việt Nam học hàng đầu. Bà kể xúc động về sự kính trọng, tin tưởng và yêu thương vô bờ bến mà nhân dân Việt Nam dành cho Bác. Hại, Hồ Chí Minh, đồng chí của chúng ta, của Léopold Figuères (1918-2011). Cuốn sách xôn xao dư luận. Sức nặng lay động tâm can của của nó bắt nguồn một phần từ tầm vóc tư tưởng và tình cảm của tác giả. Ông gia nhập lực lượng thanh niên cộng sản Pháp năm 14 tuổi. Từ đó, với tư cách một thiếu niên, rồi thanh niên và đảng viên cộng sản, ông không ngừng chiến đấu cho lý tưởng của mình. Sau gần một thế kỷ hoạt động sôi nổi và kiên định, trên cương vị lãnh đạo của nhiều tổ chức và của đảng, ông đứng lại trong lịch sử Pháp như một gương mặt sáng giá hàng đầu của cuộc kháng chiến chống phát xít Đức và của Đảng cộng sản. Ông ra đi từ thị trần miền núi Perpignan xa xôi rồi lại về đấy an dưỡng tuổi già và ngàn thu yên nghỉ. Cuối năm 1950, với chức trách của mình, ông đã sang Việt Nam, được gặp bác Hồ. Quay lại Pháp, ông tung ra cuốn Tôi trở về từ đất nước Việt Nam tự do,  yêu cầu chính phủ Pháp ngừng ngay cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu, trả lại hòa bình cho nhân dân Việt Nam cao thượng. Bị chính phủ Pháp truy cứu và kết tội, ông phải rút vào bí mật ba năm ròng. Cuốn sách tái bản sau lần, mới nhất là năm 2015, dược dịch ra mười thứ tiếng...   
Năm 1990, cuốn Hồ Chí Minh – Từ Đông Dương tới Việt Nam của học giả Daniel Hémery gây một cơn sốt dữ dội. Cái độc đáo của nó là lần đầu tiên, sai lầm của thực đân Pháp được phơi bày – không hiểu người Việt Nam, định đánh nhanh thắng nhanh - và chiến lược đúng đắn của lãnh đạo Việt Nam được ca ngợi - chiến tranh du kích và trường kỳ kháng chiến… Một học giả khác, Pierre Brocheux, sinh năm 1931 ở Chợ Lớn, đã có hai tác phẩm gây tiếng vang mạnh mẽ.  Cuốn thứ nhất, Hồ Chí Minh, năm 2000. Và cuốn thứ hai, Hồ chí Minh – Từ nhà cách mạng tới thần tượng, năm 2003. Một thành công chủ yếu của tác phẩm này là đã khắc họa hình ảnh Bác như một nhân vật chủ chốt của phong trào cộng sản thế giới và cha đẻ của nước Việt Nam độc lập… Đề cập đến Bác sớm nhất là nhà báo kiêm nhà văn Jean Lacouture (1921-2015). Ông là một chiến sỹ cộng sản. Tâm hồn rộng mở hiếm thấy. Hầu như mảng nào của đời sống xã hội, của thời đại cũng được ông để mắt tới một cách mặn nồng. Tác phẩm của ông, đồ sộ về số lượng, đa dạng về đề tài, loại hình và thể loại. Ông nhiều lần xuất hiện trên các kênh truyền hình Pháp, như một diễn giả, một người được phỏng vấn hay một nhà tranh luận. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một nguồn cổ vũ cho thế hệ trẻ. Thật kỳ diệu, tất cả điều đó xuất phát từ một cuộc gặp gỡ năm 1945 với Bác. Là tùy viên báo chí của tướng Pháp Leclerc (1902-1947), sang Đông Dương nhận sự đầu hàng của phát xít Nhật, ông đang phân vân giữa ngả ba hay ngả năm đường. Phong thái, lời trao đổi của Bác tạo ấn tượng mạnh. Cảm nhận thế giới và cuộc đời của Bác thuyết phục được ngay chàng trai muốn đóng góp tốt đẹp cho đời nhưng chưa có cách hiệu quả nhất. Từ bữa đó, Jean Lacouture kiên cường đi vào con đường chống chủ nghĩa thực dân. Dù bận rộn liên tục, ông vẫn quan tâm sát sao đến Việt Nam và Bác Hồ. Ông viết nhiều sách về đất nước ta. Ông công bố bộ Hồ Chí Minh năm 1967. Đây là bức chân dung sắc sảo và hấp dẫn bậc nhất về Bác. Hai nét nổi bật là sự cuốn hút không cưỡng nổi và chất thú vị cực kỳ phong phú của Hồ Chí Minh, không chỉ với tư cách một lãnh tụ, mà còn với tư cách một người thường. Hai phẩm chất đó có được là nhờ đức độ cao cường và tư tưởng khai mở. Điều này được nhà sử học Alain Ruscio, sinh năm 1947, từng là phóng viên thường trú tại Việt Nam của báo Nhân đạo của đảng cộng sản Pháp, từ 1978 tới 1980, liên tục viết về Việt Nam, khẳng định hùng hồn. “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, chân lý do Bác nêu lên là phổ quát, đúng đắn mãi mãi, cho mỗi cá nhân và mỗi dân tộc. “Đoàn kết là sức mạnh” (Câu của Bác là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”) được Alain Ruscio phân tích xúc động từ bản Di chúc của Người. Theo đó, “đoàn kết” cần được hiểu là đồng tâm nhất trí, chung sức chung lòng, trong nội bộ Đảng, giữa Đảng và Nhân Dân, giữa các đảng cộng sản trên toàn thế giới…
Châu Thuận Mỹ (tổng hợp)
Nguồn Văn nghệ 35+36/2018
http://baovannghe.com.vn/than-tinh-phap-viet-doi-viec-doi-nguoi-18226.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét