Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

(2) Hà Sĩ Phu: ‘Bị Hán hóa là mất dân tộc’

Hà Sĩ Phu: ‘Bị Hán hóa là mất dân tộc’
Ngày mùng 5 tháng 12, 1995, đúng hai ngày sau khi trả lời phỏng vấn của đài VNCR, ông Hà Sĩ Phu bị bắt tại Hà Nội. Nhà báo Huy Đức, trong cuốn Bên Thắng Cuộc, viết về vụ bắt Hà Sĩ Phu: “Ngày 5-12-1995, ông Hà Sĩ Phu, tác giả của nhiều bài chính luận sắc sảo được truyền đọc ở thời điểm ấy, đang đi xe đạp trên đường phố Hà Nội thì bị hai người đi xe máy chèn ngã. Ông Hà Sĩ Phu kêu to: ‘Ăn cướp! Ăn cướp!’ Lập tức công an xuất hiện. Thay vì bắt ‘cướp’, công an đã đưa Hà Sĩ Phu về đồn, khám túi xách, phát hiện bản sao chép thư gửi Bộ Chính Trị ngày 9-8-1995 của ông Võ Văn Kiệt. Hà Sĩ Phu khai tài liệu này ông lấy từ ông Nguyễn Kiến Giang; ông Giang khai lấy từ ông Lê Hồng Hà, một cán bộ lão thành, từng là chánh Văn phòng Bộ Công an và trước đó, từng là giám đốc trường Đào tạo sĩ quan công an 500. Ba người có liên quan đến tài liệu này đã bị bắt ngày 6-12-1996.” Ngày 22 tháng Tám, 1996, Tòa án Hà Nội xử ông Lê Hồng Hà hai năm tù, Hà Sĩ Phu một năm tù và Nguyễn Kiến Giang 15 tháng tù treo.
Image result for Hà Sĩ Phu
Phóng viên thường trú Robert Tampler tại Hà Nội của hãng thông AFP gọi điện thoại hỏi tôi, có phải vì bài phỏng vấn mà Hà Sĩ Phu bị bắt không? Tôi nói, tôi không nghĩ đó là nguyên nhân khiến Hà Sĩ Phu bị bắt. Sáu ngày sau, sáng ngày 12 tháng 12, một bản tin khá dài, đánh đi từ Hà Nội, của hãng thông tấn quốc tế AFP, tường thuật vụ Hà Sĩ Phu bị Cộng Sản Hà Nội bắt.


Mở đầu, bản tin AFP viết: “Hà Sĩ Phu bị công an ở Hà Nội bắt giữ, trên đường trở về thành phố Hồ Chí Minh vào ngày mùng 5 tháng 12, một ngày sau khi một đài phát thanh ở hải ngoại phát đi cuộc phỏng vấn trong đó ông kêu gọi chính phủ Mỹ khoan hãy cho Hà Nội quy chế tối huệ quốc.”

Phóng viên Robert Tampler của AFP từ Hà Nội gọi điện thoại tới đài VNCR để kiểm chứng về bài phỏng vấn và hỏi về lý do của vụ bắt bớ này. Tôi trả lời, và AFP tường thuật trong bản tin là VNCR không nghĩ rằng việc phát thanh bài phỏng vấn đã đưa tới việc Hà Nội bắt giữ ông Hà Sĩ Phu. Tuy nhiên, bản tin AFP không tường thuật đầy đủ luận cứ của VNCR: VNCR đã phỏng vấn nhiểu người ở trong nước, chứ không chỉ có Hà Sĩ Phu. Trước ông, VNCR đã phỏng vấn ông Nguyễn Hộ, một đảng viên Cộng Sản từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong đảng và nhà nước Việt Nam Cộng Sản. Sau ông, VNCR phỏng vấn nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, tác giả cuốn truyện “Nửa Đời Nhìn Lại”, trong đó ông tỏ ra hối hận đã tin theo Cộng Sản.

Về phần phân tích, bản tin AFP đưa ra sự kiện gần đây Hà Nội tiến hành nhiểu cuộc xử án và bắt bớ những thành phần chống đối trong nước, cho thấy Cộng Sản Hà Nội thực sự e ngại sự chống đối này có thể trở thành phong trào, từ đó gây nguy hại cho chế độ.

Sau khi bản tin của AFP đánh đi khắp nơi trên thế giới, hai cơ quan tranh đấu cho nhân quyền là Amnesty International, trụ sở tại London, Anh Quốc, và Human Rights Watch/Asia, trụ sở tại Washington DC, đã liên lạc với VNCR để hỏi thêm chi tiết nội vụ và xin kẻ viết bài này bản ký chú cuộc phỏng vấn Hà Sĩ Phu.

Human Rights Watch/Asia sau đó cho biết, Hà Sĩ Phu bị bắt vào hồi 2 giờ chiều ngày mùng 5 tháng 12 nhân khi ông thăm viếng thân nhân ở Hà Nội. Ngày mùng 6 và mùng 7 tháng 12, công an lục soát nhà ông ở Đà Lạt, tịch thu hơn ba ngàn trang bản thảo và tài liệu, trong đó có một bài viết của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam bàn về chiến lược chuẩn bị cho Đại Hội 8 của đảng này.

Nhà báo Huy Đức, trong cuốn Bên Thắng Cuộc, viết về vụ bắt Hà Sĩ Phu: “Ngày 5-12-1995, ông Hà Sĩ Phu, tác giả của nhiều bài chính luận sắc sảo được truyền đọc ở thời điểm ấy, đang đi xe đạp trên đường phố Hà Nội thì bị hai người đi xe máy chèn ngã. Ông Hà Sĩ Phu kêu to: ‘Ăn cướp! Ăn cướp!’ Lập tức công an xuất hiện. Thay vì bắt ‘cướp’, công an đã đưa Hà Sĩ Phu về đồn, khám túi xách, phát hiện bản sao chép thư gửi Bộ Chính Trị ngày 9-8-1995 của ông Võ Văn Kiệt. Hà Sĩ Phu khai tài liệu này ông lấy từ ông Nguyễn Kiến Giang; ông Giang khai lấy từ ông Lê Hồng Hà, một cán bộ lão thành, từng là chánh Văn phòng Bộ Công an và trước đó, từng là giám đốc trường Đào tạo sĩ quan công an 500. Ba người có liên quan đến tài liệu này đã bị bắt ngày 6-12-1996.”

Ngày 22 tháng Tám, 1996, Tòa án Hà Nội xử ông Lê Hồng Hà hai năm tù, Hà Sĩ Phu một năm tù và Nguyễn Kiến Giang 15 tháng tù treo.

***

Hà Sĩ Phu được thả ra khỏi tù ngày 5 tháng 12, 1996, sau một năm bị giam giữ vì tội bị chế độ quy chụp là “có hành vi phát tán tài liệu bí mật của nhà nước.”

Thời gian ông Hà Sĩ Phu nằm tù, tôi thường xuyên điện thoại về Việt Nam hỏi thăm tình trạng sức khỏe của ông qua “Nhóm Đà Lạt” gồm nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự và nhà văn Hoàng Tiến, nhà thơ Hoàng Cương, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội.

Khoảng hai tuần trước khi ông được thả, nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến bảo tôi, có cách nào gợi ý với những anh em dân chủ trong nước tổ chức đến đón Hà Sĩ Phu ngay cổng trại giam không. Ông Tiến bảo, hành động này đã từng được những người đấu tranh tại các nước Cộng Sản Đông Âu áp dụng. “Có tác dụng mạnh đối với quần chúng,” ông Tiến bảo tôi thế.

Như Phong Lê Văn Tiến là “nhà báo của các nhà báo,” theo cách gọi của nhà bình luận Ngô Nhân Dụng. Ông Tiến, tôi gọi bằng “cậu Tiến,” và cậu xem tôi như con của cậu. Lúc Hà Sĩ Phu bị bắt, hai cậu cháu chúng tôi ở cùng một mái nhà trong căn mobil home tại Quận Cam, California. Vì vậy, những lần tôi tiếp xúc bằng điện thoại với các nhân vật đấu tranh dân chủ tại Việt Nam, cậu luôn góp ý với tôi về nội dung các cuộc phỏng vấn. Vì cậu là chuyên gia hàng đầu trong lãnh vực “Cộng Sản học” thời trước 1975 ở Sài Gòn, nên cậu biết khá tường tận người và việc của xã hội miền Bắc.

Phỏng vấn nhà văn Hoàng Tiến, ông bảo, Hà Sĩ Phu là người theo đuổi “nghĩa lớn” của dân tộc, mà đã làm vì “nghĩa lớn” thì phải chấp nhận hy sinh thôi. Ông nói thêm, chính bản thân cũng có một thời mê đắm chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng sau thấy “cái ác” của nó, ông dứt khoát từ bỏ, và bây giờ ông trở thành người tu đạo Phật tại gia. Và ông tin có nhân có quả, nên “Hà Sĩ Phu dấn thân vì nghĩa lớn, sẽ không có vấn đề gì đâu.”

Ý do cậu Tiến gợi, là “tổ chức đón Hà Sĩ Phu ở cổng trại giam,” tôi có trao đổi với ông Hoàng Tiến và nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự.

Ngày Hà Sĩ Phu ra tù, ngay trước cổng trại giam Thanh Xuân, đón Hà Sĩ Phu gồm: bà Thanh Biên (vợ Hà Sĩ Phu), ông đồ Nghệ An Tú Sót với một câu đối chữ Nho, người bạn Hữu Tiến từ Hải Phòng, và mấy người ruột thịt trong gia đình. “Phái đoàn” đón thẳng Hà Sĩ Phu về quê Thuận Thành-Bắc Ninh, nghỉ một ngày rồi đi máy bay vào Sài Gòn, rồi hôm sau đi máy bay lên Đà Lạt, tránh không dừng lại ở Hà Nội vì để giữ an toàn.

***

Ngày 11 tháng Bảy, 1995, Tổng Thống Bill Clinton tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cộng Sản Việt Nam.

Trước tin hai kẻ cựu thù Washington và Hà Nội bắt tay nhau chấm dứt những năm tháng dài đối đầu thù nghịch, nhiều người cho rằng, thế là lại thêm một lần nữa, Mỹ hà hơi tiếp sức cho chế độ độc tài toàn trị để tập đoàn lãnh đạo củng cố quyền lực của nó; nhưng cũng nhiều người cho rằng đây là cơ hội tốt để có thể phát động rộng lớn tinh thần đấu tranh đòi dân chủ.

Hà Sĩ Phu nhận định ra sao về vấn đề này? Ông nói, trong cuộc phỏng vấn do tác giả thực hiện ngay sau khi có quan hệ bang giao Washington - Hà Nội:

a) Nếu đối với một đối tượng giáo điều cứng ngắc, phi lý, phi quy luật như trước đây thì cách hóa giải rất là dễ. Bởi vì nó phi thực tế, phi quy luật. Cho nên bây giờ cứ bình thường hóa mọi điều đưa nó trở về với xã hội thông thường, với quy luật là nó tự bộc lộ cái tính phi lý và tự tan rã.

b) Nhưng hiện nay đối tượng ấy đã thức tỉnh, biết triệt để lợi dụng các quy luật, lợi dụng thế thượng phong của người đã nắm quyền lực và tận dụng thực trạng tâm trí để thực hiện ý định của mình, thì việc hóa giải nó không dễ dàng chút nào. Vì thế cho nên việc bình thường hóa với thế giới, đặc biệt là bình thường hóa toàn diện với Hoa Kỳ không hẳn là đơn giản.

Tôi nghĩ việc bình thường hóa là một cái sàn đấu mà mọi đấu thủ cuối cùng đều phải trở về đấy, đều phải chọn cái đó, không thể nào khác được. Các đấu thủ đều phải trở về đó để đấu, nhưng cái sàn đấu ấy không phải thuận lợi riêng cho ai. Tại sàn đấu ấy, mọi cuộc đấu ấy sẽ bắt đầu, còn việc thắng thua vẫn còn ở phía trước. Bởi tự cái sàn đấu ấy nó không quật ngã ai cả, mà cũng không phải là nó dành sẵn huy chương vàng cho ai. Cho nên, việc bình thường hóa tự nó chưa mang một ý nghĩa [thuận lợi] cho bên này, hay bên kia. Vấn đề là tạo nên thực lực, vận động cho phong trào dân chủ mà thôi.

Thứ nữa, riêng về phía người Mỹ, chúng tôi không có ảo tưởng về chuyện này nhiều lắm. Nếu ở trong nước có một phong trào đấu tranh giữa dân chủ và phi dân chủ mạnh mẽ, thì tôi nghĩ rằng cái thái độ của Mỹ rất rõ, tức là ủng hộ phía dân chủ. Nhưng nếu tình hình của ta quá bê bết chẳng hạn, thì tôi nghĩ các nhà tư bản nói chung và Mỹ nói riêng cũng không dại gì chuốc lấy việc đương đầu với nhà nước Cộng Sản làm gì.

Có người lại còn bình như thế này: Một anh tư bản nước ngoài muốn vào khai thác tận dụng các điều kiện sinh lợi ở các nước khác thì nó cần một chính phủ để ủng hộ nó. Thế là có khi làm việc với một chính phủ Cộng Sản độc tài lại hay hơn bởi vì, chính phủ Cộng Sản đã chi phối toàn bộ quần chúng rồi, nắm được chính phủ đó tức là dân chúng chẳng còn gì có thể gây trở ngại cho họ nữa. Bởi vậy họ muốn đàn áp bóc lột, nếu dân có biểu tình [phản đối], thì lập tức chính phủ ấy đã đứng ra đàn áp rồi. Còn nếu mà phong trào trong nước chưa có gì, thì chưa hẳn Mỹ và Cộng Sản đối địch với nhau đâu. Có khi họ lại hợp tác với nhau rất là ngon lành cũng nên. Vì thế, việc bình thường hóa tự nó chưa đem lại sức mạnh gì quyết định nhưng mà phải công nhận nó là cái sàn đấu rất là thuận lợi cho dân chủ.

***

Trong nhiều năm, một số các tổ chức người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại hải ngoại liên tục tranh đấu để chế độ Hà Nội phải bỏ điều 4 Hiến Pháp (quy định vai trò cai trị độc tôn của Đảng) và tiến tới một cuộc bầu cử có quốc tế giám sát để người dân dùng lá phiếu quyết định thể chế chính trị của Việt Nam.

Tôi nêu vấn đề này với Hà Sĩ Phu.

“Về vấn đề này tôi thấy không nên nhận định tình hình theo cảm tính, theo nguyện vọng [của mình], mà phải theo đúng cái thực tế đang có. Nếu ở tình trạng như hiện nay, dẫu có một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do, ngay đến cả có quốc tế giám sát chăng nữa, thì đảng Cộng Sản vẫn có nhiều khả năng thắng phiếu, vì bốn lý do như thế này:

1) Người dân chỉ đòi hỏi những thay đổi nếu thấy không thể nào sống như cũ được nữa. Ví dụ: một đứa trẻ khi nó thấy cái giường của nó chật hẹp quá, nó mới nhảy xuống đất nằm. Còn lúc đứa trẻ chỉ mới biết bò thôi, thì được nhảy từ cái nôi sang cái giường, không gian của cái giường đối với nó như thế đã là đủ rồi. Bởi vậy, trước đây có sự o ép rất là triệt để, bây giờ nới ra một tí tẹo, đối với dân trí thông thường người ta thấy như thế là tạm đủ rồi. Như vậy, nhu cầu gọi là phá cái giới hạn đó, để đến một không gian dân chủ tốt hơn, thì hiện nay mới có ở thành thị và một số trí thức tiên tiến thôi.

2) Đối với số đông dân cư ở các vùng nông thôn, ở miền núi, thì người dân ở đó chưa biết cái gì tồn tại ở trên đời, ngoài đảng Cộng Sản Việt Nam. Cho nên, ở các thành phố lớn, tình hình mới có thể đảo ngược. Còn khi tự do bầu cử thì ở nông thôn họ chưa chắc biết cái mới là cái gì đâu.

3) Sống quá lâu trong điều kiện dân chủ giả, dân ta đã có thói quen coi thường lá phiếu, không biết phải thực hiện quyền dân chủ bằng lá phiếu của mình. Cho nên họ coi đây là một thủ tục rất là hình thức, đi làm cho qua chuyện. Bao nhiêu năm nay bầu cho ai mà chả thế? Cho nên bây giờ nếu không được chuẩn bị, cứ thế mà tổ chức bầu cử, thì chả có cái trách nhiệm cân nhắc kỹ trong chuyện lựa chọn lá phiếu.

4) Tôi thấy cái thực tế do đảng Cộng Sản [tạo nên] trong những năm vừa rồi đã khiến cho không có một tổ chức nào, không một nhân tài xã hội nào được phép nẩy nở, bên ngoài vòng tay của đảng. Hiện nay cũng không có đối tượng nào được phơi bày ra trong nước để người ta kén chọn. Như vậy, nếu cứ giữ nguyên trạng như thế này để mà bầu cử thì dù có dân chủ cũng chưa có triển vọng gì là tốt đẹp.”

***

Tháng Bảy, 1995, Hà Sĩ Phu nhận định như thế về mối quan hệ Washington và Hà Nội.

Tháng Sáu 2018, trong email gửi cho tôi, Hà Sĩ Phu viết: “Nhận định của mình năm 1995 đến nay vẫn đúng: Nếu tiến hành trưng cầu dân ý hoặc tổ chức bầu cử tự do ngay bây giờ thì ĐCS vẫn có thể dùng những thủ đoạn để giành phần thắng vì số dân thờ ơ với vận mệnh đất nước vẫn chiếm số đông hơn, và nhiều người (kể cả cán bộ, đảng viên có chút tỉnh ngộ), vẫn bị tiêm nhiễm bởi những luận điệu lâu đời của CS, nhất là từ thần tượng ảo HCM! Nhưng điều này mới là quan trọng: nếu để cho xã hội có một quá trình chuẩn bị sinh hoạt dân chủ thì tình hình sẽ khác hẳn. Thí dụ: nếu để một năm [cho mọi người dân] có sinh hoạt dân chủ thật thì lúc ấy tình hình bầu cử hay trưng cầu dân ý có thể đảo ngược.

Năm 2009, trong cuộc phỏng vấn đăng trên báo Người Việt xuất bản tại California, kẻ viết bài này nêu câu hỏi với ông Hà Sĩ Phu: Đảng Cộng sản Việt Nam hiện sợ gì nhất, ông nói:

“Những nhà lãnh đạo Việt Nam lo sợ trước sự đồng thuận và liên kết của các tầng lớp trí thức và nhân dân, lo sợ trước sự xuất hiện của các tổ chức, thậm chí các đảng phái… nhưng gom lại vẫn chỉ nằm trong hai nỗi lo sợ lớn mà thôi: lo sợ làn sóng dân chủ và lo sợ làn sóng chống Trung Quốc.

“Hai mối lo ấy bắt nguồn từ hai vấn nạn căn bản nhất của xã hội Việt Nam hiện nay là không dân chủ và không độc lập. Muốn có dân chủ phải chống lề thói toàn trị. Muốn có độc lập phải chống nạn Bắc thuộc đang hiện hình.”

Đa số đồng bào mình có nhìn thấy “hai nỗi lo sợ” ấy của đảng Cộng Sản không?

“Hai mặt trận đấu tranh hiện nay của nhân dân có hai kẻ thù đều là giặc: giặc NỘI XÂM và giặc NGOẠI XÂM. Hai giặc này đang liên kết với nhau và sử dụng nhân dân hai nước hòng củng cố quyền lực và làm giàu.

“Như tôi đã nói nhiều lần, Chủ nghĩa Cộng sản ngự trị được ở Việt Nam là do ký sinh vào Chủ nghĩa Yêu nước, hút sinh lực từ lòng yêu nước của nhân dân. Trước đây nhiều người đã nghĩ rằng đất nước sẽ dần dần thoát khỏi chủ nghĩa ảo tưởng phi khoa học ấy bằng con đường Dân chủ hoá và Đổi mới toàn diện. Nghĩ thế cũng đúng nhưng chưa thật trúng. Ngày càng rõ rằng chủ nghĩa ấy đã vào bằng đường nào sẽ phải ra bằng đường ấy: đã mượn đường giành độc lập để vào thì sẽ bị trào lưu giành độc lập bảo vệ dân tộc trục xuất, ‘tiễn đưa’ ra. Sự có mặt của chủ nghĩa Trung Hoa trên đất nước này phải chăng là do trời đất xui khiến đến như một nhân tố tiền định để hoàn thành cho xong công đoạn tống xuất có tính lịch sử ấy? Hoặc là dân Việt Nam sẽ có cả độc lập và dân chủ trong sáng hoặc là mất trắng cả hai. Những lời “canh bạc cuối”, “tỷ lệ năm ăn năm thua” thiêng như lời sấm vậy, báo hiệu mọi điều đều có thể xảy ra.”

Thưa ông, hai cuộc “rước” chủ nghĩa và “tiễn” chủ nghĩa ấy có gì khác nhau?

“Đã bị nạn ngoại xâm (dù kiểu cũ hay kiểu hiện đại) thì nhân dân đều mất quyền làm chủ đất nước và đều gọi tắt là mất nước. Nhưng thời thuộc Pháp ta chỉ mất nước nhưng không mất dân tộc, vì Pháp không có khả năng đồng hoá dân tộc Việt Nam. Một khi dân tộc còn thì lòng yêu nước vẫn còn, và còn khả năng kháng chiến để giành lại nước. Nhưng ngày nay, nếu mất nước thì e sẽ mất luôn cả dân tộc tính! Chưa cần chứng minh bằng cách đi sâu vào lý luận, vào giáo lý Khổng Mạnh và văn hóa Trung Hoa. Chỉ cần tưởng tượng hàng vạn (biết đâu sẽ không hàng triệu) người Tàu tràn vào, lúc đầu là chiếm chỗ lao động rồi ở lại, mỗi chàng lấy một, hai hoặc ba người vợ Việt Nam bất cứ già trẻ miễn có thể sinh đẻ (hiện tượng này đã xảy ra rồi). Rất nhiều phụ nữ Việt Nam đang nghèo đói, lấy Tàu tại chỗ chẳng hơn phải sang làm nô lệ tình dục ở tận Đài Loan, Nam Hàn, Campuchia… ư? Những đứa trẻ sinh ra sẽ là Tàu hay là Việt, có lòng yêu nước nữa không, yêu nước Tàu hay yêu nước Việt?

“Bị Hán hoá là mất dân tộc. Mất dân tộc thì đau đớn hơn mất nước vì không bao giờ tìm lại được đất nước nữa mà vĩnh viễn trở thành quận huyện! Suốt bốn nghìn năm lịch sử Việt Nam, người Tàu không thực hiện được điều này, vì khi xưa còn thiếu một chủ nghĩa “Quốc tế Vô sản Đại đồng” để tiếp tay cho những kẻ thống trị (mà Mác vẫn tưởng là mình tiếp tay cho dân nghèo), cái chủ nghĩa giúp người nọ chiếm của người kia, nước nọ chiếm của nước kia cứ ngọt sớt, nó có tài biến sự chiếm đoạt thành sự tự nguyện hiến dâng, nó cứ nhân danh một người nào đó là y như rằng sẽ chiếm lĩnh được người ấy, thôn tính được người ấy. Không có chủ nghĩa Mác thì người Trung Hoa làm sao ký được 16 chữ vàng để ùa một cái tiến vào tận gan ruột Tây Nguyên giữa nước Việt Nam?”

Theo nhận định của ông, não trạng của giới lãnh đạo hiện nay tại Hà Nội ra sao mà họ lại để Trung Quốc hành xử ngày càng ngang ngược với Việt Nam, im lặng để “tàu lạ” bắt giữ, ngăn chặn ngư dân Việt Nam đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của tổ quốc chúng ta?


“Mặc dù biết sự tha hoá của quái ác quyền lực (nghĩa là khi có quyền lực người ta có thể biến chất thành một cái gì hoàn toàn khác, Lênin cũng nói vậy), nhưng tôi không tin rằng tất cả những người cầm quyền có thể đồng thuận một cách sai trái trước một nguy cơ quá lớn mà lại quá sơ đẳng như vậy. Nhất định trong thâm tâm một số người có sự giằng xé, nhất định trong nội bộ phải có sự phân liệt ý kiến. Nhưng tại sao cuối cùng ‘con tàu’ vẫn cứ một chiều lao tới không thể dừng?

“Chỉ có thể giải thích rằng yếu tố ngoại lai quá mạnh. Kẻ đã yếu bao giờ cũng phải lo xa, nhưng nhà nước Việt Nam toàn đi nước cờ muộn màng, luôn ấu trĩ ảo tưởng nên bị lừa rất sớm. “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn” huống chi một chú nai vàng ngơ ngác đã bị con báo nhảy lên lưng?

“Điều nguy hiểm là tình thế đã muộn, khó gỡ lại đang bị đẩy cho tăng tốc, dồn dập, cấp tập, cốt tạo ra sự đã rồi, để tình thế không thể đảo ngược! Đã tàn ác thì phải tàn ác cấp tập ngay từ đầu, để sau đó sẽ nới ra một chút để tỏ lòng nhân ái, ấy là mẹo Machiavel. Thế nước như vậy chỉ có nhân dân mới làm thay đổi được. Nhân dân như vị tướng tài, như người khổng lồ vẫn bị giam lỏng, có thả vị tướng ‘vạn địch nhân’ này ra mới cứu được nước.”

Trước tình hình Trung Quốc ngày càng tỏ dấu hiệu bá quyền với Việt Nam, đồng bào mình trong và ngoài nước có thể làm được gì?

“Theo thiển ý, chúng ta cần làm cho mọi người Việt Nam tỉnh giấc để nhận ra tình huống rất bất thường của dân tộc mình trước nạn nội xâm và ngoại xâm đang ráo riết câu kết, đang có nguy cơ trở thành “sự đã rồi”. Lịch sử không cho thoát một ai, không châm chước cho ai ngủ gật hay giả vờ ngủ gật, hoặc thế này, hoặc thế kia đều phải trả giá trước lương tâm và trước lịch sử.

“Chỉ có nhân dân mới cứu được nước. Cần phát triển một xã hội dân sự cường tráng mới phát huy được sinh lực của dân.

“Cần dẹp mọi tị hiềm, mọi thù oán cũ để hướng vào vận mệnh đất nước, không hy sinh được một chút niềm riêng thì đừng nói chi điều đại nghĩa?”


***

Có lần trong cuộc trò chuyện điện thoại, Hà Sĩ Phu nói rằng “Chủ nghĩa Cộng sản đã vào Việt Nam bằng con đường lén lút; nó lẩn vào công cuộc chống Pháp của toàn dân chứ không qua sự nhận thức của trí tuệ. Bây giờ, giới lãnh đạo Hà Nội nếu khôn ngoan thì nên chính thức làm lễ tiễn cái chủ nghĩa này ra khỏi đất nước. Nếu không, đến một lúc nào dân tộc không còn chịu đựng được nữa thì cuộc nổi dậy sẽ đánh đuổi nó (Chủ nghĩa Cộng sản) như một tên ăn cắp.”


https://www.voatiengviet.com/a/ha-si-phu-dat-tay-nhau-duoi-bien-chi-duong-tri-tue/4572093.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét